-Phương pháp chấm điểm:
Phương pháp chấm điểm biểu hiện các hiện tượng phân bố phân tán lẻ tẻ (các điểm dân cư, các cơ sở chăn nuôi…) bằng các điểm chấm trên bản đồ.
Các điểm chấm là yếu tố cơ bản của phương pháp này, mỗi chấm có một giá trị (số lượng hoặc khối lượng) nào đó.
Ví dụ: để biểu hiện sự phân bố của dân cư, một chấm có thể tương ứng với 5000 người; hoặc để biểu hiện diện tích gieo trồng, một điểm có thể tương ứng với 1000 ha…
-Phương pháp khoanh vùng:
Phương pháp khoanh vùng là phương pháp biểu hiện lên bản đồ các đối tượng không phân bố trên khắp lãnh thổ mà chỉ phát triển ở những khu vực nhất định. Đặc trưng của phương pháp này là ở chỗ nó thể hiện sự phổ biến của một loại đối tượng riêng lẻ, dường như tách ra với các loại đối tượng khác. Nhờ phương pháp khoanh vùng mà ta có thể phân biệt được vùng này với vùng khác.
Ví dụ: các vùng phân bố các dân tộc khác nhau, các vùng phân bố rừng, các đồng cỏ…
Có nhiều cách khác nhau để khoanh vùng trên bản đồ như: dùng các đường nét liền, đường nét đứt để tạo ra đường viền; dùng nét gạch hoặc kí hiệu, màu sắc để phân biệt các vùng.