Bình giảng bài thơ Tống biệt của Tản Đà

Như Bình

New member
Xu
0
Thi đàn văn học Việt Nam trải qua nhiều biến động thăng trầm cùng lịch sử, những biến động thời cuộc đã sinh ra những con người toàn tài đóng góp sức mình cho sự nghiệp thi ca của dân tộc với những đặc điểm nổi bật. Tản Đà, một ngôi sao sáng trên thi đàn thơ ca Việt Nam thế kỉ XX, với bút lực phóng khoáng, độc đáo và đậm cá tính. Trong Thi nhân Việt Nam Hoài Thanh, Hoài Chân có lời nhận xét “Đôi bài thơ của tiên sinh ra đời từ hơn hai mươi năm trước đã có một giọng phóng túng riêng. Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hoà nhạc tân kỳ đương sắp sửa” [FONT=&quot][1]https://diendankienthuc.net/diendan/#_ftn1. Bài thơ Tống biệt là một minh chứng cho phong cách riêng của Tản Đà.[/FONT]

Lá đào rơi rắc lối thiên thai
Suối tiễn, oanh đưa những ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh
Một bước trần ai
Ước cũ, duyên thừa có thế thôi!
Đá mòn, rêu nhạt.
Nước chảy, huê trôi
Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ nay xa cách mãi!
Cửa động đầu non, đường lối cũ,
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi…

Bài thơ này nằm trong vở kịch Thiên Thai (1916 – 1917), sau rút ra in vào tập Khối tình con II (1918) như một bài thơ bên cạnh những bài thơ khác.

Tống biệt với chiều sâu thẳm đưa người đọc dạo bước qua những cung bậc tình cảm khác nhau của cõi tiên, từ huyền thoại lịch sử cho đến di tích còn vương dấu tích của thời gian. Tâm trạng nhà thơ như nặng trĩu tâm sự nhân tình thế thái, cái tôi lãng mạn tư sản đã thổi cho “lá đào, suối, oanh, cái hạc” một linh hồn khiến cho những ước lệ kia, dù đẹp cũng không trở nên những cái vỏ sáo rỗng, vô hồn. Tác giả đã sử dụng những chất liệu cổ điển để vẻ lên một cuộc chia tay không hẹn ngày gặp lại, mang đậm chất suy tưởng qua những câu chữ và cách sử dụng từ điêu luyện. Bài tay tài hoạ của người nghệ sĩ điêu khắc đã tạc vào thời gian những bức tranh với những đường nét và hình khối rỡ ràng.

Bài thơ đã sử dụng diễn tích hai chàng thư sinh là Lưu Thần và Nguyễn Triệu đời Hán, nhân tết Đoan ngọ vào núi Thiên Thai (Chiết Giang, Trung Quốc) hái thuốc bị lạc lối về. Hai chàng bất ngờ gặp được tiên nữ, rồi kết làm vợ chồng. Sống hạnh phúc được nửa năm thì cả hai cùng nhớ quê muốn về thăm. Các tiên nữ cho biết đây là cõi tiên, đã về trần thì không thể trở lại, song vẫn không giữ được hai chàng. Lưu, Nguyễn về làng thấy quang cảnh khác xưa, thì ra họ đã xa nhà đến bảy đời. Buồn bã, hai chàng trở lại Thiên thai, thì không còn thấy các tiên đâu nữa. Kể từ đấy, họ cũng đi đâu biệt tích. Tuy nhiên, nhà thơ nói đến cảnh chia biệt đầy lưu luyến của Lưu Thần và Nguyễn Triệu với hai nàng tiên, mượn hình ảnh này để “thầm gửi gắm niềm thương tiếc của mình đối với cái đẹp không bao giờ trở lại”, cho nên bài thơ có nhịp chân bước quyến luyến mà chậm rãi, dường như ung dung. Văn khí trong thơ thay đổi luôn, câu ngắn thì như nấc như nghẹn, câu dài thì như tiếng than não nuột của một cặp tình nhân chia tay nhau giữ cảnh trời đất mênh mông..., nỗi buồn xuyên thấm không gian và thời gian ấy đã tạc hoạ vào lòng người đọc những suy tư trăn trở về những gì thuộc về quá khứ xa xăm, đã một đi không trở lại.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh những chiếc lá, những chiếc lá rơi rụng vào một thế giới hư vô, chốn Thiên thai. Câu thơ mở ra gợi cảm giác buồn, rơi rụng, tàn phai:

