BÀN THÊM VỀ CHÙM THƠ "THU" CỦA NGUYỄN KHUYẾN
Có một thực tế là: nền văn học trung đại Việt Nam, cùng với quá trình tiếp thu văn hoá, văn học Trung Hoa trên rất nhiều phương diện, từ ngôn ngữ, chữ viết, đến hệ thống thể loại, phương thức tư duy nghệ thuật, xây dựng hệ thống hình tượng… là quá trình cha ông ta không ngừng Việt hoá, tiếp thu có chọn lọc và sáng tạo trên cơ sở căn cội văn hoá tư tưởng dân tộc để xây dựng một nền văn học Việt Nam mang đậm bản sắc Việt Nam, thể hiện bản lĩnh và tài năng nghệ thuật của dân tộc trong suôt gần mười thế kỉ văn học ấy.
Một trong những thành công tiêu biểu theo hướng này chính là việc cha ông ta đã Việt hoá thành công thể thơ Nôm Đường luật. Đi từ những thể nghiệm đến ổn định, đi từ những tiếp thu đến sáng tạo, từ ước lệ tượng trưng đến phá vỡ ước lệ tượng trưng, từ những nội dung quan phương đến hiện thực đời sống, hiện thực tư tưởng và tâm hồn con người, đi từ những nội dung sang trọng đến những nội dung giản dị, đời thường, dân dã, từ mật độ sử dụng dày đặc từ ngữ Hán đến sự kết hợp hài hoà và nhuẫn nhuyễn cả yếu tố Hán và yếu tố Việt, dần dần đến sự thắng thế của yếu tố Việt (Nôm)… thơ Nôm Đường luật, từ Nguyễn Thuyên, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, qua Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Thánh Tông, Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, đến Tú Xương và Nguyễn Khuyến đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của mình, mà nói như cách nói của PGS. TS. Lã Nhâm Thìn: “…, diện mạo thơ Nôm Đường luật là diện mạo dường như không có tuổi ấu thơ chập chững cũng như không có tuổi già… Thơ Nôm Đường luật có sự giao tiếp văn học độc đáo mà các thể loại khác không đạt tới được. Đó là sự tiếp nhận, kế thừa di sản nhưng đồng thời làm mờ kí ức về di sản…”(1).
Bài viết này, chúng tôi nhìn nhận chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến trong dòng phát triển của thơ Nôm Đường luật ở giai đoạn cuối cùng, chỉ ra những yếu tố có tính chất ước lệ tượng trưng và đặc biệt nhấn mạnh những yếu tố phá vỡ tính ước lệ của nó với hi vọng bổ sung thêm một hướng tiếp cận những thi phẩm đặc sắc này.
Chùm thơ thu được thi hào Nguyễn Khuyến sáng tác vào thời gian ông về ẩn dật tại quê hương: Yên Đổ - Bình Lục - Hà Nam. Đây là một quãng thời gian có ý nghĩa rất quan trọng trong cả cuộc đời của ông. Bản thân ông là một đại nho với khát vọng lớn lao là được mang tài năng của mình ra để phục vụ triều đại, phục vụ nhân dân, đất nước. Tuy thế, hoà ước Patơnốt năm 1884 đã dập tắt cái chí hành đạo sục sôi trong con người ông. Đây là một nỗi đau đớn khôn khuây vò xé tâm can ông trong suốt quãng thời gian còn lại. Lựa chọn con đường ẩn dật và con đường ấy đã đưa Nguyễn Khuyễn đến những sáng tạo thi ca bất hủ(2). Song trở đi trở lại trong thơ ca Nguyễn Khuyến giai đoạn này là nỗi trăn trở, day dứt đến đớn đau của một sự lựa chọn cuộc đời mãi mãi chẳng thể nào xong xuôi. Bao nhiêu dự tính, mơ ước giờ đây