Bài 1: Viết chữ

  • Thread starter Thread starter vosong
  • Ngày gửi Ngày gửi

vosong

New member
Xu
0
TIẾNG VIỆT THỰC HÀNH​

BÀI 1: VIẾT CHỮ​


Chữ viết của mỗi dân tộc tạo thành một hệ thống và có những quy tắc chính tả riêng. Muốn viết đúng tiếng Việt, ta phải theo những quy tắc của tiếng Việt.

Chính tả, theo nghĩa hẹp, là cách viết đúng các âm, vần, tiếng và từ. Hiểu nghĩa rộng, chính tả còn bao gồm cách viết hoa, viết tắt, cách viết tên riêng tiếng Việt và tên riêng tiếng nước ngoài.

Trước khi nói đến những quy tắc chính tả tiếng Việt, ta xác định lại nghĩa của một số thuật ngữ thông dụng.

I. ĐỊNH NGHĨA THUẬT NGỮ

1. Âm: khi nói, luồng hơi phát sinh từ phổi, rung các dây thanh ở họng, qua khoang miệng hoặc khoang mũi mà tạo thành âm.

a. Nguyên âm: Nguyên âm do luồng hơi thoát ra tự do mà tạo thành. Trong chính tả, nguyên âm có thể mang dấu. Tiếng Việt có 11 nguyên âm dơn là A, Ă, Â, E, Ê, I/Y, O, Ô, Ơ, U, Ư, và 3 nguyên âm đôi là IÊ/IA, ƯƠ/ƯA, UÔ/UA.

Nguyên âm đơn có đặc điểm là giữ nguyên chữ trong khi viết, trừ I có khi viết Y. Nguyên âm đôi không giữ nguyên chữ khi viết. Viết IÊ, ƯƠ, UÔ khi có âm cuối (liên, lương, luôn). Viết IA, ƯA, UA khi không có âm cuối (chia, chưa, chua).

b. Phụ âm: Phụ âm do luồng hơi bị cản ở lưỡi, răng hoặc môi tạo ra. Trong chính tả, phụ âm không mang dấu. Tiếng Việt có 23 phụ âm là B, C/K/Q, CH, D, Đ, G/GH, GI, H, KH, L, M, N, NH, NG/NGH, P, PH, R, S, T, TH, TR, V, X.

2. Chữ cái: Chữ cái dùng để ghi âm.Theo quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục, bảng chữ cái tiếng Việt gồm 33 chữ cái sắp xếp theo thứ tự sau:A, Ă, Â, B, C, D, Đ, E, Ê, (F), G, H, I, (J), K, L, M, N, O, Ô, Ơ, P, Q,R, S, T, U, Ư, V, (W), X, Y, (Z).

Các chữ cái trong ngoặc đơn là F, J, W, Z chỉ được dùng để viết tên nước ngoài và thuật ngữ có gốc nước ngoài.

3. Tiếng: Tiếng do một hay nhiều âm phát ra cùng một lúc tạo thành. Tiếng có âm đầu, vần và thanh. Vần có âm đệm, âm chính, thanh và âm cuối.

Ví dụ: Tiếng “TOÀN” có phụ âm đầu là T, vần là OAN và thanh huyền. Vần OÀN có âm đệm là O, âm chính là A với dấu huyền ở trên, và phụ âm cuối là N.

Trong năm yếu tố tạo thành tiếng, có những yếu tố có thể vắng mặt như âm đầu, âm đệm, âm cuối. Nhưng âm chính và dấu thì khi nao cũng có.

4. Chữ: Chữ dùng để ghi tiếng. Trước kia, tổ tiên ta dùng chữ Hán và chữ Nôm để ghi tiếng. Sau này, ta dùng chữ quốc ngữ để ghi tiếng. Do vậy, ta có thể nói chữ do một hay nhiều chữ cái họp lại mà tạo thành.

