Các hình thức địa tô chủ yếu và bản chất của địa tô tư bản chủ nghĩa (R) là gì? Ý nghĩa của việc nghiên cứu địa tô đối với việc giải quyết các vấn đề ruộng đất?
Đặc điểm nổi bật của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp là chế độ độc quyền ruộng đất. Các yếu tố cần thiết cho sản xuất nông nghiệp tư bản chủ nghĩa thuộc ba chủ sở hữu khác nhau (địa chủ độc quyền ruộng đất, tư bản nông nghiệp sở hữu các tư liệu sản xuất khác, như máy móc…, còn công nhân nông nghiệp sở hữu sức lao động).
Quan hệ xã hội đối với ruộng đất cũng bao gồm ba giai cấp đó. Tư bản kinh doanh nông nghiệp phải thuê ruộng đất; thuê công nhân để sản xuất; do đó phải trích một phần giá trị thặng dư cho địa chủ dưới dạng địa tô. Bản chất của địa tô tư bản chủ nghĩa khác với địa tô phong kiến. Địa tô tư bản chủ nghĩa là hình thức biến tướng của giá trị thặng dư, là một phần giá trị thặng dư do công nhân nông nghiệp tạo ra mà nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp phải trả cho địa chủ. Địa tô tư bản chủ nghĩa là bộ phận lợi nhuận siêu ngạch ngoài số lợi nhuận bình quân (P) của tư bản đầu tư trong nông nghiệp tạo ra và nộp cho địa chủ. Có các hình thức địa tô sau:
Địa tô chênh lệch (Rcl) là phần lợi nhuận phụ thêm ngoài lợi nhuận bình quân, thu được trên ruộng đất có điều kiện sản xuất thuận lợi hơn. Đó chính là số chênh lệch giữa giá cả sản xuất chung của nông phẩm sản xuất trên ruộng đất xấu nhất và giá cả sản xuất cá biệt của nông phẩm trên ruộng đất tốt và trung bình. Địa tô chênh lệch Rcl được chia thành hai loại:
+ Rcl I: là địa tô thu được trên ruộng đất có độ màu mỡ tự nhiên và vị trí thuận lợi hơn.
+ Rcl II: là Địa tô thu được gắn liền với đầu tư thêm tư bản cho việc thâm canh tăng năng suất để thu lợi nhuận siêu ngạch. Trong thời gian hợp đồng thuê đất, Rcl II thuộc nhà tư bản.
Địa tô tuyệt đối là lợi nhuận siêu ngạch ngoài lợi nhuận bình quân (P) hình thành do cấu tạo hữu cơ (c/v) của tư bản trong nông nghiệp thấp hơn trong công nghiệp Psn= (c+v+m) – (c+v+P)… Địa tô tuyệt đối gắn liền với sở hữu ruộng đất phải nộp cho địa chủ dù là ruộng đất xấu.
Địa tô độc quyền thu được trên những khu đất trồng được cây quý hiếm, hoặc có vị trí đặc biệt về công nghiệp, dịch vụ…
Nghiên cứu địa tô tư bản chủ nghĩa, ngoài mục đích vạch rõ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp, chúng ta còn rút ra cơ sở lý luận để đề ra đường lối, chính sách đối với nông nghiệp nhắn kích thích nông nghiệp phát triển, kết hợp hài hoà các lợi ích trong nông nghiệp cũng như giữa nông nghiệp với các ngành khác. Thí dụ: xây dựng chính sách thuế nông nghiệp đúng đắn nhằm khai thác được mọi tiềm năng ở nông thôn; tránh độc quyền phân phối ruộng đất, tạo điều kiện cho cạnh tranh trong nông nghiệp và giữa nông nghiệp với các ngành khác; vận dụng lý luận về địa tô chênh lệch để khuyến khích mọi ruộng đất được khai thác bảo đảm công bằng xã hội (Rcl I); đề ra chính sách giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài để khuyến khích người nông dân cải tạo đất đai (Rcl II)