• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Các bệnh thường gặp ở trẻ khi bắt đầu đến trường

Tháng 9 – mùa tựu trường, hàng triệu trẻ em trên cả nước bắt đầu những ngày đầu tiên đi học. Ngoài niềm mừng vui đưa con trẻ đến trường, rất nhiều cha mẹ không khỏi lo lắng, sợ con bị ốm khi đi học. Vậy cha mẹ cần trang bị một số kiến thức sau để chăm sóc cho con thật tốt trong giai đoạn đầu đi học.
Đặc điểm thể chất, tâm sinh lý ở lứa tuổi bắt đầu đi học:

Tuổi bắt đầu trẻ đi học là lứa tuổi mẫu giáo, thông thường được tính từ khi trẻ 3 đến trước 6 tuổi. Thậm chí hiện nay nhiều trẻ được đi đến lớp sớm hơn trước 3 tuổi do điều kiện bận rộn của cha mẹ.
Giai đoạn này, về thể chất, trẻ chậm lớn hơn những năm trước đó. Trẻ ăn được thức ăn cứng của người lớn, bắt đầu chán thức ăn mềm của trẻ nhũ nhi. Vì vậy, trẻ rất dễ chán ăn. Tuổi này trẻ phát triển nhiều khả năng như nói sõi, hát, đọc thơ, học vẽ, học đếm. Trẻ bắt đầu tiếp xúc rộng rãi với môi trường trường học, có nhiều bạn bè và nhiều người xung quanh nên trẻ dễ có những rối loạn về tâm lý, có nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu và lây lan các bệnh truyền nhiễm.

Về những rối loạn tâm lý ở trẻ lần đầu tiên đi học:
Một số trẻ lần đầu tiên đi học có biểu hiện sợ hãi, lo lắng do sợ xa mẹ, sợ bạn bè trêu chọc… Trẻ thường khóc la, phản kháng, không chịu đến lớp hay biểu hiện: thay đổi tính tình, dễ cáu gắt, rối loạn tiểu tiện (đái dầm, nín tiểu).

Biện pháp cho cha mẹ: Cần giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi, lo lắng bằng cách làm công tác chuẩn bị tâm lý cho trẻ: Trò chuyện với trẻ, nhẹ nhàng giải thích để trẻ biết được sự cần thiết phải đến trường, tạo tinh thần tự giác cho trẻ. Khuyến khích tính độc lập và tự tin của trẻ giúp trẻ giao tiếp với bạn bè. Tạo sự an tâm cho trẻ, giúp trẻ dễ dàng hòa hợp với môi trường học đường, hạn chế những rối loạn tâm lý.

Về nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu:
Bệnh nhiễm trùng đường tiểu hay gặp ở trẻ em lứa tuổi này, gặp ở trẻ nữ nhiều hơn trẻ nam. Nguyên nhân thường do lạ chỗ làm trẻ nín tiểu, uống ít nước, sau đi tiểu không vệ sinh sạch sẽ.
Biểu hiện nhiễm trùng đường tiểu thường mơ hồ và dễ bị bỏ qua như: sốt kéo dài, biếng ăn hay chỉ là không tăng cân. Nếu để ý, sẽ nhận thấy trẻ có tình trạng tiểu ít đi, màu sắc nước tiểu thay đổi, hoặc có biểu hiện tiểu ngắt quãng, tiểu rắt, tiểu són trong quần kéo dài.
Khi trẻ có các biểu hiện này, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện khám, xét nghiệm nước tiểu chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời.

Về các bệnh truyền nhiễm trẻ dễ mắc và cách phòng ngừa, chăm sóc:
Bệnh hô hấp:
Gồm các bệnh viêm hô hấp trên và viêm phế quản phổi.
Ở các nhà trẻ hay gặp viêm họng do siêu vi kết hợp với viêm kết mạc mắt, có thể gây thành dịch. Bệnh bắt đầu đột ngột biểu hiện: sốt trong vài ngày, chảy nước mắt, nước mũi, ho nhẹ, có khi kèm đau họng, nuốt khó. Nhưng trẻ vẫn chơi bình thường. Nếu không có bội nhiễm vi khuẩn, hầu hết các trường hợp viêm họng do siêu vi đều tự khỏi trong vòng 4 – 5 ngày.

Phòng ngừa viêm hô hấp trên:
• Tránh để trẻ tiếp xúc môi trường có khói bụi, thuốc lá, không khí lạnh.
• Cách ly trẻ với người bệnh.
• Vệ sinh răng miệng, xịt rửa mũi, súc họng hàng ngày.
• Tiêm chủng đầy đủ.
Cách chăm sóc trẻ tại nhà:
• Khi trẻ sốt nhẹ, cho trẻ mặc quần áo mỏng và thoáng.
• Làm thông thoáng mũi. Khi trẻ ho, khò khè vỗ rung giúp tống xuất đờm ra ngoài. Dậy trẻ che miệng khi ho, hắt hơi và không khạc nhổ bừa bãi.
• Tránh tiếp xúc khói, bụi, thuốc lá, không khí lạnh (vì sẽ kích thích trẻ ho).
• Cho trẻ uống nhiều nước và tăng cường dinh dưỡng.
Biến chứng của viêm hô hấp trên là viêm phổi. Trẻ thường sốt cao, ho đờm, thở nhanh, khó thở. Trẻ mệt mỏi, kém ăn, kém chơi. Những trẻ này cần được khám, điều trị tại cơ sở y tế. Chăm sóc tại nhà, cha mẹ cần theo dõi nhịp thở, kiểu thở, các biểu hiện khó thở là những dấu hiệu bệnh tăng nặng. Nếu có một trong các dấu hiệu: Sốt rất cao, mệt nhiều, thở mệt, thở bất thường cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được chăm sóc và điều trị kịp thời.

Bệnh nhiễm siêu vi:
Đặc điểm nổi bật là sốt đột ngột, sốt cao > 39 độ C, sốt liên tục cả ngày và đêm, dùng hạ sốt, thân nhiệt có giảm một thời gian rồi lại tăng lên. Kèm theo sốt, nhiều trẻ còn phát ban, đau bụng, nôn, tiêu chảy.

Bệnh nhiễm siêu vi rất hay gặp và cần lưu ý vào mùa mưa là bệnh sốt xuất huyết. Biểu hiện xuất huyết có thể đa dạng từ nhẹ đến nặng: những chấm xuất huyết li ti trên da, hay tự nhiên có vết bầm, mảng xuất huyết ở tay chân, thân mình, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn máu, đi tiểu máu…
Các biểu hiện nhiễm siêu vi thường xuất hiện cấp tính, trẻ hết sốt sau 3 – 5 ngày, khỏe lại từ từ. Nếu sốt xuất huyết trở nặng, trẻ đột nhiên hết sốt và mệt nhiều, bứt rứt, vật vã, tay chân lạnh, đau bụng, nôn hoặc đi tiểu ra máu.

Phòng tránh nhiễm siêu vi: cần giữ ấm cho trẻ, đảm bảo vệ sinh ăn uống, giữ môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ. Phòng ngừa sốt xuất huyết: Diệt muỗi, giữ nhà cửa thông thoáng, dọn vật chứa nước cặn, nằm màn. Không cho trẻ chơi chỗ tối (góc nhà, kẹt tủ…). Nếu trẻ sốt cao, sau 2 ngày dùng thuốc hạ sốt mà trẻ không đỡ hơn, cha mẹ phải đưa trẻ đi khám ngay để phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết.
Nguồn ST
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top