Biểu cảm về cây sấu

Hôm nay Sen Biển sẽ hướng dẫn các em viết bài tập làm văn số 2 tại lớp với đề bài: "biểu cảm về cây sấu". Mời các em đọc bài viết dưới đây:


Dàn ý biểu cảm về cây sấu​


I. Mở bài

- Giới thiệu về cảm xúc với cây Sấu: Hình ảnh cây Sấu từ lâu đã gắn liền với mùa hè của Hà Nội, mùa hè rợp bóng tiếng ve trên những con đường Phan Đình Phùng, Quán Thánh của Thủ Đô.

II. Thân bài

- Cảm nghĩ về hình ảnh cây Sấu: Cây Sấu mọc rất cao và vươn cành tỏa bóng làm dịu đi cái nóng cho người đi đường

+ Thân cây như thế nào? thân cây cao lớn, vỏ cây xù xì trông vô cùng xấu xí

+ Quả sấu như thế nào? Mỗi năm vào mùa hè là mùa của những quả Sấu chín. Quả sấu có hương vị thật đặc trưng, vừa ngọt vừa chua và thơm một cách rất lạ.

- Cảm nghĩ về những kỉ niệm với cây Sấu: Quả sấu còn xanh là món khoái khoái khẩu của học trò chúng em. Mỗi khi cây Sấu ra trái, em thường hái những quả xanh đem ngâm muối sau đó chấm muối ớt. Ôi! thật tuyệt vời, nếu ai đã thử món này chắc chắn sẽ không quên được.

+ Những buổi tan học về đi dưới hàng Sấu là những giây phút đẹp nhất, những chiếc lá nhẹ nhàng rơi xuống theo làn gió, tiếng lá xào xạc cùng tiếng chuyền cành của những chú sóc

III. Kết bài

- Cảm nghĩ chung về cây Sấu? Mỗi cây đều có những vẻ đẹp riêng, nhưng riêng cây sấu là cả những kỉ niệm của tôi của tuổi thơ, những kỉ niệm không bao giờ quên của tuổi trèo me hái sấu.


cay-sau.png


Bài văn mẫu 1​

Hà Nội có nhiều con đường đẹp trồng sấu: Trần Phú, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo. nhưng nhiều và đẹp nhất vẫn là phố Phan Đình Phùng. Phố rộng, hai bên đường và chia đôi một bên vỉa hè, là ba dãy cây sấu gần trăm năm tuổi. Cao hai mươi, hai nhăm mét, gốc sần sùi những bạnh, những vè. ba dãy cây sấu đứng vững chãi, tỏa bóng mát bốn mùa. Trưa hè dù nắng đến mấy, nhìn từ đầu hay cuối phố cũng thấy những tàng cây xanh mát giao nhau, rợp tối cả con đường, khiến ai đi qua cũng muốn chầm chậm lại, để kéo dài thêm khoảnh khắc mát mẻ, trong lành dưới những hàng cây.

Sấu là loài cây rất lạ, lá rất nhiều và xanh suốt bốn mùa. Cuối xuân, đầu hạ, cây sấu đồng thời vừa trút bỏ lá già, vừa thay lá non. Cứ mỗi trận gió, hàng ngàn chiếc lá vàng tươi lại lìa cành, bay phơi phới, đậu trên vai trên tóc người qua, dát vàng rực rỡ những vỉa hè phố cũ. Những năm cuối cấp phổ thông, đi học về trên con đường này, trò chơi ưa thích của chúng tôi là đuổi bắt những chiếc lá vàng bay. Có nhiều chiếc lá đã được cất vào thơ, ép vào trang lưu niệm. Con đường rắc đầy lá vàng ấy, khi xa Hà Nội, tôi nhớ đến nao lòng.

