“Bão giá” thổi về xóm trọ sinh viên
Mì gói và rau là thực phẩm được nhiều SV ở Đà Nẵng chọn để vượt qua cơn “bão giá”. Ảnh: Vĩnh Yên
Việc giá điện tăng 15,28%, những sinh viên (SV) ở trọ phải trả tiền điện cao hơn trước là một lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, “ăn” theo giá điện, hàng loạt các thứ khác như nhà trọ, lương thực thực phẩm… thi nhau tăng giá khiến hàng ngàn SV đến từ những miền quê nghèo càng thêm khốn đốn.Mì gói và rau là thực phẩm được nhiều SV ở Đà Nẵng chọn để vượt qua cơn “bão giá”. Ảnh: Vĩnh Yên
Những ngày này, theo chân SV ra chợ và chứng kiến những bữa cơm mới thấy hết được giá cả leo thang đã tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ như thế nào...
Trường kỳ với… rau luộc, mì gói
Vừa bước vào dãy trọ, cô bạn Nguyễn Minh Nguyệt (SV năm thứ 3 Trường CĐ Công thương TP.HCM) than phiền: “Không hiểu sao cái gì cũng tăng giá, nào là tiền nhà, điện, nước, tiền ăn và những khoản phát sinh khác mà cái nào cũng đua nhau tăng lên”.
Theo các bạn SV khu vực Trường ĐH Giao thông vận tải (Q.9, TP.HCM) thì hầu hết tất cả các quán cơm bụi đều tăng giá lên 2 ngàn đồng, không có đĩa cơm dưới 13.000 đồng như trước đây dù suất cơm đó chỉ lèo tèo “cơm bung” (vì gạo bị ngâm) với vài ba miếng thịt thái mỏng như lá lúa. Bùi Ngọc Vân (ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) than vắn thở dài: “Thứ gì cũng lên, khiến đi chợ mà cũng nhức cả đầu bởi với số tiền năm học trước có thể được ăn tươm tất, thì giờ phải góp thêm đến 30%”. Rồi cô nhẩm tính: “Gạo mang từ quê lên, một lạng thịt ba rọi phải mua với giá 5.500 đến 6.000 đồng, rau xanh 6.000 đến 7.000 đồng/ cân, cà chua 3.000 đồng/ 2 quả... toàn những con số không hề đơn giản”. Dù đã được cảnh báo nhưng Vân vẫn thấy “ngợp” trước việc giá tăng vùn vụt trong những ngày qua. Để “đối phó” với giá leo thang thì 3 món đậu phụ, trứng và rau muống là những món “trường kỳ” được phòng trọ 5 người của Hiệp (SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) chọn lựa và dĩ nhiên cuối tháng nếu hụt hầu bao thì lại ra quán đầu hẻm ký sổ những gói mì chờ tiền “trợ cấp” quê lên để thanh toán.
Bạn Võ Thị Minh Thương (quê ở Quảng Nam), hiện đang theo học Trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm Đà Nẵng bộc bạch: “Ba mẹ em làm nông, từ khi em ra Đà Nẵng học, gia đình gửi cho 600.000 đồng/ tháng để trang trải sinh hoạt phí, bao gồm cả tiền thuê nhà. Hằng tháng, em phải phân chia tiền ăn và tiền thuê nhà, điện, nước… rồi tranh thủ thời gian đi dạy kèm, chắt bóp may ra mới đủ. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, giá cả thức ăn, đồ dùng sinh hoạt tăng vọt làm cho những SV như em rất chật vật”.
Bạn Nguyễn Văn Hiếu (Quảng Trị), là SV Trường Trung cấp Nghề Đà Nẵng thì cho hay: “Gia đình em khó khăn nên em ở chung phòng trọ với hai bạn, tháng nào cũng vậy, cứ nhận tiền gia đình gửi lên là mỗi đứa mua hai thùng mì tôm để đấy, còn tiền thì tụi em đi ăn cơm “bụi”, nếu hết tiền thì ở nhà ăn mì tôm…”. Trước đây, mỗi tháng gia đình cho em 700 ngàn đồng, ra Tết giá cả tăng cao nên ba mẹ cũng cố vay mượn cho em 1 triệu đồng. Thế nhưng, giá cả cứ “leo thang” thế này thì có tiết kiệm đến mức nào cũng thiếu hụt đến gần 10 ngày/ tháng”.