Lá đào rơi rắc lối thiên thai

Nhớ khi xưa nàng Mỵ Châu rắc áo lông ngỗng dẫn đường chàng Trọng Thủy để tình yêu được đến với tình yêu, thì nay lá đào rơi rắc vô tình như níu kéo con người với bao dòng cảm xúc để tìm đến với nhau. Nhưng tình cảm thắm thiết ấy chưa đủ mặn nồng để kéo con người lại với nhau. Cảnh đẹp tan biến trong cảnh sắc rơi rụng của thiên nhiên hay chính sự rơi rụng của tình cảm, bao tình cảm thấm đẫm nhưng như dự báo cho một kết cuộc đầy bi thương. Chốn Thiên thai, nơi thần tiên hạnh phúc với những vẻ đẹp tráng lệ, nguy nga… Bao nhiêu cái đẹp, cái thú vị ấy dường như tan vào cõi hư không với hình ảnh rơi rụng của chiếc lá, một chiếc lá thôi cũng đủ huỷ diệt đi tất cả. Một cuộc chia ly thấm thía nỗi buồn tang tóc được báo hiệu qua chi tiết lạ lùng này. Cái bất tử bỗng chốc hoá thành tro tàn, khung cảnh trước mắt chỉ là cảnh đá mòn, rêu nhạt, nước chảy, huê trôi và cái hạc bay lên vút tận trời rồi biến vào chốn hư vô, một sự dẫn dắt và báo hiệu thật tài tình của thiên nhiên. Hai từ “rơi” và “rắc” như dựng lên một không gian vừa bi vừa thảm, vừa lê thê, cái không gian u tịch đã xâm thực chốn thiên thai xinh đẹp, quá khứ hào hùng ra đi để lại một khoảng trời trống vắng cho những nỗi buồn triền miên day dứt phủ kín cả chiều dài thời gian và không gian. Để rồi trong lòng tác giả dấy lên bao niềm cảm xúc về kẻ ở người đi:

Suối tiễn, oanh đưa những ngậm ngùi

Cảnh xưa vẫn không hề thay đổi. Xưa kia Hằng Nga, Ngọc Chân chia tay ở con suối này, tiếng chim oanh như khúc nhạc của đất trời để tiễn biệt, lời của dòng suối và tiếng của chim oanh như hoà vào là một, khúc nhạc đưa tiễn thêm phần âm vị, vừa mặn mà, vừa đằm thắm, sốn sang như rất đỗi ngậm ngùi. Vẫn là con suối ấy, những chú oanh ấy, thủa trước reo vui đón bước chân người đến, mà nay buồn lắng lòng khi người đi. Thiên nhiên tiên cảnh qua thời gian như đã thấm đẫm tình cảm con người. Nỗi buồn tự tiếng lòng con người như lan ra cảnh vật. Chốn Thiên thai tráng lệ bỗng chốc chìm trong nỗi buồn. Từ “tiễn đưa” ngắt vụn ra đi kèm với chủ ngữ phía trước, và trở thành “suối tiễn”, “oanh đưa” như tiếng lòng dùng dằng không nỡ chia xa. Nỗi buồn tiếp nối nỗi buồn đã làm cho núi buồn thêm trùng điệp, tiếng thở dài não ruột càng vang xa. Hai chữ “ngậm ngùi” đã kéo câu thơ vào cung bậc cảm xúc bi đát nhất, nó như hai dấu lặng đơn trong một bản nhạc buồn vậy! Từ khung cảnh cho đến lời tiễn đưa lẫn lộn giữa hư và thực, với vẻ hào nhoáng bên ngoài và tấm chân tình bên trong, cái chất thực hư như quyện vào nhau, làm cho người ta không thể phân biệt rạch ròi đâu là ranh giới của thực, đâu là ranh giới của hư, hay nói đúng hơn đâu là ranh giới của quá khứ huy hoàng và đâu là hiện tại tang thương. Hiện tại níu kéo và tiếc nuối quá khứ, quá khứ chìm vào quên lãng, một cuộc chạy đua và kiếm tìm không có điểm dừng chân.

Cảm giác ngậm ngùi là nỗi buồn sâu xa thấm thía, có chiều sâu âm vang nội tại. Bởi vì những người trong cuộc biết rằng cuộc chia tay hôm nay sẽ không có ngày gặp lại, nó như một định mệnh nghiệt ngã đau đớn đến cháy lòng:

Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai...

Nói đến chốn bồng lai, tiên cảnh là nói đến sự bất tử, tuy vậy một bi kịch đặt ra cho cuộc tình duyên này. Đành rằng một ngày trên tiên bằng một năm dưới trần, tuy nhiên thời gian cụ thể đó sẽ thoáng qua như một giấc mộng, và giấc mộng ấy cũng đang lêu lõng giữa không gian vô định. Hạnh phúc trôi qua thật nhanh, chúng đánh đổi bằng một khoảng thời gian thật ngắn ngủi, nửa năm hạnh phúc trên chốn tiên cảnh chỉ đánh đổi bằng một bước đi của cõi trần tục. Hai tiếng “trần ai” xúc động lòng người. Nửa năm lại ngắn. Một bước đã thành xa. Cuộc chia tay không có ngày gặp lại này còn xót xa hơn trước bước chuyển động trong không gian, mà còn là bước qua ranh giới giữa hai cõi, cõi tiên và cõi trần, giữa hai thế giới hư và thực, cái bước chân định mệnh ấy đã làm cho quá khứ tan biến và bị đẩy lùi vào chốn xa xăm vô định, vì vậy câu thơ như một lời than thảng thốt, đứt gãy, hụt hẫng, sụp đổ và chảy dài. Lời ai oán vang trong im lặng, thậm chí đến câm nín. Bao nhiêu hạnh phúc tạo dựng nên trong nửa năm qua giờ tan trong chốc lác, thật đớn đau và tội nghiệp, sự vun vén và dựng xây trong thời gian qua giờ chỉ còn là kỉ niệm, nhưng kỉ niệm ấy mong manh vô định như những chiếc lá đào, tiếng suối, tiêng chim trong chốn Thiên thai buồn kia. Nhịp 2/2 như lời kể đứt hơi, thủ thỉ như tiếng nấc, tiếng nghẹn ngào khẽ thổn thức từng đợt nhỏ, hay chính là tiếng khóc dài trong đêm vắng.

Khi quá khứ đã tuột mất khỏi tầm tay, con người không đủ sức để níu giữ nó thì trở nên buông xuôi, đôi khi oán trách cho chính thân phận của mình:

Ước cũ, duyên thừa có thế thôi !

Không phải là một sự đòi hỏi quá cao sang, mà chỉ chỉ là một mơ ước cũ kĩ đã nhuốm màu thời gian, màu của trải nghiệm, một chút duyên không phải chính thống mà chỉ là cái bọt bèo, thừa thải, bao nhiêu ấy đã đủ làm vui cho một kiếp người với bản tình duyên cách trở. Câu thơ đã đưa người đọc kinh qua những cung bậc thương đau của một chuyện tình, hay xa hơn là của một kiếp người. Từ “ước cũ”, “duyên thừa” nghe sao bi ai đến tội nghiệp. Hạnh phúc như một giấc mộng ngắn, nó chỉ thoáng qua, rồi chợt qua đi trong vôn định. Còn lại riêng cảnh ta với ta, tiên nữ đang đối diện với bản lai diện mục của đời mình, hay chính Tản Đà đối diện với chính cuộc đời đầy biến động của mình? Sự đối diện với chính mình hay chính với thực tại phủ phàng đã đẩy bi kịch lên đến đỉnh điểm, những kỉ niệm mất đi để rồi con người trở nên tiếc nuối, không nằm ngời quy luật ấy câu thơ thấm thía tâm trạng nối tiếc cho một cuộc sống tiên cảnh đã qua, và ẩn trong từng chữ, từng lời như thấp thoáng tâm hồn thi sĩ đã tiếc nuối cho những gì đẹp đẽ nhất, huy hoàng nhất đã ra đi.