Rồi những chùm hoa sấu trăng trắng, nhỏ xinh hình cái chuông đã bật ra cùng với màu lá mới xanh non. Không thơm nồng nàn như hoa sữa, mùi hoa sấu thơm nhẹ, man mác mà thanh tao. Bây giờ, trẻ con không lấy chỉ xâu hoa rụng thành chuỗi đeo cổ nữa. Những bông hoa sấu rụng thành lớp mỏng, trắng cả gốc cây sau những trận mưa đầu hạ. Và một hôm nào đó, như theo lệnh chỉ huy của một nhạc trưởng, từ những vòm cây xanh, dàn nhạc ve bỗng đồng loạt cất lên bản giao hưởng mùa hè. Ấy là lúc Hà Nội bước vào mùa quả sấu.

Trước sấu rẻ lắm, một cân sấu chỉ dăm bảy ngàn đồng, câu “bọn trèo me, trèo sấu” có thời dùng mang tính miệt thị để chỉ những người vô gia cư trên đường Hà Nội. Một ngàn rưởi gốc sấu già trồng trên các đường phố, công viên của Hà Nội do công ty Công viên và cây xanh quản lý chỉ mang lại món thu nhập thêm không đáng kể cho công nhân. Dăm năm trở lại đây, sấu bỗng trở thành loại quả được giá, làm cho anh bạn tôi chợt nảy ra ý định trồng sấu để làm giàu.

Thiên nhiên thật kì diệu, cũng đất ấy, nắng ấy, gió ấy, sao có cây cho quả ngọt ngào, có cây lại cho vị chua như sấu. Cây sấu chua, chua cả từ cái lá, từ bông hoa bé xíu. Còn quả thì. Trời ơi, chỉ vừa nghĩ đến, nước miếng đã tứa ra khắp chân răng, vừa sợ, lại vừa thích. Chả thế mà có người lí giải cái tên quả sấu rằng: vì quả ăn chua quá, nhăn hết mặt mũi lại, xấu lắm, nên mới gọi là quả sấu. (!)

Mùa này quả sấu còn non, chỉ nhỏ xinh như đầu ngón tay, cùi mỏng, vị chua nhè nhẹ, làm món sấu dầm đường tuyệt ngon. Ra chợ, một cân sấu giá mấy chục ngàn, nếu yêu cầu gọt vỏ, trả thêm tiền thì ngang giá một cân thịt lợn ngon. Đắt, nhưng người bán cũng không gọt xuể. Quả sấu bé, gọt xong một cân thì hỏng hết móng tay còn gì. Các mợ, các cô bây giờ thà mất thêm ít tiền, chứ không thích hỏng búp sen đâu. Mang sấu về, rửa sạch nhựa, lấy dao chích nhẹ một hình chữ thập vào quả, nông thôi, kẻo khi làm xong, quả sấu vỡ ra, không đẹp. Ngâm nước vôi khoảng một giờ cho bớt chua. Nước đường thắng lên, thả chút gừng cạo vỏ, đập dập cho thơm, đổ ào tất cả sấu vào, đảo lên rồi bắc ra ngay. Để lâu, quả sấu chín nhũn, coi như hỏng. Cứ ngâm sấu trong nước đường cho ngấm. Khi nào ăn, múc ra bát sứ trắng nhỏ, dùng đoạn cật tre cắt vát đầu xiên từng quả, ngậm hờ trên môi, khẽ mút lấy vị ngọt của đường, vị chua thanh của sấu, vị thơm của gừng, để cảm nhận hết nét thanh tao của món quà, bỗng thấy cái nóng nực của mùa hè giảm hẳn.

Công dụng chính của quả sấu là để nấu canh chua. Dù cái nắng hè có làm cho mệt mỏi, biếng ăn, nhưng bữa cơm có bát canh chua thịt nạc hay canh hến nấu với sấu, vẫn ngon miệng như thường. Rau muống luộc vớt ra, thả tiếp vào nồi dăm bảy quả sấu, nửa dầm làm canh, nửa cho vào bát nước mắm ớt thay chanh. Miếng cùi sấu dầm trong nước mắm, vừa cay, vừa mặn, vừa chua, ngon hơn cà pháo. Nhiều nhà nghiện sấu, lúc mùa rộ mua cả chục cân, giữ trong ngăn đá tủ lạnh, ăn dần.

