• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Bài dự thi Tôi và Diễn đàn Kiến Thức ! - Nhất Chi Mai

Nhất Chi Mai

New member
Xu
0
Bài dự thi : Tôi và Diễn đàn kiến thức
Đề tài 3: Bạn yêu thích lĩnh vực kiến thức nào? Hãy chứng tỏ rằng kiến thức của bạn thật hay, bổ ích, lý thú. Có thể viết bài luận, hay mở topic hay bất cứ gì, miễn sao thể hiện được lĩnh vực kiến thức của mình là những kiến thức rất thú vị và bổ ích.

Lời mở đầu

Trước tiên, tôi cũng như các bạn, cũng là một con người yêu thích kiến thức, và cũng đang trên con đường đi tìm kiến thức cho mình. Nhưng kiến thức là vô hạn, đời người lại có hạn, huống hồ gì tôi lại còn quá trẻ, nên hiểu biết còn rất nông cạn, non nớt. Nên trong lúc viết không tránh khỏi những quan niệm sai lầm, mong các bạn rộng lượng bỏ qua, đồng thời dạy bảo thêm để tôi có thể được khai sáng.
Những điều tôi viết đều học hỏi từ nhiều nguồn, sách vở, cuộc sống, từ chiêm nghiệm, suy nghĩ của cá nhân tôi, nên nếu có nhiều điều không mới mẻ với các bạn, thì hy vọng các bạn hãy xem như đang được ôn lại những kiến thức cũ. Đồng thời, nếu các bạn có ý kiến gì mới mẻ, hy vọng các bạn có thể bổ sung, hoặc sửa chữa, để cùng nhau tiến bộ. Hoặc nếu các bạn có những điều gì cảm thấy tôi viết còn chưa sáng nghĩa, sai lầm hoặc khó hiểu, có thể liên lạc với tôi theo thông tin tôi sẽ đề cập cuối phần này, để tránh những hiểu lầm không đáng có, hoặc tệ hơn làm ảnh hưởng đến quan niệm của các bạn thì lại không nên.
Một vài phần trong bài viết, tôi viết theo lối ngắn gọn như kinh văn (là kiểu mà tôi thích), là những đoạn ngắn, rất ít lời giải thích, nên sẽ mang nhiều hàm ý, dễ gây khó hiểu. Nhưng vì nội dung của những đoạn đó cũng không quá sâu xa nên tôi nghĩ các bạn sẽ không gặp khó khăn. Còn lại, khi đến những phần cần giải thích rõ ràng, tôi sẽ viết theo lối thông thường. Tôi nói trước để các bạn không bị khó chịu khi có nhiều phong cách viết khác nhau.
Mặc dù có rất nhiều điều muốn chia sẻ, nhưng thời gian và điều kiện không cho phép, nên tôi chỉ viết một số ít điều thôi. Hy vọng được các bạn nhiệt tình trao đổi ý kiến, để có thể có thêm nhiều bài viết hơn. ^__^
Cuối cùng, với mục đích trao đổi kiến thức, hy vọng những điều tôi viết sẽ đem lại cho các bạn những kiến thức mới, giúp các bạn ôn lại những điều đã biết, hoặc cùng nhau bàn luận về những điều còn chưa sáng tỏ nhằm giúp nhau tiến bộ hơn.

Chân thành cảm ơn !
Nguyễn Thanh Danh , ngày 9 tháng 1 năm 2011.
Yahoo: Black_heart1241176@yahoo.com
 
KIẾN THỨC

Sự khác biệt giữa con người người thông minh và kẻ đần độn, giữa người giàu và người nghèo, giữa tầng lớp sang trọng và tầng lớp bần hàn. Thực chất chỉ là sự khác biệt giữa người có kiến thức và không có kiến thức. “Knowledge is power !”

Một kẻ nếu không có tri thức, thì dù cho tài cán đến đâu, thì cũng chỉ là một kẻ ngông cuồng vốn cần phải được giáo hóa.

Tri thức đem đến tiếng tăm bất diệt, vì nó là bất diệt. Khả năng của một người, tùy thuộc vào cái mà anh ta biết. Một người nếu không có tri thức, thì như một thế giới tối tăm, với tri thức trong tay, con người có thể làm được tất cả.

Con người sợ hãi trước những gì mà họ không thấu hiểu, một người không có tri thức sẽ không có được sự tự tin. Không có được sự tự tin thì không thể có được niềm tin vững vàng. Niềm tin không vững thì không tạo nên bản lĩnh. Bản lĩnh không có thì không làm được gì thành công.

Lâu đài kiến thức có nhiều con đường dẫn đến, kiến thức trú ngụ khắp nơi xung quanh. Hãy quan sát những sự kiện hàng ngày, những cảnh tượng của thiên nhiên, từ mọi người, từ vạn vật. Người thông minh có thể học hỏi được rất nhiều điều từ mọi thứ. Với họ, cuộc đời là một trường học, nơi mà họ có thể học ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào và qua bất cứ thứ gì. Đừng chỉ nên khờ dại mà nghĩ rằng chỉ có ngồi trong một tòa nhà, nghe rao giảng mới là học.

Kiến thức là vô bờ bến, kẻ nào chăm chăm thu lượm tất cả mọi thứ, sẽ chỉ tốn công cả đời mà rốt cuộc cũng chẳng đi đến đâu. Hãy học hỏi những gì mình thực sự cần đến, những gì sẽ giúp ích cho bản thân. Kiến thức là thứ mà ta phải sử dụng nó nhiều thì nó mới ở lại với ta, và chỉ có kẻ khờ dại mới nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ quên đi điều gì đó. Nếu học hỏi bừa bãi, kiến thức sẽ trở nên một căn phòng lộn xộn, và khi đến lúc cần thiết thì lại chẳng biết thứ ta cần nằm ở đâu. Kẻ thông minh là kẻ biết những gì mình cần biết, và quên những gì mình cần quên.

Mỗi một người là một căn phòng của kiến thức, và đừng lầm tưởng căn phòng đó là vô giới hạn. Một người thông tuệ không phải là người biết tất cả mọi thứ, anh ta chỉ là người biết những gì mình thực sự cần phải biết, và từ những điều đó có thể suy ra nhiều điều khác. Mọi sự vật trên thế gian đều có sự liên hệ với nhau, không nhiều thì ít. Hãy biết liên tưởng, kết nối kiến thức của mình với mọi thứ. Như thế, người đó sẽ không bao giờ quên đi kiến thức của mình, vì nó nằm ở khắp mọi vật, cũng như có thể biết đến những điều khác, nhờ việc để lại những sợi chỉ kết nối vạn vật với kiến thức của mình.

Mỗi người đều có vị trí của mình, cũng như mỗi người nắm giữ cho mình những kiến thức nhất định. Kẻ thì nhiều, người thì ít. Hãy thân thuộc với những người mà mình có thể học hỏi, rút tỉa bài học từ những kẻ phạm sai lầm. Vì cuộc đời là một ông thầy nghiêm khắc, ban đầu chỉ là những nhắc nhở ngọt ngào khi ta sai phạm, nhưng sau đó sẽ là những quả búa tạ. Hãy biết học từ kẻ khác, như thể mỗi một người là một cuốn sách, mà qua đó ta như thể trải qua trăm tuổi chỉ bằng cách tham khảo cuộc đời của mọi người.

Đừng bao giờ tự mãn vì mình biết cái người khác không biết, vì cũng có lúc ta gặp phải kẻ biết cái mà ta không biết. Cũng đừng nghĩ rằng một kẻ dốt nát thì không có gì cho ta học hỏi, vì mỗi một người là một người thầy, mà qua đó ta có thể thu gom được kiến thức cho bản thân, không nhiều thì ít. Và cũng đừng khinh rẻ kẻ dốt hơn ta, vì ta đâu thể biết được lúc nào ta sẽ trở thành họ. Tự mãn, kiêu căng là nấm mồ, mà trên đó ghi rằng “Nằm dưới đây là kẻ mà có lúc tưởng rằng mình là người tài giỏi.”

Kiến thức được thăng hoa khi ta biết chia sẻ, và nhờ chia sẻ mà ta đạt được nhiều thứ khác. Hãy trở nên người thân thiện, biết chia sẻ kiến thức của mình. Rồi từ đó, ta sẽ có được những người bạn mới, những kiến thức mới, và đó cũng là một cách học. Kẻ nào chỉ biết khư khư ôm lấy kiến thức của mình, rồi một ngày nào đó, chúng cũng chết theo kẻ đó, trong vô vọng. Nhiều người thông thái, vĩnh viễn bất diệt đều nhờ vào những kiến thức họ đã khám phá và chia sẻ.

Hãy cẩn thận với những người mà mình sẽ trao đổi học thuật. Vì nhiều kẻ xấu xa không thích người khác giỏi hơn mình: nhất là khi ta chia sẻ với thái độ ngạo mạn. Chúng ta luôn là kẻ ngu dốt so với nhân loại, và hãy luôn nhớ lấy điều đó. Hãy trao đổi kiến thức với người khác, nhưng với vai trò là kẻ kém cỏi hơn, nhờ đó mà ta có thể giữ được mình, cũng như kiến thức của mình.

Hãy biết quên những gì không cần thiết, bằng cách tiếp thu những gì thực sự cần. Khi tiếp thu điều gì thì hãy để chúng có cơ hội được đem ra sử dụng. Một kiến thức bị bám bụi chỉ có trong thư viện, chứ không tồn tại trong đầu chúng ta. Nơi đó chỉ có hai thứ : một thứ thường đem ra sử dụng, và những thứ sắp sửa bị lãng quên.

Không có tri thức thì kẻ thông minh sẽ trở nên bạo tàn, kẻ ngây dại thì trở thành khờ khạo. Và với những kẻ đó cũng là những kẻ khó giao tiếp hơn hết. Hãy nhận ra điều đó để biết rằng: với nhiều kẻ thì lý lẽ không tồn tại, với họ tốt hơn hết là đừng nhiều lời khuyên giải, mà ta hãy tránh họ càng xa càng tốt.

