• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Bệnh lạ - Truyện ngắn của nhà văn Lưu Quang Minh

baothyquadep

New member
Xu
0
DSC08506.jpg

Bệnh lạ

TP - Ả chỉ vừa mới phát hiện ra mình mắc bệnh. Đó là khi thằng bé nhìn ả với đôi mắt không thể đáng thương hơn. Nhưng tất cả những gì ả ném lại cho nó chỉ là cái nguýt đầy khinh miệt. Ả còn nhớ như in nỗi hả hê nhường nào khi tuôn những lời chửi mắng xối xả thậm tệ vào gương mặt xơ xác gộc gầy của thằng nhóc. Trong ả luôn trào lên một cảm giác ghê tởm muốn nôn ọe mỗi khi bọn rách rưới này đứng lởn vởn trước mặt. Chính khoảnh khắc ấy, mắt ả xuyên thấu nó, xuyên thấu bộ dạng thảm hại của đứa nhóc con. Rõ mồn một.
“Cô ơi, mua giúp con… đi mà cô… con van cô… mua giúp con đi cô…”
Nó cứ dúi cho ả bằng được những phong kẹo cao su ế chỏng ế chơ. Thằng mất dạy! Cút khuất mắt tao. Cút. Cút…
Chuyện kỳ lạ chỉ diễn ra trong vài giây. Sau đó ả đoán chắc mình nhìn nhầm, hay đại loại là do đủ thứ vấn đề, vì cơn bực tức, cũng có thể trời quá nhá nhem chẳng hạn…
Cuối cùng thì nó cũng biến mất hút. Ả thở phào, quay lại cuộc chuyện dở dang với đám bạn sành điệu.
“Má nó chứ. Tao vầy mà nó gọi là cô. Má…”
Cả đám phá lên cười hềnh hệch. Hềnh hệch. Hềnh hệch. Hềnh hệch.
Rùng mình, ả thấy rợn gáy, toàn thân như thể đóng băng. Đám bạn của ả… chúng nó…
Chúng nó cũng đều như vậy.
Không thể tìm trong đầu một từ diễn tả trạng thái ả đã thấy, trong hoàn cảnh quỷ quái này. Sẽ phải mất một thời gian đủ lâu để ả vắt óc, cố kiếm một từ ngữ nghĩa hoàn toàn trọn vẹn.
Ả vẫn chưa nghĩ ra.
Khi thoát khỏi cơn bần thần thì ả đã ở trong bar, quay cuồng trong tiếng nhạc, men rượu chếnh choáng cùng những động tác nhảy nhót cháy bỏng mê say.
“Dzô… dzô!”
Vui. Vui quá. Quá đã. Nữa đi. Ả nghe trong đầu mình những tiếng thét vọng vang đến tận thinh không. Uống, uống. Khà khà. Khà khà. Khà khà.
Nhạc dập mạnh hơn. Đèn chớp xanh đỏ tím vàng nhập nhoạng. Toàn thân ả nóng ran. Nóng như thiêu như đốt. Ả muốn cởi ra, trút hết. Mùi rượu, mùi mồ hôi, mùi thuốc lá, tất cả trộn lẫn vào nhau, đặc quánh.
Lần mò chen chúc xuyên qua những thân hình đang quằn quại rũ rượi, cuối cùng ả cũng đến được cửa toilet. Hai chân xiêu vẹo, cả người ả chao đảo ngả nghiêng. Tựa vào bức tường một cách khó khăn, ả cố bước đến chỗ bồn rửa mặt, thật nhanh. Vài tấc nữa thôi, nếu không kịp ả đã nôn thốc nôn tháo tất cả mớ hỗn độn xục xạo trong ruột ra sàn.
Cứ thế mọi thứ trôi tuột ra khỏi cổ họng ả. Đắng nghét. Cay nồng.
Cảm thấy đỡ hơn, ả mở vòi, lấy tay tạt nước lên khuôn mặt đậm dày phấn son của mình.
Ả ngước lên, đối diện tấm gương trước bồn rửa mặt.
Không thấy gì cả.
Ả dụi mắt. Nhìn lại lần nữa.
Vẫn không có ai, từ trong gương nhìn ra.
Cái quái gì vậy? Ả mở to mắt, soi mình vào vật phản chiếu duy nhất nơi cái toilet ngột ngạt nhơ nhớp này.
Trong tấm gương chỉ có mỗi hình ảnh cái toilet hắt ngược lại. Nhưng mà, nhưng mà… vô lý. Ả đang đứng sờ sờ đây cơ mà!
Đưa tay quờ quạng trước gương, ả vẫn không thấy ảnh phản chiếu nó ở đâu. Ả dí sát mặt vào gương, mắt nở to, hình bóng của ả đâu, ở đâu, ở đâu?
Chẳng có gì trong gương.
Thôi đúng rồi. Ả say! Ả quá say rồi. Hì hì. Hà hà. Say đến nỗi quên mất cả bóng dáng hình hài bản thân. Mình ngu thật, ngu thật!
Vừa nghĩ thầm ả vừa tự đập tay lên trán, mắt nhắm tịt. Không sao, khi giã rượu mọi việc sẽ trở lại bình thường. Chắc chắn rồi. Chẳng có gì phải lo lắng cả.
Tiếng nhạc cứ rập rình bên tai. Ả nhức đầu quá. Phải quay lại chỗ đám bạn thôi. Nghĩ là làm, ả men theo bức tường lạnh tanh, ra khỏi toilet.
Có gì đó không ổn. Hình như thế. Mắt ả còn đang nhắm. Nhưng ả biết cảm giác chật chội chen chúc trong bar kinh khủng như thế nào. Nãy giờ, ả chưa va phải ai. Sao thế nhỉ? Kỳ lạ…
Nhạc đều đặn dập mạnh mẽ càng lúc càng to hơn. Ả dỏng tai. Đúng là có tiếng nhạc. Vậy còn tiếng người, đi đâu hết rồi?
Đám bạn của ả, chúng ở nơi nao?
Lờ đờ, ả mở hờ đôi mi. Ánh đèn chớp nháy nhập nhoạng dội ngay vào mắt.
Hình ảnh tiếp theo mắt ả nhận biết là một cái bar trống rỗng hoàn toàn không có bóng người.
Tiếng thét lập tức bật vang từ cổ họng ả, át cả tiếng nhạc.
* * *​
Ả đã mắc bệnh. Có thể nó liên quan đến tâm thần. Ả hóa điên? Ả bị điên? Không. Không đúng. Không thể nào!
Bước vô định thất thểu trên đường, chung quanh ả dòng người và xe dần tấp nập, trời đã bắt đầu sáng hẳn. Ả cố bắt taxi nhưng hoàn toàn bất lực. Không có chiếc taxi nào chịu dừng lại. Thậm chí chúng đã có thể đâm chết tươi ả, nếu ả không né ra trong gang tấc. Điện thoại. Phải rồi, điện thoại. Ả lục lọi trong túi xách, chộp lấy nó, định bụng bấm số gọi ai đó. Bất cứ ai có thể giúp ả, lúc này.
Danh bạ dừng ở dòng “Mẹ”. Tay ả run run. Ả toan bấm nút gọi. Ngón cái ả bỗng dưng cứng ngắc.
“Mày không phải con tao. Cút. Cút…”
Bần thần, ả buông tay, cái điện thoại rơi thẳng xuống nền đất lạnh.
Mẹ đâu cần ả nữa. Ả còn gọi bà làm gì.
Đặt tay lên bụng xoa nhẹ nhàng, ả gắng sức cảm nhận. Con ơi, mẹ xin lỗi. Mẹ không thể để con sinh ra trên đời được. Không ai muốn con được sinh ra. Mẹ con mình đều là nỗi nhục của bà ngoại, của gia đình. Cha con cũng không cần con, không cần mẹ. Vậy thì mẹ sinh con ra làm gì. Mẹ còn sinh con ra làm gì?
Tha thứ cho mẹ. Con yêu…
Nhiễu nhượt phấn son trên mặt ả lấm lem hòa nước mắt. Ả nhớ rồi. Chính ả đã giết nó. Tự ả đi giải quyết điều không nên tồn tại này. Ả ôm bụng chặt hơn, nức nở đến không còn đứng vững nổi, đành khụyu chân xuống nền vỉa hè.
Đường phố nhộn nhịp hơn người qua kẻ lại. Chẳng ai dường như trông thấy ả. Chẳng ai tỏ ý muốn giúp đỡ ả.
Không một ai.
Kìa. Thằng bé con. Là thằng nhóc bán kẹo cao su ngày hôm qua đi ngang chỗ đám bạn ả tụ tập trước khi kéo vào bar. Nó đang tiến lại. Ngay trước mặt ả. Ả toan gọi nó. Nhóc, giúp chị. Giúp chị…. Mãi vẫn không thốt nổi nên lời.
Nó vẫn bước không ngừng, càng lúc càng tiến sát ả hơn.
Bé ơi, chị ở đây. Bé ơi! Ả gào lên trong đầu.
Gần lắm rồi, nó sẽ đụng phải ả mất. Trời ơi! Ả không đủ sức lách người tránh nữa rồi.
Nó đi xuyên qua ả, chẳng chút mảy may.
Ả rùng mình kinh hãi. Quay đầu ra đằng sau, thằng bé thản nhiên đi tiếp, chưa hề biết chuyện gì. Và nhanh chóng mất hút vào dòng người đông đúc kia.
Căn bệnh rõ ràng đang phát tác, càng lúc càng nặng hơn.
Đưa hai bàn tay run rẩy lên trước mặt, theo đà toàn thân ả rung bần bật. Hai tay ả, chúng nó, chúng nó… trong suốt.
Ả nhìn xuyên thấu chúng, hoàn toàn dễ dàng.
* * *​
Khi chúng ta nhận ra điều bất thường xảy ra thì dân số thành phố chỉ còn lại một nửa. Căn bệnh vẫn đang tiếp tục lây lan, với tốc độ chóng mặt. Thậm chí trong chương trình thời sự đang phát dở dang trên truyền hình, người dẫn bản tin về căn bệnh chưa đặt tên này cũng đột ngột biến mất. Phút trước người ta thấy anh ngồi đó, phút sau chỉ còn lại cái bàn không. Cơn hỗn loạn được các chuyên gia dự đoán đã không hề ập đến. Những người còn lại đều dửng dưng, ngay cả khi hay tin người thân mắc bệnh. Chẳng ai biết mình có phải là người tiếp theo mắc bệnh không. Có thể là anh. Mà cũng có thể là ả.
Vậy thì sao?
Vậy thì đã làm sao?
Hềnh hệch. Hềnh hệch. Hềnh hệch. Hềnh hệch…
“Bác sĩ ơi! Tôi ở đây! Làm ơn cứu tôi! Cứu tôi với!”
Ả xem được tin tức trên vô số tờ báo, kênh truyền hình có nội dung na ná như nhau. Trong mớ hỗn độn đó, có thông tin về một vị bác sĩ duy nhất quyết tâm nghiên cứu căn bệnh khủng khiếp này. Ả đã tìm gặp anh, cầu mong một sự cứu giúp. Cho dù không thể nói để anh nghe thấy, không thể chạm vào anh, cũng như anh không thể trông thấy ả.
Thời gian trôi qua, ả vẫn ở trước mặt anh, dẫu anh chẳng hay chẳng biết. Nhưng rồi cuối cùng, cũng đến ngày vị bác sĩ tài hoa đặt ra một câu hỏi:
“Có thể chế tạo một phương tiện nào đó để trông thấy người mắc bệnh, từ đó chẩn đoán tìm ra cách thức trị bệnh hiệu quả được không, đặt trường hợp họ chỉ trong suốt chứ không hề biến mất?”
Ả mừng run. Không bao lâu để anh chế tạo một chiếc kính có khả năng nhìn thấy ả.
“Bác sĩ! Bác sĩ thấy tôi?”
“Thấy! Tôi thấy!”
“Bác sĩ nghe tôi?”
“Không nghe được. Nhưng tôi đoán được cô nói gì qua cử động môi”.
“Không sao cả. Thế này đã tuyệt lắm rồi. Bác sĩ! Xin hãy chữa cho tôi! Cầu xin bác sĩ!”
“Tôi sẽ cố gắng. Tôi sẽ cố gắng!”
Ả ở với anh rất lâu. Ả nguyện sẽ ở luôn với anh, nếu có thể, cho đến khi trị dứt bệnh. Anh đã làm rất nhiều cuộc kiểm tra với ả. Rất nhiều khả quan. Rồi anh sẽ tìm được phương thuốc, ả tin vậy.
Từ lúc nào ả cảm thấy mình không thể thiếu anh? Ánh mắt, giọng nói ân cần của anh, sự tận tâm của anh. Tất cả làm cõi lòng ả dậy sóng. Chưa bao giờ ả đỏ mặt trước bất cứ người đàn ông nào, kể từ khi kẻ ruồng rẫy ả cùng giọt máu của hắn bỏ đi. Rất nhanh chóng để ả trở thành một con đàn bà bất cần đời, ngay sau đó. Nhưng bây giờ, ở đây, trong căn nhà kiêm phòng khám của vị lương y này, mặt ả ửng hồng như gấc khi anh kiểm tra cơ thể ả. Ả muốn anh ôm lấy cơ thể này - dẫu trong suốt, đặt lên môi ả một nụ hôn dịu ngọt, nói những lời yêu thương lấp đầy tai ả biết bao nhiêu.
Ả yêu anh mất rồi. Mỗi ngày một yêu hơn. Ngày hôm sau yêu hơn hôm nay gấp đôi lần.
“Bác sĩ…”
“Cô yên tâm. Tôi đã hiểu cơ chế của căn bệnh rồi, thuốc trị sẽ sớm được điều chế…”
“Không. Em không cần nữa… Em… Em yêu bác sĩ. Em muốn làm vợ bác sĩ, xin bác sĩ đừng từ chối…”
“Vậy à…”
Ả nhìn anh với tất cả sự trìu mến, thương yêu. Anh lặng đi một lúc thật lâu. Cuối cùng, anh khẽ khàng:
“Thật… thật ra, anh cũng đã yêu em. Có lẽ vì đã ở bên em thời gian quá dài. Chính vì vậy, anh càng quyết tâm phải chữa dứt bệnh cho em…”
Có gì đó đang diễn ra trong cơ thể ả. Ả cảm nhận rõ ràng một điều gì đó. Phải rồi, tim ả đang đập, từng nhịp từng nhịp chậm rãi.
“Anh có nhầm không? Em đã có nhịp tim trở lại!”
Đúng vậy, tim ả đã đập lại, lần đầu tiên từ lúc mắc bệnh.
“Nhịp tim đều hơn rồi. Em hít thở sâu vào nhé. Anh sẽ làm vài xét nghiệm…”
Khi quay lại, anh giật mình làm rơi cái kính “nhìn người trong suốt” xuống đất, vỡ tan tành.
Nhưng anh không cần đến nó để trông thấy ả nữa. Ả đã ở trước mặt anh, bằng xương bằng thịt.
“Trời ơi!”
“Anh thấy em?”
“Phải!”
“Anh nghe em?”
“Phải!”
* * *​
Người duy nhất được vinh dự đặt tên cho căn bệnh bởi những cống hiến của mình chính là anh. Cuối cùng, căn bệnh lạ cũng có một cái tên cho riêng mình.
Anh đặt tên cho nó dựa trên một triệu chứng đặc biệt.
Người mang bệnh không bao giờ có nhịp tim.
Trong y văn thế giới kể từ đó trở về sau, căn bệnh được biết đến với cái tên giản dị:
Vô Tâm.
Đó cũng là từ vợ anh ưng ý nhất, không phải vắt óc nghĩ ngợi thêm.
6-2011​


