• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Bánh đa cua đổi món cho cả nhà

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Canh cua nấu lên chan với bánh đa đã trần qua nước sôi, mấy cọng rau muống, rau rút luộc, vài miếng chả cá, giò lụa, thêm chút dấm tỏi chua chua thanh nhẹ, vậy là có một tô bánh đa cua hấp dẫn

banh-da-cua-2.gif


Nguyên liệu

- Bánh đa đỏ.....400g(mua ở siêu thị hoặc các cửa hàng bán đặc sản Hà Nội)
- Cua đồng....1 kg
- Nước.....2 lít
- Rau muống, Rau nhút, Hành khô....5 củ to
- Dầu ăn, Giò tai, Chả cá, Muối, Bột nêm...

Cách làm:

- Cua đồng rửa sạch, bóc mai, bỏ yếm giã nhỏ hoặc xay nhuyễn. Đổ nước vào lọc lấy nước cua bỏ vào nồi

- Dùng 1 cây tăm nhỏ, lấy phần gạch cua từ mai sao cho gạch cua không bị nát.

- Bắc nồi nước cua đã lọc lên bếp, đun lửa vừa phải, dùng đũa ngoáy đều nồi nước để tránh thịt cua bị lắng xuống dưới. Chỉ ngoáy cho tới khi nồi nóng, nếu ngoáy lâu thịt cua sẽ bị vỡ, không đóng thành mảng được.

- Đun lửa vừa phải cho tới khi canh sôi, lớp thịt cua nổi lên trên. Chú ý canh cua rất dễ bị trào khi sôi.

- Có thể vớt phần thịt cua đã nổi lên trên ra bát riêng, khi ăn mới xúc vào. Nếu ở nhà ăn không cần làm bước này, thịt cua sẽ mềm và đỡ bị khô.

- Cho muối và bột nêm nếm vừa miệng ăn.

- Phi hành và xào gạch cua: hành khô bỏ vỏ, thái lát mỏng.

- Cho dầu vào nồi, đun nóng rồi cho hành vào phi nhỏ lửa cho tới khi hành bắt đầu chuyển màu vàng nhạt.

- Lấy 1/2 lượng hành đã phi để riêng. 1/2 lượng hành còn lại để nguyên trong nồi, cho gạch cua vào xào thơm.

- Trút gạch cua đã xào vào nồi nước cua đã sôi. Gạch cua phi hành sẽ làm nước cua có màu vàng bắt mắt và rất thơm

- Rau muống và rau nhút lặt bỏ phần cọng già, rửa sạch.

- Cho truớc rau rút rồi tiếp đến rau muống vào nồi nước sôi luộc to lửa để rau vẫn giữ được màu xanh. Vớt ra để ráo.

- Bánh đa đỏ ngâm nước khoảng 10 phút cho mềm. Cho vào nồi nước sôi trụng nhanh rồi đổ ra tô.

- Xếp rau muống, rau rút lên tô bánh đa.

- Chả cá, giò lụa cho vào nồi canh cua trần qua cho nóng rồi bày lên tô bánh đa.

- Chan nước vào tô rồi vớt nhẹ phần thịt cua cho lên trên. Rắc hành phi, ăn nóng.


Theo CAO
 
713_med.jpg


Bánh đa cua
Một người bạn của tôi nói rằng nhắc đến Hải Phòng là người ta nhớ đến hai thứ: bánh đa cua và thuốc lào Vĩnh Bảo. Thuốc lào Vĩnh Bảo thì tôi nhớ vì khi nhỏ không ngày nào là không phải chạy ra quán bà Ba mua cho bố, nhưng thưởng thức bánh đa cua ngay tại Hải Phòng thì quả thực mãi gần đây tôi mới có dịp.

Bánh đa cua là món ăn dân dã, gắn bó từ rất lâu với người dân Hải Phòng. Nó là thứ quà sáng, là thức ăn tối của người dân nơi đây. Nguyên liệu chế biến không có gì cao sang, đắt đỏ, chỉ những sản phẩm của vùng quê như cua đồng, lá lốt, rau muống… Nhưng chính từ những nguyên liệu có từ đất, có từ đồng ruộng ấy qua bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người bán hàng trở thành món ăn đặc sản.

Trước tiên là nước dùng: nước phải thật trong, thứ nước xương và nước cua đồng đã gạt hết bọt. Nổi phía trên nước dùng trong suốt là gạch cua nâu hồng, xôm xốp, miếng chả lá lốt xanh đậm, những mảy hành khô vàng rộm, giòn tan, những cọng rau, hành tươi xanh nõn. Thứ đến và cũng rất đặc biệt là sợi bánh đa nâu sậm – loại bánh được tráng khá kỳ công, sợi bánh mỏng tang, mềm và dai. Để làm được loại bánh như thế những người làng Dư Hàng Kênh - nơi cung cấp bánh cho toàn Hải Phòng và đi các nơi khác của cả nước phải nắm rất rõ và giữ bí quyết, kỹ thuật ngâm gạo, chế nước khi xay, pha bột và điều chỉnh lửa lò lúc tráng bánh…

Một bát bánh đa cua ngon, hấp dẫn phải hội tụ đủ ngũ màu: màu gạch cua nâu hồng, màu bánh đa nâu sậm, màu xanh mướt của lá lốt, rau muống, hành lá, chanh; màu đỏ tươi nơi trái ớt và vàng rộm của hành khô. Màu sắc bắt mắt kết hợp với hương vị thơm ngon, béo ngậy chắc chắn sẽ níu chân thực khách dù chỉ một lần được thưởng thức, sẽ là hương vị nhớ về của những người đi xa.

Trong một ca khúc về Hải Phòng nhạc sĩ Trần Tiến đã viết: “Người Hải Phòng thật thà như bánh đa cua...” – thứ bánh mộc mạc, dân dã được dùng để chỉ một phẩm chất của người dân nơi đây, điều đó đủ cho thấy với người dân đất cảng, bánh đa cua thân thiết như thế nào.

Những người đã từng sống ở Hải Phòng đều cho rằng: ăn bánh đa cua phải ăn ở Hải Phòng mới “đã”, sợi bánh đa cua phải ăn tại những con phố, ngõ ngách đất cảng mới giữ được hương vị. Có lẽ không chỉ bánh đa cua mà tất cả các món đặc sản đều vậy. Vì chỉ có đến, thưởng thức hương vị của đất, của nắng gió, sản vật tại nơi nó phát sinh thì mới thấy hết được vị ngon, ngọt, hấp dẫn.

Theo Văn hóa nghệ thuật ăn uống
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top