Giao Su Vọc
New member
- Xu
- 0
BÀI VĂN ĐIỂM 10 ĐẦY XÚC ĐỘNG CỦA THỦ KHOA ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG
Ngày nhận tin báo con đỗ thủ khoa ĐH Ngoại thương, chị Trần Thị Dung - mẹ Bình cũng như anh em, bà con làng xóm vui mừng khôn tả. Bên cạnh niềm vui, chị vẫn rơi nước mắt vì quãng đường phía trước còn lắm nỗi gian truân, vất vả....
Tăng Văn Bình vừa trở thành thủ khoa kỳ thi tuyển sinh vào Trường đại học Ngoại thương, khoa Kinh tế - đối ngoại với điểm số tuyệt đối 30/30.
Mồ côi cha từ 8 tháng tuổi
Sinh năm 1992 trong một gia đình nghèo ở xóm Yên Hoa, xã Yên Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, 8 tháng tuổi Bình đã mồ côi cha. Mẹ Bình, chị Trần Thị Dung (hiện là giáo viên mầm non xã Yên Sơn) một mình vất vả nuôi hai con khôn lớn. Giáo viên mầm non thời đó được trả lương theo mùa vụ, mỗi mùa được khoảng 2 tạ thóc, các con còn nhỏ dại, gánh nặng gia đình dồn lên vai chị. Đồng lương ít ỏi, ngoài thời gian ở trường, chị phải làm thêm ruộng khoán, nuôi thêm con lợn, con gà, nấu thêm nồi rượu để đủ chi tiêu.
Em Tăng Văn Bình ngày còn nhỏ.
Thương mẹ tảo tần, lam lũ, các con chị Bình đều chăm ngoan, học giỏi. “Chứng kiến mẹ vất vả, gánh vác, lo toan mọi chuyện, em thầm hứa sẽ học thật giỏi để không phụ lòng mong mỏi của mẹ... Mỗi khi nghĩ về mẹ, về những hi sinh mà mẹ dành cho hai chị em, em như được tiếp thêm động lực để vươn lên...” - em Tăng Thị Tuyết Trinh, chị gái Bình, sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, tâm sự.
Ba mẹ con Bình.
Những năm học cấp 2, khi còn học trường làng, ngoài giờ học, Bình tranh thủ thời gian rỗi phụ giúp mẹ việc nhà. Lên cấp 3, theo học trường chuyên của tỉnh, trọ học xa nhà, Bình tự lo lắng mọi chuyện. Tiền mẹ gửi cho Bình không nhiều, em phải chắt chiu, tính toán chi li để chi tiêu đủ trong một tháng.
Khó khăn, vất vả, nhưng 12 năm liên tục, Bình đều là học sinh giỏi toàn diện. Năm học lớp 12, Bình đạt giải Nhất học sinh giỏi Toán cấp tỉnh, giải Nhì học sinh giỏi Toán quốc gia và được gọi vào đội tuyển Toán đi thi quốc tế. Chọn khoa Kinh tế - đối ngoại (Trường ĐH Ngoại thương) để thi, Bình đã lượng được sức mình vì đây là khoa có điểm chuẩn cao, thi vào khoa này hầu hết là những học sinh có học lực khá, giỏi.
Vượt qua gần 5.000 thí sinh khác, Bình xuất sắc giành vị trí thủ khoa với số điểm tuyệt đối 30/30. “Khi nhận được thông tin từ báo chí đưa lên mạng em cũng không tin mình đạt điểm tuyệt đối đó đâu. Em nghĩ cũng được khoảng 29,5 điểm gì đó thôi, thực sự bất ngờ anh ạ. Đến giờ này em cũng không tin mình đạt điểm cao như vậy...” - Bình tâm sự.
Nỗi niềm của tân thủ khoa
Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, một mình mẹ chèo chống nuôi hai chị em ăn học. Trước đây, học gần nhà còn đỡ, hàng tháng mẹ gửi xuống cho Bình gạo và thực phẩm, chi tiêu sinh hoạt ở Vinh cũng không đến nỗi đắt đỏ. Bây giờ, ra Hà Nội trọ học, trước mắt là các khoản đóng góp, rồi chi tiêu hàng tháng... Đồng lương của mẹ “chia” sao đủ cho hai chị em? Đó là tâm sự, là nỗi niềm, là băn khoăn lớn nhất của Bình hiện nay.
Em Tăng Văn Bình cùng mẹ: "Món quà này em dành cho mẹ người đã hy sinh vì em rất nhiều...".
Nghe tin Bình đậu thủ khoa, họ hàng, làng xóm ai cũng mừng cho em, nhưng không ít người ái ngại cho hoàn cảnh gia đình em hiện tại. Nhưng sau niềm hân hoan, phấn khởi, tự hào là nỗi lo chồng chất.
“Hoàn cảnh gia đình khó khăn, giờ cả hai đứa đều học đại học, sức khỏe tôi cũng đã yếu, làm thế nào xoay xở đủ tiền học phí, tiền chi tiêu cho các con theo học đại học khiến tôi lo lắng. Trước đây tôi phải đi đóng gạch thuê kiếm tiền nuôi con ăn học, giờ đây ruộng cũng đã trả cho nhà nước vì không cày bừa được…”, chị Dung giãi bày.
Nghe tin em Bình đỗ thủ khoa đại học, bà con hàng xóm đến chia vui cùng mẹ em (bên trái).
Nghe tin cháu đỗ thủ khoa đại học, bà Trần Thị Nhỏ (còn gọi là bà Mai, 85 tuổi) - bà nội Bình cũng đến chúc mừng. Bà bảo: "Bố cháu mất từ lâu, một mình mẹ nó dìu dắt hai chị em cũng kiệt sức rồi, anh em ai cũng nghèo. Giờ cháu nó đi học thì muôn vàn khó khăn lại chồng chất, biết mẹ nó có đảm bảo được không".
Bình và bà nội.
Bằng ý chí, nghị lực, cậu bé mồ côi cha từ nhỏ đã đạt được rất nhiều thành tích trong học tập...
khiến mọi người phải kính nể.
khiến mọi người phải kính nể.
Khi tôi hỏi “Chị sợ cái gì nhất trong cuộc sống này?”, chị Dung nước mắt lăn trên đôi gò má gầy guộc: “Tôi sợ nhất lúc này là không đủ sức khỏe để lo cho các con. Thứ hai, kinh tế gia đình không đủ để cho các con ăn học...”.
Nói vậy, nhưng chị Dung vẫn quyết tâm: “Đến ngày nhập học nếu không có tiền cho con, tôi phải đi huy động anh em, bà con làng xóm, vay ngân hàng và bằng mọi cách để con được đi học”.
Mới đây, đại diện Hội Khuyến học xóm Yên Hoa, ông Nguyễn Văn Ngọc - chủ tịch hội cùng các ban ngành đoàn thể trong xóm, xã đã đến thăm và động viên an ủi em Bình. Thay mặt Hội Khuyến học xóm, ông Ngọc đã trao cho em Bình phần quà 100.000 đồng.
Chia tay gia đình em Bình, hàng trăm người dân có mặt tại nhà em nhắn nhủ với PV Dân trí: “Xin hãy giúp đỡ cháu Bình vượt qua khó khăn này với nhé.... Gia đình cháu khó khăn lắm”.
Một nỗi lo lắng nữa của Bình là môn tiếng Anh. Chị Dung kể: “Mấy đêm nay, lúc nào đi ngủ cháu nó cũng bảo tôi: “Con học ở trường này đòi hỏi vốn tiếng Anh cao lắm, nhưng thời gian qua con cũng mới học được ít, sợ lúc vào học theo không kịp các bạn. Dự tính bắt đầu vào học con sẽ đi học thêm vài khóa Tiếng Anh...”.
Em Bình cũng cho biết thêm, để học một khóa Tiếng Anh ít nhất cũng phải tiêu tốn hết 5-6 triệu đồng. Với số tiền lớn như vậy, gia đình em không đủ. Nhưng Bình bảo: “Em sẽ cố gắng học cật lực, giành được học bổng của trường, tìm việc làm thêm để tự trang trải chi phí, đỡ đần mẹ phần nào. Và vươn xa hơn, em sẽ cố gắng giành được học bổng để đi du học ở một nước phát triển, để trở thành nhà kinh tế tài ba, đem sức mình xây dựng quê hương, đất nước...”.
Bài và ảnh: Nguyễn Duy - Uyên Ly
Dan tri.
Dan tri.