CÁ CHÉP VƯỢT VŨ MÔN HÓA RỒNG
Cá chép (cá lý ngư) là biểu tượng cho sự kiên trì, bền chí. Trong truyền thuyết có câu chuyện cá chép hoá rồng, vì thế cá chép thường được coi như rồng – một con vật linh thiêng cao quý.
Cả bầy cá chép, con nào cũng muốn vượt qua cửa rồng. Bởi chúng biết, hễ vượt được qua cửa rồng, thì chúng sẽ từ những con cá chép tầm thường trở thành những con rồng siêu phàm thoát tục.
Khốn nỗi, cửa rồng cao quá, cả bầy cá chép con nào con nấy mệt đứt cả hơi va vấp đến nỗi thâm tím cả mặt mày mà chẳng con nào nhảy qua được. Bầy cá xúm lại xin với Long Vương, để Long vương hạ cửa rồng thấp xuống một chút. Long vương không bằng lòng, cả bầy cá chép bảo nhau quỳ mọp trước mặt Long vương, không đứng dậy nữa. Chúng quỳ luôn ở đấy chín chín tám mươi mốt ngày, cuối cùng Long vương cũng mủi lòng và đáp ứng yêu cầu của bầy cá.
Thế là cá lớn cá bé nhẹ nhàng thoải mái vượt qua cửa rồng và vui mừng hể hả vì cả bọn đều biến thành rồng.
Không lâu sau, những con cá chép được hóa rồng ấy bấy giờ mới phát hiện ra một điều là tất cả cá chép đều hóa rồng, cũng chẳng có gì khác so với lúc tất cả đều chưa phải là rồng. Thế là, cả bầy cá lại đi tìm Long vương nói lên điều ngờ vực khó nghĩ trong lòng.
Long vương cười và bảo: “Cửa rộng chính thức thì không thể hạ thấp được, nếu các ngươi muốn có cảm giác thực sự của con cá chép được hóa rồng, thì hãy đi mà nhảy qua cái cửa rồng không hạ bớt chiều cao kia kìa”.
Lời bình:
+ Câu chuyện nói về việc muốn đạt được sự thay đổi thực sự như từ loài cá chép hóa thành rồng, từ nhà tranh vách lá thành… nhà lầu, từ khó khăn đến thành đạt sự nghiệp,… tất cả đều cần có sự thay đổi vượt bậc nào đó, thậm chí phải có hy sinh, đánh đổi, mất mát… Khi không đủ khả năng để vượt qua ngưỡng giới hạn nào đó thì sự thay đổi về lượng thành chất chỉ là ngộ nhận. Không cứ ăn mặc bảnh bao, nước hoa thơm phức là thành đạt; cưỡi ô tô đắt tiền, tiền xài như nước là doanh nghiệp thành công…
Đạo người lấy thấp bù cao,
Cao cho đến lộn tùng nhào chưa yên.
Đạo trời bù dưới bớt trên,
Cân bằng sinh thái không thêm bớt gì.
(Thơ Bảo Sinh)
Trong triết học duy vật thường nhắc tới nguyên lý chuyển hoá lượng – chất sau đây: “Sự biến đổi về lượng dẫn đến sự biến đổi về chất và ngược lại”. Nhiều người đã nhầm lẫn, suy luận rằng cứ đạt được điều kiện biến đổi dần dần về lượng là sẽ đạt được kết quả là biến đổi về chất. Thực ra, không thể lấy số lượng đổi ngang với chất lượng. Tuy nhiên, khi chất tăng lên thì lượng sẽ tăng lên, đây mới thực sự là lượng – và chất đích thực. Điều này phù hợp trong mọi lĩnh vực: tình yêu, hạnh phúc, thịnh vượng, kiến thức, công bằng, văn hóa… + Có thể nói niềm tin cá hóa rồng là niềm tin về hiện tượng thăng hoa diễn ra trong vũ trụ và trong cả cuộc đời trần tục. Từ trong sâu thẳm, đó còn là ước vọng về sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác, về khả năng cải tạo cái ác, cái xấu. Trong ca dao Nam bộ, “cá hóa rồng” mở ra hướng phát triển tiến tới sự hoàn thiện hơn. Do vậy mà trong một số trường hợp, cá biểu trưng cho một nhân cách thanh cao dạng tiềm ẩn hoặc là hướng tới một kết qủa tốt đẹp:
Trên trời có cây hóa kiểng,
Dưới biển có cá hóa long,
Con cá lòng tong ẩn móng ăn rong,
Anh đi lục tỉnh giáp vòng,
Đến đây trời khiến động lòng thương em.
Bậu chê anh quân tử lỡ thì,
Anh tỷ như con cá ở cạn chờ khi hóa rồng.
Ngày nào nên ngãi vợ chồng,
Đôi lứa ta như thể cá hóa rồng lên mây.
Mù u nhỏ rễ ăn lan,
Sợ mình nói gạt qua đàng đấy thôi.
Phụng hoàng chấp cánh bay xuôi,
Liệu bề thương đặng, mình ơi, tôi chờ.
Nước lên khỏi bực tràn bờ,
Thương mình thương vậy, biết chờ đặng không?
Đặng không tôi cũng gắng công,
Đợi cho con cá hóa rồng sẽ hay.
Gặp mình may quá là may,
Trông cho trời tối bắt tay đặng về.
+ Nỗ lực không ngừng nghỉ để vượt qua chính mình… đó chính là hình ảnh của “Chép Vượt Vũ môn” hay còn gọi là “Cá Chép Hóa Rồng”.
(ST)