chỉ còn có thể gửi gắm, kí thác vào thơ văn, vào không gian trời nước của quê hương. Những tháng ngày dưỡng hối ấy đã cho ông những giây phút thanh thản và sự bảo tồn một tiết tháo đáng trân trọng. Ông được chung lòng mình vào cùng với cuộc sống thôn quê, khắc hoạ và mô tả cuộc sống quê hương với bao điều thân quen và giản dị; ông hướng lòng mình lên với thiên nhiên, với vũ trụ mà nghiệm suy về bao lẽ nhân sinh, những sự thay đổi thời cuộc đến chóng mặt mà đã có lúc ông dường như không thể chịu đựng được. Thế là xét đến cùng nguồn cơn và nông nỗi: Nguyễn Khuyến về dưỡng hối theo lối sống nhi nhiên tự tại của Lão - Trang đấy mà thực chất, theo suy nghĩ của chúng tôi, ông chỉ nhàn được thể xác còn tâm hồn lớn lao kia vẫn đau đáu hướng về thế tục trong bao khát vọng và thất vọng. Lực bất tòng tâm, Nguyễn Khuyến cảm nhận đớn đau hơn ai hết cái bi kịch của một nhà Nho cuối mùa.(3) Ông sinh ra tự giễu mình - điều rất hi hữu ở nhân cách Nho gia, tự thẹn về cái tài của mình, về nhân cách của mình trong thời cuộc bấy giờ...
Nước non man mác về đâu tá,
Bè bạn lơ xơ xót mấy người.
Đời loạn đi về như hạc độc,
Tuổi già hình bóng tựa mây côi...
Cảm hứng
Sáng tác của Nguyễn Khuyến trong thời gian này rất phong phú và đa dạng, cả ở phương diện chữ Hán và chữ Nôm và ở một số thể loại khác. Sáng tác thơ Nôm chủ yếu hướng đến thể hiện bức tranh làng cảnh Việt Nam bình dị, mượt mà, dân dã, đẹp mà lam lũ; sáng tác thơ chữ Hán lại chủ yếu thể hiện những trăn trở suy tư của ông về nhân tình thế thái.
Và chùm thơ thu là một thành công điển hình của ông trong mảng thơ viết bằng chữ Nôm. Với chùm thơ này, Nguyễn Khuyến đã được mệnh danh là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam (ý của nhà thơ Xuân Diệu). Tất nhiên, chùm thơ thu không chỉ có làng cảnh Việt Nam mà ở đó là sự chất chứa những tâm sự thời cuộc hết sức lớn lao mà trăn trở.
Dưới đây chúng tôi sơ bộ chỉ ra những yếu tố có tính chất ước lệ tượng trưng và phá vỡ tính ước lệ tượng trưng của chùm thơ thu.
Tính ước lệ trong chùm thơ thu:
Đầu tiên là thi đề . Mùa thu vốn là mùa của thi ca. Thi ca cổ kim nói rất nhiều đến mùa thu vì đây là thời gian dễ mang lại những cảm xúc cho thi nhân. Chọn thi đề mùa thu là Nguyễn Khuyến đã chọn một thi đề quen thuộc, dường như khó có thể nói thêm được điều gì khác, điều gì mới về thi đề này. Đặt ra ở đây một thách thức đối với Nguyễn Khuyến nếu như ông không muốn sáng tạo của mình chìm vào sự lãng quên của người đọc.
Âm hưởng chung của thơ về mùa thu thường là buồn. Chùm thơ thu đã không là một ngoại lệ. Đọc kĩ cả ba bài thơ này, chúng ta rất dễ dàng nhận ra âm hưởng chung của chúng là buồn, một nỗi buồn man mác bâng khuâng và với rất nhiều những căn cớ, nguồn cơn. Cũng là mùa thu làm thơ, cũng là mùa thu câu cá cũng là mùa thu uống rượu đấy những xem ra tất cả chỉ là cái cớ cho một điều gì đó lớn hơn… Cụ thể thế nào, theo chúng tôi sẽ lại là sự sáng tạo của thi hào. Phần này chúng tôi sẽ nói phía dưới.
Nói đến mùa thu thì các hình ảnh như trời thu, trăng thu, nước thu, gió thu, sương thu, lá mùa thu, khói thu, ngõ trúc, ... đều đã trở nên quá quen thuộc và như là một công thức cho người sáng tác. Có thể coi đây là tính ước lệ của chùm thơ thu.
Tính ước lệ, quy phạm, công thức của chùm thơ thu còn phải kể đến là việc tác giả đã sử dụng thành thạo những quy định thể loại của thể Đường luật bát cú: niêm, đối... Điều này tạo cho các bài thơ một kết cấu chặt chẽ, mực thước, cổ điển.
Tuy nhiên, vấn đề đã không dừng lại ở đó. Phần sáng tạo của Nguyễn Khuyến trong chùm thơ thu là cơ bản.
Sự phá vỡ tính ước lệ trong chùm thơ thu:
Nguyễn Khuyến phá vỡ tính ước lệ ngay từ thi đề. Nếu như thơ ca cổ kim nói đến mùa thu thì thường đó là hình ảnh của một bức tranh thu có tính chất khái quát, phổ quát với âm hưởng buồn sầu rất chung chung thì ở đây, qua ba thi phẩm, nhà thơ đã đưa chúng ta về với không - thời gian của mùa thu đồng bằng Bắc Bộ, rất cụ thể và sinh động, không lẫn với bất kì bức tranh thu nào. Từ điểm nhìn không gian làng Vị Hạ, Nguyễn Khuyến đã mô tả mùa thu của vùng đồng chiêm trũng hết sức gần gũi và thân quen. Thu vịnh là mùa thu ở nét khái quát nhất nhưng vẫn là mùa thu của làng quê nhà thơ; Thu điếu là mùa thu ở điểm nhìn cụ thể hơn, sinh động hơn; Thu ẩm lại có những dáng dấp riêng so với hai bài trước. Thời gian thu được tiếp cận ở các khoảnh khắc khác nhau nhưng giữa chúng có một sự kết nối rất chặt chẽ. Ba bài thơ với âm hưởng chung là tĩnh lặng và đượm buồn, chất chứa tâm sự rất riêng, rất vĩ đại của thi nhân.
Tiếp theo là việc sáng tạo các hình ảnh thơ: trời thu xanh ngắt (xuất hiện ở cả ba bài), ngõ trúc quanh co, ao thu bé tẻo teo, ngõ tối, đóm lập loè,... Nói chung các hình ảnh thơ ở đây hiện lên với đặc điểm chung là rất sinh động, cụ thể, rất riêng của vùng đồng chiêm trũng nơi quê hương tác giả. Một số hình ảnh khác như Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái, Làn ao lóng lánh bóng trăng loe... là những hình ảnh thơ rất đẹp và đa nghĩa, giàu tính nghệ thuật.
Chúng tôi dừng lại phân tích câu thơ Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái để thấy được rõ hơn sự sáng tạo của thi nhân.
Câu thơ này là để tả hoa thu. Có thể là hoa cúc - một biểu tượng khí tiết của người ẩn dật? Hoặc là bất cứ một loại hoa nào cũng được. Nói đến mùa thu đương nhiên phải có hoa thu. Đây là một ước lệ nghệ thuật. Ước lệ còn thể hiện ở chỗ: câu thơ gợi cho ta sự liên tưởng đến câu thơ của Sầm Tham:
Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa
(Xuân nay lại nở hoa năm ngoái)
Sơn phòng xuân sự
Hoặc câu thơ của Thôi Hộ:
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
(Nay, mặt người không biết đi ở chốn nào,
Chỉ còn, hoa đào vẫn cười với gió đông như cũ)
(Đề Đô thành nam trang)
Truyện Kiều cũng có một câu:
Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
Nội dung ngữ nghĩa của những câu thơ mà chúng tôi dẫn ra trên đây về cơ bản là tương đồng. Nhưng đến câu thơ của Nguyễn Khuyến, ông kí thác ở đó những ý tình khác, sâu xa hơn, đớn đau hơn. Và theo chúng tôi đó là chỗ sáng tạo, chỗ phá vỡ tính ước lệ. Vậy trong câu thơ này, thi hào gửi gắm điều gì?
Ở đây, trước hết là có sự tồn tại thực của mấy chùm hoa trước giậu. Năm ngoái là cụm từ có tính chất ước lệ, chỉ quá khứ. Nó ẩn dụ, tượng trưng cho quãng thời gian đã mất, một quãng đời đẹp đẽ đã phôi pha của thi nhân (đó có thể là những năm tháng đẹp đẽ của quê hương, đất nước). Trong khi lúc này đây, thi nhân đang trong tâm trạng u buồn, lúc nào cũng canh cánh một nỗi thương đời, thương người. Trong lòng thi nhân lúc nào cũng canh cánh, nhớ tiếc một thời xưa cũ, dù nó không hoàn toàn được như ý muốn thì ở đó thi nhân còn có độc lập tự do, và hơn hết là cảm giác về sự hữu ích của bản thân trước cuộc đời, trước nhân dân và đất nước. Câu thơ là sự đối diện của nhà thơ với thời gian miên viễn, là khoảng sáng kí ức vụt hiện trong đớn đau, xa xót. Nhìn hoa năm nay mà bỗng thành hoa năm ngoái, thi nhân đã vuột khỏi thì hiện tại mà trở về với cái quá khứ xa xăm. Đây chính là nghệ thuật đồng hiện: đồng hiện quá khứ và hiện tại. Nghệ thuật đồng hiện được rất nhiều thi nhân sử dụng trong sáng tạo thi ca (ví dụ Tú Xương, Lưu Trọng Lư, Tố Hữu, Hàn Mặc Tử...)(4).
Như vậy, với một hình ảnh thơ, chúng ta đã phần nào thấy được sự sáng tạo của thi hào Nguyễn Khuyến.
Phá vỡ tính ước lệ trong chùm thơ thu còn thể hiện rất rõ ở hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật. Thấy rất rõ là trong chùm thơ này Nguyễn Khuyến đã sử dụng dày đặc những từ thuần Việt trong sáng, dể hiểu, giàu sức gợi: xanh ngắt, lơ phơ, hắt hiu, nước biếc, để mặc, thẹn, lạnh lẽo, trong veo, bé tẻo teo, gợn tí, vèo, lơ lửng, vắng teo, bèo, thấp, le te, lập loè, nhạt, làn ao, lóng lánh, loe... Tất cả góp phần khắc hoạ bức tranh mùa thu đồng bằng Bắc Bộ rất điển hình, rất riêng. Nhưng điều tuyệt diệu ở đây còn là ý này: dùng từ ngữ thuần Việt mà người đọc vẫn cảm nhận được ở đấy sự tinh tế, tao nhã, cái tao nhã của một con người đa cảm và khả năng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của trời đất, vũ trụ, của mùa thu. Vần eo ở bài Thu điếu là một sáng tạo của Nguyễn Khuyến. Hẳn trong thơ ca cổ về mùa thu không có được điều tuyệt diệu này.
Bức tranh mùa thu sẽ là thiếu nếu không có hình ảnh của con người. Chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến hiện rõ lên hình ảnh của con người thi nhân. Nếu trong thơ ca trước đó, tính ước lệ, quy phạm khiến cho hình ảnh của tác giả thường mờ nhạt, khó có thể cụ thể trong giọng điệu, cảm xúc thì ở chùm thơ thu này, hình ảnh thi hào Nguyễn Khuyến hiện lên rất rõ. Hơn thế, đó là hình ảnh của một con người với tâm trạng thế tình vời vợi, khôn khuây.
Tập trung thể hiện điều này là 3 cặp câu thơ kết của cả ba bài:
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ụng Đào.
Thu vịnh
Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Thu điếu
Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy,
Độ dăm ba chén đã say nhè.
Thu ẩm
Sáng tạo ở đây chính là tâm trạng thời thế, tâm sự đất nước rất riêng của Nguyễn Khuyến. Đó là tâm trạng của một con người trĩu nặng suy tư về hạnh phúc, về độc lập tự do của quê hương mà bản thân ông thì bất lực. Tâm sự ấy đã trở đi trở lại trong nhiều bài thơ khác của ông:
Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ...
Cuốc kêu cảm hứng
Điều đó khiến cho cái tôi của thi nhân vừa như muốn tan vào không gian trời nước mùa thu để khuây khoả, để tan loãng lại vừa cộm lên biết bao nỗi niềm chong thức. Day dứt về một lẽ xuất xử, day dứt về một con đường lựa chọn, day dứt về chức năng phận vị của nhà Nho, day dứt về quê hương, về đất nước... ông cứ mặc cảm, cứ tự trách mình, cứ hổ thẹn với non sông...
Ơn vua chưa chút báo đền,
Cúi trông thẹn đất, ngửa lên thẹn trời.
Di chúc
Thế nên, theo chúng tôi thì: cái thẹn ở Thu vịnh đâu chỉ còn là thẹn về nhân cách hay về tài thơ so với Đào Tiềm. Đó phải chăng chỉ là cái cớ cho một nỗi thẹn thường trực của thi nhân với non sông đất nước? Còn ở Thu điếu thì tiếng cá kia cũng chỉ tồn tại trong sự liên tưởng mà thôi chứ thực chất bức tranh mùa thu tĩnh lặng tuyệt đối, cái giật mình là giật mình của một tâm trạng chưa bao giờ yên cả. Và đến Thu ẩm thì nỗi đau, nỗi cô đơn đã hiện ra cả hành động mất rồi. Đúng như những câu thơ trong bài Cảm hứng mà chúng tôi dẫn ra phía trên. Cảm giác của nỗi cô đơn, của một thân phận hạc độc trong thời tao loạn, u uất, lủi thủi tới tận cùng thi tứ. Cái vòm trời xưa của hoàng hạc thanh cao giờ đã không còn nữa nên mới Nước non man mác về đâu tá... và lẽ chăng cái hồn thơ ông cũng khuất nẻo đi về? Hạc độc hoá mây côi như chính hồn thơ Nguyễn Khuyến còn lơ lửng bao nỗi niềm khôn khuây trên bầu trời thi ca đất Việt. Đám mây của thi nhân thuở 100 năm trước như cũng phải mồ côi vòm trời như nho sĩ mồ côi vua, người dân mồ côi nước... Quả là tinh thần hạc độc với mây côi đã bàng bạc, xuyên suốt thời đại và cuộc đời Nguyễn Khuyến làm nên một phần căn bản nhất, sâu sắc nhất của tư tưởng, tình cảm thẩm mỹ thi ca ông. Để đến chùm thơ thu, lẩn trốn vào không gian trời nước ấy để cố mà quên, để dịu mát, để tan loãng mà tất cả đã không tài nào hoá giải được những nỗi niềm dân nước đau đáu cả một đời con người. Mùa thu hẳn là phải nhìn ở chiều kích ấy mới mong một lần tri ngộ... Biết bao ngã rẽ của cuộc đời, từ con đường tìm về với Yên Đổ, từ nỗi hoài vọng một con đường sẽ chẳng còn có cơ hội để thi nhân đi lại, đi tiếp... và cả ngã rẽ sang phía thi ca, cỏi ngã rẽ khiến tên tuổi ông trở thành bất tử (ý của GS. Nguyễn Văn Huyền)(5) ... vậy mà thi nhân chưa từng một lần yên tâm với một lối đi về...
Nỗi đớn đau ấy lớn vô cùng, nỗi đớn đau ấy là vĩnh viễn.
Đấy là những sáng tạo chỉ có riêng ở thi hào Nguyễn Khuyến
Sưu tầm
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: