BÀI CA DAO ''MƯỜI QUẢ TRỨNG''
Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn
Đi vay đi dạm, được một quan tiền
Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái
Về nuôi ba tháng; hắn đẻ ra mười trứng
Một trứng: ung, hai trứng: ung, ba trứng: ung,
Bốn trứng: ung, năm trứng: ung, sáu trứng: ung,
Bảy trứng: cũng ung
Còn ba trứng nở ra ba con
Con diều tha
Con quạ quắp
Con mặt cắt xơi
Chớ than phận khó ai ơi!
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây
(Ca dao Bình Trị Thiên)
Đây là bài ca dao được khá nhiều tác giả bình luận. Nhìn chung, họ đều gặp nhau ở một điểm: trong hoàn cảnh khốn cùng của cuộc sống, người nông dân vẫn lạc quan, tin tưởng vào ngày mai. Song nếu nhìn từ góc độ tư tưởng của triết lý âm - dương, chúng ta sẽ khám phá những điều bất ngờ và đầy thú vị ẩn chứa trong bài ca dao, đó là lối tư duy số lẻ và tính cách lạc quan, tin tưởng của người Việt Nam.
1. Tư duy số lẻ
Qua hình ảnh bảy quả trứng bị ung và ba chú gà con cũng không thể tránh khỏi số phận bi đát, ta bắt gặp một cặp số bảy và ba theo lối tư duy số lẻ.
Phải thừa nhận rằng, tư tưởng triết lý âm dương ảnh hưởng rất lớn đến tư duy, tính cách của người Việt Nam. Người Việt Nam rất thích dùng số lẻ, thậm chí đơn giản như việc tặng hoa, cắm hoa hằng ngày, họ cũng thường chú ý đến số lượng bông hoa: một, ba, năm, bảy, chín Vì sao vậy? Theo triết lý âm dương, số chẵn là âm, số lẻ là dương (cũng như hình vuông = âm, hình tròn = dương, lạnh = âm, nóng = dương , tối = âm, sáng = dương).
Không nằm ngoài lối tư duy truyền thống đó, cặp số bảy - ba ở bài ca dao trên minh chứng cho lối tư duy số lẻ của người Việt Nam. Tư duy số lẻ còn thể hiện trong hàng loạt cách nói ví von: ba chìm bảy nổi, ba hồn chín vía, ba lo bảy liệu, ba bè bảy mối, ba vành bảy vẻ,... Xét rộng ra, tư duy số lẻ không chỉ dừng lại ở cặp số bảy và ba mà còn thể hiện ở những cặp số khác như: ba mặt một lời, năm thê bảy thiếp, năm lần bảy lượt, hay một câu nhịn chín câu lành, một lời nói dối sám hối bảy ngày,...
Cũng không phải ngẫu nhiên mà khi lạc vào thế giới truyền thuyết, cổ tích, chúng ta thường bắt gặp mô-típ: "Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao,..." hay "vượt qua ba quả đồi, chín quả núi",... Tư duy số lẻ còn thấm sâu vào hồn thơ dân tộc, ví như Hồ Xuân Hương từng hạ bút:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
(Bánh trôi nước)
Hay trong "Giấc mơ anh lái đò" của thi sĩ Nguyễn Bính, con số 9 như là điểm trung tâm của bài thơ:
Đồn rằng đám cưới cô to
Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn chín nghìn cau
Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn
... Lang thang anh dạm bán thuyền
Có người trả chín quan tiền lại thôi ..
Rõ ràng, xuất phát từ nguồn gốc của tư tưởng triết lý âm dương, tư duy số lẻ không chỉ hình thành ngay trong cách nói hằng ngày mà còn trở thành một mô típ trong văn chương nghệ thuật.
2. Tính cách lạc quan, tự tin
Đoạn kết của bài ca dao:
Chớ than phận khó ai ơi!
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây
Tinh thần lạc quan, tin tưởng vào tương lai là một trong những tính cách của người nông dân Việt Nam. Tính cách ấy suy cho cùng, cũng được bắt nguồn từ tư tưởng triết lý âm - dương.
Theo quy luật của triết lý âm - dương thì "trong âm có dương, trong dương có âm", từ quy luật đó mà người Việt Nam suy luận: "trong họa có phúc", "trong rủi có may",... Hơn thế nữa, xuất phát từ quy luật âm dương chuyển hóa cho nhau "âm sinh dương, dương sinh âm" người Việt chúng ta hiểu rất rõ những quan niệm: "yêu nhau lắm, cắn nhau đau", "trèo cao ngã đau", "bĩ cực thái lai",... Điều đó cũng có nghĩa, bất kỳ việc gì đều phải có điểm dừng, không quá thấp và không quá cao. Nói cách khác, đó chính là sự thể hiện của "triết lý sống quân bình". Và chính triết lý sống quân bình này đã tạo nên tính cách lạc quan, tự tin ở người Việt, họ không nản chí trước khó khăn, họ luôn tin tưởng vào ngày mai tốt đẹp bởi lẽ "triết lý sống quân bình" đã thấm sâu vào máu thịt họ, tinh thần tự tin lạc quan đã nằm sâu trong ý thức của họ.
"Mười quả trứng" là bài ca dao thể hiện sâu sắc tính cách ấy. Mặc dù tài sản duy nhất "mười quả trứng" cuối cùng lại trở về là con số 0 thậm chí còn âm vì chủ sở hữu của nó phải "đi vay, đi dạm, ...". Song người nông dân Việt Nam vẫn tin tưởng, vẫn hy vọng vào tương lai tươi sáng.
3. Thay lời kết:
Tác giả bài viết này xin được bổ sung thêm một câu "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời".
Lại là niềm hy vọng và tính cách lạc quan - có thể nói đã trở thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn
Đi vay đi dạm, được một quan tiền
Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái
Về nuôi ba tháng; hắn đẻ ra mười trứng
Một trứng: ung, hai trứng: ung, ba trứng: ung,
Bốn trứng: ung, năm trứng: ung, sáu trứng: ung,
Bảy trứng: cũng ung
Còn ba trứng nở ra ba con
Con diều tha
Con quạ quắp
Con mặt cắt xơi
Chớ than phận khó ai ơi!
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây
(Ca dao Bình Trị Thiên)
Đây là bài ca dao được khá nhiều tác giả bình luận. Nhìn chung, họ đều gặp nhau ở một điểm: trong hoàn cảnh khốn cùng của cuộc sống, người nông dân vẫn lạc quan, tin tưởng vào ngày mai. Song nếu nhìn từ góc độ tư tưởng của triết lý âm - dương, chúng ta sẽ khám phá những điều bất ngờ và đầy thú vị ẩn chứa trong bài ca dao, đó là lối tư duy số lẻ và tính cách lạc quan, tin tưởng của người Việt Nam.
1. Tư duy số lẻ
Qua hình ảnh bảy quả trứng bị ung và ba chú gà con cũng không thể tránh khỏi số phận bi đát, ta bắt gặp một cặp số bảy và ba theo lối tư duy số lẻ.
Phải thừa nhận rằng, tư tưởng triết lý âm dương ảnh hưởng rất lớn đến tư duy, tính cách của người Việt Nam. Người Việt Nam rất thích dùng số lẻ, thậm chí đơn giản như việc tặng hoa, cắm hoa hằng ngày, họ cũng thường chú ý đến số lượng bông hoa: một, ba, năm, bảy, chín Vì sao vậy? Theo triết lý âm dương, số chẵn là âm, số lẻ là dương (cũng như hình vuông = âm, hình tròn = dương, lạnh = âm, nóng = dương , tối = âm, sáng = dương).
Không nằm ngoài lối tư duy truyền thống đó, cặp số bảy - ba ở bài ca dao trên minh chứng cho lối tư duy số lẻ của người Việt Nam. Tư duy số lẻ còn thể hiện trong hàng loạt cách nói ví von: ba chìm bảy nổi, ba hồn chín vía, ba lo bảy liệu, ba bè bảy mối, ba vành bảy vẻ,... Xét rộng ra, tư duy số lẻ không chỉ dừng lại ở cặp số bảy và ba mà còn thể hiện ở những cặp số khác như: ba mặt một lời, năm thê bảy thiếp, năm lần bảy lượt, hay một câu nhịn chín câu lành, một lời nói dối sám hối bảy ngày,...
Cũng không phải ngẫu nhiên mà khi lạc vào thế giới truyền thuyết, cổ tích, chúng ta thường bắt gặp mô-típ: "Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao,..." hay "vượt qua ba quả đồi, chín quả núi",... Tư duy số lẻ còn thấm sâu vào hồn thơ dân tộc, ví như Hồ Xuân Hương từng hạ bút:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
(Bánh trôi nước)
Hay trong "Giấc mơ anh lái đò" của thi sĩ Nguyễn Bính, con số 9 như là điểm trung tâm của bài thơ:
Đồn rằng đám cưới cô to
Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn chín nghìn cau
Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn
... Lang thang anh dạm bán thuyền
Có người trả chín quan tiền lại thôi ..
Rõ ràng, xuất phát từ nguồn gốc của tư tưởng triết lý âm dương, tư duy số lẻ không chỉ hình thành ngay trong cách nói hằng ngày mà còn trở thành một mô típ trong văn chương nghệ thuật.
2. Tính cách lạc quan, tự tin
Đoạn kết của bài ca dao:
Chớ than phận khó ai ơi!
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây
Tinh thần lạc quan, tin tưởng vào tương lai là một trong những tính cách của người nông dân Việt Nam. Tính cách ấy suy cho cùng, cũng được bắt nguồn từ tư tưởng triết lý âm - dương.
Theo quy luật của triết lý âm - dương thì "trong âm có dương, trong dương có âm", từ quy luật đó mà người Việt Nam suy luận: "trong họa có phúc", "trong rủi có may",... Hơn thế nữa, xuất phát từ quy luật âm dương chuyển hóa cho nhau "âm sinh dương, dương sinh âm" người Việt chúng ta hiểu rất rõ những quan niệm: "yêu nhau lắm, cắn nhau đau", "trèo cao ngã đau", "bĩ cực thái lai",... Điều đó cũng có nghĩa, bất kỳ việc gì đều phải có điểm dừng, không quá thấp và không quá cao. Nói cách khác, đó chính là sự thể hiện của "triết lý sống quân bình". Và chính triết lý sống quân bình này đã tạo nên tính cách lạc quan, tự tin ở người Việt, họ không nản chí trước khó khăn, họ luôn tin tưởng vào ngày mai tốt đẹp bởi lẽ "triết lý sống quân bình" đã thấm sâu vào máu thịt họ, tinh thần tự tin lạc quan đã nằm sâu trong ý thức của họ.
"Mười quả trứng" là bài ca dao thể hiện sâu sắc tính cách ấy. Mặc dù tài sản duy nhất "mười quả trứng" cuối cùng lại trở về là con số 0 thậm chí còn âm vì chủ sở hữu của nó phải "đi vay, đi dạm, ...". Song người nông dân Việt Nam vẫn tin tưởng, vẫn hy vọng vào tương lai tươi sáng.
3. Thay lời kết:
Tác giả bài viết này xin được bổ sung thêm một câu "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời".
Lại là niềm hy vọng và tính cách lạc quan - có thể nói đã trở thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam.