Biểu tượng mái tóc trong văn hóa - văn học dân gian Việt Nam

Bút Nghiên

ButNghien.com
Giải mã biểu tượng mái tóc trong văn hóa - văn học dân gian Việt Nam​


Phần mở đầu:​

Người xưa nói: “Cái răng cái tóc là góc con người”. Mái tóc không chỉ biểu hiện vẻ đẹp hình thức mà còn nói lên tâm hồn, tích cách, thậm chí có thể dự báo được số phận tương lai của người sở hữu nó… Đã từ lâu, hình ảnh mái tóc đi vào văn học của Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung như một biểu tượng nghệ thuật đầy sức gợi. Bài viết này là một thử nghiệm nhỏ của người viết nhằm giải mã phần nào ý nghĩa của biểu tượng đầy sức gợi đó trong phạm vi văn hóa-văn học dân gian Việt Nam.

(Trong giới hạn của tư liệu và thời gian, người viết chủ yếu giải mã biểu tượng mái tóc trong văn hóa dân gian người Việt-người Thái và sự thể hiện ý nghĩa biểu tượng này qua một số thể loại tục ngữ, ca dao người Việt, tục ngữ và truyện thơ “Tiễn dặn người yêu” của người Thái, có sự so sánh với ý nghĩa biểu tượng tóc trong văn hóa-văn học của một số dân tộc khác trên thế giới như Nga, người Do Thái, các dân tộc Đông Nam Á và một số dân tộc thiểu số của Việt Nam như H’Mông, Ê đê…).



Phần nội dung:​


Mái tóc-biểu tượng cho vẻ đẹp hình thức cũng như tâm hồn, phẩm chất, năng lực của con người.​

1.1. Mái tóc-biểu tượng vẻ đẹp hình thức của con người.

Cao dao miêu tả diện mạo con người chiếm số lượng lớn trong kho tàng ca dao trữ tình người Việt. Có một đặc điểm dễ nhận thấy là: dân gian thường không miêu tả toàn bộ diện mạo con người mà thường chỉ chọn những nét đặc sắc nhất, tiêu biểu nhất, gây ấn tượng mạnh nhất. Trong kho tàng ca dao Việt Nam, những bài ca xuất hiện hình ảnh đôi mắt chiếm số lượng nhiều hơn cả, tiếp đến là hình ảnh hàm răng, hình ảnh mái tóc… Trong ca dao người Việt, có 6 câu miêu tả hình ảnh mái tóc của nam giới. Hầu hết nam giới đều hiện lên với mái tóc dài:

- Anh về nối tóc cho dài.
Nhuộm răng anh lại ra ngài hồng nhan.
Đàn ông tóc tốt là tiên
Đàn bà tóc tốt nằm liền với ma
Răng đen tóc tốt em chê
Râu quăn mũi lõ em lê mình vào
Hỡi chàng da trắng tóc dài
Em đã chờ đợi một hai năm trời.​

Trong truyền thống của người Việt Nam, mái tóc dài đã từng trở thành tiêu chuẩn cho vẻ đẹp của nam giới. Không chỉ có nữ giới mà đàn ông Việt Nam khi xưa cũng thường để tóc dài, búi tỏ củ hành.

Lời hiệu triệu tướng sĩ đánh quân Thanh, Quang Trung có viết “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng”. Câu nói trên không chỉ khẳng định độc lập, chủ quyền lãnh thổ, mà còn khẳng định truyền thống văn hóa của dân tộc. Bên cạnh hàm răng đen, mái tóc dài cũng thể hiện bản sắc văn hóa riêng độc đáo của người Việt Nam, nó có sức mạnh chống lại âm mưu đồng hóa của phong kiến phương Bắc. Khi văn hóa phương Tây du nhập vào nước ta, nam giới mới cắt tóc, không để tóc dài. Khi đó thì mái tóc dài mới không còn là biểu tượng cho vẻ đẹp của người đàn ông nữa mà trở thành nét đẹp riêng, biểu tượng riêng của nữ giới. Ngày nay “tóc dài” trở thành một danh từ chỉ phái nữ, phái đẹp.

Mái tóc gắn với hình ảnh người phụ nữ chiếm số lượng nhiều hơn cả (27 câu miêu tả mái tóc của phụ nữ). Dày, thẳng, mượt, dài là đặc điểm của một mái tóc lí tưởng trong quan niệm dân gian:

Ba cô anh lạ cả ba
Bốn cô anh lạ cả bốn biết là quen ai
Anh chỉ quen một cô da trắng tóc dài
Miệng cười như cánh hoa nhài nở nang.
Bây giờ kẻ ở người về
Mái tóc xanh chấm đất
Quyết xén thề ngang vai.

