Muốn phá cách phải có nền tảng
Văn học Việt Nam thế kỷ XX phát triển qua những thời kỳ nhất định với những dấu ấn rõ nét, thể hiện ở sự phong phú các mảng đề tài: văn học nông thôn, văn thơ cách mạng…, sự thành danh của nhiều tác giả. Sang thế kỷ XXI, theo quy luật của sự phát triển lại “sản sinh” ra những dòng văn học mới nhưng nó không thể phủ định những thành tựu của quá trình phát triển, nó phải dựa trên nền tảng văn học đã được định hình từ trước.
Con đường văn chương
Chia sẻ những khó khăn trên con đường viết văn, nhà văn Nguyên Ngọc nói: không thể đào tạo được nhà văn, ngay như Hội Nhà văn suốt năm mươi năm qua cũng không đào tạo được ai trở thành nhà văn. Mỗi người đều có một khả năng văn học thiên bẩm riêng, nhưng điều ấy chưa phải là tất cả, muốn đi xa hơn, tự mỗi người phải tự học, tự tích luỹ vốn sống và kiến thức. Bản thân ông chỉ học đến tương đương cấp 3 bây giờ. Sau đó đi bộ đội, rồi tập kết ra Bắc. Năm 1954, về Tạp chí Văn nghệ Quân Đội, gặp một tủ sách với rất nhiều sách quý đã đánh thức và thoả mãn niềm say mê của ông. Với nền tảng giáo dục Pháp cộng với ngoại ngữ trong quá trình tự học ấy nhà văn đã được tiếp xúc với nhiều tác phẩm văn học có giá trị của nước ngoài.
Không chỉ đọc sách văn học, nhà văn Nguyên Ngọc còn tìm đọc cả sách khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Ngoài ra, ông còn học được rất nhiều trong quá trình tiếp xúc với các nhà văn đàn anh và bạn bè trong nghề hàng ngày như Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyễn Khải… Và trường học lớn hơn rất nhiều chính là học trong dân, học ở những ngày tháng chiến tranh và cả hôm nay trên tất cả các nơi mà nhà văn đã đi qua, đã biết tới và đã từng sống.
Sự đổi mới tất yếu
Nói về đổi mới văn học, nhà văn Nguyên Ngọc đặt sự đổi mới đó trong tương quan giữa hình thức - nội dung, quá khứ - hiện tại, bản thân - các thế hệ cùng thời và đương đại. Ông cho rằng vấn đề đổi mới; làm khác cái đã có là một đòi hỏi ở bất kỳ giai đoạn nào trong văn học cũng rất cần, chứ không riêng gì bây giờ. Và thực tế là tự các nhà văn ở mỗi thế hệ, mỗi giai đoạn cũng ý thức triệt để vấn đề này.
Văn học ở Việt Nam giai đoạn sau 1975 có điểm khác với văn học chung. Theo hướng đi chung thì nó phát triển từ: Bút ký - Truyện ngắn - Tiểu thuyết, còn ở ta là: Bút ký - Tiểu thuyết - Truyện ngắn. Thể loại Bút ký - Phóng sự giao thoa giữa văn chương và báo chí. Nghĩa là cao hơn báo chí, nhưng lại thấp hơn văn chương. Đọc những tác phẩm thể loại Bút ký độc giả sẽ tiếp cận được không khí mới mẻ của cuộc sống, nhất là cái gai góc để trả lời những câu hỏi bức thiết, trăn trở và khó khăn hàng ngày của con người. Loạt phóng sự đặt nền móng cho giai đoạn này không thể không kể tới: Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc, Lời khai của bị can (tức Vua lốp) của Trần Huy Quang, Người đàn bà quỳ của Nguyễn Văn Ba, Thủ tục để làm người sống của Minh Chuyên…
Từ Bút ký - Phóng sự chuyển sang Tiểu thuyết, giai đoạn này tuy không theo hướng đi chung nhưng lại rất liền mạch và phù hợp. Bởi vì lúc đó các nhà văn vừa trở về từ chiến tranh, một cuộc sống mới bắt đầu mở ra, nhưng cuộc sống giữa thời chiến, thời bình còn nhiều dư âm và ám ảnh. Với một hiện thực phong phú được phơi bày đã trở thành vốn sống ngồn ngộn và đầy ắp phải dung chứa và truyền tải vào thể loại tiểu thuyết: Trong cơn gió lốc của Khuất Quang Thuỵ, Thời xa vắng của Lê Lựu, Bến không chồng của Dương Hướng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh...
Điều dễ nhận thấy là ở ngay các tập tiểu thuyết này chất phóng sự vẫn còn đầy ắp. Các sự kiện, nhân vật gần như là có thật trong đời sống hàng ngày mà chưa được “chế biến” nghệ thuật triệt để, người đọc có thể nhận ra các nguyên mẫu đó ở đâu, thời điểm nào. Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng các cuốn tiểu thuyết đó là phóng sự kéo dài và rất gần với chất báo chí. Đó vừa là lợi thế của các nhà văn giai đoạn đấy nhưng đồng thời cũng là nhược điểm. Bởi cái “sự thật” được đưa ra nhiều người đã biết đến, họ muốn tìm đọc cái khác, cái chưa biết. Và lúc này thì Truyện ngắn được chú ý quan tâm và thực tế là có nhiều truyện ngắn hay, nhiều tác giả mới xuất hiện. Có thể khẳng định, giai đoạn Bút ký - Phóng sự và Tiểu thuyết là cả một quá trình dài chuẩn bị cho Truyện ngắn. Nó vừa đáp ứng được yêu cầu xã hội bấy giờ lại vừa chưng cất được cái “chất” cần có cho truyện ngắn. Mở đầu truyện ngắn là chùm truyện: Con thuyền ngoài xa, Bức tranh, Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu, Có một đêm như thế của Nguyễn Thị Minh Thư, Anh Sức của Khuất Quang Thuỵ và sau đó là những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp…
Cuộc vận lộn nội dung đi tìm hình thức
Nói về đổi mới văn học hiện nay, nhà văn Nguyên Ngọc có nhiều trăn trở, nhất là việc đi tìm một hình thức nghệ thuật mới. Ông dẫn giải bằng trường hợp của Nguyễn Ngọc Tư từ Cánh đồng bất tận đến Gió lẻ. Cánh đồng bất tận đã được công nhận nhưng Nguyễn Ngọc Tư không từ thành công đó mà tiếp tục khai thác lối viết cũ này. Chị đã ý thức được cần phải thay đổi mình. Cho dù cái bóng của Cánh đồng bất tận quá lớn, cho dù nhiều người không thích chị viết khác, không thích Gió lẻ và còn nhiều tranh cãi. Nhưng khoan hãy nói đến thành công, khoan hãy nói đến được - mất giữa cái cũ và mới để thấy ý thức đổi mới đã có trong Nguyễn Ngọc Tư như một cách xác định rất rõ ràng: “Đừng bắt tôi mãi mãi là con bé ngây ngô đặc sản miền Nam” . Ngay cả Bảo Ninh, sau Nỗi buồn chiến tranh người ta càng chờ đợi cái mới, cái khác thì tác phẩm đó càng biệt tăm và đến giờ vẫn chưa xuất hiện. Làm được như Nguyễn Ngọc Tư không phải là ai cũng làm được, đó là sự dũng cảm đáng ghi nhận, Nguyễn Ngọc Tư là một tài năng và một hiện tượng lạ mà ngay cả bản thân ông cũng chưa giải thích được.
Gần đây nhiều nhà văn đã phê phán các nhóm viết như Mở miệng, Ngựa trời vì những tuyên ngôn và phá cách. Nhưng cũng nhiều nhà văn lại ủng hộ. Còn việc họ có tìm được con đường đi mới cho văn học hay không thì chưa thể nói trước. Có khi hàng nghìn người cùng đi nhưng chỉ có một người thành công thì đó cũng là bình thường và đáng trân trọng, nên ủng hộ, giúp đỡ họ. Cái mới bao giờ cũng khó tiếp nhận, thậm chí phải qua thử thách một thời gian nhưng đừng vùi dập và phê phán. Tuy nhiên, muốn “phá cách” cũng cần phải có nền tảng. Nền tảng ở đây là tri thức, là vốn sống mà mỗi người phải tự học và tự trang bị cho mình. Cái mới mà không có nền tảng thì nó sẽ nhanh chóng đổ vỡ thất bại.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, nhà lý luận- phê bình văn học Chu Văn Sơn khẳng định, chỉ có “hình thức” thực sự “mới” mới là cách tân. Người cầm bút bí là bí hình thức chứ để kể lại một câu chuyện mình đã biết, hay tự hư cấu thì không khó. Và cuộc vận lộn nội dung đi tìm hình thức là cuộc vật lộn thực sự mà chúng ta phải kiếm tìm.
Nhưng đổi mới hiện nay như thế nào và làm gì để đổi mới văn học luôn là một câu hỏi khó mà chỉ có thế hệ nhà văn trẻ mới trả lời được.
NGÂN HÀ
Nguồn: Văn học quê nhà
Nguồn: Văn học quê nhà