• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Bối cảnh thế giới và tình hình nước Việt Nam phong kiến giữa thế kỷ XIX

Bút Nghiên

Smod Trùm ^^
Thế kỉ XVIII và XIX là thế kỉ có đầy rầy những biến động đối với thế giới và khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt nam.

Ở phương Tây, giai cấp tư sản các nước lần lượt nắm chính quyền. Công thương phát triển mạnh, khoa học kỹ thuật trong thế kỉ ánh sáng gặt hái được nhiều thành công. Vào những năm 60-70 của thê kỉ XVIII cách mạng Anh đã nổ ra. Cuộc chiến tranh giành độc lập ở Bắc Mỹ thành công đã đưa giai cấp tư sản lên địa vị thống trị Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Hàng hoá của tư bản các nước ùn ùn được chở ra nước ngoài và cũng tới tấp chở về những vàng, bạc châu báu, hương liệu và các sản vật quý hiếm.
Khi thị trường thương mãi đã trở nên chật hẹp, các nước tư bản phương Tây bắt đầu đua nhau kéo sang phương Đông, vừa để bán sản phẩm của nền công nghiệp, vừa đầu tư vốn để kiếm lời trong các ngành kinh doanh, khai thác nguyên liệu và nguồn nhân công rẻ mạt.

Vận mạng của các dân tộc bị chủ nghĩa tư bản thực dân phương Tây đe doạ. Giữa lúc đó, trật tự phong kiến ở các nước châu Á đang lung lay trước mâu thuẫn không thể điều hoà giữa giai cấp phong kiến nắm quyền và nông dân trong nước.

Cuộc chạy đua xâm chiếm các nước phương Đông làm thuộc địa đã dần dẫn xác lập vị trí của thực dân Anh và Pháp ở vùng này.

Cuộc chạy đua xâm chiếm các nước phương Đông làm thuộc địa đã dần dẫn xác lập vị trí của thực dân Anh và Pháp ở vùng này.

Tại Trung quốc từ giữa thế kỷ XVII giai cấp thống trị Hán tộc đã phải khuất phục trước sự thống trị của phong kiến ngoại tộc. Nhà Mãn Thanh lên cầm quyền. Trước nguy cơ bị phương Tây xâm lược, phong kiến Trung Quốc vẫn khư khư ôm lấy mớ lý thuyết sáo rỗng cũ kĩ, cho Trung Quốc là trung tâm của nền văn minh thế giới. Đối nội thì ra sức củng cố chế độ chuyên chế độc tài, đối ngoại thì bành trướng và bế quan toả cảng.

Trong khi đó thì nước Việt Nam cũng không có gì khá hơn, cũng lại lăn theo vết xe đổ Trung Quốc, dập theo kinh nghiệm Trung quốc để chìm đắm trong giấc ngủ phong kiến ngàn năm.

Về chính trị luật pháp:

Sau khi lên ngôi, Gia Long cho củng cố chế độ quân chủ chuyên chế tập quyền.

Trên hết có hoàng đế, nắm tất cả quyền bính; có Cơ mật viện bàn quốc sự lớn lao, nhưng ý kiến quyết định cuối cùng vẫn là ý kiến của nhà vua.
Hoàng đế tự xưng là Thiên tử - Con trời, thay trời trị dân. Vua có uy quyền tuyệt đối, cho ai sống thì được sống, bắt ai chết thì kẻ đó phải chết. Ý vua là phép nước và nước là nước của vua. Trong thực tế, vua là một địa chủ lớn nhất, có toàn quyền quyết định trong việc sử dụng ngân khố nhà nước, có quyền tước đoạt bất kì caí gì, của bất cứ ai nếu nhà vua muốn

Lúc đầu thời Gia Long, ở Bắc kì và Nam Kì có đặt chức khâm sai tổng trấn thay mặt vua trông nom, về sau triều đình trực tiếp với tay xuống các địa phương. Các hàng quan đầu tỉnh đều do Nhà nước bổ nhiệm, thông qua thi cử. Ở vùng thượng du, triều đình không có khả năng trực trị thì thông qua các tù trưởng để nắm quyền.

