T
Tuyền Nguyễn
Guest
View attachment 15205
Hồi ấy khi tôi còn ở Nam Định, trong khu tập thể có chú bộ đội về phép, hai vợ chồng “đuổi” hết con ra ngoài để tranh thủ tình cảm (có lẽ thế), đứa con gái đi chơi về cửa bị đóng nên cứ đứng ngoài gọi rất to “bố mẹ ơi, mở cửa cho con vào với”. Những người trong khu tập thể chứng kiến cứ tủm tỉm cười. Tôi không hiểu tại sao mọi người lại cười. Khi lấy chồng và sinh con tôi đã hiểu vì sao mọi người cười. Và tôi đã viết cái cười tủm tỉm đó thành một truyện ngắn. “Bây giờ con mới hiểu”đã in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, số tết năm 1993.
Nhà văn Y BAN
Khoanh tròn trong chiếc kén thiếu nữ của ngày cuối cùng, tôi nhìn theo mẹ. Mẹ còn trẻ quá. Tóc mẹ chưa bạc sợi nào. Lưng mẹ thẳng và dáng đi nhanh nhẹn. Mẹ trân trọng bưng lễ vật để lên bàn thờ bố. Mắt mẹ dịu dàng vô biên. Và một nét cười bừng lên trong ánh mắt mẹ – “Con gái chúng mình đi lấy chồng rồi đấy”. Rồi đột ngột nước mắt đã lại dâng đầy. Mẹ quay nhìn xuống ngực mình, rồi mẹ nhìn trải khắp gian phòng. Ngày mai, khi tôi chui ra khỏi kén, tôi thành ngài, sinh con đẻ trứng, mẹ sẽ chỉ còn lại một mình với căn phòng trống vắng. Mẹ còn trẻ quá, nỗi cô quạnh trùm lên mẹ trong quãng đời còn lại. Ai sẽ làm thay đổi được điều đó?Hồi ấy khi tôi còn ở Nam Định, trong khu tập thể có chú bộ đội về phép, hai vợ chồng “đuổi” hết con ra ngoài để tranh thủ tình cảm (có lẽ thế), đứa con gái đi chơi về cửa bị đóng nên cứ đứng ngoài gọi rất to “bố mẹ ơi, mở cửa cho con vào với”. Những người trong khu tập thể chứng kiến cứ tủm tỉm cười. Tôi không hiểu tại sao mọi người lại cười. Khi lấy chồng và sinh con tôi đã hiểu vì sao mọi người cười. Và tôi đã viết cái cười tủm tỉm đó thành một truyện ngắn. “Bây giờ con mới hiểu”đã in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, số tết năm 1993.
Nhà văn Y BAN
Sẽ chẳng thay đổi được số phận đâu. Chiến tranh qua đi để lại muôn vàn những góa phụ như mẹ tôi. Nhưng có lẽ một đứa con, một giọt máu thương yêu để lại giữa hai điểm ngắm sẽ làm dịu bớt phần nào. Và chính tôi, một con bé bảy tuổi ngày ấy đã không mang lại cho mẹ một cơ may cuối cùng.
Bố nhập ngũ, tôi còn bé lắm. Nỗi nhớ bố chỉ cất thành tiếng khóc chứ chưa biết nói lên lời. Người vợ trẻ nhớ chồng không biết san sẻ cùng ai cũng hòa thành tiếng khóc.
Hai mẹ con sống trong một căn hộ tập thể. Ban ngày mẹ đi làm, tối về hai mẹ con thủ thỉ nói chuyện về bố. Tôi lớn hơn một chút, mẹ thường mang tập album ra chỉ cho tôi ảnh bố. Cứ như bố vừa sang hàng xóm và sắp về đó thôi. Sự thực thì hai mẹ con mang hai nỗi niềm nhớ thương bố khắc khoải.
Buổi trưa hôm ấy, bố về nhà đột ngột. Hai mẹ con đang ngồi ăn cơm. Mẹ sững sờ buông rơi chiếc bát. Con trân trân nhìn bố một lúc. Thấy đúng bố rồi, òa reo lên nhưng vẫn bẽn lẽn nấp vào vai mẹ. Bố bế bổng con lên, quay cuồng.
- Chao ôi, lớn thế này rồi kia à? Mà bảy tuổi rồi phải không? Bố vẫn đếm mà!
Rồi bố ôm lấy mẹ. Bố hít mãi vào tóc mẹ, thì thầm: “Hai giờ thôi em ạ. Tàu đỗ ngoài ga, hai tiếng nữa”.
Mẹ rối rít cứ chạy xung quanh bố. Mẹ bế lấy con rồi lại đưa cho bố. Ngoài cửa có mấy người đi qua thì thào :
- Hình như chú Quân nhà cô Nga về thì phải?
Mẹ như sực tỉnh. Mẹ chạy ra đóng chặt cửa.
Tôi ngồi trong lòng bố sung sướng. Nỗi sung sướng muốn trào ra ngoài. Tôi muốn chạy ra báo cho cái Hoa, thằng Tú biết rằng bố đã về. Tôi tụt xuống khỏi lòng bố. Tôi chạy ra mở cửa. Mẹ không bằng lòng kéo tay tôi lên. Mẹ bế tôi ôm chặt vào lòng ngồi xuống bên cạnh bố. Mẹ áp vào lưng bố. Bố ôm mẹ vào ngực.
Mẹ thổn thức.
- Đừng khóc em ạ.
Tôi ngơ ngác nhìn mẹ. Sao phải khóc kia chứ. Vì sao lại đóng cửa thế kia. Mở to ra cho các bác hàng xóm vào chơi uống nước. Các bác ấy cười nói vui lắm, mẹ sẽ hết khóc ngay. Con sẽ ngồi vào giữa lòng bố thế này, cho cái Hương hết hãnh diện nhé. Nó làm như chỉ có mình bố nó về hôm nọ.
- Sao mẹ lại khóc. Con chạy ra mở cửa gọi các bác hàng xóm sang chơi cho mẹ vui nhé.
Xong tôi tụt ngay khỏi lòng mẹ chạy ra mở cửa. Mẹ chạy theo định nắm tay tôi lại – “Đừng con!” Rồi như mẹ chợt nghĩ ra điều gì đó:
- A, mẹ cho con năm hào này. Con sang rủ cái Hoa ra đầu phố mua kem mà ăn.
- Vâng ạ.
Tôi cầm tiền vung vẩy chạy. Cái kem trong phút chốc làm cho tôi quên mất bố. Tôi chạy ù sang rủ cái Hoa. Hai đứa vừa ra đến cổng gặp ngay bà bán kem rong. Tôi mua cho nó một chiếc, tôi một chiếc. Tôi đưa kem lên miệng rồi chợt nghĩ ra.
- Bố tớ về rồi đấy!
- Bố cậu về à? Sao không gọi cho tớ biết với.
- Vừa về xong. Sang nhà tớ đi.
- Để tớ về bảo cho mẹ tớ biết đã.
Thế rồi mồm nó hét toáng lên từ cổng.
- Mẹ ơi! Bố bạn Loan về rồi. Chú Quân đi bộ đội về rồi.
Tôi cũng chạy ào về nhà. Tôi muốn chạy vào lòng bố ngồi chễm chệ trước khi mọi người đến. Tôi muốn mọi người biết rằng, tôi có bố đây này, bố tôi về đây này. Bao nhiêu lần tôi thèm cái cảnh cái Hương ngồi giữa lòng bố nó.
Cánh cửa đóng kín sững trước mắt tôi. Tôi đẩy cửa, cửa chốt từ bên trong. Tôi đẩy cửa sổ, cửa sổ cũng cài kín. Tôi căng mắt nhìn qua lỗ khóa. Trong nhà tối om, tôi không sao nhìn thấy gì. Tôi đứng im băn khoăn, hay là bố mẹ đi vắng. Tôi nhìn chiếc khóa vẫn lủng lẳng một bên. Nếu bố mẹ đi đâu sẽ phải khóa cửa chứ. Tôi áp tai vào cửa nghe ngóng. Chợt tôi nghe thấy tiếng mẹ nho nhỏ. Thế là tôi biết bố mẹ vẫn ở trong nhà. Một nỗi dỗi hờn con trẻ áp vào lòng tôi. Tôi bị bỏ rơi. Tôi đập vào cánh cửa.
- Mẹ ơi, mở cửa cho con vào với.
Im lặng.
Tôi đập mạnh hơn.
- Mẹ ơi, mở cửa cho con.
Im lặng.
Tôi gào lên và chợt nhớ ra có cả bố ở trong ấy nữa.
- Bố mẹ ơi, mở cửa cho con vào nhà với.
Cái Hoa đã đứng bên cạnh tôi từ lúc nào. Nó ngơ ngác nhìn tôi.
- Sao bố mẹ cậu lại đóng chặt cửa không cho “ấy” vào.
Loáng thoáng vài ba người hàng xóm đi qua trước cửa nhà xem có chuyện gì. Tôi uất ức trào nước mắt. Tôi khóc ầm lên.
- Bố mẹ ơi cho con vào với.
Bố chạy xô ra trước. Bố ôm lấy tôi, úp mặt vào bụng tôi cù. Tôi đẩy bố ra. Mẹ đang vấn lại tóc cho gọn, rồi mẹ chạy ra mở toang cửa. Mẹ nhìn thấy cái Hoa đang ngơ ngác nhìn mẹ và mấy người hàng xóm nhìn mẹ cười. Mẹ cáu bất ngờ. Mẹ xông vào tôi phát lấy phát để rồi òa khóc. Thế là hai mẹ con tôi cùng khóc. Cái Hoa thấy thế cũng chạy lại bên bố tôi khóc. Bố bật cười gỡ mẹ ra.
- Bình tĩnh lại nào, con có lỗi gì đâu.
Mẹ ôm mặt khóc nức nở. Tôi bỗng sợ hãi. Tôi không khóc nữa. Tôi ngước mắt nhìn bố. Mặt bố sạm đen sắt lại như đang dồn nén một điều gì đó. Bố bỗng nhìn ra xa, vụt ra khỏi cửa. Tôi khẽ kéo áo bố. Bố như bừng tỉnh. Bố cúi xuống cười với tôi.
- Con ngoan của bố, con có nhớ bố không?
- Con yêu bố.
Mẹ vẫn khóc. Bố quàng tay ôm mẹ vào ngực. Bố ôm gọn cả mẹ và tôi.
- Đừng khóc nữa nào. Em yêu của anh. Sắp đến giờ anh phải đi rồi. Đừng làm cho con sợ.
- Em mong anh từng ngày. Em muốn có thêm một thằng cu… bom đạn nhỡ anh có mệnh hệ nào. Con bé này lớn lên sẽ đi lấy chồng… Còn có một mình em…
Bố cười rất tươi, bố thì thầm rất nhỏ vào tai mẹ :
- Anh sẽ quay về khi em còn rất trẻ. Sẽ không lâu nữa đâu.
- Vâng, lần trước anh cũng bảo thế. Vậy mà đã năm năm rồi. Năm năm nữa em sẽ ba hai.
Bố lại cười :
- “Gái ba mươi tuổi đang xoan”.
- Anh – mẹ dúi đầu vào ngực bố cười.
- Nào chúng ta cùng vui lên chứ.
Bố vòng tay kéo đầu con, đầu mẹ vào đầu bố, ba cái đầu đập nhẹ vào nhau. Cả nhà phá lên cười. Như chờ có tiếng cười ấy, hàng xóm bắt đầu kéo nhau vào. Họ đã ngấp nghé cả ở ngoài. Phút chốc cả nhà đầy ắp tiếng cười nói vui vẻ. Mỗi người góp một câu. Mắt mẹ long lanh sung sướng.
Hai tiếng đồng hồ trôi qua như một cơn mơ. Mẹ thảng thốt không biết xếp thêm thứ gì vào ba lô cho bố. Bố bế tôi và hàng xóm đưa tiễn, cả một đoàn người dài. Mẹ con tôi đi với bố ra tận bến tàu. Bố cứ liếc mẹ như định nói một điều gì, mẹ lại đưa mắt nhìn tôi, nên bố chỉ cười. Lúc bố lên tàu mẹ lại òa khóc. Tôi an ủi mẹ:
- Mẹ khóc làm gì, bố không chết đâu.
- Em nghe thấy không? Anh không chết được đâu. Lời nói con trẻ như lời tiên tri em ạ. Chờ anh nhé.
Rồi bố giơ ngón tay cái sát mặt mẹ:
- Một thằng con trai!
Chiến tranh không có ngoại lệ. Bố ra đi vĩnh viễn. Thế là đã ba lần năm năm bố không về nhà và đấy cũng chính là thời gian để tôi đã lớn khôn.
Sẽ trọn mười lần, hai mươi lần năm năm nữa, bố mãi mãi không bao giờ trở về để lại mẹ muôn đời với một niềm khao khát thiếu phụ dở dang.
Sửa lần cuối: