Bát nháo chợ số điện thoại
“Alô, xin lỗi có phải anh là... Em ở công ty tài chính... Hiện bên em có chương trình cho vay...” “Xin lỗi tôi đang họp”. “Anh có chắc là đang họp không ạ”, một giọng nữ hỏi lại... Đó là một trong những cuộc đối thoại trên điện thoại mà mỗi tuần cứ phải nghe vài lần.
Cuộc đối thoại trên người nghe không hiểu tại sao họ có số điện thoại của mình cho dù trước đó người sở hữu số điện thoại chưa bao giờ giao dịch hoặc để lại số cho công ty tài chính này.
Choáng với chợ số
Một buổi sáng, S. – sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - đang trong phòng máy thực tập thì điện thoại reo vang. Ngay khi vừa nhấc máy, một giọng nữ nhỏ nhẹ từ đầu dây bên kia nói liên lạc để mời S. mua nhà...1 tỉ đồng ở khu đô thị X. trong nội ô TPHCM. Sau khi nhỏ nhẹ từ chối vì đang là sinh viên còn... thiếu nợ học phí chưa có tiền đóng, S. cúp máy. Trường hợp của S. không phải là ngoại lệ, hiện nay rất nhiều người nhận được điện thoại từ các công ty bảo hiểm, công ty tài chính, công ty địa ốc, công ty bán xe hơi, khách sạn... để chào mời mua sản phẩm dịch vụ bất chấp người đó là ai.
Dựa trên một nguồn tin riêng, chúng tôi đến gặp K. - chuyên gia rao bán số điện thoại cho các công ty trong vai người cần mua số điện thoại của các sinh viên học công nghệ thông tin để quảng cáo một dịch vụ mà công ty đang triển khai. Theo K., hiện cả nước có khoảng 20 tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ bán số thuê bao điện thoại di động cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Giá cả dao động tùy theo chất lượng của nhóm số cần mua, số càng đẹp thì càng có giá cao và mua với số lượng càng nhiều thì tỉ lệ giá tiền trên một đầu số càng nhỏ. Trong “bảng báo giá” do K. đưa, chúng tôi thấy choáng váng với sự phong phú và đủ chủng loại của nó. Chẳng hạn 100.000 số điện thoại di động trả sau của Mobifone được bán với giá 80 triệu đồng, hay như danh sách của 2.000 VIP trong các doanh nghiệp lớn được rao giá 2 triệu, hoặc 10.000 giám đốc doanh nghiệp trong nước có mức giá đến 100 triệu đồng...
Gần 10.000 số ĐTDĐ của các giám đốc tại TPHCM được rao bán
Tràn lan trên mạng
Những người trong nghề thường gọi K. là “đại lý” và chủ yếu làm ăn nhờ sự giới thiệu qua lại. Ngoài K, hiện trên mạng còn lan tràn rất nhiều “cò con” buôn bán công khai số di động ở mọi nơi có thể... bán. Dạo một vòng trên các trang rao vặt của Việt Nam như raovat, timhang, muaban, rongbay... sẽ không khó để kiếm được các lời rao bán số điện thoại di động mà không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào. Danh sách 4.200 sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM có đầy đủ số điện thoại; danh sách thành viên câu lạc bộ bất động sản TPHCM, danh sách giám đốc marketing, giám đốc thương hiệu các công ty lớn tại VN, danh sách 20 triệu địa chỉ email..., tất cả đều được rao bán giống như bán... rau muống.
Liên lạc với một số điện thoại được đăng trên một trang rao vặt nọ để mua danh sách các số điện thoại của tổng giám đốc những tập đoàn lớn, chúng tôi nhận được câu trả lời khẳng định chắc chắn rằng, những số điện thoại ấy đều là số trả sau, có đầy đủ thông tin của khách hàng, kể cả địa chỉ nơi cư trú. Khi được hỏi làm sao bên bán lại có được thông tin ấy, đầu dây kia nói là “có nguồn riêng”. Thậm chí, có người còn rao bán toàn bộ thông tin của mọi chủ nhân trong từng căn hộ ở một khu đô thị nọ, bao gồm đủ cả thông tin về điện thoại bàn, điện thoại di động, địa chỉ email, gia chủ tên gì và có bao nhiêu người trong phòng... với mức giá khá bèo.
Những tin nhắn quảng cáo "không mời mà đến" thường gặp
Nguy hiểm
Một đại diện của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho biết, “đối tượng mua danh sách các số điện thoại thường sử dụng danh sách đó để gửi tin nhắn hoặc gọi điện quảng cáo giới thiệu các sản phẩm dịch vụ khi chưa được phép gây phiền hà, khó chịu cho chủ thuê bao di động. Thậm chí trong một số trường hợp xuất hiện hành vi lừa đảo”. Báo chí trước đây từng đưa tin vụ 2 đối tượng, sau khi có được danh sách các số điện thoại đã giả danh nhân viên công ty xổ số để gạt người nhẹ dạ góp tiền mua lô đề để trúng độ. Một trong những chi tiết khiến nhiều người tin tưởng những kẻ lừa đảo này là vì chúng có số điện thoại cố định của nạn nhân và dựa trên mã số đầu để giả danh làm nhân viên của công ty xổ số kiến thiết trong cùng tỉnh.
Ngoài việc bị lợi dụng lừa đảo, hành vi bán số điện thoại tràn lan còn là động lực để thúc đẩy sự nở rộ của tin nhắn spam phá rối người khác. Khá nhiều người đã lên tiếng bất bình vì 3 giờ sáng phải liên tục nhận được các tin nhắn mời chào về đủ thứ chuyện và khi gọi lại cho số máy nhắn tin kia thì luôn luôn nhận được thông báo “ngoài vùng phủ sóng”.
Quỳnh Trinh - Minh Tùng (Theo T@)