'Bó tay' với việc học sinh đi xe máy?

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Bó tay' với việc học sinh đi xe máy?

Bất chấp lệnh cấm từ trường học và quy định của pháp luật, ngày càng nhiều học sinh đi xe máy đi học, thậm chí phạm luật giao thông, trong khi chính các phụ huynh lại dung túng các hành vi này của con cái.

Anh Nguyễn Quang Anh, quận Cầu Giấy, cho biết, chỉ tính đoạn đường từ nhà đến cơ quan anh dài khoảng 5 km, mỗi ngày anh cũng gặp đến 10 "tay lái" là học sinh. Mặc đồng phục áo trắng, khuôn mặt non choẹt, những "tài xế" này ngang nhiên không đội mũ bảo hiểm, kẹp ba, đánh võng. "Cứ nhìn thấy những xe này là tôi tránh xa”, anh Quang Anh nói.

Phụ huynh, bãi trông xe tiếp tay cho học sinh?

Mặc dù biết cho con đi học bằng xe máy là sai luật và nguy hiểm nhưng một số phụ huynh học sinh vẫn “tậu” xe cho con đi học, thậm chí là xe đẹp, đắt tiền.

Là chủ một công ty bất động sản, chị Thơm mua hẳn cho cậu con trai học lớp 11 một THPT ở quận Cầu Giấy chiếc xe Airblade có giá gần 40 triệu đồng để đi học. Chị cho biết, lý do mua xe là nhà chị cách trường gần 5 km, nếu đi học bằng xe đạp cũng phải mất gần 30 phút, đi xe buýt thì chật chội, nóng bức, bất tiện. “Biết cho con đi xe là sai luật nhưng tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Cháu đi xe đạp, xe buýt vừa mất thời gian, vừa vất vả, đi được đến trường đã mệt nhoài thì còn hơi đâu mà học”, chị Thơm nói.

View attachment 2186

Nhiều phụ huynh biết con mình vi phạm luật an toàn giao thông nhưng vẫn làm ngơ. Ảnh: Lê Hiếu

Cùng quan điểm này, anh Tiến, phụ huynh một học sinh ở quận Hoàng Mai, cho rằng, cực chẳng đã mới phải mua xe máy cho con đi học vì đi các phương tiện khác đến trường không thuận tiện. Anh Tiến nói: “Hai năm trước con tôi toàn đi học bằng xe đạp. Năm nay học cuối cấp, cháu đi học thêm nhiều tôi định mua xe đạp điện, xe máy điện cho cháu đi nhưng đường Hà Nội hễ mưa là ngập, dễ hỏng xe, thuê người đưa đi đón về đắt đỏ và phụ thuộc. Suy đi tính lại tôi mới đưa xe máy cho cháu”.

Một số phụ huynh lại cho con đi xe máy để... giúp việc nhà. Chị Tuyết, nhà ở quận Cầu Giấy, giao xe cho cô con gái lớn đang học lớp 11 để giúp mẹ đi chợ, đón em. "Tôi và chồng tôi đều 17h mới tan làm, mà đường thì tắc, đứa út đang học lớp 1, đến muộn thì nhỡ đâu cháu đi đâu lạc thì nguy, nên tôi giao nhiệm vụ đón em và đi chợ luôn cho con gái lớn, được cái cũng yên tâm vì nó đi xe cẩn thận", chị Tuyết nói.

Không chỉ mua xe máy, có phụ huynh còn "tậu" cho con xe tay ga đắt tiền để đi học. Chị Tuyết cho biết, sau khi tham khảo ý kiến đồng nghiệp, chị quyết định mua cho con chiếc Attila vì nếu mua xe số, các bạn nam giới của con gái sẽ mượn để đi... đua xe.

Nhà trường bó tay?

Theo quy định, các trường học đều cấm học sinh đi xe máy, vì thế, hầu như tất cả bãi xe trong các trường THPT ở Hà Nội đều không có bóng dáng các loại xe này. Tuy nhiên, các học trò lại "lách" bằng cách gửi xe tại các nhà dân, chợ gần trường.


Theo ông Vũ Đức Thứ, Hiệu phó THPT Phương Nam, quy định cấm học sinh đi học bằng xe máy là chủ trương đúng nhưng để kiểm soát triệt để việc này rất khó khả thi. Bởi, dù biết nhiều học sinh đi xe máy đều gửi lẻ tẻ ở các nhà dân để che mắt nhà trường, nhưng không có cách nào "lần ra" hết. "Nhiều lần nhà trường phối hợp với chính quyền sở tại kiểm tra và giải tán một số điểm trông xe công cộng, nhưng vẫn còn học sinh gửi xe "chui" tại các nhà dân. Nếu phát hiện được em nào đi xe máy chúng tôi sẽ kỷ luật”, ông Thứ nói.

Ông Thứ cho rằng, những hình thức xử phạt của ngành giáo dục không đủ mạnh để giảm thiểu hiện tượng này. “Một mình nhà trường không thể giải quyết triệt để được. Theo tôi, phải mạnh tay hơn khi xử lý giao thông những trường hợp học sinh đi học bằng xe máy. Ví dụ lực lượng giao thông tăng cường kiểm tra và tịch thu xe không trả lại với những trường hợp này", ông Thứ nêu ý kiến.

Theo ông Lê Hồng Vũ, Hiệu trưởng THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ), giải quyết triệt để tình trạng học sinh đi học bằng xe máy là rất khó bởi lẽ hệ thống xe công cộng ở Hà Nội hiện nay còn hạn chế. "Hiện mới có hai tuyến xe buýt đi qua khu vực trường tôi và hầu hết các xe đều quá tải, có khi xe đi qua bến nhưng không dừng. Trong khi đó thuê xe đưa đón học sinh thì đắt đỏ, tính trung bình phải 800.000 - 900.000 đồng mỗi học sinh một tháng", ông Vũ cho biết.

Ông Vũ cho rằng, giải pháp bền vững và khả thi nhất để giải quyết vấn đề này là chấp nhận thực tế nhu cầu đi xe máy của học sinh nhưng có chế tài nghiêm ngặt. "Có thể hạ độ tuổi được phép đi xe máy xuống còn 16 - 17 tuổi và quy định loại xe được đi, cho các em học luật và thi lấy bằng. Khi đó, nếu học sinh nào vi phạm luật (không đội mũ bảo hiểm, lượn lách, vượt đèn đỏ, chờ ba ...) thì phạt thật nặng. Các mức phạt có thể từ cảnh cáo, đình chỉ học, thậm chí đuổi học", ông Vũ nói.

Trao đổi với Đất Việt, ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên. Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng ngành giáo dục chủ yếu làm công tác giáo dục, tuyên truyền để học sinh ý thức, tự giác chấp hành luật an toàn giao thông. “Mình ngành giáo dục không thể giải quyết triệt để vấn đề này”, ông Nhật nói.

Tuy nhiên, trong năm học này, ngành giáo dục sẽ phối hợp với công an thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh về luật an toàn giao thông.


Theo Đất việt.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top