5. Từ: Từ gồm một tiếng hoặc một tổ hợp tiếng có nghĩa hoàn chỉnh. Xét theo nguồn gốc, ta có từ Hán Việt và từ thuần Việt. Căn cứ vào cách cấu tạo, ta có từ láy và từ ghép.

a. Từ thuần Việt và từ Hán Việt

Từ thuần Việt là từ riêng của người Việt Nam, hoặc do người Việt mượn tiếng nói của những dân tộc không phải dân tộc Hán mà tạo thành. Từ Hán Việt là từ có gốc ở tiếng Hán, do người Việt mô phỏng âm Hán cổ mà đọc chệch ra âm Hán Việt. Từ Hán Việt chiếm hơn 60% kho từ vựng của ta. Để có thể áp dụng đúng những quy tắc chính tả sẽ được trình bày ở bài sau, ta cần tìm hiểu cách phân biệt từ thuần Việt và từ Hán Việt.

Trước hết, cấu trúc danh từ Hán Việt thường nghịch với cấu trúc danh từ thuần Việt. Ví dụ: Theo cấu trúc của danh từ thuần Việt, ta nói “điểm yếu”, “lầu xanh”, nhưng theo cấu trúc của danh từ Hán Việt, ta viết “nhược điểm”, “thanh lâu”. Lại nữa, trong khi kết hợp với những từ khác để tạo thành nhóm từ, từ Hán Việt không thể hoạt động một cách tự do như từ thuần Việt. Ta có thể nói “một đồng”, “một người”, “một cuốn sách”… Trái lại, “một” trong Hán Việt chỉ xuất hiện trong “mai một”, “nhất” Hán Việt (nghĩa là “một” thuần Việt) chỉ có thể kết hợp hạn chế với một số từ như “định” (nhất định), “duy” (duy nhất)… Ta không thể nói tôi có nhất vợ, nhất con.

b. Từ ghép và từ láy

Từ ghép do hai hoặc ba tiếng rõ nghĩa tạo nên.

Ví dụ: tươi tỉnh, giam giữ, đất nước, hợp tác xã…

Như vậy, các tiếng trong từ ghép có quan hệ với nhau về ý nghĩa. Còn các tiếng trong từ láy có quan hệ với nhau về âm thanh, vì thường trong từ láy chỉ có một tiếng rõ nghĩa.

Ví dụ: Đo đỏ (điệp âm đầu, điệp âm chính, láy dấu), lủng củng (điệp vần, đối phụ âm đầu, cả hai tiếng “lủng” và “củng” đều không rõ nghĩa nếu đứng tách rời ra)…

Ta cần phân biệt từ láy với từ ghép để vận dụng đúng các mẹo luật về chính tả sẽ được nói đến ở bài sau.

Nguồn: Trích "Tiếng Việt thực hành" của tác giả Hà Thúc Hoan
 
II. VIẾT DẤU HỎI, DẤU NGÃ

Viết sai dấu hỏi và dấu ngã là lỗi chính tả phổ biến nhất. Bởi lẽ, đa số người Việt không phân biệt được tiếng có dấu hỏi và tiếng có dấu ngã trong khi phát âm. Thêm vào đó, hai dấu này gần như luôn luôn xuất hiện trên các dòng chữ, làm cho người viết có thể phạm lỗi viết sai hỏi ngã ở bất kỳ chỗ nào trên trang giấy.

Học thuộc lòng và dùng mẹo luật là hai biện pháp giúp ta viết đúng dấu hỏi và dấu ngã.

1. Học thuộc lòng

Trong tiếng Việt, từ có dấu hỏi nhiều hơn từ có dấu ngã. Do vậy, cách học thuộc long thong minh là chỉ nhớ những từ có dấu ngã, những từ còn lại không cần học cũng biết chắc là có dấu hỏi. Cách học thuộc long khôn ngoan hơn nữa là ghi nhớ những từ có dấu ngã có tần số xuất hiện cao, sau đó học them những từ còn lại.

a. Những từ có dấu ngã có tần số xuất hiện cao nhất


Trong Vài thí nghiệm biên soạn danh sách tần số các âm tiết đối với tiếng Việt, V.Remartsuc và P.Majagonov đã đưa ra 319 từ thường dùng nhất của tiếng Việt. Theo hai tác giả này, đó là những từ đã chiếm hơn 50% số lượng tất cả những từ thường xuất hiện trong văn bản tiếng Việt. Trong 319 từ ấy, có 13 từ sau đây có dấu ngã: CHỖ, CŨNG (cũng vậy), ĐÃ (đã rồi), GIỮ, GIỮA, LẼ (lý lẽ), MÃI (mãi mãi), MỖI, NỖI (nỗi niềm), NỮA (học nữa), NHỮNG, SẼ (sẽ về), VẪN (vẫn còn). (Dẫn theo Phan Ngọc, Chữa lỗi chính tả cho học sinh, Giáo dục, Hà Nội, 1982).

Như vậy, nếu học thuộc lòng 13 từ có dấu ngã có tần số xuất hiện cao nhất này, chúng ta cũng có thể hạn chế được gần 50% lỗi hỏi ngã.

Trong Chữa lỗi chính tả cho học sinh, căn cứ vào 2.000 từ thường dùng, Phan Ngọc đã liệt kê 62 từ có dấu ngã có tần số xuất hiện cao. Tác giả cho rằng , nếu học thuộc 62 từ dưới đây, ột học sinh phổ thong sẽ tránh được khoảng 90% lỗi viết sai hỏi ngã. (Tài liệu được tác giả dùng làm thống kê và là những văn bản gần với trình dộ học sinh cấp 1, cấp 2. Cho nên những kết luận rút ra chỉ có giá trị tương đối. Ở cấp đại học, tùy loại sách báo làm thống kê mà có thể rút ra những kết luận khác nhau. Ví dụ, nếu lấy Bộ luật hình sự (Pháp lý, Hà Nội, 1992) làm thống kê, chúng tôi chỉ tìm gặp ở đây 48 chữ có dấu ngã với 931 lần xuất hiện. Trong số này, những từ có tần số xuất hiện cao nhất là XÃ HỘI(158 lần), NGHĨA (116 lần), NHỮNG (94 lần), ĐÃ (87 lần), VŨ TRANG (37 lần), SỬA CHỮA (25 lần).

BÃO (bão bùng), BÃI (bãi biển), BÃI (bãi cỏ), BỮA (bữa ăn), CÃI (cãi cọ), CHỖ, CỖ (cỗ bàn), CỠ, CŨ (cũ càng), CŨNG (cũng vậy), DÃ, DŨNG, DỮ, ĐÃ (đã rồi), ĐẪM, ĐĨA (đĩa bát), ĐŨA, GIỮ, GỖ, HÃY, HỄ (hễ còn), HỖN (hỗn hợp), HỮU (hữu ích), HỮU (bằng hữu), KỸ (kỹ thuật), LÃNH (lãnh đạo), LÃO (phụ lão), LẼ (lý lẽ), LỖ (lỗ lời), LŨ (lũ lụt), LŨ (lũ lượt), LŨY, LƯỠI, MÃI (mãi mãi), MÃNH (mãnh liệt), MẪU (mẫu giáo), MỸ (mỹ thuật), MỖI, MỠ (mỡ màng), MŨ (mũ áo), MŨI (mặt mũi), NGã (ngã ngửa), NGHĨ (nghĩ ngợi), NGÕ (ngõ ngách), NGŨ (ngũ cốc), NHÃ (nhã nhặn), NHỮNG, NỖI (nỗi niềm), NỮA (học nữa), RÕ (rõ ràng), SẼ (sẽ về), SĨ (sĩ quan), TRĨU, VẪN (vẫn còn), VẼ (vẽ vời), VĨ (vĩ đại), VÕNG (võng lọng), VỠ (tan vỡ), VŨ, VŨNG, XÃ (xã hội). (trích Phan Ngọc, Sđd, trang 96).

