Bệnh lý Basedow

Basedow ( tên khác: bệnh Graves, bệnh Parry) là một trong những bệnh lí cường giáp thường gặp trên lâm sàng với những biểu hiện chính: nhiễm độc giáp kèm bướu giáp lớn lan tỏa, lồi mắt và tổn thương ở ngoại biên. Nhờ sự tiến bộ của miễn dịch học, ngày càng nhiều kháng thể hiện diện trong huyết tương người được phát hiện, vậy nên hiện nay bệnh Basedow được xếp vào nhóm các bệnh tự miễn.

Bệnh nguyên
Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi , nhất là trong độ tuổi 20-40 tuổi, xảy ra nhiều ở phụ nữ, tỉ lệ nam/nữ = 1/5 – 1/7 ở vùng không bị bướu cổ địa phương. Một vài yếu tố ghi nhận có thể gây đáp ứng miễn dịch trong Basedow như

- Thai nghén, nhất là giai đoạn hậu sản

- Dùng nhiều iod, có thể iod làm khởi phát Basedow tiềm tàng.

- Dùng lithium làm thay đổi đáp ứng miễn dịch

- Nhiễm trùng và nhiễm virus

- Ngừng corticoid đột ngột

- Người có HLA B8, DR3 (dân vùng Caucase) HLA BW 46, B5 (Trung Quốc) và HLA B17 (người da đen).

- Vai trò của stress chưa được khẳng định

- Liên quan di truyền với 15% bệnh nhân có thân nhân mắc bệnh tương tự và khoảng 50% người thân của bệnh nhân có tự kháng thể kháng giáp trong máu.

Triệu chứng lâm sàng
Chia làm hai nhóm triệu chứng lớn đó là biểu hiện tại tuyến giáp và ngoài tuyến giáp

Tại tuyến giáp
  • · Bướu giáp
Bướu giáp lớn, thường lan tỏa, tương đối đều, mềm, đàn hồi hoặc hơi cứng, có thể rung miu tâm thu, thổi tâm thu tại bướu, nếu bướu lớn có thể chèn ép các cơ quan lân cận. Một số biểu hiện rối loạn vận mạch vùng cổ ( đỏ, da nóng, tăng tiết mồ hôi), vẫn có tỷ lệ nhỏ bệnh nhân không có bướu giáp lớn (liên quan kháng thể)

  • · Hội chứng nhiễm độc giáp
Các dấu chứng này thường tỉ lệ với nồng độ hormon giáp với nhiều cơ quan bị ảnh hưởng

- Tim mạch: hồi hộp, nhịp tim nhanh, loạn nhịp khó thở khi gắng sức lẫn khi nghỉ ngơi. Ở các động mạch lớn, mạch nhảy nhanh và nghe tiếng động tâm thu, huyết áp tâm thu gia tăng (tăng cung lượng tim) so với huyết áp tâm trương, trường hợp nặng suy tim loạn nhịp, phù phổi, gan to, phù hai chi dưới.

- Thần kinh cơ: Run rõ ở bàn tay là triệu chứng dễ nhận biết và nổi bật kèm theo yếu cơ. Bệnh nhân thường mệt mỏi, dễ kích thích thay đổi tính tình, dễ xúc động, nói nhiều, bất an, không tập trung tư tưởng, mất ngủ.

- Dấu hiệu tăng chuyển hóa, tăng thân nhiệt, luôn có cảm giác nóng, tắm nhiều lần trong ngày, gầy nhanh, uống nhiều nước. Ngoài ra, có các biểu hiện rối loạn chuyển hóa canxi máu hoặc hiện tượng loãng xương ở người lớn tuổi sau mãn kinh gây biến chứng, xẹp đốt sống, gãy xương tự nhiên, viêm quanh các khớp.

- Biểu hiện tiêu hóa: ăn nhiều (vẫn gầy), tiêu chảy đau bụng, vàng da

- Tiết niệu sinh dục: Tiểu nhiều, giảm ham muốn tình dục, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh và liệt dương

- Da và các cơ quan phụ thuộc: Ngứa, loạn sắc tố da, có hiện tượng bạch ban ở lưng bàn tay và các chi; tóc khô, rất dễ rụng.

Biểu hiện ngoài tuyến giáp
  • Thương tổn mắt
Mắt lồi: có khi một bên nhưng thường ở cả hai bên

Co cơ mi trên, phù nề mi mắt, xung huyết giác mạc và kết mạc.

  • Phù niêm
Tỉ lệ gặp 2-3%, thường định vị ở mặt trước cẳng chân, dưới đầu gối, có tính chất đối xứng. Vùng thương tổn dày (không thể kéo lên) có đường kính vài cm, có giới hạn.

Da vùng tổn thương hồng, bóng, thâm nhiễm cứng, lỗ chân lông nổi lên, lông dựng đứng, bài tiết nhiều mồ hôi. Đôi khi tổn thương lan tỏa từ chi dưới đến bàn chân.

Ngoài những biểu hiện trên còn tìm thấy một số biểu hiện của bệnh tự miễn phối hợp khác đi kèm như suy vỏ thượng thận, suy phó giáp, đái tháo đường, nhược cơ nặng…

Biến chứng
-Tim mạch: suy tim, loạn nhịp tim

-Cường giáp cấp (bão giáp): tỉ lệ tử vong cao

-Lồi mắt ác tính

Hướng điều trị
-Nội khoa: là phương pháp điều trị phổ biến nhất

+Biện pháp chung: nghỉ ngơi, an tĩnh, ăn đồ mát

+Thuốc: Kháng giáp tổng hợp: MTU, PTU…uống gần bữa ăn

Thuốc chẹn beta giao cảm: Propranolol nên uống sau bữa ăn

An thần: seduxen, rotunda…

-Iod phóng xạ: I131 phá hủy tuyến giáp, tuy nhiên phương pháp này có thể gây biến chứng phá hủy tuyến giáp. Phương pháp này không được dùng cho phụ nữ có thai.

-Phẫu thuật: Khi điều trị nội khoa không hiệu quả. Phương pháp này mang lại nhiều rủi ro như: suy giáp, suy cận giáp ( cơn hạ calci máu), khàn tiếng hoặc mất tiếng (cắt vào dây thần kinh quặt ngược)



Nguồn: sưu tầm
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top