- Người bao nhiêu tuổi hỡi người
Người bao nhiêu tuổi miệng cười nở hoa
Tóc xanh tươi tốt rậm rà
Răng đen nhánh nhánh tưởng là hạt na.
Đang trưa ngồi ở trong nhà
Thấy con nhạn trắng nó đà đưa thư.
Hỡi người tóc tốt xanh non
Lưng ong thắt đáy như con tò vò
Miệng muốn ăn dạ hãy còn no
Lại đây tôi kết duyên cho bằng lòng.​

Mái tóc dài đầy ám ảnh của các cô thôn nữ đã từng làm biết bao chàng trai phải bối rối, bồn chồn:

Tóc ngang lưng vừa chừng em bới
Để chi dài bối rối lòng anh…​

Không riêng gì người Việt mà nhiều dân tộc khác trên đất nước ta cũng lấy mái tóc dài, mượt là một trong những tiêu chuẩn lí tưởng cho vẻ đẹp của các chàng trai, cô gái.

Dấu hiệu đầu tiên để nhận ra một cô gái Thái là mái tóc dài óng ả, hay búi tóc tròn sau gáy:

- Em cũng đã thành con gái
Biết thêu khăn may lụa
Tóc đen dày trễ mượt ngang vai.

- Mặt thắm tươi hoa sen/ Đỉnh đầu cài búi tóc hoa đào.

- Đuôi mắt em dính nhựa tram/ Búi tóc tròn sau gáy chẽ đôi.​

Đó không chỉ là niềm tự hào, khiến nhiều người thèm muốn thậm chí ghen tị: “Đừng ghen người ta có tóc dài, đừng ghen người ta có của cải” (tục ngữ Thái) mà còn là niềm mơ ước suốt đời của các cô gái Thái: “Con trai ước lấy nhiều vợ tận già, con gái mong tóc dài tận lúc chết”.

Còn khi người Thái tự nói về mình một cách khiêm tốn nhún nhường thì:

Em xấu như con quạ, chẳng xứng
Mặt rỗ người lại thô
Như quả mây ven bờ
Tóc cờm cợp như con gấu núi​

Người Thái sống ở núi rừng nên hình ảnh như: chải tóc tua rua, tóc cờm cợp như con gấu núi, mặt như quạ, da như vẩy tê tê là những hình ảnh quen thuộc tượng trưng cho vẻ đẹp hoang sơ của người dân miền núi.

Hình ảnh mái tóc dài cũng biểu hiện vẻ đẹp và sức mạnh của Đăm săn-tù trưởng hùng mạnh nhất, giàu có nhất: “Đăm san nằm trên võng, tóc chàng thả xuống một cái chiêng cái” [233, 2].

Không chỉ riêng người Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới, nhất là những nước làm nông nghiệp, người dân trước kia đều để tóc dài. Nguyên nhân có thể vì:“Tóc mọc quanh đầu người cũng là hình ảnh của những tia mặt trời. Nói một cách khái quát chúng tham dự vào quan hệ với trời…”. “ Ở Trung Quốc, cắt cụt tóc mình đi hay cắt cụt cây trên núi tức là làm cho trời hết mưa” [ 932, 3].

Trong tư duy biểu tượng tóc được liên hệ với cỏ, bộ tóc của trời đất, và qua đó với toàn bộ thế giới thực vật. Đối với các dân tộc nông nghiệp, tóc mọc tốt là dấu hiệu của sự tăng trưởng, phát triển dồi dào của những cây lương thực. Do đó mà tất cả các dân tộc nguyên thủy mới dành cho bộ tóc một ý nghĩa quan trọng và một sự chăm sóc đặc biệt... Ý niệm tăng trưởng gắn liền với ý niệm hướng thượng: trời làm mưa cho đất trở nên mầu mỡ và từ đất cây cối mọc hướng lên trời.

Ánh sáng và mưa là hai điều kiện quyết định cuộc sống của cư dân nông nghiệp. Phải chăng vì thế mà người Việt và rất nhiều dân tộc khác trên thế giới đều để tóc dài, kiêng không cắt tóc?

Kiểu dáng tóc còn giúp chúng ta nhận ra người sở hữu mái tóc đó thuộc dân tộc nào trên đất nước Việt Nam:

Người phụ nữ Kinh duyên dáng với mái tóc đuôi gà:
Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên…​

Dấu hiệu nhận ra người phụ nữ Mông là cuộn tóc thành vành, người phụ nữ Thái là búi tóc tròn sau gáy:

Đuôi mắt em dính nhựa tram/ Búi tóc tròn sau gáy chẽ đôi.​

Chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận ra người phụ nữ M Nông, Ê đê qua mái tóc của họ: “Búi tóc thấp búi giống người M nông, búi tóc cao búi giống người Ê đê, một đuôi gà để lòi ra ngoài búi tóc… Búi tóc chải mượt nàng giữ thật mượt, búi tóc chải gọn nàng giữ thật gọn. Cả búi tóc to bằng một chiêng mong…” [244, 3].

