Bài tập vấn đề sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long

Để hiểu được đặc điểm tự nhiên, của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với những thế mạnh và hạn chế của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Cũng như nhận thức được vấn đề cấp thiết và những biện pháp hàng đầu trong việc sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên nhằm biến ĐBSCL thành một khu vực kinh tế quan trọng của cả nước, chúng ta cùng đến với bài “Vấn đề sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long” địa lí 12.

Bài tập vấn đề sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long

Câu 1: Hãy kể tên 13 tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long?

Bài làm:
13 tỉnh, thành phố ở đồng bằng Sông Cửu Long là: An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ.

Câu 2: Tài nguyên đất ở Đồng bằng Sông Cửu Long có thuận lợi và khó khăn như thế nào đối với việc phát triển nông nghiệp?

Bài làm:
Thuận lợi của tài nguyên đất ở đồng bằng Sông Cửu Long:
  • Đồng bằng sông Cửu Long có 3 nhóm đất chính (phù sa, phèn, mặn) cùng với một số loại đất khác khiến cho vùng đa dạng về các loại cây trồng khác nhau. Trong đó, diện tích đất phù sa chiếm 1,2 triệu ha là điều kiện thuận lợi để vùng thâm canh cây lúa nước giúp vùng trở thành vựa lúa lớn nhất của cả nước.
Khó khăn về tài nguyên đất đồng bằng Sông Cửu Long:
  • Nhóm đất mặn và đất phèn của vùng chiếm diện tích lớn.
  • Một vài loại đất thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là các nguyên tố vi lượng hoặc đất quá chặt, khó thoát nước.

Câu 3: Tại sao Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất cả nước?

Bài làm:
Đồng bằng sông cửu Long là vựa lúa lớn nhất cả nước là do có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển:
  • Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên:
    • Là đồng bằng châu thổ lớn nhất nước ta, rộng khoảng 4 triệu ha.
    • Phần lớn diện tích đồng bằng là đất phù sa được bồi đắp phù sa hằng năm, rất màu mỡ, nhất là dải đất phù sa ngọt dọc sông Tiền và sông Hậu, có diện tích 1,2 triệu ha, rất thích hợp để cây lúa phát triển.
    • Khí hậu thể hiện rõ tính chất cận xích đạo: tổng số giờ nắng trung bình năm là 2200 – 2700 giờ; chế độ nhiệt cao, ổn định với nhiệt độ trung bình năm 25- 27°C; lượng mưa hằng năm lớn (1.300 – 2.000mm), thích hợp với cây lúa nước.
    • Mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, lạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp nước cho sản xuất lúa.
  • Điều kiện kinh tế – xã hội:
    • Dân số hơn 74,4 triệu người (năm 2006), nên có lao động dồi dào; người dân cần cù, có kinh nghiệm sản xuất lúa, thích ứng nhanh với sản xuất hàng hoá.
    • Hệ thống thuỷ lợi khá hoàn chỉnh; giao thông vận tải đường bộ, đường sông thuận lợi.
    • Mạng lưới cơ sở chế biến và dịch vụ sản xuất lúa rộng khắp.
    • Thị trường tiêu thụ rộng lớn.
Câu 4: Dựa vào hình 41.3, hãy so sánh cơ cấu sử dụng đất giữa đồng bằng sông Cửu Long với đồng bằng sông Hồng?

Bài làm:
Dựa vào biểu đồ hình 41.3 ta thấy:
  • Diện tích đất đồng bằng sông Cửu Long lớn hơn diện tích đất đồng bằng sông Hồng.
  • Việc sử dụng đất của hai vùng có sự khác nhau:
    • Đất SX nông nghiệp: Đồng bằng sông Hồng (51,2%) < Đồng bằng sông Cửu Long (63,4%)
    • Đất Lâm nghiệp: Đồng bằng sông Hồng (8,3%) < Đồng bằng sông Cửu Long (8,8%)
    • Đất chưa sử dụng: Đồng bằng sông Hồng (3,5%) > Đồng bằng sông Cửu Long (1,3%)
    • Đất chuyên dùng: Đồng bằng sông Hồng (15,5%) > Đồng bằng sông Cửu Long (5,4%)
    • Đất ở: Đồng bằng sông Hồng (7,8%) > Đồng bằng sông Cửu Long (2,7%)
    • Đất khác: Đồng bằng sông Hồng (13,7%) < Đồng bằng sông Cửu Long (18,4%)

Câu 5: Tại sao phải đặt vấn đề sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng Sông Cửu Long?


Bài làm:
Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước ta vì:
  • Là vùng trọng điểm số 1 về sản xuất lương thực, thực phẩm của nước ta. Mỗi năm đóng góp trên 4 triệu tấn gạo và hàng vạn tấn thực phẩm tôm, cá, thịt lợn cho xuất khẩu. Đang dẫn đầu cả nước về chăn nuôi vịt, trồng mía và trồng cây ăn quả.
  • Để phát huy những thế mạnh và khắc phục những hạn chế vốn có của đồng bằng.
  • Diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp, nguồn tôm cá, sinh vật lưỡng cư bị suy giảm đến mức báo động.
  • Môi trường và tài nguyên của Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước sự suy thoái (Một trong những dẫn chứng là: việc phá rừng để khẩn hoang và nuôi trồng thuỷ sản cộng thêm với cháy rừng vào mùa khô làm cho tài nguyên thiên nhiên suy giảm, môi trường bị suy thoái).

Câu 6: Phân tích các thế mạnh và hạn chế về mặt tự nhiên và ảnh hưởng của nó đối với việc phát triển kinh tế xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long?

Bài làm:
Thế mạnh về mặt tự nhiên của đồng bằng sông Cửu Long là:
  • Vị trí địa lí: tiếp giáp Đông Nam Bộ, Campuchia và Biển Đông, thuận lợi cho việc phát triển KT, nhất là đối với Đông Nam Bộ.
  • Lãnh thổ và địa hình: Đây là đồng bằng châu thổ lớn nhất, bao gồm phần nằm trong phạm vi tác động trực tiếp của sông Tiền và sông Hậu (thượng và hạ châu thổ) và Phần nằm ngoài phạm vi tác động trực tiếp của sông Tiền và sông Hậu.
  • Đất: diện tích rộng, đặc biệt là 1,2 triệu đất phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu. Cùng với các loại đất phù sa khác (đất phèn, đất mặn), đất đai ở Đổng bằng sông Cửu Long là một thế mạnh quan trọng hàng đầu để phát triển trên quy mô lớn sản xuất cây hàng năm, đặc biệt là cây lúa.
  • Khí hậu: thể hiện rõ rệt tính chất cận xích đạo. Tổng số giờ nắng trung bình năm là 2.200 - 2.700 giờ. Chế độ nhiệt cao, ổn dịnh với nhiệt độ trung bình năm 25127oC. Lượng mưa lớn (1.300 - 2.000mm), tập trung vào các tháng mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11). Với khí hậu như vậy, hoạt động sản xuất diễn ra liên tục quanh năm.
  • Mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt cắt xẻ châu thổ thành những ô vuông, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông, sản xuất và sinh hoạt.
  • Sinh vật: thảm thực vật gồm hai thành phần chủ yếu là rừng ngập mặn (Cà Mau, Bạc Liêu...) và rừng tràm (Kiên Giang, Đồng Tháp), về động vật, có giá trị hơn cả là cá và chim. Tài nguyên biển: hết sức phong phú với hàng trăm bãi cá, bãi tôm và hơn nửa triệu ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản.
  • Các loại khoáng sản chủ yếu: đá vôi (Hà Tiên, Kiên Lương) và than bùn (U Minh, tứ giác Long Xuyên…), đất sét (nhiều nơi) và dầu khí ở vùng thềm lục địa.
Hạn chế về mặt tự nhiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long:
  • Diện tích đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn lớn và đang có xu hướng mở rộng.
  • Mùa khô kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, làm tăng độ mặn trong đất, thủy triều xâm nhập sâu vào nội địa gây trở ngại cho sản xuất và sinh hoạt.
  • Khoáng sản của vùng khá nghèo nàn…

Câu 7: Để sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở đồng bằng Sông Cửu Long cần phải giải quyết những vấn đề chủ yếu nào? Tại sao?

Bài làm:
Đồng bằng sông Cửu Long là đồng bằng châu thổ lớn nhất nước ta với nhiều thế mạnh thuận lợi để phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số vấn đề về sử dụng hợp lý và cải tạo tự nhiên cần được giải quyết. Đó là:
  • Vấn đề sử dụng và cả tạo đất
  • Vấn đề nước ngọt- vấn đề quan trọng hàng đầu
  • Vấn đề duy trì, bảo vệ tài nguyên
  • Vấn đề thiên tai
Để giải quyết những vẫn đề này, đòi hỏi vùng phải có giải pháp.
  • Vấn đề sử dụng và cải tạo đất:
Đồng bằng sông Cửu long có 3 nhóm đất chính là đất phù sa, đất phèn và đất mặn. Tuy nhiên, phần lớn diện tích đồng bằng là đất phèn, đất mặn; ngoài ra còn có 1 số loại đất thiếu dinh dưỡng-> gây khó khăn cho việc sản xuất.
=>Vùng cần cải tạo đất mặn bằng biện pháp thau chua rửa mặn, đưa nước ngọt vào để rửa mặn…
  • Vấn đề về nước ngọt:
Ở ĐBSCLong, mùa khô kéo dài từ tháng XII đến tháng IV năm sau. Vì thế nước mặn xâm nhập vào đất liền, làm tăng độ chua và mặn trong đất. Do đó, nước ngọt là vấn đề quan trọng hàng đầu vào mùa khô ở ĐBSCLong...
=> Khai thác nguồn nước ngầm, nước ngọt ở các sông tiền và sông hậu để thau chua rửa mặn cho đất cũng như để sinh hoạt, sản xuất…
  • Vấn đề duy trì, bảo vệ tài nguyên rừng:
Tài nguyên rừng: Trong những năm gần đây, diện tích rừng bị giảm sút do nhu cầu tăng diện tích đất nông nghiệp thông qua các chương trình di dân khai khẩn đất hoang hóa, phát triển nuôi tôm và do cháy rừng. Vì vậy, bảo vệ rừng là nhân tố quan trọng nhất đảm bảo sự cân bằng sinh thái, rừng cần được bảo vệ, phát triển trong mọi dự án khai thác.
=> Cần phải duy trì và bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, rừng cần được bảo vệ trong mọi dự án khai thác và thực hiện nông – lâm –ngư kết hợp.
  • Về vấn đề thiên tai: Ở đồng bằng sông Cửu Long lũ lớn gây ngập lụt trên diện tích rộng với thời gian kéo dài có tác động tiêu cực đối với các hoạt động kinh tế - xã hội. Ngược lại, lũ nhỏ làm tổn hại đến nguồn lợi kinh tế do lũ hàng năm mang lại như: bổ sung lớp phù sa, nguồn thuỷ sản nước ngọt, vệ sinh đồng ruộng….

Câu 8: Tại sao “Sống chung với lũ" là cách ứng xử tốt nhất đối với tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long?

Bài làm:
“Sống chung với lũ" là cách ứng xử tốt nhất đối với tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long vì:
  • Sông Cửu Long dài, diện tích lưu vực và tổng lượng nước lớn, lưới sôngcó dạng lông chim cùng với mạng lưới kênh rạch chằng chịt, có sự điều tiết nước của Biển Hồ nên lũ tương đối điều hòa và kéo dài.
  • Do địa thế thấp, địa hình bằng phẳng, lượng nước tập trung quá lớn trongmùa lũ và tác động của thủy triều nên ở ĐB sông Cửu Long không thể đắp đê để ngăn lũ (sống chung với lũ).
  • Từ lâu đời, người dân vùng sông nước đã thích ứng với mùa lũ với các tập quán sản xuất, ngành nghề, giống cây trồng và nếp sống đã được định hình trong quá trình sống chung với lũ .Mùa lũ mang lại nhiều lợi ích như: tôm, cá, phù sa ngọt, nước ngọt rửa phèn, mặn trong đất...

Câu 9: Nêu những biểu hiện chứng tỏ vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa khai thác hết các tiềm năng cho việc sản xuất lương thực?

Bài làm:
Đồng bằng là vùng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất lương thực. Tuy nhiên, vùng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có. Đó là:
  • Hệ số sử dụng đất của vùng còn thấp, phần lớn diện tích đất gieo trồng mới 1 vụ trong khi đó ở các khu vực khác có thể trồng hai vụ lúa trong một năm.
  • Vẫn còn diện tích đất hoang hóa mà việc khai thác phải đòi hỏi đầu tư lớn…

Câu 10: Tại sao trong thời gian vừa qua, tình trạng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long lại diễn ra hết sức nghiêm trọng?

Bài làm:
Trong thời gian vừa qua, tình trạng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long lại diễn ra hết sức nghiêm trọng. Nguyên nhân là do:
  • Mùa khô kéo dài (từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau) cùng với địa hình thấp nên tình trạng xâm nhập mặn diễn ra hàng năm.
  • Riêng trong những mùa khô năm 2015 – 2016, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Mực nước biển dâng và nhất là EI Nino kéo dài làm gia tăng khô hạn, kết hợp với việc xây dựng nhà máy thủy điện của các nước trên dòng sông Mê Công làm hạn chế lượng nước ngọt đổ về đồng bằng…
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top