Bán đảo A-rập : bản lề của ba châu Á , Phi , Âu

Bút Nghiên

ButNghien.com
Bán đảo A-rập : bản lề của ba châu Á , Phi , Âu

Bán đảo Ả Rập là bản lề của ba châu Á, Phi, Âu. Vị trí của nó rất thuận lợi: Ai Cập gác lên hai châu Á và Phi; các xứ theo Hồi giáo nằm liền nhau từ Đại Tây Dương tới sông Indus ở Ấn Độ, dọc theo bờ biển của Địa Trung Hải, Hồng Hải và vịnh Ba Tư, nơi mà sự giao thông tấp nập nhất thời cổ, thành thử Hồi giáo kiểm soát được các đường bộ từ Á qua Phi, qua Âu, đặc biệt là con đường tơ lụa thời cổ.

Nó còn một đặc điểm nữa: gồm cả một miền khí hậu khô ráo ngăn cách miền khí hậu ôn hòa của châu Âu và miền gió mùa ẩm thấp của châu Á.

Người ta chia nó làm ba phần:

- Lòng bán đảo nắng cháy hầu hết là sa mạc, trừ một mỏm trồng trọt được ở tây nam: Yemen.

- Miền lưỡi liềm phì nhiêu ở phía bắc, nằm dọc theo bờ Địa Trung Hải từ Palestine tới Liban, Syrie rồi vòng xuống lưu vực hai con sông Tigre và Euphrate ở Iraq.

- Miền sông Nil ở Ai Cập, Soudan. Thực ra Ai Cập chỉ có một phần nhỏ - sa mạc Sinai - là nằm trên bán đảo Ả Rập, nhưng vì Ai Cập là một quốc gia quan trọng trong khối Ả Rập, nên khi viết về lịch sử, chính trị, người ta luôn luôn gồm cả miền sông Nil vào thế giới Ả Rập.

Sau cùng có nhà lại gồm cả miền Maghreb (tiếng Ả Rập có nghĩa là phía Tây): tức ba xứ Maroc, Algeri, Tunisi, vào khối đó nữa vì dân xứ đó chịu ảnh hưởng của Ả Rập và theo Hồi giáo.

Dưới đây, chúng tôi giới thiệu qua về từng miền đó một.


LÒNG BÁN ĐẢO

Lòng bán đảo là một miền rộng hai triệu cây số vuông, ba phía là biển, giữa là một cao nguyên mênh mông trên cát dưới đá cháy khô dưới ánh nắng chang chang, đi hàng chục hàng trăm cây số mới gặp một ốc đảo, một vũng nước hoặc giếng nước chung quanh có ít cây chà là, vài cái lều của bọn người du mục.

Theo các nhà địa lý, địa chất thì không phải thời nào miền đó cũng khô cháy như nay. Đã lâu lắm, từ thời đại băng hà (époque glaciaire), khi châu Âu còn nằm dưới lớp băng như Bắc cực ngày nay thì bán đảo Ả Rập là một miền xanh tốt, phì nhiêu đầy rừng và đồng cỏ và có đủ những loài thú như ở Ấn Độ hay châu Phi. Ở châu Âu lớp băng lần lần lùi về phương Bắc, thì ở Ả Rập, lần lần khí hậu càng nóng, mưa càng hiếm, sông lạch cạn khô, cây cối chết hết mà hiện lên cảnh sa mạc.

Chỉ ở bờ biển mới thấy chút ruộng rẫy, như miền Yemen, một mỏm nằm ở cửa Hồng Hải đổ ra vịnh Aden. Dân cư miền Yemen rất đông đúc, tăng lên rất mau mà diện tích trồng trọt được thì có hạn, kỹ nghệ cùng thương mại ở đầu thế kỷ XX vẫn còn thấp kém, nên miền đó luôn luôn bị nạn nhân mãn. Dân chúng nếu vào biển để qua Soudan thì gặp một miền còn khô khan, hoang dã hơn xứ Ả Rập nữa, sống không nổi; mà cũng không thể ngược theo bờ biển Hồng Hải vì bị các dân tộc khác chặn đường, không cho nhập cảnh, nên họ bắt buộc phải dắt díu nhau di cư vào giữa bán đảo, tới miền Nedjd, miền Qua-sim, miền Hamad để tìm cách sinh nhai. Thành thử liên tiếp trong hàng chục thế kỷ có những luồng sóng người cuồn cuộn từ phương Nam tiến lên phương Bắc, rồi tản mác trong sa mạc. Sa mạc khô cháy, không nuôi nổi bọn người di cư mỗi ngày một đông, nên họ phải chém giết lẫn nhau, cướp bóc lẫn nhau để sống, để chiếm một giếng nước, mươi gốc chà là, vài mẫu đồng cỏ. Khắp thế giới, không đâu đời sống cực khổ, gay go như ở đây. Phải chiến đấu suốt đời, nên kẻ nào sống sót cũng là những chiến sỹ gan dạ, rất giỏi chịu cực, chỉ có một bầu nước và một gói chà là cũng đủ sống ba bốn ngày.

Nhưng khi người ta đã quen với đời sống đó rồi thì người ta yêu cảnh sa mạc hơn là nông dân yêu đồng ruộng. Cảnh vật càng khô cằn, đời sống càng cực khổ bao nhiêu thì người ta càng quyến luyến với quê hương bấy nhiêu. Sống trong sa mạc, người Ả Rập mê những cảnh hoàng hôn rực rỡ, những cảnh cát bụi mịt trời, những gốc chà là xanh mướt bên bờ nước: nhất là sau những cơn nắng cháy da, mặt trời đã lặn, gió hiu hiu, nằm trên cát bên cạnh con lạc đà, gối đầu lên cánh tay mà ngắm những ngôi sao lấp lánh trên nền trời tím thẫm thăm thẳm, hoặc nhìn bóng trăng xanh dịu trải lên những động cát thoai thoải, trong một cảnh vô biên tịch mịch thì lòng họ rung lên một điệu trầm trầm; họ nhớ lại những thời oanh hệt mà ca ngợi công lao của tổ tiên; hoặc suy nghĩ về cái mênh mông huyền bí của vũ trụ, và họ thành một thi sĩ hoặc một nhà tu hành.

Tóm lại sa mạc đã tạo ra ba hạng người: hạng chiến sĩ coi cái chết nhẹ như không; hạng thi sĩ thích một cuộc đời phóng lãng, và hạng tu sĩ sùng kính Thượng đế.

Riêng sa mạc Ả Rập, vì địa thế là bản lề của ba châu Á, Phi, Âu, nên còn tạo ra một hạng người nữa: hạng trọng mãi, mối lái buôn bán. Suất thời thượng cổ và thời trung cổ, con đường tơ lụa đi qua phía bắc bán đảo; các hương liệu ở Ấn Độ, Mã Lai vào vịnh Ba Tư, đưa lên bán đảo rồi từ bán đảo qua châu Âu. Da và lúa ở Crimée, ở phía nam nước Nga do Hắc Hải chở tới. Le Caire, kinh đô Ai Cập là nơi các đoàn thương nhân tụ tập để bán các sản vật châu Phi. Các tàu buôn từ Gênes, Venise, chở các đồ thủ công và khí giới ở Ý tới để đổi các bảo vật của châu Á.

Mặt đất tuy chỉ toàn là cát với sỏi, nhưng lòng đất chứa nhiều suối "vàng đen", tức dầu lửa. Từ năm 1930, các kỹ sư Mỹ kiếm được nhiều mỏ dầu ở Haradh, Ghawar, Abgaid, Qua-tif, phía gần vịnh Ba Tư, nhất là mỏ Bahrein ở một đảo trên vịnh, gần bán đảo Khatar, hết thảy đều thuộc tỉnh Hasa của vương quốc Ả Rập Saudi.

Năm 1947, sức sản xuất của các giếng dầu Hasa tới 41 triệu lít mỗi ngày. Cuối năm 1950, số đó tăng lên gấp đôi. Đào sâu thêm nữa, xuống tới 1.000, 1.350 thước, người ta còn thấy dưới lớp dầu hiện đương khai thác (khoảng cuối thế kỷ này mới cạn), còn một lớp nữa phong phú hơn nhiều, chiếm phỏng chừng từ 75 tới 80% tổng số dầu lửa trên thế giới.

Sau khi tìm được các giếng dầu, các kỹ sư phương Tây lại tìm thêm được, cũng trong vương quốc Ả Rập Saudi, một biển nước ngọt trong lòng đất, chiếm một khu mênh mông rộng bằng một phần tư diện tích bán đảo, chiều dài tới trên 900 cây số, chiều ngang trên 400 cây số. Biển nước đó hút nước mưa ở trên mặt sa mạc, có thể cung cấp đủ nước để trồng trọt một phần ba bán đảo mà không khi nào cạn. Như vậy một ngày kia xứ Ả Rập Saudi sẽ thành một nước giàu có bậc nhất Tây Á.

Hiện nay lòng bán đảo gồm năm xứ:

Ả Rập Saudi (gọi như vậy vì quốc vương thuộc giống Saudi)

Yemen

Aden

Hadramaout

Oman

Aden nhỏ nhất, chỉ là một tỉnh thuộc địa của Anh, nằm ở dưới Yemen, trên vịnh Aden. Diện tích: 35.000 cây số vuông, dân số khoảng nửa triệu. Mấy năm trước, Anh tính rút quân ra khỏi địa đầu đó, và Aden sẽ sáp nhập vào Yemen.

Yemen: 54.300 cây số vuông, dân số khoảng hai triệu, tương đối phong phú, xưa là một vương quốc, nay là một nước Cộng hòa.

Hadramout nằm trên vịnh Aden, giáp Aden; 120.000 cây số vuông, dân số khoảng 200.000 người, hầu hết là du mục. Hồi trước là một vương quốc, do Anh bảo hộ.

Oman nằm trên bờ vịnh Oman; 151.000 cây số vuông, dân số chưa đầy một triệu, một phần sống về nghề nông, một phần sống về nghề đánh cá. Trước cũng là đất bảo hộ của Anh. Ngày nay xứ đó cũng như xứ Hadramout đều chịu ảnh hưởng của xứ Ả Rập Saudi.

Ả Rập Saudi là vương quốc lớn nhất, mạnh nhất trên bán đảo. Quốc vương hiện nay là Saud. Dân số năm 1950 vào khoảng sáu triệu, kinh đô là Ryhad, tỉnh lớn là La Mecque (thánh địa của Hồi giáo) và Médine. Trong các phần sau chúng tôi sẽ kể sự thành lập của vương quốc đó và vạch rõ địa vị quan trọng của nó trên đời sống chính trị của Ả Rập.

LƯỠI LIỀM PHÌ NHIÊU

Miền này sở dĩ phì nhiêu nhờ nằm trên bờ Địa Trung Hải và trên lưu vực hai con sông Tigre và Euphrate. Nhưng thực sự phì nhiêu thì chỉ có ba xứ Liban, Syrie, Iraq, còn ba xứ kia: Palestine, Jordani, Koweit đất đai không trồng trọt được bao nhiêu.

Palestine một nửa là sa mạc – sa mạc Neguev. Trước khi quốc gia Israel thành lập, sa mạc đó gần như bỏ hoang. Trồng trọt được chỉ có một dải hẹp ở ven Địa Trung Hải và miền Thượng Galilée ở phía Bắc, giáp Syrie.

Từ 1949, xứ Palestine chia đôi, phần lớn thành quốc gia Israel (dân số hiện nay vào khoảng 1.700.000 người, kinh đô là Ta Aviv), một phần nhỏ ở bờ phía tây sông Jourdain sáp nhập vào với xứ Transjordanie, thành xứ Jordani. Thánh địa Jérusalem trước chiến tranh Israel - Ả Rập năm 1967, thuộc chung về Israel và Jordani, hiện nay bị quân đội Israel chiếm[1]

Jordani là một vương quốc nghèo. Khi còn là Transjordanie diện tích khoảng 42.000 cây số vuông, dân số khoảng nửa triệu. Ngày nay dân số được triệu rưởi, sống bằng nghề nông. Chỉ có mỗi miền ở hai bờ sông Jourdain là trồng trọt được lúa, cây ăn trái, rau, còn lại là sa mạc, đồi hoang hoặc núi với ít bãi cỏ nuôi bò. Xứ đó là xứ độc nhất trên bán đảo không giáp biển, chỉ có mỗi một cửa ở Akaba để trông ra Hồng Hải. Kinh đô là Amman, Quốc vương hiện nay là Hussein, thuộc giòng Hachémite, chung một ông tổ với cố quốc vương Faycal II của Iraq.

Liban là xứ nhỏ nhất, 10.500 cây số vuông, dân số hiện nay khoảng hai triệu. Kinh đô là Beyrouth.

Có hai dãy núi song song nhau, dãy Liban gần bờ biển và dãy Anti-Liban ở phía trong, giữa hai dãy đó là một thung lũng. Khí hậu mát mẻ. trồng được nhiều loại cây ăn trái, rau, lúa. Phong cảnh rất đẹp, có người đã gọi là một giỏ hoa trên bờ Địa Trung Hải.

Kỹ nghệ chính là xưởng lọc dầu vì dầu lửa ở Ả Rập Saudi do ống dẫn dầu chảy tới Beyrouth để lọc rồi đưa xuống tàu chở đi bán ở châu Âu. Mức sống Liban cao nhất ở Tây Á; năm 1957 lợi tức trung bình mỗi đầu người mỗi năm vào khoảng 300 Mỹ kim, gần bằng lợi tức trung bình của người Ý, gấp đôi lợi tức trung bình của Ai Cập và gấp bốn của Ấn Độ.

Xứ đó còn một đặc điểm nữa là Âu hóa hơn cả các xứ khác trên bán đảo. Trong không khí trong trẻo phảng phất hương hồng, hương cam, tiếng chuông giáo đường Ki Tô giáo cùng ngân lên với tiếng cầu nguyện trong các giáo đường Hồi giáo ở bên cạnh. Những gác chuông cao và nhọn cùng đưa lên trời với những nóc vòm, làm cho du khách tự hỏi không biết mình ở trong một xứ theo đạo Ki Tô mà có bề ngoài Ả Rập hay là một xứ Ả Rập mà có bề ngoài Ki Tô giáo. Hai tôn giáo đó đã có hồi không dung nhau. Năm 1860 một đám người Druze từ trên núi đổ xuống và trong một đêm tàn phá Beyrouth, chém giết trên hai ngàn rưỡi tín đồ Ki Tô giáo. Nhưng bây giờ họ sống với nhau, ráng bao dung nhau. Cả hai bên đều chia rẽ. Phía theo Hồi giáo gồm khoảng 600.000 người mà có ba phái; phía Ki Tô giáo có tới năm phái: Công giáo, Tin lành, Ki Tô giáo chính thống Hy Lạp, Annénien, Maronite.

Hiến pháp của nước Cộng hòa Liban phản ánh tình trạng tạp đa về chủng tộc và tôn giáo đó. Liban có một Quốc hội mà số ghế chia cho các tôn giáo theo tỷ số tín đồ. Năm 1957 Quốc hội dành 20 ghế cho các người Maronite theo Ki Tô giáo, 7 ghế cho các người Hy Lạp theo Ki Tô giáo chính thống, 26 ghế cho tín đồ Hồi giáo, và khoảng 10 ghế nữa cho các giáo phái nhỏ khác, mỗi phái được 4, 3 hoặc 1 ghế.

Như vậy Liban có một chính phủ nhưng khó thành một quốc gia như Ai Cập hoặc Iraq được. Đất đã hẹp, dân số đã ít mà lại rất chia rẽ, nên nội các nào cũng chỉ lo giữ một sự thăng bằng tạm.

Sự thăng bằng đó rất khó giữ vì trong nước có ba phe: phe thân Tây phương, phe trung lập và phe thống nhất Ả Rập, mà nguy nhất là sự chống đối nhau về chính kiến cả ba phe đó rất dễ biến thành những xung đột tôn giáo. Cho nên vị Tổng thống nào cũng chỉ theo một chính sách hòa giải, giải quyết những việc lặt vặt, chứ không bao giờ làm thứ “đại chính trị” như Nasser. Dân chúng cũng chỉ đòi hỏi ở các vị đó như vậy thôi, để được yên ổn buôn bán.

Thương mại rất phát đạt. Người Liban nào cũng là con buôn, thứ con buôn trung gian. Beyrouth là một thương cảng từa tựa như Hương Cảng. Hàng hóa từ Âu muốn đem vào SYRIE, Iraq, Ả Rập Saudi đều phải qua đó, mà dầu lửa ở Iraq, Ả Rập Saudi muốn đưa qua châu Âu cũng phải qua đó. Cho tới 1957, nhờ Tổng thống Naccache (tín đồ Ki Tô giáo) theo chính sách trung lập hơi thân Tây phương nên Liban tạm được yên ổn; nhưng người kế vị ông, Tổng thống Chamoun (cũng theo Ki Tô giáo), thấy ảnh hưởng của Ai Cập lớn quá, muốn nhờ Mỹ can thiệp, suýt gây biến động trong nước. Tướng Gouad Chehab lên thay, trở về đường lối trung lập.

Trước Thế chiến thứ nhì Liban là một xứ ủy trị của Pháp (từ 1920), năm 1944 thành một nước độc lập. Ảnh hưởng của Pháp rất mạnh. Từ thời Trung cổ, Thập tự quân qua chiếm lại Thánh địa Jérusalem, có lần thua,có lần thắng, nhưng lần nào cũng có một số người Pháp ở lại lập nghiệp tại Liban. Rồi sau đó các nhà truyền giáo, các bà phước giòng Saint Joseph, Nazareth... tới để “giáo hóa” dân bản xứ. Họ lập nhiều nhà thờ và trường học dạy trẻ em giáo lý và tiếng Pháp. Lamartine, Nervai, Renan, Barrès đều hãnh diện đã gặp ở dưới những cây bá hương cổ thụ ở chân dãy núi Liban, những trẻ em năm sáu tuổi đọc thơ ngụ ngôn “La Cigale et la Fourmi” của La Fontaine. Có cả trường đại học của Pháp đào tạo một số nhà bác học, văn học của Liban.

Nhưng từ sau Thế chiến, ảnh hưởng của Pháp lùi dần, nhường chỗ cho ảnh hưởng của Mỹ, và trường Đại học Mỹ mỗi ngày một đông trong khi trường Đại học của Pháp mỗi ngày một vắng. Chỉ tại Mỹ có nhiều đô la, mà Pháp thì nghèo. Ông Bénoit Méchin trong cuốn Un Printemps arabe (Mùa Xuân Ả Rập)- Albin Michel, 1959, phàn nàn rằng Anh ngữ ồ ạt xô lấn Pháp ngữ, óc duy vật phá ngầm những căn bản tinh thần của dân chúng, mỗi ngày lại đục mất một miếng. Beyrouth mỗi ngày một Mỹ hoá. Xưa kia nó cần cù, thanh nhã bao nhiêu thì bây giờ phóng túng, sa đọa bấy nhiêu. Hộp đêm mọc lên như nấm, các quán “bar” mang những tên mà ông nghe chối tai: Miami, Palm Beach. Ông phàn nàn cho Liban hay cho nước Pháp của ông đấy?

Syrie trước Thế chiến cũng là một xứ ủy trị của Pháp, và từ năm 1946, sau một cuộc chiến đấu hăng hái với thực dân Pháp, của De Gaulle, cũng thành một nước Cộng hòa độc lập.

Cũng chịu ảnh hưởng của Pháp, nhưng ít hơn Liban. Ở gần biển, đất đai cũng phì nhiêu, khí hậu cũng mát mẻ, không khí cũng trong trẻo. Cũng có những đồi đầy hoa dưới một vòm trời xanh nhạt.

Diện tích rộng hơn Liban nhiều: 171.000 cây số vuông. Dân số hiện nay khoảng năm triệu. Kinh đô là Damas.

Phía tây một phần thông với Địa Trung Hải, một phần giáp Liban; phía bắc giáp Thổ Nhĩ Kỳ; phía đông giáp Iraq; Phía nam giáp Jordani.

Gần bờ biển cũng có một dãy núi nối dài dãy Liban, và một dãy nữa thấp hơn, sát biển hơn. Sau lưng hai dãy núi đó, ở phía đông là một cao nguyên có con sông Euphrate chảy qua. Cao nguyên này một phần là sa mạc khí hậu rất nóng vì gió Địa Trung Hải bị núi cản lại.

Dân ở đây cũng rất tạp, gồm nhiều giống ở Âu và Ả Rập, vì vậy tôn giáo cũng nhiều y như ở Liban, chỉ khác là tín đồ Ki Tô giáo ít hơn tín đồ Hồi giáo. Kỹ nghệ chưa có gì mà nông nghiệp cũng chưa phát triển.

Năm 1957, Tổng thống Syrie là Choukri Kouatly, một nhà ái quốc đã chiến đấu cho nền độc lập của tổ quốc và đã chủ trương phải thống nhất các quốc gia Ả Rập cho thành một khối mạnh. Từ sau Thế chiến, Syrie là đồng minh thủy chung nhất của Ai Cập. Điều mục thứ nhất của hiến pháp Syrie tuyên bố “Dân tộc Syrie là một phần tử của quốc gia Ả Rập”; mà điều mục thứ nhất của hiến pháp Ai Cập cũng y hệt: “Dân tộc Ai Cập là một phần tử của quốc gia Ả Rập”.

Hai xứ đó đều đeo đuổi một mục đích chung và đã có lần liên kết với nhau thành một khối. Nhưng sự liên kết đó thiếu nhiều yếu tố thực tế nên không được chặt chẽ: hai xứ đó không chung biên giới với nhau, bị xứ Jordani ngăn cách, mà xứ này không đứng về phe Ai Cập, tức phe thân Nga, mà đứng về phe Ả Rập Saudi, tức phe thân Mỹ; lại thêm tổ chức kinh tế, mức sống của hai xứ cũng khác nhau (mức sống Ai Cập thấp hơn), tính tình, quyền lợi của dân chúng khác nhau, thành thử tại Syrie luôn luôn có những nhóm chống đối chính sách liên kết với Ai Cập.

Iraq: Thời thượng cổ là miền Mésopotame, miền của hai con sông Tigre và Euphrate. Trái hẳn với Ả Rập Saudi, miền này không có cát mà toàn đất sét.

Diện tích: 370.000 cây số vuông; dân số hiện nay vào khoảng sáu bảy triệu. Kinh đô là Bagdad.

Năm 1919 bị đặt dưới sự ủy trị của Anh, từ năm 1932 thành một vương quốc độc lập. Năm 1958 quốc vương Faycal II, dòng dõi Hachémite, em họ của Hussein, quốc vương Jordani, bị một nhóm cách mạng bắn chết, và tướng Abdul Karim Kassem lên làm Tổng thống nước Cộng hòa Iraq.

Xứ đó gồm ba miền: phía Bắc là miền Kurdistan, nhiều đồi núi, dân chúng hầu hết là giống người Kurde thường đòi được tự trị; phía Nam là miền cánh đồng nằm trên hạ lưu hai con sông Tigre và Euphrate, trồng trọt được, và có thể phì nhiêu khi các công tác dẫn nước và tháo nước hoàn thành; phía Tây là bãi sa mạc Syrie.

Trong các xứ Ả Rập, Iraq có tương lai hơn cả về kinh tế: hơn Ả Rập Saudi vì có rừng, có ruộng; hơn Ai Cập vì có mỏ dầu lửa. Chính tại Iran (Ba Tư) và Iraq, người Anh đã tìm được những mỏ dầu lửa đầu tiên ở Tây Á, và tới nay công ty Iraq Petroleum vẫn khai thác các giếng dầu ở Iraq mỗi năm được khoảng 50 triệu tấn, nghĩa là 1.400.000 thùng (bình) mỗi ngày. Ngoài ra còn 8 triệu tấn của công ty Bassorah, và 2 triệu tấn của công ty Massul. Có năm ống dẫn dầu chạy song song nhau đưa cái "suối vàng" đó ra Địa Trung Hải, một ống đưa tới Banyas ở Syrie và hai ống tới Tripoli ở Lybia. Khi Palestine chưa thành Israel, còn là xứ ủy trị của Anh, hai ống dẫn dầu sau chia ra hai nhánh đi qua địa phận Jordani và tới Haifa. Từ khi quốc gia Israel thành lập, Iraq bít hai ống nhánh ấy, làm cho Jordani thiệt lây một số lợi. Trong vụ chiến tranh năm 1956 về kênh Suez, để hưởng ứng với Ai Cập, Iraq không tiếp tế dầu cho Anh, Mỹ và các ống dẫn dầu đều bị cắt đứt ít tháng, thiệt cho Iraq một số lợi tức.

Nhờ lợi tức về dầu lửa, Iraq bắt đầu kiến thiết các xưởng máy, trường học, dưỡng đường, xây đập để ngăn nước trên hai con sông Tigre và Euphrate rồi dẫn vào ruộng.

Koweit ở phía Nam Iraq, trên bờ vịnh Ba Tư, là một tiểu quốc vào hạng nhỏ nhất thế giới mà rất giàu: 80.000 cây số vuông, chừng 200.000 dân. Đất khô cằn nhưng chứa những suối dầu phong phú nhất thế giới.

Giữa thế kỷ trước người Anh tìm một đường qua phương Đông đã để ý tới Koweit; năm 1899, được Thổ tặng cho, không ngờ được hưởng một biển ngọc trai và một biển dầu lửa, vì mỏ dầu lửa ở đây rộng lớn vô cùng, lan cả ra dưới đáy biển. Hai công ty Gulf Oil của Mỹ và Anglo-Iranien Oil của Anh chia nhau khai thác; quốc vương Koweit chỉ ngồi không mà thu Mỹ kim và Anh kim. Nếu lấy lợi tức của Koweit mà chia đều cho mỗi người dân thì dân Koweit sung sướng hơn người Mỹ nữa. Đường sá rất tốt, trường học và dưỡng đường đầy đủ tiện nghi.

Vì giàu quá mà lại nhỏ, nên Koweit bị các quốc gia Ả Rập chung quanh dòm ngó. Iraq muốn sáp nhập cái thẻo nhỏ đó nhất. Ả Rập Saudi cũng muốn nhích một bước đặt chân lên Koweit, thậm chí Iran không chung biên giới với Koweit, cũng muốn vươn tay qua địa phận Iraq để vuốt ve Koweit. Ba quốc gia láng giềng Iraq, Ả Rập Saudi, Iran đó đều được Allah chia phần dầu lửa cho cả, nước nào khai thác cũng không hết, mà họ vẫn tham, làm cho Nasser có lẽ phải bực mình, và có kẻ xấu miệng bảo Nasser muốn thống nhất các quốc gia Ả Rập để chia lợi của Koweit trước hết.

Các giới trí thức Koweit chia rẽ thành hai phái: một phái muốn sáp nhập với Iraq, một phái muốn độc lập. Dĩ nhiên Anh muốn cho Koweit độc lập, để luôn luôn phải nhờ sự che chở của mình, và luôn luôn Anh tận tình che chở Koweit. Hiện nay Kowiet là một vương quốc độc lập.
 
MIỀN SÔNG NIL

Ai Cập. Trong khối Ả Rập, Ai Cập là nước lớn thứ nhì: 1.050.000 cây số vuông (bằng ba lần toàn thể lãnh thổ Việt Nam từ Nam Quan tới Cà Mau), chỉ kém Ả Rập Saudi; và là nước đông dân cư nhất: hiện nay độ ba chục triệu người, hơn cả dân số các nước Ả Rập khác gộp lại.

Tuy rộng lớn như vậy mà sự thực nó lại rất nhỏ vì chỉ có 3% đất đai trồng trọt được. Ngồi trên máy bay ngó xuống, ta thấy một dải lụa xanh dài mà nhỏ, uốn khúc theo lòng con sông Nil ở giữa một bãi cát vàng mênh mông, rồi tới gần biển thì dải lụa đó xòe ra thành hình quạt; chỗ đó là miền hạ lưu sông Nil.

Miền hạ lưu này là một tam giác đáy dài khoảng hai trăm cây số nằm theo bờ Địa Trung Hải, đỉnh nằm ở Le Caire (Thủ đô). Nó không lớn gì hơn hạ lưu sông Nhị và sông Thái Bình ở Bắc Việt mà lại không phì nhiêu bằng vì chỗ nào cũng có cát, ngay ở Le Caire cũng nhiều cát hơn đất thịt.

Năm 1960 chỉ có khoảng ba chục ngàn cây số vuông cày cấy được để nuôi 24 triệu dân. Ta thử tưởng tượng toàn thể dân Việt từ Bắc tới Nam dồn cả vào một khu nằm ở phía tây nam sông Tiền Giang, nghĩa là từ Hồng Ngự, Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh tới Hà Tiên, Rạch Giá, Cà Mau thì sẽ thấy dân Ai Cập chen chúc nhau ra sao trên những cánh đồng của họ.

Họ sống được là nhờ con sông Nil. Sử gia Hérodote thời Thượng cổ đã bảo Ai Cập là một tặng vật của sông Nil, nghĩa là không có sông Nil thì không có dân Ai Cập, không có quốc gia Ai Cập. Con sông đó đối với người Ai Cập cũng thiêng liêng như con sông Gange đối với người Ấn Độ. Cứ tới mùa nước lớn thì “cây cối hai bên bờ tươi cười, dân chúng múa hát mà thần thánh cũng hài lòng”. Nhưng mỗi năm chỉ được hai tháng như vậy mà trong hai tháng đó, nước sông Nil cuồn cuộn chảy ra biển, mất tới chín phần mười và những miền cách hai bờ sông vài cây số vẫn thiếu nước để trồng trọt. Còn như trông vào mưa thì chỉ có hai ngày mưa! Cho nên vấn đề khẩn cấp ở Ai Cập là vấn đề nước, khẩn cấp hơn cả Ả Rập Saudi vì Ai Cập không có giếng dầu mà dân số lại đông gấp bốn năm Ả Rập Saudi. Làm sao nuôi nổi 30 triệu dân đó? Không giải quyết nổi thì sẽ loạn.

Napoleon khi qua Ai Cập, đứng nhìn dòng sông Nil, bảo Desaix: “Nếu tôi cai trị xứ này thì không để cho một giọt nước nào của sông Nil chảy ra tới biển!”.

Ai cũng nghĩ vậy, cho nên Nasser lo đến vấn đề đó trước nhất. Muốn ngăn nước sông Nil chảy ra biển, chỉ có mỗi một cách là đắp đập trên sông để tháo nước vào các miền khô cháy hai bên bờ. Khi mới cầm quyền, Nasser đã cho nghiên cứu ngay dự án xây đập ở Assouan Thượng. Gọi là Assouan Thượng để phân biệt với một cái đập nhỏ không đủ dùng mà người Anh đã xây cất ở Assouan hồi trước, mà bây giờ người ta gọi là đập Assouan Hạ, vì nó ở dưới dòng, cách đập Thượng mười lăm cây số.

Gần đây các nhà địa chất học lại tìm thấy một con sông Nil thứ nhì chảy ngầm dưới đá, song song với con sông thứ nhất. Chính phủ Ai Cập tính cho đào những giếng sâu từ 200 đến 600 thước theo dòng sông đó để bơm nước trồng trọt được khoảng một triệu mẫu đất nữa.

Nhưng người ta tính rằng dù thực hiện xong hai công trình đó xây đập và đào giếng - thì số nông phẩm tăng lên cũng chỉ đủ bù số tăng gia dân số trong vài chục năm nữa, và dân Ai Cập cũng vẫn nghèo đói nếu không phát triển về kỹ nghệ.

Ai Cập sản xuất lúa mì, đường, chà là, chưa đủ dùng trong nước. Chỉ xuất cảng được nhiều nhất là bông, gạo, thuốc lá, và phải nhập cảng rất nhiều máy móc, phân hóa học, cả vải nữa. Kỹ nghệ nặng mới thành lập mười năm nay nhưng sản xuất rất ít vì thiếu vốn, thiếu kỹ thuật gia.

Năm 1936 Ai Cập được Anh hứa cho độc lập, nhưng sau Thế chiến, Anh mới chịu rút quân đội ra khỏi cõi. Năm 1952 vua Farouk bị truất ngôi; năm 1954 Nasser làm Tổng thống của nước Cộng hòa Ai Cập và hai năm sau quốc hữu hóa kênh Suez, gạt hết được ảnh hưởng của Anh và của Pháp.

Soudan. Trước cũng là đất bảo hộ của Anh, nằm ở bờ phía tây Hồng Hải và phía nam Ai Cập. Đất rất rộng, hầu hết là sa mạc, và đồng cỏ khô cháy. Trồng trọt được ít nhiều nhờ con sông Nil. Dân số khoảng 10 triệu, rải rác trên hai bờ sông Nil, kinh đô là Khartoum.

Có vài mỏ vàng, đồng, không phong phú; sản phẩm nhiều nhất là lạc, mè, kê, chà là, ngà voi.

Năm 1955, Anh rút về hết, trả lại độc lập cho Soudan. Soudan không sáp nhập vào Ai Cập, thành một nước Cộng hòa.


MIỀN MAGHREB

Miền này dân chúng thuộc giống Berbère đồng hóa với Ả Rập, tới nay chưa đóng một vai trò quan trọng trong khối Ả Rập nhưng năm 1967, trong chiến tranh Israel - Ả Rập, cũng đã tỏ tình đoàn kết với khối, nên chúng tôi cũng giới thiệu dưới đây Maghreb thường gọi là Bắc phi gồm ba xứ Tunisi, Algeri và Maroc, đều nhìn ra Địa Trung Hải, quay lưng vào sa mạc Sahara.

Tunisi nằm ở phía đông Maghreb, diện tích 125.000 cây số vuông, dân số hiện nay khoảng 4.000.000. Thủ đô là Tunis. Phía bắc có nhiều núi, khí hậu mát mẻ; phía nam có nhiều cánh đồng cỏ. Dân chúng sống nhờ nông lâm súc. Kỹ nghệ chưa phát triển.

Algeri ở giữa, phía đông giáp Tunisi, phía tây giáp Maroc, diện tích 208.000 cây số vuông, dân số vào khoảng 10.000.000. Thủ đô là Alger. Có hai dãy núi song song nhau ở phía bắc; ngoài ra là cao nguyên, nên khí hậu mát mẻ, người Pháp qua lập nghiệp rất đông (năm 1954, khoảng 1.000.000), khai thác xứ đó thành xứ thịnh vượng nhất của Maghreb. Lâm sản, khoáng sản (phốt phát, chì, kẽm, đồng) và nông sản, trái cây (nho, ô liu), giúp cho dân chúng có một mức sống tương đối dễ chịu.

Maroc có một vị trí rất quan trọng, kiểm soát eo biển Gibraltar, quay mặt ra Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Địa lý và khí hậu cũng như hai xứ kia, kỹ nghệ chưa mở mang, dân chúng nuôi súc vật và trồng trái cây, đánh cá. Khoáng sản nhiều: phốt phát, chì, sắt, có lẽ dầu lửa nữa. Diện tích 450.000 cây số vuông, dân số khoảng 12.000.000. Thủ đô là Rabat. Trước kia một miền nhỏ (28.000 cây số vuông) trông ra eo biển Gibraltar thuộc Tây Ban Nha.

Về chính trị, Tunisi, Maroc trước là đất bảo hộ của Pháp còn Algeri là thuộc địa của Pháp. Năm 1947 Pháp muốn sát nhập Algeri vào mẫu quốc, dân Algeri chống lại, và chiến tranh Algeri bắt đầu năm 1954, ngay sau khi đội viễn chinh Pháp vừa thất bại ở Điện Biên Phủ: 350.000 lính Pháp với đầy đủ khí giới tối tân mà không dẹp nổi vài ngàn quân du kích bản xứ.

Phong trào phản đế ở Bắc phi cũng có những nguyên nhân như ở các nơi khác: dân chúng bản xứ thì nghèo khổ, mà thực dân Pháp thì phè phỡn; phái thủ cựu chống văn hóa Âu mà phái tân học thì đòi quyền tự quyết cho dân tộc.

Pháp lúc đó đã thua ở Việt Nam, mất uy danh, nghĩa quân Algeri càng hứng chí, nhất là được gần hết thế giới ủng hộ: khối Ả Rập, như Ai Cập, tìm cách giúp đỡ, dĩ nhiên rồi; Nga cũng ngầm tiếp tay, điều này cũng dễ Hiểu, ngay cả Mỹ cũng chỉ trích chính sách đế quốc của Pháp nữa, chỉ có Anh là làm thinh ngó.

Thực ra năm 1954, Thủ tướng Pháp, Mendès France đã quyết định thỏa thuận với các đảng quốc gia bản xứ, trả quyền tự trị cho Tunisi. Nhưng vừa mới đem ra thi hành thì biến cố ở Maroc làm thay đổi tình hình, phải đặt lại vấn đề. Pháp đàn áp Maroc, khủng bố khắp nơi, truất quốc vương Ben Arafa thì quốc vương Mohamed V ở Madagascar về, nghĩa quân chiến đấu càng mạnh, rốt cuộc Pháp phải trả độc lập cho Maroc. Maroc hiện nay là một vương quốc, còn Tunisi là một nước Cộng hòa, Tổng thống là Bourguiba.

Algeri khác hẳn Tunisi và Maroc, không có quá khứ quốc gia. Xứ đó đã bị nhiều dân tộc xâm chiếm, chưa bao giờ thống nhất thành một quốc gia được. Pháp tưởng như vậy có thể sáp nhập một cách dễ dàng, biến Algeri thành một tỉnh của mình, không ngờ họ chống lại và Pháp đã vô tình giúp họ thành lập một quốc gia, vì năm 1958, De Gaulle lên cầm quyền đã phải trả lại độc lập cho họ. Algeri thành một nước Cộng hòa, Tổng thống đầu tiên là Ben Bella.

Pháp đã vụng tính, quá tham lam thành thử mất hết. Giá thu xếp ổn thỏa với các đảng quốc gia Ả Rập, trả độc lập lại cho họ từ sau Thế chiến, chỉ giữ lại ít quyền tin văn hóa, kinh tế thì có lẽ ảnh hưởng của Pháp còn tồn tại được lâu ở Bắc Phi.

Tóm lại khối Ả Rập gồm 16 quốc gia trước Thế chiến thứ nhì đều là thuộc địa của Anh hoặc Pháp. Xét chung thì chín phần mười dân số là người Ả Rập hoặc đồng hóa với Ả Rập theo Hồi giáo; về ngôn ngữ tuy cùng là nói tiếng Ả Rập nhưng tiếng này cũng như tiếng Trung Hoa chưa thực thống nhất, gồm nhiều tiếng địa phương, một người dân ở Iraq khó mà hiểu một người dân ở Algeri được.

Mười sáu quốc gia đó lớn nhỏ khác nhau rất xa: có nước chỉ gồm một, hai triệu dân, có nước ba chục triệu dân; kinh tế cũng khác nhau: nước thì chuyên sống bằng lợi tức dầu lửa, nước thì chỉ trông vào sản phẩm nông nghiệp; chính thể cũng khác: một số nhỏ là nước quân chủ còn lại là các nước Cộng hòa.

Trên mười năm nay họ ráng đoàn kết với nhau để một mặt mổ cái “ung nhọt” Israel, một quốc gia nhân tạo mà người Anh đã miễn cưỡng ghép vào cơ thể họ, như họ nói; một mặt chống với đế quốc thực dân; Anh, Pháp rút lui thì Mỹ, Nga lại đặt chân vào, tranh giành nhau ảnh hưởng để cố làm bá chủ một miền rất quan trọng về địa thế (bản lề của ba châu) và về nguồn lợi dầu lửa. Trong cuốn này chúng tôi chỉ thường nhắc tới tám quốc gia đầu ở trên bán đảo Ả Rập: Ả Rập Saudi, Ai Cập, Jordani, Syrie, Iraq, Liban, Koweit, Yemen mà bốn quốc gia đầu đóng vai trò quan trọng nhất.

Tuy nhiên lịch sử của bán đảo Ả Rập không thể tách rời lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran (Ba Tư), nên chúng tôi cũng phải ghi lại vài biến cố lớn trong hai quốc gia này.

( Theo Nguyễn Hiến Lê – sách Bán đảo A –rập )
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top