Ca dao Việt Nam có nhiều bài rất hay ca ngợi vẻ đẹp của mái tóc, ngược lại mái tóc gắn với người sở hữu nó cũng nhiều khi trở thành đối tượng của những bài ca dao hài hước, trào phúng. Đối lập với những mái tóc dài, dày, mượt là những mái tóc “rối tổ cu”, “tóc xù”, “tóc rễ tre”… Đó là những mái tóc không đẹp trong quan niệm của dân gian… Hình ảnh người có mái tóc như thế thường xuất hiện nhiều trong ca dao trào phúng, hài hước:

Cô gái Sơn Tây yếm thủng tày giần
Răng đen hạt nhót chân đi cù lèo
Tóc rễ tre chải lược bờ cào
Xù xì da cóc hắc lào tứ tung
Trên đầu chấy rận như sung…
- Gái một con trông mòn con mắt
Gái hai con con mắt liếc ngang
Ba con cổ ngẳng răng vàng
Bốn con quần áo đi ngang khét mù
Năm con tóc rối tổ cu
Sáu con yếm trụt, váy dù vặn ngang.​

Như vậy thông qua hình ảnh mái tóc, dân gian đã thể hiện quan niệm của mình về cái đẹp. Đến bây giờ, theo xu hướng hiện đại, quan niệm thẩm mĩ đã có nhiều đổi thay nhưng mỗi khi tìm về những câu ca ấy, ta càng thêm yêu, trân trọng và mong muốn lưu giữ mãi những giá trị tốt đẹp trong truyền thống của cha ông ta qua những điều tưởng rất nhỏ như chuyện cái răng, cái tóc…


1.2. Mái tóc-biểu tượng của vẻ đẹp tâm hồn của con người.

Mái tóc biểu tượng cho vẻ đẹp duyên dáng, nữ tính của người phụ nữ. Không phải ngẫu nhiên, khi nhắc đến mái tóc, dân gian thường đi kèm với “cái duyên” của con người: “Chồng yêu cái tóc nên dài/ cái duyên nên đẹp cái tài nên khôn” hay “Một yêu tóc bỏ đuôi gà/ Hai yêu ăn nói mặn mà có duyên…”
Ca dao tục ngữ Việt Nam bên cạnh những câu ca ngợi vẻ đẹp của mái tóc dài như một chuẩn mực của cái đẹp, còn xuất hiện những câu mới nghe tưởng như mang ý nghĩa hạ thấp, đối lập với sự ngợi ca:

- Đừng tham da trắng tóc dài, đến khi nhỡ bữa chẳng mài mà ăn.

- Những người da trắng tóc thừa, đẹp thì đẹp vậy nhưng thưa việc làm.

Thực chất dân gian không hề có ý hạ thấp những người da trắng tóc dài, họ vẫn thừa nhận vẻ đẹp của mái tóc, làn da ấy. Song có điều mái tóc phải gắn với những phẩm chất của con người như sự cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động. Trong quan niệm thẩm mĩ của người Việt Nam, cái đẹp phải luôn đi cùng cái hữu ích, cái đẹp hình thức phải luôn đi liền với vẻ đẹp của tâm hồn, nội tâm.

Mái tóc tượng trưng cho phẩm chất của con người. Điều này cũng được thể hiện đậm nét trong những phong tục-tập quán của đồng bào các dân tộc ít người.

Người phụ nữ Mông Hoa có một vành tóc rất to và nặng ở trên đầu. Búi tóc được họ quan tâm ngay khi còn nhỏ. Những bà mẹ người Mông, mỗi khi chải tóc cho các cô con gái, họ đều chú ý lượm lặt và giữ lại những sợi tóc rụng của con mình. Những sợi tóc đó được người mẹ cất vào một chỗ, khi được khá nhiều sợi tóc rụng cùng với sự lớn dần lên của những cô con gái thì người mẹ lại đem ra trau chuốt, xe lại thành những sợi to như cái đũa.

Lớn dần lên, các cô gái Mông Hoa đã ý thức được việc làm của người mẹ và biết nhặt những sợi tóc rụng của mình mỗi khi chải tóc hoặc gội đầu. Khi đến tuổi trưởng thành, các cô gái Mông Hoa mang những sợi tóc rụng giữ được qua bao năm tháng, xe tết thành từng sợi to và làm nên búi tóc độn dài đẹp. Vào những ngày tết cổ truyền, lễ hội, ngày vui của cộng đồng, họ lấy búi tóc độn cùng với tóc thật và tạo thành một vành tóc thật to ở trên đầu.

Theo quan niệm của họ thì người nào có búi tóc càng to thì càng đẹp, càng được mọi người ngưỡng mộ.

Các cô gái Thái cũng có thói quen ấy:
Mười bốn tuổi biết nhuộm răng đen làm duyên
Biết may áo che vú
Biết dành tóc làm độn
Óng ả lên sàn nhóm lửa
(“Tiễn dặn người yêu”, trang 375).​

Mái tóc của người Mông Hoa, người Thái là một phần của văn hoá tộc người, đồng thời với tác dụng làm đẹp nó còn mang một ý nghĩa tinh thần và tình mẫu tử, ý nghĩa giáo dục rất lớn. Ngoài tình cảm người mẹ dành cho con gái, việc làm thường xuyên nhẫn nại đó của người mẹ đã tác động rất lớn đến nhân cách con cái, là bài học về sự chăm chỉ, khéo léo mà bất cứ người phụ nữ nào cũng phải có.

