robinson_055867
New member
- Xu
- 0
Tác giả:
Mai Duy Quý
Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi
Bài dự thi:
HỒN QUÊ NGÀY TẾT QUÊ TÔI
Tuổi thơ thích biết bao mỗi khi xuân về tết đến. Đang mùa đông còn gió heo may đã lo tính đêm tính ngày. Mong đến cuối năm mẹ cho đi chợ. Chợ tết sao mà đông vui đến lạ, ồn ào nhộn nhịp khác thường. Hèn chi tôi cứ nghe nội nói: "Ba mươi chợ chật". Lớn thêm tuổi nữa, dù chưa được đi chợ tôi thấy nôn nao hương vị mùa xuân tràn trề, ùa về từ lúc cha dọn dẹp cửa nhà và đem bộ tam thờ bằng đồng ra lau chùi đến sáng loáng. Vậy là tôi náo nức chờ làm bánh nổ, bánh in. Cứ ngồi nghe tiếng đóng bánh sao mà vui thế! Rồi tiếng quết bánh ít lá gai "thình thịch, thình thịch…" thì thật vui tai. Sáng mồng một tươm tất với quần áo mới, được chúc tụng ông bà, cha mẹ và người lớn, túi tôi đầy những tờ bạc lì xì.
Cứ thế nhiều cái tết qua đi, cảm nhận mùa xuân về trong tôi cũng khác. Tháng chạp nồm non cho sóng biển reo, cho giọt sương long lanh đậu trên những đám hành chúm chím bông, óng ánh trên từng cây tỏi bắt đầu thu hoạch. Và tôi như nhận ra mùa xuân về trên vầng trán xếp nếp của cha, trên mái tóc của bà thêm từng sợi bạc, trên đôi bàn tay của mẹ thêm vết chai sần. Mùa xuân về không đơn giản như tuổi thơ tôi từng ao ước. Nhưng dù những gì mất được, khi mùa xuân sang đã mang lại hạnh phúc và những ước vọng cho mọi người.
Dù tháng năm cứ mãi trôi đi, dù bao thăng trầm lịch sử, dù phải bôn ba nơi chân trời góc biển người dân Lý Sơn vẫn mong đến ngày Tết để trở về quê hương xem lễ hội đua thuyền:
Mồng một chơi cửa, chơi nhà
Mồng hai chơi xóm, mồng ba chơi đình
Mồng bốn xem hội tứ linh...
Câu ca trên từ bao đời nay đã in đậm trong tâm trí người dân xứ đảo. Bởi nó mang một đặc điểm riêng biệt, độc đáo. Trên khắp miền Tổ quốc ta có nhiều nơi tổ chức hội đua thuyền. Nhưng phần lớn là trò đua tài giải trí. Hội đua thuyền ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) còn phát huy bản sắc thuần phong mỹ tục của tổ tiên bao đời truyền lại. Hằng năm cứ đến ngày mồng 4 Tết Nguyên đán, nhân dân hai xã của huyện đảo Lý Sơn tưng bừng mở hội đua thuyền tại đình làng để tri ân các vị thần linh đã phù hộ cho dân làng bình an, thịnh vượng cũng như kính cẩn lòng thành đến các vị “Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cư”.
Chẳng biết rõ tự bao giờ đã có hội đua thuyền như thế. Chỉ biết rằng vào năm 1604, các vị Tiền hiền ở phường An Hải (nay thuộc xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) và các vị Tiền hiền ở phường An Vĩnh (nay thuộc xã Tịnh Kỳ, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) ra đảo khai hoang lập nghiệp, định cư lâu dài. Chừng 200 năm sau thì hội đua thuyền được tổ chức. Cho dù đất nước trải qua bao thăng trầm lịch sử, hội đua thuyền hằng năm vẫn được tổ chức và còn giữ gìn mãi đến ngày nay.
Mỗi xã thành lập một đội thuyền gồm 4 chiếc. Mỗi xã có 4 xóm, mỗi xóm có một thuyền đua được mang tên một con vật trong tứ linh (Long , Ly (Lân), Quy, phượng (phụng). Thuyền đua kích thước dài từ 9 – 10m. Ở giữa thuyền rộng nhất từ 1,3 – 1,5m. Mỗi thuyền thường có 10 khoang, nhân đôi chỗ ngồi cho 20 dân trai bơi, có một người đứng giữa đánh nhịp (nhịp hiệu lệnh) và một người tát nước. Thuyền được một tổng lái chính và hai tổng lái phụ thay nhau cứ hai người điều khiển. Thuyền đua đóng theo dáng thon và nhẹ, được người thợ đóng thuyền tính toán kỹ lưỡng từng phân. Vì đua thuyền trên biển nên thuyền phải vững, thành thuyền được làm bằng ván có độ cao chừng 3dm,. Đặc biệt mỗi thuyền được chạm khắc đầu, đuôi theo biểu tượng con vật của từng thuyền. Qua bàn tay chạm trổ kỳ công của người thợ tài hoa, biểu tượng từng con vật tứ linh được tô vẽ hết sức sinh động. Mỗi khi đưa thuyền xuống biển để đua, đầu đuôi mới được gắn vào.
