CÁC BƯỚC LÀM MỘT BÀI VĂN NGHỊ LUẬN
Thông thường gồm bốn bước sau:Bước 1: Tìm hiểu đề và tìm ý
1.Tìm hiểu đề: Bài viết phải đạt được hai yêu cầu sau đây:
- Từ vấn đề nghị luận (luận đề) của đề bài xác định được luận điểm cho bài làm.
- Từ đề bài xác định được thao tác lập luận cho bài làm.
- Ở loại đề truyền thống, luận đề cũng thường là luận điểm của bài làm, còn thao tác lập luận cũng được nêu rõ trong đề tài (phân tích, chứng minh, giải thích, bình luận…); người làm bài chỉ cần đọc kĩ đề bài là có thể nhận ra ngay. Nhưng đối với loại đề mở, người làm bài phải động não suy nghĩ để xác định hai yêu cầu đó: từ luận đề (vốn là một vấn đề chung và rộng) phải chọn, tìm và xác định luận điểm cho bài viết (tức phải có chủ kiến riêng về vấn đề nghị luận); sau đó chọn các thao tác lập luận thích hợp với nội dung bài viết của mình.
2. Tìm ý:
- Từ luận điểm cơ bản của bài làm, tìm thêm các luận điểm phụ.
- Tìm các luận cứ (gồm lí lẽ, dẫn chứng) làm cơ sở cho từng luận điểm.
Bước 2: Lập dàn ý
Thực chất của bước này là tổ chức, sắp xếp các ý trong một bố cục khoa học, hợp lí bằng các thao tác lập luậnđã chọn cho bài làm:
- Dàn ý gồm ba phần: mở bài, thân bài, kết bài như bố cục đã nêu trên đây.
- Ở phần Thân bài, các ý phải sắp xếp theo một trật tự logic và được liên kết chặt chẽ với nhau trong ý tưởng toàn bài, mạch nghị luận chung của bài viết.
Bước 3: Viết bài
Nguyên tắc chung là dựa theo dàn ý để viết thành bài văn chứ không viết một cách tùy tiện. Như vậy, bài viết mới thống nhất, cân đối, chặt chẽ và có sức thuyết phục. Tuy nhiên, khi viết cũng không nên quá gò bó vào dàn ý khiến câu văn trở nên khô khan, cứng nhắc, mà phải dành cho ngòi bút một khoảng sáng tạo để thổi hồn vào bài viết, tạo khí sắc cho bài văn nghị luận. Người viết phải tạo cho mình một giọng điệu rieengphuf hợp với từng bài viết cụ thể: bài nghị luận xã hội phải như thế nào, bài nghị luận văn chương phải ra sao,… (có thể tham khảo giọng điệu nghị luận xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài “Tuyên ngôn Độc lập” và bài “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến; giọng điệu nghị luận văn chương của Hoài Thanh trong bài “Một thời đại trong thi ca…)
Bước 4: Đọc lại và sửa bài
Bước này học sinh thường coi nhẹ, ít chú ý và chưa thành một thói quen trong khi làm bài. Hậu quả là để lại những lỗi không đáng có, hạn chế một phần đáng kể kết quả của bài làm. Đây là bước bắt buộc phải có để hoàn chỉnh bài viết của mình không thể bỏ qua. Cần đọc lại để sửa những lỗi sau:
- Lỗi về nội dung: có ý nào viết còn thiếu, chưa hoàn chỉnh hoặc chưa logic, thống nhất.
- Lỗi về kiến thức: kiến thức sai, tên tác giả, tên tác phẩm sai, dẫn chứng không chính xác.
- Lỗi diễn đạt: diễn đạt không trong sáng, câu viết sai ngữ pháp.
- Lỗi về dùng từ và lỗi về chính tả.