ImageHandler.ashx

Năm 2010, Lưu Quang Minh in tập truyện ngắn đầu tay Gia tài tuổi 20 (NXB Văn Học), chàng trai sinh năm 1988 này có vẻ vững trên bước đường hội nhập văn chương, dù anh đang là sinh viên ngành Đồ họa - Mỹ thuật công nghiệp tại TP.HCM

Đoạt giải nhì cuộc thi truyện cực ngắn Web Hội ngộ văn chương với truyện Già trước tuổi, với Lưu Quang Minh có vẻ không là sự tình cờ. Truyện ngắn của anh thường là sự chiêm nghiệm, trăn trở với đời sống với những dòng văn già trước tuổi.

Bệnh lạ là một truyện ngắn như thế, vừa chân thực đến từng chi tiết, vừa biến ảo đến kỳ dị. Có thể nói, đây là một truyện ngắn có tính siêu thực. Lối viết này trở thành một cung cách được Lưu Quang Minh khai thác khá nhuyễn, một lối đi vẫn là mới với văn chương Việt bởi ít người lớp trước (không hiểu vì sao) không (dám?) chọn. L.A.H

Truyện ngắn Lưu Quang Minh
theo Tiền Phong Chủ Nhật​

Nguồn: luuquangminh.com/forum
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top