Từ Minh Mạng trở đi, tính tập quyền ngày càng cao. Nhà vua tự mình”châu phê", soạn thảo các văn bản, và sắp đặt mọi việc
"Vua sáng suốt về việc chính trị, những tờ sớ dâng lên, vua đều xem hết và trước mặt chỉ bảo cho; hễ việc gì quan trọng tâu lên thì phần nhiều là vua tự nghị soạn lấy, hoặc bảo ra rồi giao phó cho, hoặc châu phê vào. Bản châu phê bắt đầu từ đấy mới có".

Để cai trị những vùng thôn quê rộng lớn, nhà Nguyễn chú trọng tận dụng tầng lớp địa chủ phú hào và chuyển bộ phận này thành công cụ thừa hành đắc lực của quan lại từ cấp tri huyện trở lên và được coi là ”dân quan". Và như vậy, trong khi đám quan lại ở triều đình tự biến mình thành gia nhân trung thành của nhà Nguyễn, thì đám quan lại ở địa phương đã trở thành những kẻ ”cuớp ngày", được dung dưỡng, bợ đỡ, tha hồ đục khoét nhân dân. Năm 1828, Nguyễn Công Trứ tâu rằng: "Quan lại nhũng tệ chỉ mới hai ba phần, còn điêu hào làm hại đến bảy tám phần; cuớp của giết người, giết vợ cuớp con mà trên vẫn không biết, vẫn không tội vạ gì"

Việc cai trị trong các làng thì nhất nhất ở tay ban hội tề, hương chức. Ban hương chức có nhiều quyền hành trong làng. Ngoài việc thu thuế, bắt sưu, bắt lính còn đảm đương việc chia công điền, công thổ. Họ đuợc quyền cho mướn công điền để thu tô; lập sổ bộ người và đất, đề ra lệ làng... hình thành cơ chế “tự trị” với những luật kệ hà khắc, phức tạp. Nói cách khác, dưới các thôn xã, quyền bính nằm trong tay bộ phận phú hào, cả về kinh tế, cai trị, giáo dục. Vận mạng của dân làng phụ thuộc vào các tổng lí, kì dịch.

Bộ luật Gia Long (còn gọi là Hoàng Việt luật lệ) nói là đã tham khảo bộ luật Hồng Đức thời Lê nhưng thực chất đã gạt bỏ những điều tiến bộ của luật Hồng Đức, sao chép gần hết bộ luật của triều Mãn Thanh, một quốc gia phong kiến phản động nhất châu Á. Trong tổng số 328 điều thì có tới 166 điều là luật hình, 58 điều luật quân sự. Để áp dụng có hiệu lực bộ luật trên, nhà Nguyễn lập ra một tổ chức chuyên trách về tư pháp ở cấp tỉnh gọi là Ty Niết.

Quần chúng nhân dân bị áp bức thậm tệ. Ngoài thuế khóa, sưu dịch họ còn phải chịu vô số luật lệ quái gở ví dụ:dù có tiền cũng không được xây nhà lầu. Nhà dân không được làm theo kiểu ”Nội công ngoại quốc”... Dân thường không được ăn vận quần áo có các mầu vàng, lam, tím... chỉ được dùng màu đen, nâu. Không được đi giày...

Về kinh tế xã hội:

Thời Nguyễn, chế độ sở hữu ruộng đất công đã suy yếu nhiều. Nạn chấp chiếm ruộng đất của địa chủ ngày càng trầm trọng. Sách Minh Mạng chính yếu cho biết vào năm 1840 tại tỉnh Gia Định ”không có ruộng công, các nhà giàu đã bao chiếm ruộng tư đến ngàn trăm mẫu,dân nghèo không được nhờ cậy”. Cũng theo sử cũ, vào năm 1852 trong 31 tỉnh của toàn quốc thì chỉ có hai tỉnh là Thừa Thiên và Quảng Trị là có số ruộng công nhiều hơn ruộng tư. 01 tỉnh là Quảng Bình có ruộng công và ruộng tư bằng nhau, còn lại 28 tỉnh khác ruộng tư nhiều hơn ruộng công, trong đó, phần ruộng tốt thì cường hào chiếm cả, thừa ra thì hương lí bao chiếm. Dân chỉ được phần ruộng xấu, cằn cỗi, xác màu.