Giờ tan tầm, chợ SV nằm gần Trường ĐH KHXH-NV (Làng ĐH Thủ Đức, TP.HCM) đông nghịt SV đến mua. Tuy chợ bày bán đủ loại hàng hóa nhưng mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất vẫn là rau muống và trứng, thỉnh thoảng mới có bạn ghé đến hàng thịt và cá. Bạn Bích Phượng (Khoa Ngữ văn Anh - ĐH KHXH-NV) than: “Phòng em có 6 người, cả tuần nay, tụi em toàn ăn trứng với rau, xen kẽ là đậu hũ chiên. Ăn hoài ngán tới cổ, tính mua con cá về chiên nhưng đắt quá. Dẫu biết những mặt hàng rẻ tiền, thậm chí biết không đảm bảo chất lượng cũng nhắm mắt ăn cho qua ngày”. Cả tuần ăn đậu hũ đến phát ngán, vả lại hôm nay ngày 8-3, nên cô bạn Trúc - ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) quyết định ghé chợ để cả phòng ăn đồ tươi một bữa. Lượn một vòng từ đầu chợ đến cuối chợ, Trúc quyết định mua con cá điêu hồng về chiên. Lựa con nhỏ nhất lên cân có giá 18.000 đồng. Thấy nhiều tiền sợ hụt nên Trúc bối rối xin đổi con khác, không có con nào nhỏ hơn, cô đành phải ghé mua món “truyền thống”: đậu hũ, rau muống!... “Để sống chung với bão giá, bọn em tự đặt ra phương châm: Rẻ, nhiều, ăn no thì mua, còn ngon mà đắt thì… bỏ qua. Rau muống, cải xoong, bắp cải, đậu hũ và cá khô là những món thường nhật của chúng em”, Phượng tếu táo.
Chủ trọ hùa nhau “té nước theo mưa”
Các bạn SV ở Làng Đại học Thủ Đức ăn mì độn với cơm để tiết kiệm, chống chọi với “bão giá”
Điện tăng kéo theo trăm ngàn thứ khác tăng theo và hệ quả hiển nhiên trước mắt mà hẳn ai cũng có thể thấy rõ là SV nghèo phải còng lưng gánh “bão giá”. “Năm ngoái phòng trọ em ở là 14m2 với giá 600 ngàn đồng/ tháng, giờ đây đã lên 1 triệu đồng/ tháng chưa kể chi phí điện, nước và các khoản như vệ sinh môi trường… cũng tăng theo”, Trần Văn - SV Trường ĐH Kiến trúc (Đà Nẵng) than thở.
Tính sơ sơ, tiền thuê nhà, tiền điện, nước, tiền ăn, mỗi SV đang theo học tại Đà Nẵng phải tốn từ 1,5 đến 1,7 triệu đồng, chưa kể đến tiền học thêm và tiền học phí của mỗi SV cũng tăng theo giá cả thị trường. Tại những khu trọ tập trung đông SV như khu Hòa Khánh (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng), Đống Đa, Hàn Thuyên (Q.Hải Châu) hay Ngô Quyền (Q.Sơn Trà), khoảng 70% phòng trọ của SV sau Tết đều tăng giá từ 50.000-250.000 đồng, tùy theo chất lượng. Bạn Phạm Thị Nhàn, Trường CĐ Đức Trí, thở dài, từ năm 2009 đến nay, chủ trọ đã 4 lần tăng giá phòng trọ (50.000 đồng/ lần). “Việc giá cả sinh hoạt leo thang nên tăng giá phòng trọ cũng hợp lý, nhưng nếu tăng giá thì cũng phải tăng từ từ, chứ tăng đột ngột vậy chẳng khác nào “té nước theo mưa”, bắt chẹt sinh viên. Dãy trọ của em đến 20 phòng, mỗi phòng tăng 100.000 đồng, giá nước cũng tăng từ 15.000 đồng lên 30.000 đồng/ người/ tháng”.
Bạn T.V.Huy, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng buồn bã nói: “Căn phòng chỉ 8m2 ở đường Nguyễn Khuyến (Q.Liên Chiểu), sau ba năm, đã tăng từ 300.000 lên 600.000 đồng. Hiện tại, em phải rủ thêm ba bạn cùng ở. Phòng chật, các bạn phải nấu ăn bên ngoài, ban ngày mọi người tùy nghi di tản chỉ đêm về mới đặt lưng ngủ. Thậm chí, khi dắt xe đạp vào phòng, ngủ phải nằm thẳng chứ nằm co là không đủ chỗ”.
Hơn 11 giờ trưa, căng tin Trường CĐ Công thương TP.HCM vắng hoe, lác đác có vài ba SV đến ăn cơm. Chủ căng tin than thở: “Mấy tháng trước, vào giờ này, SV xếp hàng mua cơm ra tận cửa. Giờ giá cả đắt đỏ, mỗi suất cơm phải tăng lên vài ngàn đồng, SV chê đắt không ăn, đi tìm các quán cơm bụi khác rẻ hơn”.
Còn ba bạn Tùng, Toàn và Huân cùng trọ một phòng ở trong hẻm đối diện Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM cho biết, giá cả tăng chóng mặt, nhiều bữa mấy đứa buồn rầu nhìn nhau, chẳng nhập tâm chuyện học hành. Tùng nhẩm tính: “Tiền phòng và điện nước 500.000 đồng/ tháng, tiền ăn 400.000 đồng/ tháng, 300.000 đồng còn lại nào là vé xe buýt, điện thoại, và đủ thứ lặt vặt. Anh xem mỗi tháng chi có 400.000 đồng tiền ăn thì lấy gì mà ăn ngon với đủ chất”.
Vĩnh Yên - Nguyên Hải - Báo GD TPHCM