Mái tóc-biểu tượng cho đức hạnh người phụ nữ đã có chồng. Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới văn hóa thế giới thì: “Bộ tóc, cách để tóc là vũ khí chính của người phụ nữ. Để lộ hay bịt kín, thắt lại hay để xõa tóc là dấu hiệu chỉ báo sự cho sử dụng, biến mình hay giữ mình của người phụ nữ. Ở Nga người phụ nữ có chồng ra khỏi nhà bao giờ cũng phủ tóc. Ngạn ngữ nói rằng có thể vui chơi với một người phụ nữ nếu cô ấy để đầu trần. Cũng ở Nga con gái chưa chồng tết một tóc đuôi sam, có chồng thì tết hai búi và ra ngoài phải trùm khăn”.

Chúng ta cũng tìm thấy ý nghĩa này trong biểu tượng mái tóc của người Việt Nam. Tục ngữ Thái có câu: “Trời không nắng tưởng còn sớm sủa, gái chưa búi tóc ngược tưởng chưa lấy chồng”, “Khi ốm mới gọi thày mo, khi rên mới gọi thày mốt, búi tóc ngược thì tảng lờ qua”. Để hiểu được những câu tục ngữ này, ta không thể không tìm hiểu những tục lệ liên quan đến mái tóc của người phụ nữ Thái. Dân tộc Thái có tục "Khửn cẩu" (1). Đó là một khái niệm dành riêng cho tất cả những người phụ nữ Thái đã có chồng, là khuôn phép quy định riêng cho người con gái đi lấy chồng, bắt buộc phải đưa búi tóc đằng sau lên đỉnh đầu. Cùng với bộ trang phục "áo cóm" đặc trưng, mái tóc rất riêng của người phụ nữ dân tộc Thái đen khi lấy chồng đã thể hiện một tín hiệu của người phụ nữ Thái đã có chồng. Còn búi tóc đó được trang điểm thêm cho đẹp thì bà con gọi là "tẳng cẩu". Búi tóc "tẳng cẩu" trên đỉnh đầu thể hiện sự tô điểm của trang sức, làm tăng thêm vẻ đẹp cho người phụ nữ Thái và thể hiện tấm lòng chung thuỷ của người vợ với chồng, với con. Như vậy, đi vào văn học “búi tóc ngược” là tín hiệu chỉ người phụ nữ đã có chồng.

Chàng trai trong “Tiễn dặn người yêu” đã nói với người mình yêu:

Còn sống đừng quên lời thiết tha anh dặn
Gà cỏ gáy rừng sặt chớ quên
Búi tóc ngược lấy chồng chớ quên
Gạo vào cối quên chày chớ quên
Cơm vào miệng quên nuốt, chớ quên
Tóc trên đầu quên búi chớ quên

Quạ biết đeo túi phát nương chớ quên
Gà rừng biết vuốt tóc chải đầu chớ quên.​

Lời dặn dò của chàng trai có thể hiểu theo hai cách: Nếu những việc không xảy ra được mà vẫn xảy ra thì cũng đừng quên, chớ quên, hoặc đợi đến khi xảy ra chuyện lạ chưa từng có thì hãy quên.

Để dặn người yêu đừng quên mình, chàng trai đã dùng một chân lí, một phong tục mà người phụ nữ Thái không thể không thực hiện khi có chồng: “Tóc trên đầu quên búi ngược hãy quên bạn thân, hãy quên anh yêu”. Phụ nữ Thái khi có chồng thì búi tóc ngược lên đỉnh đầu. Khi đã có chồng cho tới lúc chết, không ai được quên cái búi tóc ngược trên đỉnh đầu mình vì không ai lại có thể quên được mình có chồng. Ngày thường, trừ lúc chải đầu, gội đầu, hong tóc, nếu không có lí do gì đặc biệt mà cứ để xoã tóc, người đàn bà sẽ bị cho là vô ý thức, bị coi khinh, rẻ rúng. “Khi nào tóc trên đầu quên búi ngược hãy quên bạn thân, hãy quên anh yêu”-lời dặn dò của chàng trai vừa nhắc nhở trách nhiệm của cô gái với chồng vừa gửi gắm mong ước cô gái đừng quên anh yêu cho đến tận khi chết đi rồi.

Trong phong tục người Thái búi tóc thể hiện sự chung thủy, trách nhiệm của người vợ với chồng, nhưng trong truyện thơ “Tiễn dặn người yêu”, cô gái bị ép gả, búi tóc theo chồng mới nhưng trái tim thì vẫn hướng về người mình yêu:

Em búi tóc mượt theo về chồng mới
Nhưng trái tim lớn em còn treo đó
Trái tim con còn bện chỉ xe đôi.​

Đi vào trong văn chương, có khi mái tóc trở thành một dấu hiệu mang tính nghệ thuật giúp nhân vật thể hiện tình cảm, thái độ của mình, giúp người đọc phát hiện ra nét đẹp trong tâm hồn, phẩm chất riêng của từng nhân vật. Trong truyện thơ “Tiễn dặn người yêu”, cô gái đã đặt ra một loạt sự so sánh giữa hai chàng trai cùng đến hỏi cưới mình: chàng trai nghèo-người cô yêu và chàng trai nhà giàu mà mẹ cha cô ưng thuận.