Nỗi buồn lan toả trong cả không gian và thời gian, lòng người, khiến cảnh vật cũng trở nên u tịch và buồn tẻ. Làm cho cuộc đời như những tiếng nấc dài của chia ly, là những nhát dao cứa nát tâm can:

Đá mòn, rêu nhạt
Nước chảy, huê trôi

Mượn hình ảnh của thiên nhiên với đám rêu, nước, huê để diễn ra những nỗi đau vô tận của lòng người. Đá phải mòn vì tháng năm và cát bụi thời gian, rêu nhạt màu vì thiên nhiên biến đổi, nước cứ chảy dài, huê cứ trôi một cách vô định không bến bờ, nó nâng lên thành chuyện đau buồn của trái tim yêu thương, chuyện đời hợp tan là lẽ thương tình, nhưng sao chuyện hợp tan này lại đớn đau đến tội nghiệp vậy. Câu thơ chếnh choáng giữa mộng và ảo, giữa hư và thực. Thời gian trôi đi, cuốn theo những tinh hoa cuộc đời chỉ để lại những cảnh tượng phôi phai. Đá tượng trưng cho sự bất tử trước giông bão cuộc đời, vậy mà giờ đây lại phôi pha. Màu rêu nhạt nhoà, hay chính là sự nhạt nhoà của thời gian. Hình ảnh nước cứ chảy và huê cứ trôi, ở đây tác giả dùng huê trôi thay cho hoa trôi làm cho câu thơ vô định, âm vang thêm thê lương não ruột, câu thơ gợi cho người đọc cảm giác mất mát, nó trở nên bất định không thể nắm bắt được. Điều đó để lại sự tiếc thương vô định cho những cái đẹp cứ lặng lẽ trôi đi, sự trôi đi ấy cũng bị mất phương hướng và bến đậu, do đó cái đẹp càng trở nên trơ trọi và lạc lõng. Hình ảnh đầy sức gợi của câu thơ như vẽ ra thế giới thần tiên với các nàng tiên nữ với đôi mắt ngậm ngùi đang nhớ lại từng khoảnh khắc hạnh phúc, đẹp tươi, thanh khiết ngày xưa của mình. Hai câu thơ bốn chữ thu lại ngắt nhịp 2/2 như tiếng động của tấm lòng cứ rung vang từng nhịp, nhịp thơ thật du dương trầm lắng, ta như nghe được nhịp đập của trái tim thi sĩ Tản Đà cũng dồn dập, thiết tha, pha lẫn những âm thanh xô bồ ai oán.

Những dồn nén xót xa đã được đẩy lên đỉnh điểm, sự dồn nén ấy tất yếu sẽ bộc phát thành một hệ quả tất yếu.

Cái hạc bay lên vút tận trời

Chim hạc mang biểu trưng cho sự thanh cao của chốn tiên cảnh, tuy nhiên trước thực tế xót xa ấy, tiên nữ cởi hạt vút lên trời xanh. Chữ “vút” là nhãn tự của câu thơ, làm cho không gian có chiều sâu bất định, đồng thời hành động diễn ra quá nhanh chóng làm cho con người khó lòng tìm lại dấu vết gì, sự ra đi đột ấy càng làm tăng thêm nỗi buồn. Tiên nữ đã cưỡi hạc bay về chốn Thiên thai rồi. Cái hạc nghe sao thanh khiết thánh thiện lạ thường. Cái hạc vút lên tận chín tầng mây, đã đẩy khoảng cách giữa cõi trần và cõi tiên thêm vời vợi, khoảng cách ấy cũng chính là khoảng cách của chính trái tim con người. Sự chia xa với tấm lòng đầy dịu vợi ấy đã làm tăng thêm nỗi buồn sự chia biệt, cả người ra đi và người ở lại đều chất chứa những nỗi niềm xót xa. Tiên nữ cởi hạt bay đi một cách đột ngột như một sự trốn chạy với thực tại phủ phàng để kiếm tìm hạnh phúc hay là sự trốn chạy thực tại trước mắt.

Vẻ đẹp của Tống biệt trước hết là ở không khí thần tiên nơi “cửa động đầu non” mà Tản Đà đã dần dần đưa lối để diễn ta nỗi buồn chia biệt. Tất cả đã trở thành hư vô, quạnh vắng với cảnh cũ nhuốm màu ly biệt, người xưa đã ra đi không lời từ biệt, cái khoảng cách không gian và thời gian vời vợi ấy là một khoảng cách vô biên giữa trời và đất, giữa tiên và phàm, từ cõi tiên đến với cõi trần đã có sự chuyển biến đột ngột:

Trời đất từ đây xa cách mãi

Câu thơ vang vọng một lời đưa tiễn của tiên nữ với hai chàng Lưu, Nguyễn, khi trở về với chốn trần ai hiện lên chỉ còn là tấm lòng lưu luyến của thi nhân với vẻ đẹp thần tiên. Bầu trời thăm thẳm chốn cao, còn trời đất xa cách mãi, cái xa cách không chỉ giới hạn bởi không gian, mà chính là bởi tình người. Tình của người trên trời cõi Thiên thai và tình người cõi trần từ đây chia xa mãi mãi. Từ “mãi” đứng cuối câu kéo dài vô tận. Mãi mãi rồi ta không còn gặp nhau. Không bao giờ nữa quay trở lại uyên ương mộng vàng một thưở. Trời đất xưa nay gắn bó như hình với bóng vậy mà giờ đây lại xa cách mãi mãi, sự xa cách không hẹn ngày gặp lại.

Cuộc chia ly diễn ra từ cõi thực đến cõi mộng. Thiên thai, đó là chốn hạnh phúc nhất, và hai chàng Lưu Thành, Nguyễn Triệu may mắn lạc vào cõi tiên, nhưng rồi tình yêu quê hương tha thiết đã khiến chàng từ giã chốn tiên cảnh về cõi trần ai. Cuộc “tống biệt” của các nàng tiên nữ, cuộc chia ly không hẹn ngày trở lại đó không có nước mắt rơi, nhưng sao thê lương, ảm đạm đến thế, cái buồn đã thấm vào cỏ cây, vạn vật:

Cửa động đầu non, đường lối cũ,

Nỗi buồn tê tái tâm can của những con người trong cảnh ly biệt. Cuộc sống luôn hiện hữu, vòng tuần hoàn thời gian như bất tận trôi đi. Tuy vậy, con người luôn sống giữa ranh giới của quá khứ và hiện tại và ranh giới mờ nhạt tương lai. Giờ đây con người sống trên cõi bất tử hạnh phúc, mà các nàng tiên nữ không có hạnh phúc. Cảnh vật vẫn còn đó nhưng người xưa đã không còn. Nhìn cửa động, đầu non gợi nhớ kỉ niệm xưa. Một khung trời kỉ niệm nhuốm màu thương nhớ, nhuốm đậm màu tình thương, và đâu đó phản phất dư vị biệt ly. Khi gắn bó thân thiết thấu hiểu tiếng lòng của nhau bấy nhiêu thì khi xa cách càng ngậm ngùi giây phút chia ly. Cảm giác cô đơn, lạnh lẽo, trống vắng chiếm lĩnh cả tâm hồn. Thi ca xưa từng in dấu những cuộc chia ly cảm động không lời mà đượm buồn thương nhớ khi Lý Bạch tiễn bạn ở Hoàng hạc lâu, khi Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều… Mỗi cuộc biệt ly đều để lại những dư vị của nó, và dư vị ấy chính là chất thương, chất nhớ. Nỗi buồn ấy theo thời gian cứ chảy mãi chảy mãi đến cả ngàn năm sau:

Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi

Câu thơ thoáng nghe sao nhẹ nhàng đến vô định, nhịp thơ sao chậm rãi đến lãng quên. Tản Đà như đang dắt con người kinh qua dặm trường của thiên lý tình, với những bước ung dung, phóng tầm mắt lên cao mà ngắm thêm động tiên lối cũ, với hình bóng người xưa cho đến thực tế phũ phàng. Càng đi sâu vào thiên lý con người lại càng bị lạc vào thế giới vô định vô hồn, chỉ biết thẩn thơ cùng với bóng trăng chơi, bóng trăng của sự huyễn hoặc lung linh. Ánh trăng chiếu rọi đến ngàn năm vẫn một tâm trạng thẩn thơ, thơ thẩn. Sự thơ thẩn của ánh trăng hay sự thơ thẩn của chính tác giả vậy. Tản Đà như một vị “khách trích tiên đánh vỡ chén ngọc nay đã hết hạn đi đày. Cái hạc đã bay lên vút tận trời”. Với một khí cốt thanh cao của chốn bồng lai tiên cảnh. Ông muốn thoát mình trong những cái nhỏ nhoi tầm thường của cuộc sống để vươn đến cái cao cả. Ông luôn cầu mong tìm được tiếng tri âm, giữ mãi cái đẹp, đừng mong manh để khỏi ngẩn ngơ “thơ thẩn bóng trăng chơi”. Con người sống trong cõi mộng luôn vươn lên nét đẹp tinh túy thuần khiết. Nhưng thực tế thật phủ phàng, ảo tưởng cũng chỉ là ảo tưởng, con người không thể thoát khỏi quy luật giản đơn của cuộc đời, do đó không thể trốn mãi trong niềm mơ ảo mộng mị được. Dù “tỉnh mộng lại muốn mộng mà chơi”, dù “nghĩ đời lắm nỗi không bằng mộng”, thì con người trong cõi trần vẫn cứ là người đang sống, không thể thoát ly cuộc đời. Sự trở về cõi trần ai của Lưu Nguyễn dường như là sự trở về với thực tại của con người mơ mộng Tản Đà”. Tiếc mộng bao nhiêu lại chán đời bấy nhiêu.

Điểm lại nội dung bài thơ ta thấy tác giả khéo vẻ lên cảnh tượng của một tình yêu đẹp phải chia xa. Với khoảng thời gian hạnh phúc ngắn ngủi ấy luôn khiến những con người khát khao yêu đương lại tiếp tục khao khát một cuộc sống lứa đôi lâu bền hạnh phúc. Tiên cảnh – trần ai phải chăng đã từ đây xa cách mãi để lại ngàn năm với ánh trăng buồn. Những câu thơ ngắn, lại bị ngắt đôi, chia ly sao đầy nuối tiếc.

Như vậy: qua bài thơ Tống biệt Tản Đà đã cởi bỏ cái áo cũ để khoác lên mình chiếc áo mới với một cái tôi cá nhân đầy tính cách và thật đậm nét. Ông luôn tìm tòi, sáng tạo và mạnh dạn vượt ra ngoài khuôn sáo cũ ấy đã tạo nên một giọng phóng túng riêng của mình. Những đóng góp và những tư tưởng mới ấy đã tạo cho ông một chỗ đứng vững chắc trên thi đàn. Như Xuân Diệu đã viết “Tản Đà là người thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại”.
___________________________
Bài được viết bởi Nhật Bình Nguyễn Như Bình
____________________________
[FONT=&quot][1]https://diendankienthuc.net/diendan/#_ftnref1 Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, 2006.[/FONT]
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top