Bất ngờ “rì sọt”

dulichfidi

New member
Xu
0
10 năm trước, khi lần đầu đến Cát Bà, hình ảnh một khu du lịch hoang sơ, bình yên với nhiều trải nghiệm tinh tế in đậm mãi trong tâm trí tôi. Lần này trở lại, một Cát Bà hoàn toàn khác khiến tôi bất ngờ, và… khó chịu!

Trên chuyến tàu trở lại Hải Phòng sau chuyến du lịch Cát Bà, giống như tôi, nhiều du khách lắc đầu ngao ngán: “Lần sau xin kiếu!”.


1280140854-1-ImageView.aspx-ThumbnailID-80791.jpeg
Một góc biển Cát Bà nhìn từ Cat Ba Island Resort & Spa

Cát Bà, còn gọi là đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất trên tổng số 1.969 đảo trên vịnh Hạ Long. Là một hòn đảo đẹp và thơ mộng, Cát Bà nằm ở độ cao trung bình 70m so với mực nước biển với nhiều tiềm năng du lịch. Trên đảo chính có rừng nguyên sinh, phía Đông Nam có vịnh Lan Hạ, phía Tây Nam có vịnh Cát Gia có một số bãi cát nhỏ nhưng sạch, tiện cho phát triển du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng

Bất ngờ tàu cánh ngầm

Để tới được Cát Bà, có thể đi theo đường bộ và đường biển. Tuy nhiên, nếu đi đường bộ sẽ phải mất nhiều giờ để đi qua 2 chuyến phà biển. Vì thế, nhiều du khách chọn cách đi tàu cánh ngầm để tiết kiệm thời gian. 8h30 sáng, xe ô tô đưa chúng tôi tới bến Bính (Hải Phòng). Lũ trẻ háo hức nhìn con tàu cánh ngầm dưới bến, hẳn chúng nghĩ sắp được đi tàu… ngầm. Được thế thì sướng thật!

Loay hoay mua vé mãi rồi cũng xong. Đến giờ lên tàu, cả đoàn hứng khởi bước xuống cầu tàu, lên tàu Hoàng Yến. Sặc! Tàu cánh ngầm là đây sao? Con tàu cũ kỹ như một khoang chứa đồ, tồi tàn, sộc sệch. Và đáng sợ hơn là trong khoang đầy mùi dầu máy. Trong cái nắng nóng gần 40 độ C, nhiều khách vừa bước lên tàu đã ói. Chợt nhớ bản tin vài ngày trước có tàu cánh ngầm ở Hải Phòng bị đình chỉ hoạt động, tôi lọ mọ dùng điện thoại di động vào mạng hỏi anh “gút gồ” thì đọc được ngay tin tàu Hoàng Yến hồi cuối tháng 6-2010 do chở quá tải đã phải nhờ tàu cứu hộ “dìu” vào bờ. Ngó nhìn quanh tàu, tôi thậm chí chẳng tìm thấy một chiếc phao cứu hộ nào. Vượt qua nỗi sợ hãi, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Cát Bà sau hơn một giờ đồng hồ bị sóng biển “vùi lên, dập xuống” cùng tàu Hoàng Yến.

1280140854-2-ImageView.aspx-ThumbnailID-80792.jpeg
Tắm biển Cát Bà

Cảm giác quá mạnh và thiếu an toàn của chuyến đi khiến nhiều người tính chuyện khi về sẽ đi đường bộ. Tuy nhiên, lúc ra bến tàu Cát Bà trở về Hải Phòng, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi thấy một con tàu mới hơn, lớn hơn mang tên Mekong Express.

Bước lên tàu, khoang khách rộng gần 200 chỗ ngồi với nhiều trang thiết bị mới khá an toàn. Đặc biệt, phao cứu hộ xếp đầy phía trên đầu khiến chúng tôi yên tâm hơn. Nhưng, lạ thật, sao trong khoang nóng mãi giống cái nắng 40 độ C ở bên ngoài. Tàu chạy được 20 phút thì ngồi trong khoang tàu trở thành nỗi kinh hoàng của nhiều du khách. Tìm bảng điều khiển điều hoà không khí, tôi thấy nhiệt độ chỉ 33 độ C. Tìm mọi cách để giảm xuống, nhưng cái remote hiện đại vẫn cứ trơ trơ. Thấy một nhân viên phục vụ đi qua, mọi người túm lại hỏi, anh ta tiến tới chỗ bảng điều khiển, xem xét, mỉm cười rồi… đi ra.

