Bến bờ bình yên

small star

Moderator
Xu
94
Lâu lắm rồi nó mới tự dưng gọi điện về cho mẹ chỉ để phục vụ cho hai việc là kể lể và khóc lóc.

Kể cũng lạ, mọi khi thì không sao. Vậy mà hôm nay, chỉ mấy chuyện cỏn con thôi cũng làm cho nó thấy ấm ức, nghẹn ứ. Thế là, như một dòng lũ bị tảng đá lớn chắn ngang, nó đã gọi về cho mẹ. Để rồi, nước mắt tuôn ra mặc cho bao nhiêu kìm nén. Chỉ khổ cho mẹ, phải nghe nó vừa kể lể, vừa khóc lóc liên hồi kì trận. Giả dụ như lúc đó có ai trông thấy nó, khéo họ sẽ phải lắc đầu: “Lớn tướng rồi mà còn khóc lóc mủi dải như con nít”.



binhyen.jpga.jpg


Cả bố và mẹ đều thương yêu nó. Song, khác với sự nghiêm khắc, cứng rắn của bố, tình thương của mẹ dịu dàng, mềm mại và có phần thấu hiểu hơn. Nó chưa xa nhà bao giờ nên những ngày phải ở trọ để học đại học sẽ là rất “kinh hoàng” nếu như không có mẹ. Hơn cả một người bạn, mẹ bên nó lúc vui cũng như lúc nó có nỗi buồn. Mẹ bên cạnh nó từ những ngày đầu tiên, khi nó lò dò tìm nhà trọ, tìm bạn ở cùng trong lòng thành phố, đến khi nó vui mừng khoe rằng đã tìm được việc làm thêm đầu tiên, rồi nó “cảm nắng” anh chàng bí thư giỏi giang khóa trên lẫn cái ngày nó và anh ấy đặt dấu chấm hết cho một tình cảm chưa kịp đặt tên…Mẹ đã ở bên nó suốt những ngày ấy, suốt ba năm trời nó là sinh viên. Không một lời than thở, không một lần tỏ ra sốt ruột trước những lời kể tràng giang đại hải của nó. Mẹ kiên nhẫn và tinh tế, đủ nhạy cảm để hiểu nổi một con nhóc đang chập chững làm người lớn như nó. Chính điều đó càng làm nó gần mẹ hơn.
Cho đến năm nay, nó là sinh viên năm cuối…
Không hiểu vì lí do gì, nó lại trở nên xa cách với mẹ. Phải vì nó muốn tự lập, không muốn dựa dẫm vào bố mẹ nhiều như trước không? Hay vì, càng ngày, bố mẹ nó càng già hơn và nếu như nó cứ thường xuyên gọi điện về cho mẹ thì sẽ khiến mẹ bất an? Hay vì nó mải đi học thêm, làm thêm, có nhiều bạn mới và thiết lập được những thói quen mới nữa. Chỉ có những cuộc gọi là thưa dần. Lâu lắm rồi, nó không còn thói quen ngồi ôm gối và thủ thỉ với mẹ những câu chuyện thường nhật qua chiếc di động nữa. Nhật kí cuộc gọi trong máy nó chỉ toàn là những số của bạn bè, đôi khi, cả những số lạ. Có lúc, nó thấy hình ảnh mình ngày xưa, khi ngồi ôm gối và gọi điện về nhà sao mà bé con và mỏng manh làm vậy. Rồi, nó lại tự nhủ, ai chẳng đến lúc lớn lên, xa bố mẹ. Dù vì lẽ này hay lẽ khác, thì mọi chuyện cũng phải khác đi chứ.
Cho đến hôm nay…
Nó trở về phòng với đôi bàn chân mỏi rã rời. Cả ngày nay, nó đã đi khắp các thư viện trong thành phố mà không tìm được chút tài liệu gì đáng kể. Thầy giáo hướng dẫn nó lại đi công tác đột xuất. Vả lại, nó cũng không hi vọng lắm. Vì như thầy nói, tài liệu cho đề tài mà hai thầy trò đang theo đuổi không nhiều vì đây là đề tài còn mới mẻ. Trong khi nhiều bạn nó đã làm được một nửa thì nó vẫn loay hoay ở chương đầu. Lại một vài sự cố trong quá trình thực tập nữa, khi mà nó chưa kịp cài chế độ Save cẩn thận trong Word, khiến cho công sức cả mấy buổi đều tan tành mây khói. Đã vậy, món sườn xào chua ngọt mẹ vẫn hay làm, dưới tay nó, trở thành một món không thể định nghĩa được. Nó thấy mình muốn nổ tung.
Trong điện thoại, giọng mẹ vẫn nhẹ nhàng, đầy cảm thông, như thể mẹ vẫn luôn ngồi bên chiếc điện thoại bàn cũ kĩ nhà nó và chỉ có mỗi một việc là chờ những cuộc gọi của nó mà thôi. Mẹ nghe nó tức tưởi chán chê. Nó cũng nguôi ngoai đi phần nào. Sau trận khóc, nó thấy mình chẳng khác gì hồi xưa là bao, cái hồi nó ôn thi đại học, nhiều hôm căng thẳng đến nỗi chỉ phát khóc lên mới nhẹ nhõm hơn. Những ngày ấy, mẹ cũng luôn bên nó, như lúc này đây.

Con gái của mẹ, cố lên nào. Khóc xong rồi mai con sẽ lại tiếp tục hoàn thành tiếp những việc còn dang dở nhé! Khó không có nghĩa là không làm được. Càng khó mới càng phải cố gắng, con ạ!” - mẹ nói như vậy. Dù chỉ là qua điện thoại mà nó thấy giọng mẹ vẫn ấm lắm. Lạ thế, nó lại thấy mình phấn chấn trở lại, như chưa từng cảm thấy mệt mỏi hay chán nản. Ừ, đề tài mới, tài liệu ít thì có sao chứ. Nếu chỉ đi theo lối mòn thì sẽ dễ dàng hơn, song cũng thật nhàm chán và tẻ nhạt. Sự cố thì cũng chẳng to tát lắm, vì dẫu sao nó cũng đã có thêm kinh nghiệm. Còn món sườn xào chua ngọt thì…Lần này không thành công thì lần sau nó cố gắng hơn là ổn chứ gì? Không hiểu sao, trong đầu nó lại hiện ra những lí lẽ dễ thương để tự “bào chữa” cho mình như vậy. Tuy nhiên, điều ngọt ngào nhất vẫn là những lời nói của mẹ trước khi nó dừng máy. Những lời khiến cho nó muốn thổn thức thêm chút nữa: “Con à, mẹ hiểu là con đang bị áp lực. Khi nào thấy căng thẳng thì con cứ về nhà nhé. Bố mẹ lúc nào cũng chờ con về đấy!”...
Chỉ cần chừng đó thôi, là trái tim nó thấy yên bình và nhẹ bẫng. Bố mẹ ơi, nó sẽ cố gắng thật nhiều miễn là luôn có một bến bờ bình yên đón đợi nó về. Bến bờ đó chính là bố mẹ thương yêu đấy thôi.



Mai Hà Uyên
 
Quê nội

que.jpga.jpg



Lâu lắm rồi mới đạp xe về quê nội.
Thấy quê mình đã thay đổi nhiều lắm. Không biết nên vui hay nên buồn nữa. Thấy vui vì làng quê đã đổi mới, hiện đại hơn, nhiều nhà cao tầng hơn, nhiều đường nhựa hơn, nhà thờ cũng được sửa sang, xây dựng lại…nhưng lại buồn vì những cánh đồng lúa bạt ngàn đang dần dần mất đi, những con sông cũng nhỏ lại từ từ vì người ta mở rộng đường ra, những căn nhà ngói vách đất được thay thế dần bằng nhà gạch, nhà lầu…Nó cũng muốn đời sống mọi người ở quê được khá giả hơn, tiến bộ hơn, nhưng không hiểu sao nhìn những sự thay đổi như thế nó lại không thể ngăn được một nỗi buồn. Không rõ nguyên cớ. Chắc là do chưa được quen lắm.
Nhưng cái nó thích nhất vẫn là được về nhà bà nội. Nhà nội không thay đổi gì nhiều. Và nội vẫn luôn yêu thương nó.
Nhà nội nghèo. Nhưng chỉ có tình thương là dư dả. Lần nào nó về nội cũng đều nấu một nồi cơm đầy. Bắt nó ăn cho nhiều, “ không được giữ eo”. Mà khổ nỗi nó có giữ eo bao giờ đâu. Mà ăn lúc nào cũng no căng cả bụng đó chứ. Vậy mà vẫn còn bị chê ăn ít.
Nội nó nấu ăn ngon khỏi chê. Chẳng cần nhiều thức ăn, chỉ một chén tép kho, một chén nước mắm, một con cá nướng, một tô canh “xà bần” (theo cách gọi của nội) là thành một bữa ăn. Mà không hiểu sao lại ngon thế không biết. Mặc dù nội cứ hay áy náy “mày về mà nội chẳng có gì ngon cho mày ăn” nhưng nó chưa khi nào thấy cơm ở nhà nội dở cả. Không hề nịnh đâu nhé. Bởi vì bên nhà nội nó gần như ai cũng nấu ăn ngon cả. Mấy chú mấy bác rồi mấy cô nữa, ai cũng tháo vát trong vụ nấu nướng hết. Mà không hiểu sao đến đời con cháu của tụi nó thì truyền thống này đang dần bị mai một.
Người nhà quê hay ngồi lê đôi mách. Nhiều khi nó cũng thấy khó chịu vì chuyện này. Tại xóm đạo nhỏ xíu nên ai có động tĩnh gì là cả xóm đều biết cả. Những buổi trưa nằm trên đi văng nhà nội, nghe nội với mấy cô ngồi bàn tán về một bộ phim nào đó đang chiếu trên ti vi, rồi tới chuyện bà năm bị đau chân, bà bảy bị lừa mất tiền, ông hai vừa mới qua đời vì bạo bệnh, cô tám mắc nợ cả mấy chục triệu đồng…
Nhiều lúc nó nghĩ, muốn sống cho tự do thoải mái ở cái xóm này, không màng đến thế thái nhân tình hình như cũng là một chuyện không tưởng.
Nhưng dần dần thì nó cũng cảm thấy quen, thậm chí khi bây giờ sống ở thành phố, nơi có những dãy nhà san sát nhau nhưng những người hàng xóm cũng chả biết mặt nhau thì nó lại còn cảm thấy yêu cái tật này của người nhà quê. Suốt những ngày còn bé, những câu chuyện ấy của người dân quê như bà nội, các cô, các bác hàng xóm gần như đã trở thành những bài ru đưa nó vào giấc ngủ khi nào không hay.
Rồi hôm nay nó về, cô Mười chọc “lâu lắm rồi mới thấy cô ba” (chú Chín với cô Mười cứ hay chọc chị em nó là cô hai, cô ba, cô tư). Lại ăn một bữa cơm no căng bụng, rồi ngồi nói chuyện với nội và cô Mười. Nó thấy nhiều thay đổi quá, nên cứ hỏi hết chuyện này đến chuyện kia: cô Út còn nhận giữ xe cho Đại Nam nữa không? Chú thím Tám chuyển về nhà mới chưa? Thằng con bác Ba nay học lớp mấy? Thằng cu Tèo lấy vợ là đứa nào?….Đủ thứ chuyện trên trời dưới đất.
Bỗng nó giật mình, hình như mình cũng đang ngồi lê đôi mách?
Nhưng nó hỏi chỉ để mà hỏi vậy thôi. Chứ đôi khi cũng chẳng nhớ nổi. Có khi lần nào về nó cũng hỏi chừng ấy câu hỏi đó chứ. Thế nhưng vẫn thích được hỏi, vẫn thích được nghe trả lời, rồi lại ngồi gật gù gật gù.
Ăn cơm xong, nó nằm đu đưa trên võng nghe bà Út hàng xóm qua ngồi ôn lại những kỉ niệm xưa với nội. Hồi xưa con sông cạnh nhà rộng lắm, dài lắm, đi một vòng từ nhà ra ngoài ruộng là đã có được một mớ cá để kho ăn cả ngày, chứ đồ ăn đâu có mắc mỏ như bây giờ. Hồi xưa còn nhiều ruộng, mỗi ngày đi hái rau, đập lúa, nhổ cỏ mà thấy thiệt là vui, giờ già rồi, chẳng có việc gì làm. Hồi xưa…



Nguyễn Bích Trâm (Bình Dương)
 
Quê tôi
ThumbnailSizeOrigin.aspx

Quê hương là gì hở mẹ? Mà cô giáo dạy phải yêu. Quê hương là gì hở mẹ? Ai đi xa cũng nhớ nhiều! Mời các hàng xóm cùng chia sẻ những suy nghĩ về Quê của bạn Wu Anh Vũ tại địa chỉ: thegioilamotngoilang.cyworld.vn. “Những cánh đồng đẹp như giấc mơ, với cánh diều trên trời, gió vẫn mỉm cười theo năm tháng…”

Quê tôi… là những dãy núi mặc áo tím vào mùa hoa sim, hoa mái nở, là xóm nhỏ hiền lành với những mái ngói bình dị dưới lũy tre xanh, là cánh đồng xanh mướt nồng nàn hương lúa đang thì con gái…. Thuở nhỏ, tôi đặc biệt thích cảm giác đêm khuya, nằm trong nhà nghe tiếng mưa rơi ngoài vườn, căng tai ra để phân biệt tiếng mưa trên cây lá: lộp bộp trên tàu lá chuối, rào rào trút xuống từ cây bưởi, lách tách rất khẽ rất dịu dàng khi rơi xuống những viên sỏi nhỏ, và nếu không có gió thổi qua thì âm điệu đều đều của mưa nghe như tiếng thầm thì của trời đất vậy. Tôi cũng thích đứng ở giữa sân nhà, nhắm mắt lại để cảm nhận bước đi của gió, này nhé: tiếng vi vút là khi gió băng nhanh qua các triền núi, đồi thông, tiếng xào xạc là khi gió tinh nghịch lách mình qua những rặng tre làm các bác tre già trở mình thức giấc, tiếng lao xao là lúc gió đậu trên cây vải…và đến khi cả bốn phía sân nhà cây cối đều lay động nghĩa là gió đang ở rất gần….Tôi nhớ lắm những ngày tháng 6, mưa xối xả, nước ngập trắng chân đê, trắng cả con đường đi học, chợt một sáng nọ ngỡ ngàng nhận ra cả cánh đồng mênh mông sắc tím, sắc trắng của hoa súng, hoa lục bình…đẹp đến nao lòng. Tôi nhớ cả ánh trăng chiếu xuống vườn nhà khi cùng chị ngồi mê mẩn ngắm bông hoa dành dành mới nở, và cả tiếng chim hót buổi sớm trên rặng tre đầu nhà trong trẻo như giọt sương mai.

Quê tôi…..còn là những ngõ vắng quạnh hiu với rơm rạ xác xơ khi tháng ba về, là dáng gày tất tả với những tấm lưng ướt đẫm mồ hôi bên chồng lúa cao ngất của các bố, các mẹ vào ngày tháng năm nắng cháy, là tiếng rao bên đôi quang trĩu nặng của các bà các chị những buổi trưa hè, là gương mặt những em nhỏ lấm lem, chỉ có ánh mắt và nụ cười là lấp lánh như nắng sớm….

Từ nhỏ, tôi đã luôn mơ ước được đi xa, thật xa, và giờ cái tuổi thơ “lấm lem bùn đất nhưng lảnh lót tiếng chim” nơi quê nhà ấy cũng đã xa lắm rồi, nhưng tất cả những khung cảnh bình dị đó đều đã lưu vào nơi sâu nhất trong trái tim, để đôi khi, muốn tìm kiếm sự bình yên hay hay cần tiếp thêm động lực, chỉ cần nhấn một nút ký ức là tất cả lại hiện về sống động, thanh khiết. Khung trời thân thương ấy, tôi giữ cho riêng tôi, để thấy mình thật giàu có… …
(st)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top