Nạn cường hào nhũng nhiễu đã nhiều lúc làm cho triều đình Huế lo ngại. Song vì đây là bộ phận riềng cột của chế độ, cho nên dù có biết vậy mà triều đình đành phải làm ngơ.

Vì không còn ruộng công để phong cấp cho quan lại như trước, mà lại cần nhiều tiền để chi dùng, nhà nước Nguyễn không có cách nào khác là phải vơ vét bóc lột nhân dân bằng mọi mánh khóe, thủ đoạn.

Vì không còn ruộng công để phong cấp cho quan lại như trước, mà lại cần nhiều tiền để chi dùng, nhà nước Nguyễn không có cách nào khác là phải vơ vét bóc lột nhân dân bằng mọi mánh khóe, thủ đoạn.

Do bị áp bức trăm đường, không chịu nổi nên nhiều nông dân đã phải bỏ làng mà đi. Có năm tại trấn Hải Dương, trong tổng số 13 huyện, dân phiêu tán mất 108 thôn xã.

Để giải quyết tình trạng khó khăn về kinh tế, tài chính, nhà Nguyễn cho thực hiện chính sách khai hoang.

Từ 1802 đến 1855 nhà nước ban hành 25 quyết định về khai hoang, trong đó có 16 quyết định cho áp dụng ở Lục tỉnh, 2 ở Bắc thành,1 ở vùng Kinh kì và 6 đối với toàn quốc. Trong Nam cũng như ngoài Bắc, hình thức chủ yếu là chiêu mộ dân lưu tán để khai hoang lập ấp. Đồn điền phát triển mạnh ở Lục tỉnh, theo hình thức: hoặc Nhà nước giao cho binh lính hay tù nhân bị lưu đày khai hoang, hoặc cho tư nhân chiêu mộ dân khai thác. Một số quan lại tổ chức tốt việc khai hoang như Nguyễn Công Trứ lập ra hai huyện Kim Sơn, Tiền Hải và một số tổng ở Nam Định; Nguyễn Văn Thoại đào sông Núi Sập Thoại Hà, kênh Vĩnh Tế và khẩn hoang vùng Châu Đốc (An Giang); Trương Minh Giảng lập được 25 thôn ở vùng biên giới Việt Nam- Căm Pu Chia; Nguyễn Tri Phương lập được 21 cơ đồn điền và tổ chức 124 ấp ở Lục tỉnh. Diện tích đất nông nghiệp nhờ thế mà đã tăng nhanh so với trước. Theo thống kê vào năm 1820 có 3.076.300 mẫu; năm 1840:4.063.892 mẫu và năm 1847 tăng lên 4.278.013 mẫu

Tuy diện tích canh tác có tăng nhưng tình trạng dân lưu tán vẫn tiếp tục xảy ra vì số đất khai hoang được chỉ một thời gian sau đã lại rơi vào tay giai cấp địa chủ phong kiến.

Tình trạng của nông nghiệp đã như vậy, thì công thương nghiệp lại càng bi đát.

Dưới thời Nguyễn, nhà nước vẫn duy trì chế độ công tượng cũ. Việc lùng bắt các thợ giỏi đưa về kinh đô phục vụ cuộc sống cung đình khiến cho thủ công dân gian ngày thêm tàn lụi. Thêm vào đó là chính sách ngăn sông cấm chợ, tục giấu nghề và các quy định ngặt nghèo vô lý của nhà nước như cấm buôn bán đồ sắt, cấm khai thác mỏ ở một số vùng; tư nhân không được giao thương với nước ngoài... đã khiến cho các trung tâm thương mại trở nên thưa thớt, công thương nghiệp tiêu điều. Những người thợ khéo tay nhiều khi chỉ được sử dụng vào việc làm thỏa mãn tính hiếu kì của các bậc vương giả... đã khiến cho nền công nghiệp chân chính không thể ra đời.

Chính sách ”bế quan tỏa cảng” khước từ mọi quan hệ thông thương với bên ngoài đã làm cho Việt Nam bị tách biệt với các nước. Chính sách thuế ngặt nghèo lại giáng tiếp đòn nặng nề vào công thương nghiệp làm cho nó không sao phát triển được; công nghiệp cũng không có điều kiện để trở thành một ngành riêng, ngược lại, nó có xu hướng bị hòa tan vào nền kinh tế tự cung tự cấp của xã hội phong kiến lạc hậu.

Ách áp bức nặng nề cùng với những chính sách đối nội, đối ngoại thiển cận của Nhà nước phong kiến Nguyễn đã trở thành nguyên nhân của hàng loạt cuộc khởi nghĩa nông dân kéo dài suốt từ thời Gia Long đến thời Tự Đức, trong đó có những cuộc khởi nghĩa lớn kéo dài nhiều năm thu hút hàng ngàn người tham gia, khiến cho mâu thuẫn xã hội ngày càng trở nên sâu sắc.

Trong suốt 18 năm thời Gia Long (1802-1820) có 73 cuộc khởi nghĩa nông dân. Từ thời Minh Mạng trở về sau, cho đến năm 1858, các cuộc khởi nghĩa nổ ra ngày càng nhiều hơn, quy mô ngày càng lớn hơn. Năm 1821 có cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành ở vùng Nam Định (kéo dài tới tận năm 1827). Năm 1833 có khởi nghĩa của Lê Duy Lương ở Ninh Bình, Lê văn Khôi ở Gia Định, Nông văn Vân ở Tuyên Quang. Năm 1854 nổ ra cuộc khởi nghĩa của Cao Bá Quát ở Bắc Ninh...

Trong vòng 7 năm ở ngôi của Thiệu Trị, đã có tới 56 cuộc khởi nghĩa nông dân.

Thời Tự Đức, cao trào nông dân khởi nghiã đã làm cho nền tảng chế độ phong kiến lung lay muốn đổ. Đáng chú ý nhất là các cuộc khởi nghĩa của Hoàng Phan Thái, khởi nghĩa của cai tổng Vàng (ở Bắc Ninh) và cuộc khởi nghĩa năm 1854 ở vùng Sơn Tây (giặc Châu chấu) do Cao Bá Quát, một nhà thơ và nhà tư tưởng bậc nhất thế kỉ 19 lãnh đạo. Theo thống kê chưa đầy đủ chỉ từ năm 1848 khi Tự Đức lên ngôi đến năm 1862 là năm thực dân Pháp cuớp trắng ba tỉnh miền Đông Nam Kì đã có 40 cuộc khởi nghĩa và nếu tính đễn năm 1883, khi nhà Nguyễn ký điều ước Hác măng, thừa nhận sự chiếm đóng của Pháp trên toàn cõi Việt nam thì các cuộc khởi nghĩa chống triều đình đã lên tới con số 103.

Phong trào nông dân khởi nghĩa nói trên đã khẳng định rằng, vào lúc thực dân Pháp chuẩn bị nổ súng xâm lược nước ta là lúc mâu thuẫn giữa nông dân với phong kiến đã trở nên hết sức sâu sắc. Tuy nhiên nông dân bao giờ cũng là một lực lượng yêu nước quan trọng. Họ tỏ ra hết sức tỉnh táo và nhậy bén trước thời cuộc và có sức sống, sức quật khởi trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Chính quần chúng nhân dân, trong đó chủ yếu là nông dân, chứ không phải là ai khác đã trở thành chỗ dựa của các sĩ phu yêu nước, làm tách một bộ phận phong kiến tiến bộ ra khỏi triều đình phong kiến đầu hàng, tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh chống xâm lăng của dân tộc ta ở giai đoạn sau.

( Sưu tầm )
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top