Sau cuộc tế lễ tại đình để tưởng nhớ tổ tiên, các vị Tiền hiền khai sáng đảo, ba hồi trống tựu vang lên thế là 4 thuyền vào vị trí xuất phát, chuẩn bị cho cuộc đua tài. Khi tiếng trống lệnh vang lên, trong âm thanh nhất loạt từng thuyền bởi tiếng mõ lệnh và tiếng hô bơi trầm hùng, cờ phất tiến các thuyền lao đi trong thế tiến công giữa sự cổ vũ náo nhiệt của mọi người dân xứ đảo, từ em bé đến cụ già tóc bạc phơ trong sắc màu rực rỡ như rừng hoa mùa xuân lung linh cả đoạn bờ biển dài gần cây số.
Con thuyền lao đi, ta tưởng như con vật tứ linh nhẹ nhàng lướt trên sóng biển bồng bềnh. Tao sự hồi hộp là thuyền có thể về nhất nhưng tổng lái không giữ vững chèo do sơ ý hoặc do sóng lớn làm chìm thuyền và thế là dễ về sau chót. Vì thế bắt đầu cuộc đua đến phút cuối đủ 4 vòng đua là những phút giây lo lắng, đợi chờ. Suốt cuộc đua các vận động viên không chỉ dùng sức mạnh mà người tổng lái còn phải vận dụng tài trí đoán từng đợt sóng mà chọn con đường đi tốt nhất.
Sau 4 ngày đua thuyền ở mỗi xã (từ mồng 4 đến mồng 7), ngày mồng 8 hội đủ 8 đội thuyền của 2 xã bơi hội. Đây là cuộc tranh tài đầy ly kỳ hấp dẫn. Sau lần đua thứ nhất chọn ra 4 chiếc về đích trước đua lần hai để trao giải vô địch.
Với đời sống tâm linh của người dân sông nước, một thời dân làng đã quan niệm năm nào ngày đầu mở hội đua thuyền mà thuyền đua của xóm nào về đích trước (về nhất) thì xóm đó gặp nhiều may mắn. Hay những truyền thuyết như con rồng ra đời để chầu vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long. Vì thế thuyền Rồng đi nhất đầu năm thì năm đó mùa màng bội thu, quê hương thanh bình, thịnh vượng. Con quy (con rùa) ra đời để dâng gươm cho Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh. Mười năm mới giành thắng lợi. Vì thế thuyền Quy đi nhất đầu năm thì phải ra sức lao động sản xuất, phòng chống thiên tai cuối năm cũng phát tài, phát lộc. Còn không thì chẳng lấy gì làm sung sướng. Phải chăng đó cũng là quy luật tất yếu. Còn có sự trùng hợp ngẫu nhiên nhiều năm mà người dân đúc kết thành câu ca:
Bốn thuyền ra sức bơi đua
Thuyền Phụng đi nhất được cá tôm...
Dù những đúc kết có khi không đúng, nhưng biểu tượng tứ linh mỗi thuyền đua của người dân xứ đảo đều hướng về những anh hùng dân tộc. Lòng yêu quê hương đất nước càng được khắc sâu và lưu truyền cho con cháu mai sau.Thuyền Phụng đi nhất được cá tôm...
Dù làm ăn xa ở đâu cứ mỗi độ xuân về tết đến những người con xứ đảo đều về thăm nơi chôn rau cắt rốn. Nơi ấy có lễ hội đua thuyền luôn ấp ủ trong ký ức suốt cuộc đời mình mà từ xa xưa ông bà đã truyền lại.
Hội xuân có tự bao giờ
Anh như trẻ lại đợi chờ hội xưa
Nắng nhuộm nắng , mưa đội mưa
Chưa xem đua hội là chưa yên lòng
Trời xanh kéo mái đình cong
Nước xanh níu mái chèo vòng hội bơi
Nồm non xuân chín. Môi ngời
Mắt em lúng liếng chở trời đầy sao
Quả bòng nhảy nhót lên cao
Nhảy qua áo thắm, lọt vào tay anh
Nắng nõn nà, chiều tàn nhanh
Giọt xuân cười cợt hương chanh thơm chờ
Hội xuân đom đóm lập lờ
Em phô áo mỏng bất ngờ mùa sang
Ánh trăng ngày cũ vắt ngang
Anh ngồi gỡ nhớ đợi làng hội xuân.
Hồn quê ngày Tết quê tôi còn ở món bánh!Anh như trẻ lại đợi chờ hội xưa
Nắng nhuộm nắng , mưa đội mưa
Chưa xem đua hội là chưa yên lòng
Trời xanh kéo mái đình cong
Nước xanh níu mái chèo vòng hội bơi
Nồm non xuân chín. Môi ngời
Mắt em lúng liếng chở trời đầy sao
Quả bòng nhảy nhót lên cao
Nhảy qua áo thắm, lọt vào tay anh
Nắng nõn nà, chiều tàn nhanh
Giọt xuân cười cợt hương chanh thơm chờ
Hội xuân đom đóm lập lờ
Em phô áo mỏng bất ngờ mùa sang
Ánh trăng ngày cũ vắt ngang
Anh ngồi gỡ nhớ đợi làng hội xuân.
Cứ mỗi độ tết đến xuân về thì nơi quê tôi nhà nhà đều làm bánh ít lá gai. Thứ bánh nó đã trở thành đặc sản. Nó không thể thiếu trong dâng cỗ ông bà vào năm mới. Nó đã đi vào lòng người bằng câu hát giao duyên ngọt ngào và tình tứ:
- Muốn ăn bánh ít lá gai
Nhưng lấy chồng đảo sợ dài lênh đênh
- Lênh đênh thì có anh bên
Thuyền đi như võng bồng bềnh mẹ ru.
Giữa các loại bánh nhiều màu sắc, đủ hình dạng, chiếc bánh ít đơn sơ giản dị nhưng được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Rồi nó được chủ chân tình mời khách ăn bởi nó vừa ngon, vừa lành, đậm hương vị mộc mạc như chất người xứ đảo.
Chỉ cần nhìn bánh người ta đã biết tài làm bánh của chủ nhân. Phải chăng hòn đảo nhỏ nhoi nhưng có đến 24 toà dinh miếu đền chùa nên chiếc bánh gói đẹp nhất phải là chiếc bánh gói vuông vức hình nóc chùa.
Làm được chiếc bánh ít dẻo ngon đòi hỏi người làm phải thật thành thạo và thật lắm công phu. Ban đầu là tìm lá gai. Những chiếc lá hình tim không già quá mà cũng không non quá. Làm một trăm bánh phải hái đến hai, ba rổ lá. Lá rửa sạch, luộc chín, vắt cho thật ráo nước rồi đem vào cối giã. Nếu không có lá gai tươi thì lá gai khô cũng được nhưng không ngon bằng và phải giã gần cả ngàn chày mới nhuyễn lá gai. Bấy giờ đổ đường đen đã thắng đến độ dẻo vào. Giã nhẹ tay cho đều rồi mới rắc bột nếp vô. Thứ nếp thơm dẻo được giã và rây nhiều lần cho thật nhỏ. Rồi tiếp tục quết cả ngàn chày nữa. Gọi là quết vì bánh rất dẻo. Người có cơ bắp bền bĩ mới đủ sức quết. Quết đôi ba chày phải thoa dầu phụng sống để bớt dính và bánh sẽ ngon hơn. Nhân bánh thường dùng dừa vừa già đem nạo nhỏ và nấu chín với đường. Thêm đậu phụng rang giã bễ hai bỏ vào cùng với ít gừng và quế. Nhân được vo lại và bao bằng thứ bột vừa quết xong thành những viên tròn to vừa bằng quả chanh. Nhìn chiếc bánh xanh thẫm mượt mà đã thấy thèm rồi. Muốn bánh ngon nhiều phải được lăn mè ở ngoài. Lá chuối để gói bánh là những chiếc lá mướt dịu không quá già mà cũng không quá non. Thường được phơi trước một nắng hoặc nhúng nước sôi cho mềm. Bánh được gói thành hình tháp rồi đem hấp cách thuỷ. Bánh ít lá gai thật dẻo nhưng không dính răng. Cắn một miếng, hương vị ngọt ngào của đường, vị thơm của nếp, béo béo của dầu, bùi bùi của dừa và đậu phụng, hương cay cay của gừng và thơm thơm của quế tạo thành cảm giác ngon lành và quyến rũ mà không thứ bánh nào có được. Ai ăn qua một lần cũng luôn nhớ mãi.
Bánh ít lá gai không biết có từ lúc nào mà nó đã thấm sâu vào lòng người xứ đảo đến thế!. Còn gì thích bằng được mẹ nhờ ngồi trông chõ bánh ít đang hấp. Cái se se lạnh cuối đông ngồi bên bếp lửa hồng nghe mùi thơm của bánh toả ra mà như nghe hương vị ngọt ngào của ngày tết. Nếu phải xa nhà trong những ngày gần tết, tiếng quết bánh thình thịch cứ như vang vọng bên tai. Tiếng văng vẳng ấy còn là còn chiếc bánh ít lá gai trong tâm hồn người xứ đảo!
Mùa xuân này lại về trên khắp miền Tổ quốc. Mùa xuân truyền sức sống mới và niềm tin yêu cho con người. Hỏi ai không vui tươi khi mùa xuân đến? Riêng tôi mùa xuân của tuổi thơ ngọt ngào và đầm ấm vẫn quanh quẩn đâu đây. Bỗng nhiên tôi thèm được hít cái mùi thơm của bánh tết. Và ứa nước mắt vì thèm được nghe tiếng chày đóng bánh nổ "bộp, bộp…" tiếng quết bánh ít lá gai "thình thịch…" thân quen. Phải chăng đó là hồn quê ngày tết: QUÊ TÔI!
---------------------*****-------------------
Mai Duy Quý
Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi