Bài thơ về tiểu đội xe không kính - Vũ Nho

BÀI THƠ VỀ TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH


PGS.TS Vũ Nho

Thời đánh Mĩ, Phạm Tiến Duật từng gắn bó với những chiến sĩ lái xe, những thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Cuộc chiến đấu ác liệt, hào hùng trên mặt trận giao thông đã in đậm dấu ấn trong thơ anh. Một trong những chiến tích ấy là “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.

Lời mở đầu bài thơ giải thích hơi vòng vo, pha chút lý sự nhưng không giấu vẻ ngang tàng. Mấy chữ “không” cộm lên trong một câu thơ gây cho người đọc tò mò. Sau đó mới nêu ra lý do :

Bom giật, bom rung, kính vỡ đi rồi

À hóa ra là có kính, chỉ tại bom thành ra không kính. Bom giật bom rung. Bao nhiêu là bom . Sát kề với bom đạn, sát kề với cái chết đâu phải là chuyện chơi. Ấy thế mà thật là bất cần đời , cứ tưng tửng như không :


Ung dung buồng lái ta ngồi


Hai chữ “ung dung” đặt lên trước cả cụm chủ vị, trước cả bổ ngữ chỉ nơi chốn được đảo ngược càng gây ấn tượng mạnh về sự bình tĩnh và thanh thản đến lạ lùng.
Thật ra, kính chắn gió, chắn bụi, chắn mưa , chắn vật thể có thể gây nguy hiểm cho người lái xe. Kính bảo vệ an toàn cho người lái. Nhưng theo cách nói ở khổ thơ này, không có kính lại có vẻ thuận lợi: nhìn thấy những thứ khi có kính không thể nào nhìn thấy hay nhìn không rõ :

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái

Không kính, không vật chắn, con người và thiên nhiên như gần gũi hơn, thân mật hơn .
Tuy nhiên, dù có “tếu” và có “ngang” đến mấy thì cũng không thể biến cái dở thành điều hay được . Thành ra phải nhận những khó khăn do không có kính gây ra . Điều lý thú là sự thú nhận ấy rất là lính ,và cách ứng xử, đối đầu với khó khăn cũng thật đàng hoàng :

-Không có kính ừ thì có bụi

-Không có kính ừ thì ướt áo


Xuân Diệu đã từng khen Nguyễn Đình Chiểu để cho nhân vật Lục Vân Tiên có tiếng “ừ”vô song trong ngôn ngữ thi ca (Vân Tiên ngó lại rằng ừ) . Ở đây ta gặp tiếng “ừ” đó với “ừ thì có bụi”, “ừ thì ướt áo”. Bụi nào có ít :

-Bụi phun tóc trắng như người già


Mưa đâu có hiền lành :


-Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời

Ấy thế mà người chiến sĩ lái thật ngạo nghễ .

-Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc

Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha

-Chưa cần thay lái trăm cây số nữa


Chưa cần, chứ không phải là không cần. Cái chuyện bụi, ướt áo là chuyện “vặt”. Phì phèo thuốc lá, cười ha ha. Lấm bụi thành ra cái cớ để đùa chơi. Không phải là cái cười gượng, cười nhạt, hay cười gằn, cười tủm. Cười ha ha là cười hết cỡ , cười sảng khoái .Thái độ lạc quan thật đáng khâm phục. Hơn nữa, vì các anh là những chiến sĩ lái trẻ tuổi “Những chàng lính trẻ măng tơ, nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi “(Tố Hữu), nhưng trong trận mạc, các anh là người lăn lộn thử thách với đạn bom , đi ra từ đạn bom :


Những chiếc xe từ trong bom rơi

Tất nhiên là mất mát, hi sinh .Chi tiết “họp thành tiểu đội” gợi nhớ có bao nhiêu chiếc xe không trở về, khi những chiếc xe thương tích vẫn bám trụ trong một phiên chế mới .


Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới

Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi

Họ ra đi với chiếc xe kính vỡ (thuận tiện cho việc gặp nhau : Bắt tay không cần mở cửa ).Tình bạn chiến đấu càng thắm thiết. Là đồng đội, đồng chí, cũng là anh em . Cái gia đình lính lấy “chung bát đũa” làm tiêu chuẩn thật ngộ mà cũng thật cảm động . Họ họp thành tiểu đội, họ làm thành gia đình, họ kết thành một khối.Và họ cứ đi:


Lại đi ,lại đi trời xanh thêm

Bầu trời xanh vì hết mưa là nắng.

Bầu trời xanh vì tâm hồn họ sáng trong, mắt họ nhìn phơi phới. Xanh đất trời và xanh của hồn người hòa sắc trong nhau. Phải có tư thế ngẩng cao đầu mới nhìn được màu xanh ấy. Khổ thơ cuối đã gói lại cái tứ “không kính” và mở ra thêm những cái không khác: không đèn, không mui. Có thêm một thứ nhưng đó lại là “thùng xe có xước” nghĩa là thêm sự hư hại. Cả “không lẫn có” đều là tổn thất, mất mát, ảnh hưởng đến khả năng lăn bánh của xe. Thế mà :


Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim


Có trái tim, chiếc xe thành ra cơ thể sống. Nói xe mà thành ra nói người. Nói phương tiện thành ra nói về người làm chủ phương tiện. Thật là độc đáo và thông minh. Kiểu kết thúc vừa gói lại, vừa mở ra đã tăng thêm ý nghĩa của chủ đề.
Nghệ thuật đối lập là phương thức quán xuyến toàn bộ bài thơ. Ở khổ thơ cuối nó được đẩy lên đến đỉnh điểm. Một bên là trái tim -biểu tượng của tình yêu, bên kia là thiếu thốn, mất mát, tổn thất: không kính, không đèn, không mui, thùng xước. Nhưng trái tim chiến sĩ đã chiến thắng .
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Đề bài: Viết bài thuyết minh giới thiệu về tác giả Phạm Tiến Duật và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.

Gợi ý

Giới thiệu về tác giả.

- Phạm Tiến Duật (1941 – 2007), quê ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Tốt nghiệp đại học năm 1964, tạm biệt giảng đường và đến với Trường Sơn, công tác tại binh đoàn vận tải 559.

- Là nhà thơ quân đội trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

- Giọng thở tre trung, hào hùng và nhồn nhiêt phơi phới.

- Các tác phẩm đã xuất bản: Vầng trăng quầng lửa (thơ, 1970), Thơ một chặng đường (thơ, 1971), Ở hai đầu núi (thơ, 1981), Vầng trăng và những quầng lửa (thơ, 1983), Thơ một chặng đường (tuyển tập, 1994), Nhóm lửa (thơ, 1996)…

- Nhà thơ đã nhận được giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1969 – 1970.

Giới thiệu về tác phẩm.

- Bài thơ về tiểu đội xe không kính được tác giả Phạm Tiến Duật sáng tác năm 1969 trên con đường chiến lược Trường Sơn, in trong tập Vầng trăng quầng lửa (năm 1970).

- Bài thơ ca ngợi những chiến sĩ lái xe trong đoàn vận tải quân sự trên con đường chiến lược Trường Sơn thời đánh Mỹ: dũng cảm, ngoan cường, lạc quan, yêu đời…trong mưa bom bão đạn, quyết chiến đấu hi sinh vì một lí tưởng cao cả là giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc.

- Giọng thơ rất trẻ, rất lính, ngôn ngữ thơ giản dị đậm chất văn xuôi, hình ảnh thơ sáng tạo bất ngờ đặc biệt là sự linh hoạt của nhạc điệu trong thơ đã góp phần tạo nên sự hấp dẫn của bài thơ trong lòng độc giả.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top