Thật bi ai nếu như xung quanh ta chỉ toàn những kẻ vô tri thức và không biết đến lý lẽ. Và việc đem lời lẽ giáo huấn ra chỉ tổ rước vào thân sự ganh ghét. Nếu không thể tránh khỏi thì hãy biết tỏ ra ngu đần. Vì kiến thức là thứ chỉ có thể đem ra trao đổi với những người cũng có nó. Và hãy thật cẩn thận nếu nói ra điều mà kẻ vô lý không chấp nhận, vì chúng thì rất đông và hung hãn. Nếu ta là Gallileo và biết về mặt trời, thì hãy giữ điều đó cho bản thân, và chỉ nói ra với những người thông tuệ mà ta thân thiết nhất.
 
NHÂN CÁCH

Tri thức và nhân cách, là hai đặc điểm trên con đường đến hạnh phúc của chúng ta. Nếu chỉ có một trong hai thì ta chỉ đi được nửa đường đến thành công. Nhưng nếu tài năng kém cỏi, thì nhân cách cần thiết hơn. Tri thức là thanh gươm mà nhân cách lại là người dũng sĩ. Nếu có tri thức mà không có nhân cách, thì chỉ như một con thú nguy hiểm, sớm muộn thì cũng bị diệt vong.

Số mệnh tưởng thưởng cho những người nào biết kiên trì, nhẫn nại. Đừng bao giờ vội vã và hùa theo cảm xúc bốc đồng của mình. Mọi thứ đều có thời điểm của nó, và người biết nhẫn nại sẽ đạt được nhiều thành tựu. Những thành tựu vĩ đại cũng cần sự kiên trì vĩ đại. Cây gậy què của thời gian có thể làm được nhiều thứ hơn cây búa sắt của Hercules.

Lễ độ, thứ biểu hiện cho sự giáo dục, bản lĩnh, cẩn trọng, và là con đường dẫn đến sự hoàn thiện nhân cách. Người biết lễ độ thể hiện được sự tự chủ bản thân, tuân thủ phép tắc, lòng tôn trọng người khác cũng như chính mình. Học vấn cho thấy trình độ giáo dục, nhưng sự lễ độ thể hiện sự giáo huấn về học thức, sự trau chuốt về tính cách cũng như thể hiện bản lĩnh hơn người. Lễ độ là sự giao thoa giữa phép tắc, lễ nghi, sự tôn trọng. Lễ độ với những người đáng nể trọng thì là thông thường, nhưng giữ sự lễ độ với những kẻ ngang tàng mới là bản lĩnh. Việc đó không có nghĩa rằng ta nhu nhược, mà chính là thể hiện bản lĩnh của người bề trên, không hạ thấp giá trị với những kẻ ngông cuồng, thấp kém.

Nhiều kẻ khờ dại lầm tưởng sự lễ độ với sự lễ nghi thái quá. Chúng chỉ mang đến sự khó chịu và hợm hĩnh chứ không phải mang đến sự tôn trọng. Lễ độ là tôn trọng kết hợp với sự tự nhiên, còn lễ nghi thái quá chỉ để phô trương bản thân với thái độ hợm hĩnh cố ý. Người lễ độ chỉ cần thoang thoảng hương thơm với sự lịch thiệp, nhưng kẻ hợm hĩnh thì sự nức mùi ngốc nghếch và khó chịu. Nói cho cùng, chỉ có người xuất phát sự tôn trọng từ trong tâm can thì mới thể hiện được lễ độ, còn kẻ cố tỏ ra mình như một quý tộc thì cũng chỉ là phù phiếm.

Điềm tĩnh, là khả năng kiểm soát bản thân khỏi tác động của ngoại vật. Nó đã và luôn là tiêu chí của nhiều tôn giáo trên thế giới. Người điềm đạm có khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân, thắng được dục vọng của riêng mình, và không bị tác động của mọi thứ khác. Người biết kiểm soát bản thân sẽ có khả năng kiểm soát được người khác. Nó là đức tính của mọi đức tính. Thể hiện bản lĩnh phi thường của tinh thần một người xuất chúng. Hãy biết chiến thắng cảm xúc, trước khi nó chiến thắng bản thân mình. Người điềm tĩnh có thể thấy được những cái mà người khác không nhìn thấy, hiểu được cái người khác không hiểu, làm được việc người khác không thể làm.

Sự siêng năng là đóa hoa đẹp đẽ của con người, nó kiến tạo nên thế giới bằng đôi tay của những người cần cù, tháo vát. Ngay cả những người vĩ đại nhất cũng thường thiếu sự chuyên cần hơn là tài năng. Tài năng là thứ mà Thượng Đế chỉ trao cho một số người, nhưng chính sự chuyên cần mới giúp con người tạo được thành tựu, và phát huy được tài năng. Một kẻ siêng năng tột bực mà không có tài thì vẫn đi được đến thành công. Nhưng kẻ dù tài năng bao nhiêu mà chẳng chịu lê bước thì chỉ là một tên tàn phế.
 
NHÂN SINH QUAN

Số mệnh như một dòng sông có nhiều ngã rẽ. Chỉ có kẻ ngốc mới cho rằng mình có thể điều khiển dòng sông định mệnh. Lịch sử loài người đã có biết bao nhiêu kẻ bị vong thân vì dám đối đầu với số mệnh. Nhưng cũng thương thay kẻ chỉ biết phó thác thân mình cho số mệnh mà chẳng chịu đấu tranh. Họ như những con thuyền trôi lạc lõng, rồi cũng sẽ va vào đá mà bể tan tành. Chỉ có kẻ khôn ngoan, biết tùy vào dòng nước mà điều khiển chiếc thuyền một cách cẩn trọng. Họ gặp thác ghềnh thì thận trọng, vững tay, tránh né vượt qua; gặp nước yên thì tiến tới nhưng vẫn không quên sự đề phòng. Họ biết lựa thời thế mà hành động, không đối chọi với số mệnh. Nhưng họ cũng không thụt chí khi chưa gặp thời, luôn chuẩn bị sẵn sàng khi gặp dòng nước thuận lợi.

Có một lý thuyết gọi là Hiệu ứng cánh bướm (Butterfly Effect) của nhà khí tượng học Edward Lorenz : “Một cái vỗ cánh của con bướm ở Bra-zin có thể tạo nên một cơn giông bão tại Arizona”. Mọi sự vật đều liên kết và tác động lẫn nhau. Số mệnh theo tôi cũng có nét như vậy.

Chúng ta không thể biết được rằng chúng ta sẽ gặp phải điều gì trong ngày vào buổi sáng thức dậy. Vì cuộc đời của ta không chỉ phụ thuộc vào bản thân ta, mà còn do nhiều yếu tố xung quanh tác động vào nữa. Như thời tiết, tai họa, những người khác,v.v… những cái đó ta không thể điều khiển dễ dàng theo ý mình được. Vì vậy, người nào cố gắng đấu tranh với những cái đó, cho rằng số phận do chính tay mình tạo nên rồi sẽ thất vọng và gặp họa, vì một người không thể điều khiển được vạn vật theo ý mình.

Mặt khác, thứ ta có thể điều khiển được là những lựa chọn của ta, trạng thái cảm xúc của ta. Gặp một người đụng phải mình, ta có thể cáu gắt, hoặc lịch sự bỏ qua. Và mỗi lựa chọn lại dẫn ta đến một kết quả khác. Nhưng những lựa chọn của ta cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh, mà hoàn cảnh lại do rất nhiều yếu tố khác quyết định. Vì vậy, quyết định của chúng ta không phải là số phận, nhưng nó là một phần của số phận.

Lời khuyên là, chúng ta khi hiểu được điều đó, khi ta gặp một sự cố không may nào đó, ta sẽ hiểu được yếu tố nào là không phải do ta quyết định, cho nên ta không cần phải buồn vì việc đó. Còn nếu sự cố đó do lựa chọn của ta mà nên, thì ta nên rút kinh nghiệm cho lần sau.

Cũng như khi chúng ta nhận ra thời điểm mà những yếu tố bên ngoài không có lợi cho mình, thì mình phải lựa chọn ra sao để tránh những yếu tố đó, hoặc chờ đợi, tìm đến những yếu tố khác có lợi hơn. Chứ không nên cứ cố gắng lao đầu vào thay đổi nó, vì nó không phải do ta quyết định được.


Tiền bạc, quyền lực chỉ là công cụ để con người hướng tới hạnh phúc chứ nó không phải là hạnh phúc.

Rất nhiều người trong chúng ta đều muốn có nhiều tiền của, quyền lực. Nhưng tại sao có nhiều người giàu có mà vẫn không hạnh phúc ? Hay các bạn nghĩ rằng: “Ồ! Điều đó chỉ có trong phim, chứ nếu tôi là người giàu có tôi chắc chắn sẽ hạnh phúc.” Để tôi giải thích cho bạn hiểu:

Con người là loài hành động theo cảm xúc, và những cảm xúc đó tạo nên nhu cầu cho chúng ta. Có rất nhiều nhu cầu, từ những nhu cầu cơ bản là ăn , uống, an toàn… cho đến những nhu cầu phức tạp như được yêu thương, được khẳng định chính mình, được tôn trọng, được làm những điều vĩ đạiv.v… Khi ta thỏa mãn được những nhu cầu cơ bản thì sẽ tiếp tục vươn đến những nhu cầu phức tạp hơn. Hoặc có khi chúng ta sẽ hy sinh, để có thể vươn tới việc thỏa mãn nhiều nhu cầu hơn ở tương lai.