Chàng trai nghèo mà cô gái yêu

Số may mắn được trắm, chiên, chép đỏ
Được cá to cá nhỏ từng đàn…
Cá to đưa mẹ thái ướp chua.
Mua cau cả buồng sai quả
Mua trầu muôn lá gói mang về
Cắt dong muôn lá gói trầu
Búi tóc mượt anh trải ra giữa quản
Búi tóc dài anh buông xuống giữa nhà​


Chàng trai giàu, cô gái không yêu

Đi kiếm cá ven sông
Cá ven sông được toàn cá chết
Người mang về lại thái ướp chua.
Cau mường Sại úa héo lùa buồng.
Trầu Mường Trai rung buông khỏi cuống
Cắt lá đề gói thuốc lào khô
Búi tóc ngược người trải ra giữa quản
Búi tóc dài người giũ xuống giữa nhà
Rằng người đẹp tóc buông thấm gót
Phắt đứng lên đầu trơn trọc lốc
Con người một búi tóc nhỏ không xong
Muốn búi tóc to chẳng nổi​

Hệ thống hình ảnh so sánh ấy thể hiện thái độ đối lập của hai con người trong việc đi hỏi vợ: Một người tuy nghèo nhưng chu đáo và tươm tất trong công việc hệ trọng của đời người, kẻ giàu có nhưng cẩu thả, nhếch nhác. Qua hai thái độ đó ta cũng nhận ra được phẩm chất đối lập của hai con người. Điều đặc biệt là trong hệ thống hình ảnh cô gái đem ra so sánh ấy, bên cạnh những lễ vật, còn xuất hiện hình ảnh mái tóc. Mái tóc của người cô yêu được miêu tả rất đẹp:

Búi tóc mượt anh trải ra giữa quản
Búi tóc dài anh buông xuống giữa nhà​

Trong khi đó, hình ảnh của kẻ nhà giàu cô không yêu hiện lên đáng cười với cái đầu trọc lốc bất ngờ hiện ra sau mái tóc giả vô tình bị rơi xuống khi quỳ lạy:

Búi tóc ngược người trải ra giữa quản
Búi tóc dài người giũ xuống giữa nhà
Rằng người đẹp tóc buông thấm gót
Phắt đứng lên đầu trơn trọc lốc
Con người một búi tóc nhỏ không xong
Muốn búi tóc to chẳng nổi​


1.3. Mái tóc không chỉ biểu trưng cho phẩm chất mà còn tượng trưng cho sức mạnh và năng lực của con người.

Trong Kinh thánh, mái tóc của Samson là biểu tượng cho sức mạnh kì diệu của con người (2).

Người Đông Nam Á nói chung và các dân tộc trên đất nước Việt Nam nói riêng thể hiện sức mạnh của mình thông qua kiểu dáng của mái tóc. Các dân tộc Đông Nam Á làm đẹp mái tóc bằng cách búi sừng, tết đuôi sam và để trọc đầu. Kiểu búi tóc hình sừng rất phổ biến đối với các dân tộc thuộc ngữ hệ Tạng-Miến, Mèo-Dao, và có ít nhiều ở các tộc người Môn Khơme. Họ quan niệm sừng trâu, sừng bò có sức mạnh dũng mãnh và được các chiến binh đội mũ sừng lên đầu để thể hiện sức mạnh vô địch trước kẻ thù.

Mái tóc-biểu tượng cho số phận, tính cách của con người.


Mái tóc không chỉ có tác dụng làm đẹp mà nó còn có thể dự báo được tính cách và số phận con người. Đã từ lâu, người Việt Nam có tục xem tướng số qua những biểu hiện hình thức con người trong đó có mái tóc-đặc biệt là xem tóc mai, xem khoáy.

Những người phụ nữ có mái tóc dài, mượt thường có số phận thanh nhàn, sung sướng còn những người đàn ông ít tóc thường an nhàn:

Tóc thưa, dài, mướt, trắng da/ Ở hàng bần các dung hòa phu nhân.

Đàn bà tóc tốt thì sang. Đàn ông tóc tốt những mang nặng đầu.

Tốt tóc nặng đầu, tốt râu nặng cằm

Ngược lại người phụ nữ ít tóc thường gặp chuyện dở dang: “Đàn ông ít tóc an nhàn, đàn bà ít tóc dở dang chuyện tình”.

Người có tóc xoăn mà lại kết hợp với “Người đen mà ốm lại cao, môi lớn” thường “lao đao tháng ngày” (“Người đen mà ốm lại cao. Tóc xoăn môi lớn lao đao tháng ngày”). Nhưng nếu chỉ có “quăn quăn tóc trước” thôi thì lại lại là người hay ghen hoặc khôn ngoan:

- Khao khao giọng thở hơi đồng
Quăn quăn tóc trước là người khôn ngoan.

- Tôi đã biết vợ anh rồi
Quăn quăn tóc trước là người hay ghen.​

Khi xem tướng cho người phụ nữ qua mái tóc, người xưa đặc biệt chú ý đến hai hàng tóc mai. Thông qua đôi hàng tóc mai thôi mà cha ông biết được đó là người khó tính hay dễ tính, người khôn hay dại:

- Tóc mai dài xuống mang tai, là người khó tính ít ai vừa lòng.