Để trốn nóng trong “lò bát quái”, nhiều hành khách buộc phải chen chúc trèo lên boong để hóng gió biển với cảm giác đùa giỡn tử thần. Vài người khác liều lĩnh mở cửa sổ ở dưới khoang (ở ngay sát mực nước biển) với hy vọng giảm bớt cái nóng. Nước té mạnh vào trong mỗi khi gặp con sóng lớn. Andrew, một du khách Anh, đang cởi trần đứng bên cửa sổ lắc đầu nói với tôi: “Thật không thể tưởng tượng nổi. Đây đúng là du lịch mạo hiểm!!!”.
Anh Đoàn Xuân Quang, một du khách từ Tuyên Quang, một tay đón gió từ biển, một tay cầm chiếc quạt nan quạt cho con gái thì phẫn nộ: “Tiền vé thì đắt mà lại phải chui vào cái lò như thế này. Lần sao có các vàng tôi cũng không đi”.

Bất ngờ “rì sọt”

Đặt phòng qua một công ty du lịch, chúng tôi tới Cat Ba Island Resort & Spa – khu du lịch nghỉ dưỡng được giới thiệu là “sang trọng bậc nhất” ở đảo Cát Bà. Thực ra chúng tôi không phải là dân “chơi sang”, nhưng trước đó khi tới sát tới kỳ nghỉ, khách sạn (với giá tiền rẻ hơn một nửa) bỗng nhiên “bùng sô”, và công ty du lịch nói “cả đảo hiện chỉ có rì sọt là còn phòng”. Nghiến răng chơi sang một lần, chúng tôi chấp nhận trải nghiệm kỳ nghỉ ở rì sọt xem “sang trọng nó thế nào”.

1280140854-3-ImageView.aspx-ThumbnailID-80794.jpeg

Cát Bà đã đem lại quá nhiều... "cảm xúc" cho du khách!

Tàu cập bến Cát Bà, chờ mãi vẫn chẳng thấy xe đón. Gọi điện hỏi, khách sạn báo “chờ 5 phút”. Cũng không sao, chờ. Cả đoàn tiếp tục ngồi “thưởng thức” cái nắng oi ả giữa bến cảng vắng tanh (bởi các đoàn khách khác đều đã được đón), rồi thì xe cũng tới. Về tới resort, do có thêm vài trẻ nhỏ, chúng tôi phải đặt thêm phòng với giá đắt hơn nhiều so với giá đặt trước đó. Còn nếu ở ghép, thêm một người thì bằng giá ½ tiền phòng. Thôi đành chấp nhận, nhưng có chấp nhận cũng phải chờ, bởi chưa tới giờ… check in!

Viện lý do đoàn có người nhà và trẻ nhỏ, sau gần 1h30p chờ đợi, chúng tôi mới được bố trí trước một vài phòng. Và chúng tôi bắt đầu bất ngờ.

Không hiểu căn cứ xếp hạng sao của Cat Ba Island Resort & Spa là thế nào, nhưng căn phòng 4 sao ở đây có lẽ không bằng một khách sạn bình dân. Phòng khá sạch sẽ, đương nhiên, bởi sàn lát gỗ, nhưng chỉ nhỏ khoảng 16m2, phòng vệ sinh cũng chỉ nho nhỏ, xinh xinh, không có bồn tắm. Lúc mới vào, bồn cầu ở nhiều phòng không… xả được nước. Có phòng chỉ xả được nước nóng, không có nước lạnh. Thật kinh hoàng cho một khách sạn 4 sao. Nhưng thôi, “chơi sang” thì đành chấp nhận vậy. Ít ra người lớn cũng được hưởng gió biển từ ban công, còn trẻ nhỏ có thể vui đùa ở hệ thống bể bơi ngoài trời khá rộng rãi của resort, tuy không được sạch sẽ lắm bởi nước ngọt ở đây rất đắt. Chúng tôi biết được điều này là bởi sáng hôm sau khi đánh răng, nhiều người lại suýt ói, bởi nước ở phòng có vị lợ. Một số người phải ra ngoài mua chai nước tinh khiết để dùng.

1280140854-4-ImageView.aspx-ThumbnailID-80795.jpeg

Một góc phố Cát Bà về đêm với cảnh lộn xộn người và xe dưới lòng đường

Tôi còn có kỷ niệm khó quên ở khu nghỉ dưỡng “sang trọng” này khi đưa đứa con trai 5 tuổi của mình đi thang máy. Vừa vào thang được khoảng 2 giây thì “bụp”, thang đột ngột giật lên rồi dừng lại, tối om. Cháu nhỏ sợ ré lên, bởi chỉ có 2 cha con trong thang máy. Động viên con, tôi bật điện thoại để có chút ánh sáng tìm nút hỗ trợ khẩn cấp trong thang máy nhưng không có. Gọi điện cho người thân thì mất sóng.

May mắn thay khoảng 2 phút sau thì điện sáng trở lại, tôi tìm cách khởi động lại thang rồi đi xuống dưới. Hú hồn! Ra ngoài mới biết, chả sao cả, chỉ là…. mất điện thôi! Chỉ tội cháu nhỏ, từ lúc đó nhất quyết không chịu đi thang máy, bởi “con sợ thang máy kẹt lắm”.

Bất ngờ “đảo Ngọc”

Thị trấn Cát Bà nhỏ, chỉ có một con đường chính ở trung tâm dài khoảng 2 km, và vài đường nhánh rất ngắn. Đến “đảo Ngọc” lần này, cảm giác bình yên biến mất trong tôi. Ra khu vực trung tâm, người xe tấp nập và vô cùng lộn xộn. Trong lòng đường rộng khoảng 20 m, người đi bộ, xe máy, xe ô tô, xe đạp đôi, và cả một loại xe xích lô mi ni tự chế chen chúc nhau.

Thử thuê chiếc xích lô đi thử, tôi phải trả lại ngay bởi thi thoảng lại có chiếc xe máy phóng vèo qua khiến tôi đứng tim. Chiếc xe tự chế đi không quen chỉ chực lật nghiêng, tìm mãi mới thấy phanh xe. Nhiều cháu nhỏ được cha mẹ thuê cho xe xích lô, xe ô tô điện, xe trượt scooter, để các cháu phóng chơi dưới lòng đường vô cùng nguy hiểm.

Ở Cát Bà, phương tiện đi lại cho du khách khá dễ dàng. Đội ngũ xe ôm luôn thường trực ở mọi nơi, giá 5.000 đồng/người/lượt dù đi ngắn hay dài. Và ngạc nhiên là chả ai phải đội nón bảo hiểm. Hình ảnh những chiếc xe ôm chở 3-4 người không đội nón bảo hiểm rất dễ bắt gặp ở đây, trong khi 3 ngày ở Cát Bà, tôi căng mắt tìm chẳng thấy bóng một cảnh sát giao thông.

1280140854-5-ImageView.aspx-ThumbnailID-80796.jpeg


Xe đạp đôi và xích lô mini - “đặc sản” ở Cát Bà Một “hung thần” nữa ở Cát Bà là xe điện chở khách. Lúc mới đến, nhìn những chiếc xe điện màu xanh ai cũng thích. Vì thế, chúng tôi quyết định thuê một chiếc để đi xung quanh thị trấn. Chuyến đi, rất bất ngờ, chỉ mất khoảng 3 phút. Xe điện nên chạy… nhanh như điện, lạng lách, ôm cua khiến nhiều người phát hoảng. Trong đoàn có vài người là lái xe chuyên nghiệp nhưng cũng phải lắc đầu bởi sự liều mạng của tài xế xe điện. Xe điện rất cần thiết cho “du lịch xanh”, nhưng với kiểu xe điện này, “có khi trở thành xanh cỏ” - một du khách nhận xét.

Sau chuyến du lịch đầy bất ngờ, đọc tờ báo buổi sáng về những chương trình kích cầu du lịch, về những nỗ lực của ngành công nghiệp không khói Việt Nam, tôi chợt thấy tiếc cho Cát Bà. Với tiềm năng, vẻ đẹp đó, có lẽ chưa cần kích cầu thì du khách đã tới. Nhưng tới rồi, hưởng dịch vụ du lịch ở Cát Bà, nhiều người sẽ “một đi không trở lại”. Buồn thay!
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top