Ngoài ra, khi chúng ta được thỏa mãn nhu cầu nào đó rồi, thì lúc đó cảm xúc về nhu cầu đó sẽ không còn nữa. Và bộ não của chúng ta có tính thích nghi rất cao. Đó là lý do mọi người khi chưa có tiền thì muốn có tiền, có rồi lại muốn có nhiều hơn. Giống như việc chúng ta lúc chưa có chiếc xe, chúng ta thấy việc chạy xe là một điều mới mẻ, thú vị. Nhưng khi ta đã có xe và quen với việc đi xe rồi, thì nó trở nên bình thường, nhưng những phiền toái đi kèm thì lại không biến mất như những thú vui ban đầu. Vì vậy, người ta sẽ dễ dàng rơi vào cái vòng luẩn quẩn của vật chất, mà không bao giờ thấy đủ.

Biết người là trí. Biết mình là sáng. Thắng người là kẻ có vũ lực; tự thắng mình là mạnh. Biết đủ thì giàu; Kiên trì là có ý chí.

Giữa nơi trời đất, ta như hòn đá nhỏ hay cái cây cỏn con trên núi lớn. Vì hiểu phận nhỏ nhoi, có gì đâu mà khoe khoang tự đắc?

Kim loại vì cứng mà gãy, nước nhờ mềm yếu mà vẹn toàn. Núi cao nên đổ lở, giòng nước giữa hai ngọn núi vì thấp nên bình an.

Nhón chân lên, không đứng được. Xoạc chân ra không đi được. Tự coi là sáng nên không sáng. Tự xem là phải nên không hiển dương. Tự kể công nên không có công. Tự khoe mình nên không trường tồn.

Biết mà làm như không biết, thế là hay. Không biết mà làm như biết, thế là dở. Hễ biết cái điều dở ấy là dở tức là không dở. Thánh nhân không dở vì biết điều dở là dở, do đó mà không dở.

Muốn nó co lại, tất phải giương nó thẳng. Muốn nó yếu, tất phải làm nó mạnh lên. Muốn phế bỏ nó đi, tất phải làm cho hưng vượng. Muốn đoạt nó cái gì, tất phải cho nó cái khác

Điều có lý nhưng không có ích thì đừng nói ra; điều có thể làm nhưng chẳng ích lợi vào việc gì thì đừng làm.


Căn cứ cái gần mà suy luận ra cái xa xôi, căn cứ việc nhỏ mà biết việc lớn, muốn biết việc chưa tới thì xét việc đã qua.

Liêm khiết thì không tham lam, ta không tham lam, hà tất phải tỏ ra liêm khiết để cho người tham lam bực bội. Nhường nhịn nên không tranh giành, ta không tranh giành, hà tất phải nêu chữ nhường để khiến kẻ tranh giành thán phục.

Lúc yên phải nghĩ đến lúc nguy, thì mới phòng ngừa được tai họa. Lúc nguy thì phải bình tĩnh như khi yên, thì mới thoát được tai họa.

Xử thế nhường một bước là cao thượng, lùi bước là gốc của tiến lên. Đối xử với người rộng lượng là phúc, làm lợi người là gốc làm lợi cho mình.

Sống trên đời không cần công lao, không có lỗi lầm đã là công lao rồi. Đối với người không cần ân đức, không có oán giận là ân đức rồi.

Ý đồ hại người không nên có, ý thức đề phòng người thì phải có.

Ân huệ phải từ ít đến nhiều, trước nhiều sau ít thì người ta sẽ quên. Uy quyền phải từ nghiêm đến khoan, trước khoan dung sau nghiêm khắc thì người ta sẽ oán.

Giữ mình không nên trong sạch thái quá, những thứ bẩn thỉu ô nhục cũng phải nếm trải chấp nhận. Đối với người không nên quá rạch ròi, thiện ác hiền ngu đều phải bao dung.

Ở nơi thấp mới biết leo cao là nguy hiểm, ở chỗ tối mới biết chỗ sáng là mênh mông, giữ được tĩnh thì mới biết động là vất vả, giữ được lặng im thì mới biết lắm lời là khó chịu.

Ta sang được người ta trọng, đó là do họ mũ cao đai rộng, ta hèn bị người ta khinh, đó là họ khinh áo vải dép cỏ. Như vậy họ đâu phải trọng ta, cớ sao lại mừng? Vốn đâu phải khinh ta, cớ sao lại giận?

Có một người ăn cơm, không may cắn phải môi, thế là từ đó người đó không bao giờ ăn nữa. Có người uống nước, không may bị sặc, thế là từ đó người đó không uống nữa. Có người đi đường, chẳng may vấp té, thế là từ đó người đó không bao giờ đi nữa.
Có phải những người này khờ dại lắm phải không ? Vậy thì :
Có những người thất tình, thì cho rằng đàn ông/phụ nữ trên đời đều là kẻ xấu xa, không bao giờ muốn yêu nữa. Có người thất bại một lần, thì không bao giờ muốn đứng dậy nữa.
Hai kiểu trên, cùng một dạng nhưng ở trên là chỉ trong những việc thông thường, mà chúng ta cho rằng khờ dại, ngốc nghếch, vậy thì ở dưới chẳng phải cũng là khờ dại, ngốc nghếch sao ?
Thế mà có không ít người như thế.
Các bạn hãy biết vui khi chúng ta cảm thấy khổ , đau đớn, thất vọng. Hãy nghĩ thử xem nếu chúng ta cắt thức ăn mà cắt trúng tay, nhưng không thấy đau thì chuyện gì sẽ xảy ra ? Chúng ta sẽ có lúc ăn phải ngón tay của mình. Sự đau đớn là một tín hiệu, nó báo cho ta biết rằng “Ta cần phải thay đổi”. Ta phải làm gì đó khác đi để lần sau làm lại ta không rơi vào tình trạng như thế nữa. Chứ không phải bảo chúng ta hãy từ bỏ.
Các bạn có thể viện ra hàng tỷ lý do để cố nói rằng các bạn bắt buộc phải như thế. Không sao, nhưng khi các bạn đau khổ, buồn bã thì hãy nhớ đến một sự thật phũ phàng rằng : Con người (kể cả các bạn) luôn tìm đến những điều có thể làm mình vui vẻ, hạnh phúc. Chẳng ai thích dây dưa mãi với người cứ chìm sâu vào đau khổ cả.

Ngón tay có dài có ngắn, con người có tốt có xấu. Rất nhiều người có thói quen phê bình người khác mỗi khi người ta mắc sai lầm, hoặc có khi phê bình bất cứ khi nào họ gặp. Bản thân mỗi người chúng ta đều có khuyết điểm, và việc phê bình người khác đa số chẳng có ích lợi gì.
Đúng rằng khi có những sai lầm, những hành động sai trái con người làm mà chúng ta không thể để yên. Chúng ta phải lên tiếng để cho họ dừng việc đó lại và thay đổi. Chúng ta phải nói cho họ biết hành động của họ đã gây ra tổn thất ra sao. Tuy nhiên việc đó không có nghĩa là hạ thấp người ta, mà chỉ đơn thuần là nói lên một sai lầm nào đó vốn cần phải được sửa chữa.
Tuy nhiên, không biết tôi gặp biết bao nhiêu người, hễ cứ gặp ai đó là lên tiếng chỉ trích, sỉ vả. Không biết với mục đích là vì căm ghét hay vì để hạ thấp người khác và như thế thấy được vị trí hơn người của mình. Có thể có nhiều người, bình thường họ không được người khác tôn trọng, họ cảm thấy vị trí của mình thấp kém, cho nên phải thường xuyên hạ thấp người khác vì bất kỳ lý do gì, để cảm thấy được tầm quan trọng của bản thân.
Tôi cũng hiểu cuộc sống chúng ta có rất nhiều áp lực, không thể không mắc sai lầm. Tôi không dám trách những người đó, vì tôi hiểu cuộc sống vốn khó khăn. Tuy nhiên, khi chúng ta có thể bình tâm lại, ngồi lặng yên mà nghĩ về, thì liệu có bao nhiêu lần chúng ta phê phán người khác vì họ đáng phải thế hay chỉ để chúng ta thỏa mãn cho cá nhân. Qua đó, chúng ta có thể bao dung hơn vào những lần sau, và việc khiến người khác khó chịu để mình dễ chịu âu cũng không phải là cách tốt.
 
TỐT XẤU

Thế nào là tốt, thế nào là xấu ? Cái mọi người đều cho là tốt thì nó tốt, hay cái ta cho là tốt mới là tốt ? Cái mọi người cho là tốt có thực là tốt ? Cái ta cho là tốt thì có hẳn là tốt ?
Bản thân tôi từ lâu đã xem nhẹ quan niệm tốt xấu, đúng sai. Thay vào đó, tôi chỉ nghĩ đến hai tiêu chí là Phù hợp và Không phù hợp.
Có rất nhiều điều từ ngày xưa chúng ta cho là phải, là đúng, nhưng bây giờ không còn như thế nữa. Như vậy một điều được cho là đúng ngày xưa, so với bây giờ là sai lầm, và cũng có thể một điều bây giờ chúng ta cho là đúng thì sau này chưa chắc nó đã là đúng.
Nhưng một sự việc Phù Hợp thì luôn … thích hợp. Một hành động Phù hợp không nhất thiết phải là hành động tốt. Định nghĩa tốt xấu, đúng sai quá mơ hồ, không nên bó buộc vào những tiêu chí đó. Một người hành động phù hợp với hoàn cảnh, sự việc, thì luôn tạo ra những kết quả tốt nhất có thể, nhưng người hành động tốt thì không phải lúc nào cũng có kết quả tốt.
Chẳng hạn như những Gián điệp. Trông vẻ ngoài, họ giống như những kẻ đối địch, không tốt. Nhưng bên trong họ lại ngấm ngầm giúp đỡ ta, mà chỉ có một số ít người biết điều đó.
Vì vậy, chúng ta đừng quá bận tâm đến những khiếm khuyết, những hạn chế mà mọi người áp đặt cho ta. Cũng như đừng để sự lựa chọn của mình vào khuôn khổ đúng sai mơ hồ mà mọi người luôn nghĩ. Hãy làm những việc bạn cho là thích hợp nhất, những việc mà bạn nghĩ rằng nó hữu ích nhất. Cho dù sau đó người khác có phê phán ra sao, đúng sai thế nào không quan trọng. Vì trong giây phút đó, thời điểm đó, hoàn cảnh đó, sự việc đó, bạn đã làm theo hướng tốt nhất có thể, theo cách phù hợp nhất mà bạn có thể nghĩ ra. Nếu sau đó bạn có nghĩ ra giải pháp tốt hơn, thì đó là để cho lần khác.
Có một câu chuyện như sau :
Có một người sùng đạo đang ngồi thiền dưới một gốc cây, bỗng nhiên có một chàng trai chạy như điên tới.
“Giúp tôi với” chàng trai cầu xin “Một người đàn ông đã lầm lẫn buộc tội tôi ăn cắp. Ông ta đang đuổi theo tôi với một đám người. Nếu họ bắt được tôi họ sẽ chặt tay tôi mất”
Chàng trai trèo lên cái cây mà bên dưới có nhà tu đạo đang ngồi để trốn “Làm ơn đừng cho họ biết là tôi đang trốn ở đây”, anh ta van nài.
Với một cái nhìn thấu suốt, nhà tu hành có thể thấy được chàng trai đang nói thật với ông. Anh ta không phải là kẻ cắp. Vài giây sau, đám đông kéo tới, và người cầm đầu hỏi “Ông có nhìn thấy một gã trẻ tuổi chạy qua đây không?”
Nhiều năm trước, người sùng đạo đã lập một lời thề là sẽ luôn nói sự thật, vì vậy ông bảo rằng ông có nhìn thấy.
“Hắn đi đâu rồi?” Người cầm đầu hỏi.
Người sùng đạo không muốn phản bội chàng trai vô tội, nhưng lời thề với ông là hết sức linh thiêng. Ông chỉ lên cây. Dân làng lôi chàng trai xuống và chặt đứt tay anh ta.
Vậy đúng sai ở đây là thế nào? Việc nhà tu hành cho rằng nói dối là một việc làm xấu xa, và giữ lời thề luôn nói thật cho mình. Ông ta theo đuổi một khái niệm “đức hạnh” lệch lạc mà rất nhiều người cũng lầm tưởng. Sự hiểu biết hạn chế của con người khiến khái niệm “đức hạnh” trở thành một thứ phù phiếm, cốt chỉ để giành được sự tán dương và thỏa mãn cái ý nghĩ rằng “Mình thật là có đạo đức” . Một điều tốt ta làm liệu có xuất phát từ lòng tốt, hay để được mọi người khen ngợi, được cảm thấy mình thanh cao hơn kẻ khác ?
Đức hạnh không phải là những thứ mà chúng ta khoác lên người để thể hiện bản thân trước công chúng. Đó là một điều tinh tế, không ai có thể đánh giá và đo lường được đức hạnh của bạn, ngoại trừ bản thân bạn. Khi bạn thực sự đồng hành cùng đức hạnh, bạn sẽ không có ý thức kiêu ngạo, tự mãn, không cần người khác công nhận, không cần được tán dương, không cần mọi người biết đến và không có cảm giác hơn người khác.
Thiên Chúa Giáo có câu : “Tay phải làm việc tốt thì đừng để tay trái biết được”. Việc làm tốt xuất phát từ trong tâm, nếu bạn làm điều tốt mà mong được đáp trả, sợ rằng người ta không biết, hoặc làm rùm beng to lớn thì đó là việc xấu rồi.
Trong lịch sử đã có biết bao người vì nhân danh cái tốt để vùi dập lòng nhân đạo, việc đó có khi còn nhiều hơn cả những việc xấu rành rành mà chúng ta thường thấy. Xét cho cùng, thì một tên cướp giữa chợ hóa ra còn đỡ hơn nhiều một vị tu sĩ với lòng dạ lang sói, vì cái việc khiến người khác đau đớn một cách vui vẻ còn ghê gớm hơn cả.
 
CHẤP NHẬN

Khởi nguồn của biết bao đau khổ là sự không chấp nhận. Không chấp nhận thực tại, không chấp nhận mình thua thiệt, không chấp nhận hoàn cảnh, không chấp nhận cuộc đời.v.v…
Có rất nhiều sự việc mà chúng ta không thể thay đổi được, vậy thì hãy chấp nhận nó, nếu cứ mãi cố chấp đấu tranh, thì người thiệt thòi vẫn là chúng ta, và rồi chúng ta lại tiếp tục đau khổ mãi. Chấp nhận, buông bỏ, là một đạo lý sâu xa. Ta chấp nhận thực tại như nó vốn thế, chấp nhận mọi người như họ vốn thế, không đòi hỏi mọi việc phải theo ý ta, phải thế này, thế kia. Hãy chấp nhận nó cho dù nó có ra sao đi nữa.
Lúc đó, chúng ta sẽ trở nên thanh thản hơn, yên bình hơn, vui vẻ hơn. Qua đó ta có thể hiểu được thứ mà thông thường ta không hiểu, thấy được thứ mà bình thường ta không thấy.
Chấp nhận không có nghĩa là nhu nhược, ta chấp nhận mọi sự xảy đến với ta, đón nhận chúng một cách thanh thản, và làm hết lòng với mọi việc mà ta có thể. Và khi ta đã cố gắng hết sức mình, dù có kết quả ra sao, ta cũng hãy chấp nhận. Bởi vì khi đã cố hết sức ta, thì mọi điều còn lại tùy thuộc vào hoàn cảnh, vai trò của ta ta đã làm hết lòng, cho nên nếu không chấp nhận cũng chẳng ích gì. Thôi thì hãy chấp nhận nó dù có ra sao, thì lòng ta luôn thanh thản hơn.
Mọi thứ có bắt đầu thì cũng có kết thúc, mọi sự vật không có gì là mãi mãi, đến rồi đi, vô thường. Khi bạn chấp nhận được điều đó, bạn hiểu rằng thế giới này không mang lại cho bạn cái gì trường cửu, không còn đòi hỏi, chống đối mọi việc nữa. Bạn không câu nệ những điều “Tốt” “Xấu” nữa, bạn chấp nhận giây phút hiện tại như nó vốn là thế. Bạn hiểu được rằng mọi người có người này người khác, và cuộc đời vốn phải như thế, bạn chấp nhận và không còn khắt khe với người khác nữa.
Bạn hiểu được rằng có vui sướng thì cũng có bi ai, có được thì cũng có mất. Bạn chấp nhận nó và dù được hay mất, vui sướng hay đau khổ, bạn vẫn có thể giữ được tinh thần thanh thản, bất chấp chuyện gì có xảy ra.
Hãy đừng phê phán, gắn mác cho mọi sự việc mà bạn gặp. Hãy để cho mọi người giống như người mà họ vốn phải thế. Hãy để mọi việc đến và đi theo cách mà nó phải thế.
Hãy để cuộc sống được xảy ra theo cách mà nó đang là.
 
Đọc lướt qua thì thấy bài này giống dạng sách "dạy đời" mà các hiệu sách đang bán đầy rẫy. Nhưng đọc kĩ hơn thì thấp thoáng thấy người xưa, ví dụ như:

Sự khác biệt giữa con người người thông minh và kẻ đần độn, giữa người giàu và người nghèo, giữa tầng lớp sang trọng và tầng lớp bần hàn. Thực chất chỉ là sự khác biệt giữa người có kiến thức và không có kiến thức
Đây là ý của Fukuzawa Yukichi, người có công lớn nhất trong cuộc cải cách Minh Trị ở Nhật cuối thế kỉ 19.

Biết người là trí. Biết mình là sáng. Thắng người là kẻ có vũ lực; tự thắng mình là mạnh. Biết đủ thì giàu; Kiên trì là có ý chí.

Giữa nơi trời đất, ta như hòn đá nhỏ hay cái cây cỏn con trên núi lớn. Vì hiểu phận nhỏ nhoi, có gì đâu mà khoe khoang tự đắc?

Kim loại vì cứng mà gãy, nước nhờ mềm yếu mà vẹn toàn. Núi cao nên đổ lở, giòng nước giữa hai ngọn núi vì thấp nên bình an.

Nhón chân lên, không đứng được. Xoạc chân ra không đi được. Tự coi là sáng nên không sáng. Tự xem là phải nên không hiển dương. Tự kể công nên không có công. Tự khoe mình nên không trường tồn.

Biết mà làm như không biết, thế là hay. Không biết mà làm như biết, thế là dở. Hễ biết cái điều dở ấy là dở tức là không dở. Thánh nhân không dở vì biết điều dở là dở, do đó mà không dở.

Muốn nó co lại, tất phải giương nó thẳng. Muốn nó yếu, tất phải làm nó mạnh lên. Muốn phế bỏ nó đi, tất phải làm cho hưng vượng. Muốn đoạt nó cái gì, tất phải cho nó cái khác
Đây rõ ràng là những ý của Đạo giáo, cớ sao lại nằm vu vơ nơi đây mà không rõ nguồn gốc.

Ngoài Lão ra, chưa kể có một số ý mà nếu tui nhớ không lầm thì là cách diễn giải lại các ý của Khổng, Mạnh bằng ngôn từ khác.

Một bài viết có vẻ theo phong cách của các nhà tư tưởng thời xưa như Lão, Trang, Khổng, Mạnh, bởi thế nên toàn gặp hình ảnh các vị đó trong bài viết mà thôi. Vừa mang phong cách "dạy đời", vừa đi lấy ý của người ta, thể nào dài đến vậy, phong cách này tự nhiên làm nghĩ đến Osho. Mới đầu cứ tưởng một bài tiểu luận mang tính triết học này kia, thì ra chẳng có gì.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top