- Cá tươi thì xem lấy mang/ Người khôn xem lấy đôi hàng tóc mai.

Đôi hàng tóc mai chẳng thế mà đã trở thành nỗi ám ảnh trong lòng biết bao chàng trai khi tình duyên lỡ dở:

Tóc mai sợ vắn sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm.​

Người Việt còn có tục xem tướng số thông qua các xoáy tóc trên đầu con người:

- Xoáy trâu: không giàu cũng sướng

- Xoáy ngựa hiện tượng là tướng điêu ngoa

Ngày nay, khi khoa học phát triển, thông qua việc phân tích thành phần của mẫu tóc, người ta có thể rút ra những kết luận liên quan đến sức khỏe, quá trình sinh trưởng và lão hóa của con người, từ đó mà biết được số phận của người đó. Ví dụ: “Nếu huyết khí thịnh thì thận cường, thận khí cường thì tủy xương sung mãn, cho nên tóc nhuận và đen…”(Sào Nguyên Phương, “Đoán bệnh qua tướng mạo”). Từ lâu ngành pháp y các nước tiên tiến đã phân tích sợi tóc để phát hiện các độc tố trong cơ thể…

Như vậy, cách xem tướng số của người Việt Nam qua các đường nét trên cơ thể nói chung và qua mái tóc nói riêng tuy mới chỉ là kinh nghiệm đúc rút từ sự quan sát thực tế nhưng không phải là không có cơ sở. Tất nhiên, vì là những kinh nghiệm từ việc quan sát thực tế nên nhiều khi sự đúc kết đó cũng không hoàn toàn đúng với tất cả mọi người.

Tóc-biểu tượng của sự thề nguyền trong tình yêu.

Mái tóc là một dấu hiệu của thời gian. Trong các đặc điểm hình dáng của con người (mắt, miệng cười, hàm răng…) thì mái tóc là dấu hiệu thể hiện rõ nhất sự biến đổi, tác động của thời gian.

“Mái tóc xanh”, “tóc chấm ngang vai”, “tóc thề”, “tóc mây”, “tóc đuôi gà”… là biểu hiện của tuổi trẻ:

- Tấm yếm đào sao em khéo giữ mầu
Răng đen nhưng nhức mái tóc đầu em hãy còn xanh

- Yêu nhau thì giữ lấy màu
Răng đen nhưng nhức tóc đầu xanh xanh
Hỡi người tóc tốt xanh non
Lưng ong thắt đáy như con tò vò

- Tóc xanh tươi tốt rậm rà
Răng đen nhánh nhánh tưởng là hạt na.
Thấy cô tóc bỏ đuôi gà
Về nhà anh bán cửa nhà anh theo gặp người má đỏ môi hồng
Răng đen nhưng nhức tóc mây rườm rà.
Vì chưng ăn miếng trầu anh
Cho nên má đỏ tóc xanh đến giờ.​

Mái tóc cho thấy rõ nhất sự tàn phá của thời gian với nhan sắc của con người:

Chàng đi đâu để nhện buông mùng
Đêm năm canh thiếp lạnh lùng cả năm
Má hồng còn có khi phai
Răng đen khi nhạt, tóc dài khi thưa.​

“Mái tóc điểm sương”, “tóc hoa râm”, “tóc bạc”, “tóc lòa xòa tổ chim”… báo cho ta biết con người đã bước qua cái dốc bên kia của cuộc đời, thậm chí “gần đất xa trời”:

- “Non xanh bao tuổi mà già
Bởi vì sương tuyết hóa ra bạc đầu”

- Người sẽ thành thành từ tuổi nhỏ,
Người không thành đầu bạc cũng chẳng nên

- Ba mươi: duỗi chân
Bốn mươi: tay đè bụng
Năm mươi: bụng thụng màng mỡ
Sáu mươi: mặt đốm tàn nhang
Bảy mươi: không điếc cũng lòa
Tám mươi: Tóc lòa xòa tổ chim, gặp nhân tình chẳng liếc
Chín mươi:: lo việc làm ma
Một trăm: đầu gối lên cây rừng.
(Tục ngữ Thái)​

Chính vì mái tóc biểu hiện của thời gian nên khi ước hẹn trăm năm, người ta thường dùng thành ngữ: “Tóc bạc răng long”, hay để nhắn nhủ con người sự thủy chung người ta thường hát:

Em ơi ta nguyện nhau cùng
Răng long tóc bạc ta đừng quên nhau
Người Việt còn mượn mái tóc để thề nguyền:
Bây giờ kẻ ở người về
Mái tóc xanh chấm đất
Quyết xén thề ngang vai.
Tục ngữ Thái có câu:

- Yêu nhau tận tóc đỏ, thương nhau tận tóc trắng.

- Đôi ta yêu nhau đến khi tóc ngả hoa râm.
Yêu đến khi đầu bạc-(Tiễn dặn người yêu)​

Trong đám cưới của người Thái, lễ vật mang đến nhà gái được đựng trong một cái "hổ" (là loại rổ đan lát của người Thái) gồm một đôi bó tóc, một "mạy mản" để xuyên "tẳng cẩu"; hai vòng tay bằng bạc… Tất cả lễ vật đều thành đôi thể hiện sự chung thuỷ, hạnh phúc của đôi vợ chồng cho đến lúc đầu bạc răng long.

Đám cưới của người Khơ me có tục cắt tóc cho cô dâu, chú rể. Hành động này tượng trưng cho sự làm đẹp. Lễ cắt tóc diễn ra trong một không gian đầm ấm, thiết tha:

Bởi vì em yêu anh
Nên anh yêu em mãi
Muốn tình yêu chung thủy
Em cắt tóc tặng anh
Hỡi em yêu hiền lành
Mái tóc mềm đen nhánh
Anh mong điều may mắn
Trong chiếc kéo trên khay
Em hãy ngồi xuống đây
Dưới tàn cây so đũa
Mái tóc em buông xõa
Thay lời em yêu anh​

Như vậy, trong phong tục của một số dân tộc, mái tóc gắn với tục búi tóc hay cắt tóc là biểu tượng cho tình yêu, cho hôn nhân, sự thủy chung và bền chặt…


4 . Tóc là nơi trú ngụ của linh hồn

“Tóc còn được xem là sự trú ngụ của linh hồn như một trong những linh hồn… Và như thế trong lễ cầu phúc tóc rất hay được kết hợp với các bộ lông vũ, được xem là các sứ giả mà con người cử lên các thần linh trên trời” [ 932, 3].

Một số dân tộc theo đạo có tục trùm đầu, che kín mái tóc. Thiên chúa giáo, Do Thái giáo, Thần Đạo che kín tóc bằng khăn, Phật giáo nghiêm khắc yêu cầu xuống tóc quy y, Ấn Độ giáo chỉ cho phép tín đồ nhúng tóc mình xuống dòng sông Hằng linh thiêng mỗi năm một lần, Bà La Môn giáo để tóc dính bết thành từng búi, lẫn lộn cùng rơm rác, Hồi Giáo làm khổ ải tủi nhục tín đồ bằng hàng loạt quy định khắt khe liên quan đầu tiên đến tóc, đạo Xích bắt buộc phải búi tóc lên cao tuyệt đối không được xõa dài…

Người Việt có tục kiêng kị: không xoa đầu trẻ con, không đánh đầu trẻ con. Khi “Con ngủ lì không dậy, lấy vài sợi tóc mai của người ngoài phẩy vào miệng của đứa trẻ thì khỏi”, “Con đau bụng khóc lắm mượn người nhổ bão (nhổ cục tóc trên đầu cho mẹ nó) thì khỏi” [13, 1].

Ở Việt Nam xưa kia người ta cũng giữ lại chứ không vứt đi những sợi tóc bị đứt hay rứt trong khi chải đầu, bởi vì tin rằng chúng có thể ảnh hưởng một cách thần bí đến số mệnh chủ nhân chúng [931, 3].

Thưở trước, cả đàn ông và phụ nữ Thái đều có búi tóc, về sau đàn ông mới để tóc ngắn như bây giờ. Búi tóc ở vị trí cao nhất, linh thiêng nhất trên cơ thể nên đã được coi là nơi trú ngụ của hồn vía, được đặt ngang hàng với thể xác. Ở huyện Quỳ Hợp, khi làm lễ buộc chỉ cổ tay, các thầy cúng thường phải có lời mời gọi tất cả các vía của thân thể, gồm ba mươi vía ngụ trên búi tóc, chín trăm vía ngụ trong thân mình, gọi như thế mới được coi là đầy đủ. Cũng từ quan niệm này mà người Thái có tục kiêng đánh vào đầu, không xoa đầu trẻ con.

Trong sinh hoạt hành ngày, khi cần phải với tay lấy vật gì ở phía trên đầu người khác thì phải có lời xin phép trước. Ngoài ra người ta cũng kiêng việc đi qua dưới dây phơi quần áo. Trong quan niệm của người Thái, đội khăn, mũ, nón… ngoài tác dụng tránh nắng, giữ ấm, còn có thêm tác dụng bảo vệ, che chắn cho các vía đang ngụ trên đầu.

Trong đám tang của người Thái, khi hỏa thiêu người chết người ta bỏ vào đó một vài sợi tóc… Muốn xác cháy đượm cần có hơi hương của người mình yêu nhất. Người ta đốt cùng xác chết khăn, vải, áo lót hoặc hai ba sợi tóc của người thân thiết, coi như thêm dầu cho giàn hỏa. Trong “Tiễn dặn người yêu” ta thấy bóng dáng của tục lệ này:

Xin hãy cho anh kề vóc mảnh
Quấn quanh vai ủ lấy hương người
Cho mai sau lửa xác cháy đượm hơi. [437, 2]​

Câu thơ có ý nói: Không lấy được nhau coi như suốt đời không có ai thân yêu, đành mượn hơi hương da thịt người yêu ngay từ lúc này để mai sau có chết cũng không thành kẻ cô quạnh, lửa xác được nhờ hơi hương ngày nay mà cháy đượm, vong hồn được siêu thoát.

