Biến da thành máu
Nghiên cứu mới mở ra hy vọng cho bệnh nhân ung thư - Ảnh: AFP
Phương pháp này có thể được sử dụng để điều trị ung thư và các căn bệnh hiểm nghèo khác.
Sắp tới, bệnh nhân sẽ được truyền loại máu làm từ da của chính họ. Đây là bước đột phá có thể cách mạng hóa phương pháp điều trị ung thư đồng thời giải quyết vấn đề thiếu máu hiến tặng.
Công trình nghiên cứu của nhóm khoa học gia thuộc Đại học McMaster tại Ontario (Canada) vừa chứng tỏ tế bào da bình thường có thể chuyển thành tế bào máu một cách hiệu quả trong phòng thí nghiệm. Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ cần một mảnh da với diện tích 3 x 4 cm, được lấy từ bất cứ nơi nào trên cơ thể, cũng đủ tạo ra số lượng máu cần thiết cho một lần truyền. Điều quan trọng hơn là do máu được làm từ tế bào của chính bệnh nhân đó, nên loại bỏ được nguy cơ bị cơ thể đào thải. Trước đó, các nhà nghiên cứu cũng có thể biến tế bào da thành máu, nhưng phải sử dụng các tế bào gốc phôi. Quá trình chuyển đổi này đầy rủi ro, có thể khiến cơ thể phát sinh khối u ung thư.
Phương pháp trên thành công đến mức các chuyên gia Canada tự tin có thể áp dụng trên thực tế trong 2 năm nữa. Nghiên cứu này, được công bố trên chuyên san Nature, là một phần trong nỗ lực của giới khoa học trong việc chuyển tế bào trưởng thành trở về nguyên dạng đầu tiên là tế bào gốc. Tế bào gốc là tế bào cơ bản, có thể được chuyển thành bất cứ tế bào nào khác trong cơ thể nhờ tác động của khoa học. Đặc biệt, đội ngũ chuyên gia của Đại học McMaster đã thành công khi bỏ luôn công đoạn biến tế bào da thành tế bào gốc rồi từ đó mới chuyển thành tế bào máu.
Những người mắc bệnh bạch cầu nhiều khả năng sẽ là nhóm bệnh nhân đầu tiên được nhận loại máu tương thích một cách hoàn hảo nhờ nghiên cứu đột phá trên. Trong tương lai, loại máu được “sản xuất” từ phòng thí nghiệm này có thể giúp giải quyết rốt ráo tình trạng thiếu người hiến máu. Nó có thể được dùng trong phẫu thuật, chữa trị bệnh nhân bị chứng thiếu máu và những bệnh về máu khác, cũng như cho phép bệnh nhân chịu đựng những đợt hóa trị kéo dài mà không cần thời gian tạm nghỉ để cơ thể phục hồi. Kỹ thuật mới cũng hứa hẹn sẽ giúp giới khoa học nghiên cứu thêm khả năng tạo ra các loại tế bào khác, bao gồm dây thần kinh với tiềm năng chữa trị những bệnh về tổn thương não như Parkinson và Alzheimer.
Hạo Nhiên - TNO