Vãn mùa, trái sấu chín vàng thơm, vỏ lốm đốm nâu. Người ta tuyển chọn những trái to, ngon nhất để bán rong. Trên các con phố cổ, những lúc lang thang dạo xem quần áo, giày dép, thế nào cũng gặp các cô gái bưng những khay sấu vàng ươm, cắt xoáy trôn ốc rất khéo. Trông quả sấu vẫn tròn, nhưng cầm lên, lại giãn ra như cái lò xo. Trái sấu vàng, ruột sấu hồng hồng, trong đính cái hạt nâu, điểm chút muối ớt đỏ; ngọt, chua, cay, mặn quyện vào nhau, mời gọi dịch vị ứa ra. Chẳng có mợ nào, cô nào cầm lòng được, lại bị ăn dỗ khối tiền.

Còn nữa, ai chẳng có một thời học sinh vô tư lự, đi xem phim cùng bạn bè, chia nhau những quả ô mai sấu màu nâu, phủ lớp áo cam thảo vàng. Món quà rẻ tiền đó, rưng rưng bao chua ngọt, mặn mà, thơm thảo. Giờ đây, bạn ở phương trời nào, có còn nhớ hay không?

Nhà văn Băng Sơn đã từng viết: “Máu người Hà Nội có vị sấu chua”. Vâng, có lẽ thế. Đã là người Hà Nội, ai chẳng mang trong mình tình yêu với vòm xanh cây sấu, da diết tiếng ve gọi về một trời nhớ thương, một trời kỉ niệm, xao xuyến lòng kẻ ở người đi.

Hà Nội của tôi đang vào mùa sấu.

Mời các em xem tiếp các bài văn mẫu "biểu cảm về cây sấu" ở phần bình luận nhé
 

Bài văn mẫu 2​

Hà Nội ta là một rừng cây sấu mọc thành hàng dãy phố.

Cây sấu trông hình thù xấu xí cũng như anh Trương Chi người xấu nhưng tiếng hát hay, cây sấu có nhiều đức tính. Hình thù cây sấu rất lẫn với trăm cây khác, nhưng quả sấu chín có một hương ngọt nó thơm một cách khiêm tốn nhưng cũng tự kiêu ngầm. Và ngay từ lúc nó còn là trái xanh non, đem ra làm ‘tương dấm hoặc tan ra trong nước rau muống lúc nắng mới, vị sấu có một hương chua chua cầu kì gớm lên ấy. Cây sấu ra quả là một nguồn cảm xúc mạnh cho những trẻ em nhà nghèo lúc lấm lét trèo lên cây hoặc cầm súng cao su đứng dưới gốc. Cái lúc sấu rụng lá già cũng tỏ ra là một thứ cây có tình. Trong tiếng gió thổi trên thành phố, vẫn thầm thì cái tiếng chào kín đáo của lá sấu gai lên mặt đường nhựa, nó nhịp với tiếng nhát chổi của người công nhân quét rác chuyển bước chữ đinh trên đường phố vắng người. Đêm về sáng, người nạo lòng đường sắt tàu điện có lẽ là người hiểu nhiều nỗi riêng của cây sấu. Trong cuộc hội họp của màu xanh muôn vẻ của cây Việt Nam, cây sấu như ngả sang màu đen bền vững. Những khóm lá xanh già cấc ấy tự nguyện thành một cái nền chắc nịch làm bừng sáng lên những chồi lộc các loại cây quanh mình. Cái gì chắc chắn thường là chậm chạp, cho nên trong hội thi đua mùa xuân trăm cây ra lộc hết cả rồi, rồi ta mới thấy cây sấu đủng đỉnh xoà lên nền nắng mới một vài cái nõn nhỏ.

Cái lúc mà cây sấu biết nhường nhịn kia đã chịu ra lộc thì cũng là lúc cuộc đời đã xuân tàn, luống cà bát một xóm lao động cũng đang trổ những đoá hoa tím nhạt. Và từ đây, giữa đám lộc sâu đang chuyển nhanh sang màu xanh đen cố hữu rồi ngân lên cái tiếng thở dài đầu tiên của con ve sầu hát ngàn trong nắng non.

Tôi đi giữa Hà Nội hôm nay, những gốc sấu vẫn tiếp tục rụng lá cũ, ra lộc mới, vừa nở hoa trên trời, vừa vãi hoa đầy đất. Trên các lề phố, trước cổng các cơ quan, trên mặt đường nhựa, từ khắp năm cửa ô trở vào, hoa sấu vẫn nở, vẫn vương vãi khắp Thủ đô tưng bừng chiến thắng. Trắng tròn như hạt nếp hạt tẻ đầu mùa, hoa sấu kéo dài con đường hoa nhiều quãng cộm hẳn lên như cót gạo nào của khu phố vung vãi ra. Như là vừa có đoàn dân công phụ nữ nào mới gánh gạo khao quân qua đây vừa hối hả trẩy qua, gạo mừng công bị đánh sóng ra hàng yến hàng tạ trên khắp mặt phố đang vào hè. Tiếng ve sầu đầu mùa cưa đều vào không gian Hà Nội, căng thời gian ra mà cưa miết vào.

Bài văn mẫu 3​

Hằng năm, vào cữ hạ sớm này, người Hà Nội lại được hưởng những cơn mưa lá sấu ào ạt rơi trong hương sấu dìu dịu, thơm thơm.

Hương lá dịu dàng ướp cả bầu không khí tinh khôi khiến ta những muốn hít thật sâu cho căng tràn lồng ngực. Sau lúc lá rụng là cữ sấu ra hoa. Những mảng hoa hình sao màu trắng sữa chao nghiêng trong gió, đậu xuống mái tóc các cô gái, lấm tấm cả mặt đường.

Giống như hoa sữa mùa thu, cành đào ngày Tết, cây sấu Hà Nội gợi nhớ, gợi thương trong tấm lòng những người xa xứ. Tôi có chị bạn đã theo chồng về Nam ngót hai chục năm, mỗi lần có dịp vẫn không quên nhắn bạn gửi cho ít trái sấu xanh Hà Nội. Ngày hè, mâm cơm mỗi gia đình thành phố chúng ta ít khi thiếu bát nước rau muống luộc dầm sấu, ăn kèm với cà pháo giòn tan. Thức ăn giản dị ấy đã là nỗi khát khao của chị bạn tôi (và các nhiều người khác) mỗi bữa cơm trong cái thành phố phương Nam nóng ngột mà cái mát lạnh của những cốc trà đá không làm dịu nổi. Từ những quả sấu xanh, bàn tay khéo léo và sự tinh tế của các bà nội trợ đã tạo nên món sấu đá, một thứ đồ giải khát dân dã mà đậm đà chất Hà Nội. Hãy tưởng tượng trong cái nóng như nung của trưa hè, bạn vào một gánh hàng rong nơi góc phố. Cô hàng tươi tắn chào mời, thoăn thoắt đôi tay. Thoáng một cái, bạn đã có trong tay cốc sấu đá mát lạnh. Đừng ngại ngần trước vẻ mộc mạc của nó. Những trái sấu xanh vừa độ, gọt vỏ, bỏ hột, chần qua cho bớt vị chua, được thấm đẫm trong cốc nước đường hoa mai ngọt đậm. Chỉ nhấp một ngụm nước, nhai kĩ miếng sấu, cái khát trưa hè đã dần lui. Ấy chưa kể sự mát mẻ và những nhát quạt phây phẩy của cô hàng chiều khách..

Từng qua thời thơ ấu ở Hà Nội, ai chẳng có một lần nghển cổ nhìn lên tán lá cao vút mà ngắm nghía một cách ước ao chùm sấu non xanh hay thích thú chia nhau nhấm nháp món sấu dầm bán trước cổng trường.

Lúc sấu chín cũng là lúc Hà Nội sắp vào thu với man mác heo may, vàng tươi hoa cúc. Mùa nào, tiết nào Hà Nội cũng có cái để mà nhớ, mà thương. Đó chính là cái duyên của thành phố trong mắt, trong lòng những người yêu Hà Nội.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top