Con người được tạo thành từ chính những suy nghĩ của họ.”
– Dhammapada
“Niềm tin của bạn nói lên bản chất con người bạn.”
– Anton Chekhov
TTO - Quan điểm hạn hẹp và sai lầm là rào cản thứ hai ngăn cản việc bày tỏ mong muốn thật sự của con người. Chúng ta vô tình lập trình sẵn mọi thứ trong tâm tưởng và giờ đây, chúng âm thầm chi phối mọi hành động của ta.
Nguồn gốc của niềm tin
Khi mới chào đời, tất cả chúng ta đều sở hữu một nội tâm mới mẻ và thuần khiết. Tuy nhiên, trong quá trình trưởng thành, không ít người đã bị những dòng tư tưởng hạn hẹp của truyền thống gia đình hay những thông tin sai lệch từ những người xung quanh chi phối, kết quả là tâm hồn họ dần bị thui chột và trở nên xơ cứng.
Chúng ta thường được dạy: Hãy sẵn lòng cho đi. Ngoài ra, chúng ta cũng được dạy rằng không nên quá ảo tưởng để không phải thất vọng; chẳng hạn đừng mong đợi sẽ gặp được một người đàn ông nào đó giống cha mình. Trong nhiều trường hợp, tốt hơn hết là ta nên giả vờ như không biết còn hơn nói ra những điều khiến người khác ngờ vực và phê bình.
Cha mẹ - những người lập trình quan điểm cho con trẻ
Khi còn bé, phần lớn những ước muốn của chúng ta ít được người lớn quan tâm. Thậm chí trong nhiều trường hợp, chúng ta còn bị phê bình hoặc chế nhạo vì những nhu cầu và ước muốn ấy. Chúng ta không được quyền lựa chọn hoặc đề cập đến những nhu cầu hay sở thích mang tính cá nhân. Chúng ta như những con rô-bốt được lập trình sẵn, chỉ được làm những gì người khác sai bảo và nói những gì được phép.
Bạn có cảm thấy những câu nói dưới đây quen thuộc với mình không?
- Đừng làm phiền mẹ bằng những câu hỏi của con nữa.
- Hãy để cho bà con được nghỉ ngơi.
- Bố/mẹ không muốn nghe thêm bất cứ điều gì về vấn đề này nữa.
- Bố/ mẹ không có thời gian cho việc này.
- Sao con chỉ biết nghĩ đến bản thân mình vậy?
- Hãy làm theo cách của mẹ.
- Chừng nào còn sống ở nhà này thì con phải tuân theo những khuôn phép của bố mẹ.
- Nếu không nói được những điều tốt đẹp thì tốt hơn là con đừng nói gì cả.
- Nhanh lên, còn rất nhiều việc phải làm đấy.
- Bố/ mẹ không quan tâm con thích gì và muốn gì.
- Nếu con im lặng và ngoan ngoãn nghe theo lời mẹ thì mọi việc sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều.
- Con chỉ được làm những điều bố/ mẹ cho phép mà thôi.
Trường học – môi trường hình thành nhân cách con người
Ở trường học, nếu bạn yêu cầu giáo viên giúp đỡ thì đôi khi, bạn sẽ bị các bạn cùng lớp cho là bạn đang lấy lòng thầy cô hoặc “chơi trội”.
Chắc chắn không ai trong chúng ta muốn đưa ra một câu hỏi nào đó có vẻ ngớ ngẩn để nhận về cái nhìn khó chịu hoặc những trận cười chế nhạo của mọi người. Vì thế, thông thường, chúng ta chỉ thật sự bùng nổ khi đó là ý kiến của số đông.
Trường học thật là buồn cười!
Tôi ngồi tại một chiếc bàn màu nâu, hình vuông, giống như bàn của những đứa trẻ khác, chợt nghĩ: “Tại sao chiếc bàn này không sơn màu đỏ nhỉ?”.
Phòng học của tôi cũng hình vuông và màu nâu giống như những phòng khác. Không gian thật bó buộc và ngột ngạt.
Tôi ghét phải ghì chặt cây bút chì hoặc viên phấn trong tay để viết nên những con số hoặc một chữ cái vô nghĩa nào đó.
Tôi cũng không thích phải để chân chạm thẳng xuống đất trong khi cô giáo cứ đi qua đi lại quan sát.
Tôi ghét phải viết những nét chữ thẳng, cứng cáp và theo mẫu có sẵn.
Giờ học vẽ, tôi vẽ bức tranh một buổi bình minh với sắc màu vàng rực. Tôi rất thích bức tranh này. Thế nhưng, khi cô giáo nhìn vào bức tranh của tôi, cô đã hỏi:
- Sao con không vẽ như bức tranh của Ken? Nó đẹp đấy chứ?
Chỉ toàn là những yêu cầu.
Sau đó, mẹ mua cho tôi một chiếc nơ như các bạn
Và cũng như các bạn, tôi luôn thích máy bay và tên lửa.
– Trích About school, một bài thơ trong chương trình trung học ở vùng Regin, Saskatchewan.
Tác động của quan niệm xã hội
Quan điểm truyền thống cho rằng, đã là một đấng nam nhi đúng nghĩa thì phải mạnh mẽ, vững vàng và nhất là không được tỏ ra yếu đuối hay bày tỏ những ước nguyện của mình. Ngay từ nhỏ, các cậu bé đã được học cách chôn chặt nỗi đau cùng mọi ước muốn trong lòng, và che đậy điều đó bằng vẻ ngoài lạnh lùng. Tư tưởng này đã ăn sâu vào tiềm thức khiến họ nghĩ rằng, việc yêu cầu người khác giúp đỡ là điều hoàn toàn không nên.
Tác động của niềm tin và tín ngưỡng
Nhà thờ, các vị cha cố, các vị thiền sư… đều ít nhiều ảnh hưởng đến suy nghĩ và quan điểm của con người đối với việc đưa ra lời yêu cầu cho những điều họ mong muốn.