Chính vì mái tóc có một ý nghĩa biểu tượng linh thiêng như vậy nên ở Việt Nam cũng như một số dân tộc trên thế giới, bị cắt tóc hay gọt đầu là dấu hiệu của sự trừng phạt và trọng tội, nhiều nơi vẫn còn lưu giữ những tập tục kiêng kị đặc biệt với mái tóc…


Phần kết luận:​

Như vậy, mái tóc là một hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng, không chỉ trong quan niệm của riêng người Việt. Trong giới hạn của bài viết, chúng tôi đã phần nào chỉ ra ý nghĩa biểu tượng “mái tóc” trong văn hóa-văn học dân gian người Việt Nam, có sự so sánh với ý nghĩa biểu tượng này trong văn hóa của một số dân tộc khác trên thế giới. Tuy nhiên người viết chưa có điều kiện khảo sát, thống kê toàn bộ kho tàng văn học dân gian Việt Nam (cả về mặt số lượng thể loại và dân tộc). Chính vì thế việc giải mã ý nghĩa biểu tượng chắc chắn chưa đạt đến sự đầy đủ, trọn vẹn. Còn một số ý nghĩa của biểu tượng “mái tóc” mà người viết chưa có điều kiện tìm hiểu, phân tích như: Mái tóc-biểu tượng của sự trừng phạt (tục cạo đầu, gọt đầu bôi vôi…), biểu tượng của sự cấm kị… Đó sẽ là những điểm còn bỏ ngỏ đề người viết có thể hoàn thiện hơn khi có dịp quay trở lại với đề tài này.


Chú thích:
(1) Lễ “tẳng cẩu”:
Lễ "Tẳng cẩu" được tiến hành tại nhà gái, trên nhà sàn phía cửa sổ có ánh nắng mặt trời chiếu sáng, trước khi làm lễ đón dâu về nhà chồng. Khoảng 7 - 8 giờ sáng, những tia sáng trong lành của một ngày mới chiếu qua ô cửa sổ thì tiến hành làm lễ "Khửn cẩu". Có hai "me lam" (chủ hôn) hoặc "Nai tẳng cẩu", một bên nhà gái, một bên nhà trai và 2 người phục vụ đứng bên cạnh cô dâu. Một "me lam" gỡ búi tóc đằng sau của cô dâu ra, chải thật mượt để kết cùng hai bó tóc rời, khi tóc đã chải mượt thì hất ngược toàn bộ tóc đằng sau lên đỉnh đầu, một người giữ búi tóc, cuộn tròn, mái tóc và hai bên hơi chùng, bồng ra. Để trang điểm búi tóc cho đẹp và giữ tóc khỏi bị tuột, người ta dùng 1 "cà sa" (túi lưới màu đen chụp lên trên), dùng cây trâm làm bằng bạc hoặc nhôm theo kiểu ống cuộn tròn do thợ kim hoàn làm, có chiều dài từ 10-12 cm. Một đầu đính vào đồng tiền bạc hoa xòe và đính sợi dây "xọi", đầu kia vuốt nhọn. Dùng cây trâm xuyên qua "mản cẩu". Đồng tiền bạc quay về phía trước hơi lệch bên phải, dây "xọi" móc vào phía đầu nhọn của cây trâm hơi lệch sang trái. Có thêm sự tô điểm của trang sức làm cô dâu tăng thêm vẻ đẹp và trông chững chạc hơn. Khi "tẳng cẩu" xong bà mối gọi chú rể đến để cho đôi uyên ương gặp nhau rồi đưa vào động phòng hoa chúc. Và khi đó, đại diện bên nhà trai hát. Rồi sau đó, Me lam dắt cô dâu, chú rể ra lễ bái tổ tiên.
(2) Mái tóc Sam son:
Cuộc chiến giữa người Do Thái và người Palestin diễn ra căng thẳng, hai bên cùng hao tổn rất nhiều binh sĩ. Chúa trời đã cứu giúp người Do Thái bằng cách ban cho hai vợ chồng Do Thái một đứa con (Samson)-sẽ là người cứu giúp cho dân Do Thái, với điều kiện anh ta sẽ không được cắt mái tóc của mình đi và kèm theo một số kiêng kị khác. Samson yêu một cô gái tên là Dalila. Người Palestin tìm cách dụ dỗ, mua chuộc cô gái để tìm ra bí mật sức mạnh của Samson. Samson tìm cách nói nói dối nhưng cuối cùng cũng phải khuất phục trước những giọt nước mắt của người đẹp. Dalila biết được bí mật sức mạnh của Samson nằm ở bộ tóc của chàng nên đã ru ngủ chàng trong vòng tay mình và cho thị tì cạo trọc tóc Samson. Bị mất đi bộ tóc, Samson đã mất toàn bộ sức mạnh. Chàng đã bị quân Palestin bắt, chọc mù mắt…).

Theo: Hoàng Thị Phương Loan (CHK18 - Văn học dân gian)​
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top