b. Những từ có dấu ngã thường gặp

Năm học …, có 5 sinh viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã thống kê tần số xuất hiện của những từ có dấu ngã thường gặp. Tài liệu thống kê là bảy tập sách văn học của các lớp 9, 10, 11, 12 do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành từ năm 1985 trở về trước. Kết quả là, trên 1.200 trang sách, các sinh viên đã tìm gặp khoảng 300 từ có dấu ngã với 21.702 lần xuất hiện. Trong số này, có khoảng 100 từ có tần số xuất hiện từ 20 lần trở lên. Những từ này đã xuất hiện 20.430 lần. Từ đó, ta có thể nghĩ rằng, nếu học thuộc lòng khoảng 100 từ này, học sinh có thể viết đúng hơn 90% những từ có dấu ngã thường xuất hiện trên trang sách văn học phổ thong. (Riêng 3 từ NHỮNG, ĐÃ, CŨNG đã có tần số lần lượt là 2685, 2610, 1659, chiếm hơn 30% tổng số những từ có dấu ngã xuất hiện trong bảy cuốn sách).

2. Dùng mẹo luật

Trước CMT8, Nguyễn Đình đã công bố trên báo Tao Đàn những phát hiện về luật bổng trầm có lien quan đến việc viết đúng hỏi ngã những từ láy. Từ đó đến nay, nhiều nhà nghiên cứu, tiêu biểu là Lê Ngọc Trụ, đã bổ sung và hoàn thiện các mẹo luật về hỏi ngã. Trong phạm vi bài này, chúng ta tìm hiểu 3 mẹo luật tiêu biểu dưới đây:

a. Luật “anh Huyền, Ngã, Nặng, Hỏi dao Sắc Không”

Mẹo luật này áp dụng vào từ láy, có 3 nội dung dưới đây:

- Gặp một từ láy, không biết viết hỏi hay ngã, ta viết Ngã nếu một trong hai tiếng của từ láy có dấu Huyền hoặc dấu Nặng.

Ví dụ: Bão bùng, bầu bĩnh, bẽ bang, dãi dầu, dòng dõi, hãi hung, kỹ càng, lõa lồ, mỹ miều, não nùng, rõ ràng…

Chặt chẽ, gãy gọn, gặp gỡ, lặng lẽ, mạnh mẽ, não nuột, nũng nịu, quạnh quẽ, rộng rãi, sạch sẽ …

Ngoại lệ: Bền bỉ, hoài hủy, hồ hởi, niềm nở, nài nỉ, mìh mẩy, phỉnh phờ, vỏn vẹn …


- Gặp một từ láy, không biết viết hỏi hay ngã, ta viết Hỏi nếu một trong hai tiếng của từ láy có dấu Sắc hoặc dấu Ngang (không đánh dấu).

Ví dụ: Bảnh bao, đảm đang, lẻ loi, lửng lơ, mê mẩn, nỉ non, ngẩn ngơ, quanh quẩn, thơ thẩn, tỉ tê, trong trẻo, ủ ê, …

Bướng bỉnh, đắt đỏ, gắt gỏng, hất hủi, hối hả, khấp khởi, nhảm nhí, rẻ rung, sang sủa, …

Ngoại lệ: Khe khẽ , ngoan ngoãn, nông nổi, se sẽ, ve vãn, …


- Gặp một từ láy điệp vần, không biết viết hỏi hay ngã, ta viết Ngã nếu một trong hai tiếng của từ láy có dấu Ngã, ta viết Hỏi nếu một trong hai từ láy có dấu Hỏi.

Ví dụ: Bẽn lẽn, lẽo đẽo, lễ mễ, lỗ chỗ, lõm bõm, lững thững, …

Bủn rủn, lổ đổ, lảo đảo, lủng củng, lỉnh kỉnh,…


Lưu ý: Từ ghép và từ Hán Việt không chịu sự chi phối của luật bổng trầm. Ví dụ: Giải đãi, giam giữ, lam lũ, lý lẽ, lở dở, mệt mỏi, sửa chữa, sừng sỏ, trơ trẽn, ủ rũ, …


b. Luật “Mình Nên Nhớ Viết Liền Dấu Ngã”


Luật “Mình Nên Nhớ Viết Liền Dấu Ngã” áp dụng vào từ Hán Việt, có nội dung như sau:

- Gặp một từ Hán Việt, không biết viết ngã hay hỏi, ta viết Ngã nếu từ ấy có phụ âm đầu là: M, N, Nh, V, L, D, Ng/Ngh.

Ví dụ:

M: Mãn khóa, mãnh hổ, mẫn cảm, mẫu số, mỹ cảm, miễn phí,…
N: Truy nã, trí não, nỗ lực, noãn sào, nữ nhi,…
NH: thanh nhã, nhãn hiệu, nhẫn nại, ô nhiễm, nhũng nhiễu, …
V: vãn cảnh, vãng lai, vĩnh viễn, vĩ tuyến, vũ lực, …
L: Lãnh đạo, lãng mạn, lão thành, liễu dương, lễ độ,…
D: Dã man, dĩ nhiên, dĩnh ngộ, diễn đạt, bồi dưỡng,…
NG/NGH: Bản ngã, ngôn ngữ, tín ngưỡng, đội ngũ, nhân nghĩa,…


Những từ Hán Việt còn lại có dấu hỏi, trừ các ngoại lệ sau đây: Bãi khóa, hoài bão, vận bĩ, cưỡng bức, chiêu đãi, quang đãng, phóng đãng, hiếu đễ, kinh hãi, hãm hại, kiêu hãnh, hoãn binh, hỗ tương, hỗn hợp, hữu ích, bằng hữu, huyễn hoặc, kỹ sư, phẫn nộ, giải phẫu, quẫn bách, thủ quỹ, thi sĩ, bệnh suyễn, tiễn biệt, thực tiễn, tiễu trừ, thanh tĩnh, tuẫn tiết, chim trĩ, mâu thuẫn, xã hội,…

c. Luật “Lãi, lời, Lợi, Tản, Tán, Tan”

Luật này áp dụng cho cả từ Hán Việt lẫn từ thuần Việt, có nội dung như sau:

- Gặp một từ không biết viết hỏi hay ngã, ta viết Ngã nếu từ ấy đồng nghĩa hay gần nghĩa với một từ khác có dấu Huyền hay dấu Nặng.

Ví dụ: Bõ-bù, cũng-cùng, cỗi-còi, chĩa-chìa, dẫu-dầu, đã-đà, hang-hàng, lãi-lời, ngỡ-ngờ,…

Cỗi-cội, chõi-chọi, dễ-dị, đãi-đợi, đỗ-đậu, giẫm-giậm, lãi-lợi, mẫu-mẹ, trĩu-trịu,…
- Gặp một từ không biết viết hỏi hay ngã, ta viết Hỏi nếu từ ấy đồng nghĩa hay gần nghĩa với một từ khác có dấu Sắc hoặc dấu Ngang (không đánh dấu).

Ví dụ: Bảo-báo, đả-đá, dải-đái, hả-há, lẻn-lén, miểng-miếng, phản-ván, phổi-phế,…

Cản-can, chẳng-chăng, chửa-chưa, dải-đai, quẳng-quăng, vểnh-vênh,…

Ngoại lệ: Bả-bà, chỉ-chị, lõm-lóm, lẽ-lý,…


Nguồn: Trích "Tiếng Việt thực hành" của tác giả Hà Thúc Hoan
 
III. VIẾT NGUYÊN ÂM, PHỤ ÂM

Sau lỗi viết sai hỏi ngã, lỗi chính tả thường gặp ở học sinh là viết sai nguyên âm và phụ âm, chủ yếu là sai phụ âm đầu và phụ âm cuối. Trên nguyên tắc, ta theo cách phát âm để viết đúng các nguyên âm và phụ âm. Nhưng khó khăn là người Việt ở vùng nào cũng không thể phát âm chuẩn tất cả các âm của tiếng Việt. Do vậy, muốn viết đúng nguyên âm và phụ âm, ta sử dụng các biện pháp dưới đây:

1. Học thuộc lòng

a. Người Bắc bộ học thuộc long một số từ để tránh sự lẫn lộn các nguyên âm và phụ âm:

- Ư và I: Viết “nghiên cứu”, không viết “nghiên kíu”,…
- L và N: Viết “làm sao”, không viết “nàm sao”,…
- S và X: Viết “sử dụng”, không viết “xử dụng”,…
- Tr và Ch: Phân biệt “con trai” với “vết chai”,…

b. Người Trung bộ và Nam bộ học thuộc long một số từ để tránh nhầm lẫn giữa các nguyên âm và phụ âm:

- IÊ và I: Viết “lúa chiêm, không viết “lúa chim”, …
- C và T: Phân biệt “màu sắc” với “sắt son”,…
- N và Ng: Phân biệt “nồng nàn” với “cô nàng”,…
- N và Nh: Phân biệt “niềm tin” với “yêu tinh”,…

c. Người cả nước học thuộc long một số từ để tránh sự ẫn lộn giữa phụ âm đầu D và GI:

Ví dụ: Phân biệt “dai sức” với “giai nhân”, “dao động” với “giao chiến”, “dàn trải” với “giàn bầu”, “dấu vết” với “che giấu”, “sợi dây” với “phút giây”, “dường như” với “giường ngủ”,…

2. Dùng mẹo luật

Trong Chữa lỗi chính tả cho học sinh, Phan Ngọc đã đưa ra nhiều mẹo luật để viết đúng phụ âm đầu và phụ âm cuối. Ở đây, chúng ta chỉ tìm hiểu một vài mẹo luật đơn giản, dễ nhớ.

a. Luật “Giao Tranh Cho Tôi Cầm”

Ta dùng luật này để viết đúng phụ âm đầu GI của một số chữ. Căn cứ vào những phụ âm đầu của 5 từ vừa nêu trên, ta phát biểu luật như sau:

- Gặp một từ không biết viết D hay Gi, ta viết Gi nếu từ ấy có nghĩa gần giống với nghĩa của một từ khác có phụ âm đầu là TR, CH, T, C/K.

Ví dụ:
GI: và TR: Giành-tranh, giao-trao, giở-trở, giương-trương,…
GI và CH: Giấu-che, giấy-chỉ, gì-chi, giống-chủng, giẽ lúa – chẽ lúa,..
GI và T: Giã-tạ, giặc-tặc, giếng-tỉnh, giọng-tiếng,…
GI và C/K: Giác-cắc, giăng-căng, giềng mối-cương thường, giỗ-kỵ,…

b. Luật “Dặn Đến Nhà Thương”

Luật này giúp ta viết đúng phụ âm đầu D của một số chữ. Căn cứ vào những phụ âm đầu của 4 chữ vừa nêu trên, ta có thể diễn đạt luật như sau:

- Gặp một từ không biết viết D hay GI, ta viết D nếu từ ấy có nghĩa gần giống với nghĩa của một từ khác có phụ âm đầu là Đ, Nh, Th.

Ví dụ:
D và Đ: Dải-đai, dao-đao, da-đa, dĩa-đĩa, dằn-đằn,…
D và Nh: Dồi-nhồi, dím-nhím, díp-nhíp, dung-nhúng, dút dát-nhút nhát,…
D và Th: Dây-thằng, dư-thừa, dược-thuốc,…

3. Theo truyền thống và quy định của Bộ giáo dục (1984)

Ta theo truyền thống và quy định của Bộ giáo dục để viết một số nguyên âm và phụ âm.

a. Theo truyền thống

Để ghi tả âm K, ta có 3 chữ cái là K, C, Q. Ta theo truyền thống để viết d9ug1 3 phụ âm ấy:

Ví dụ: Cung kính, kẻ cả, quốc ca…

Để ghi tả âm NG, chữ quốc ngữ dung các chữ cái NG, NGH. Ta theo thói quen từ trước để viết đúng các phụ âm đầu ấy.

Ví dụ: Ngào ngạt, nghỉ ngơi, nghe ngóng,…

b. Theo quy định của Bộ giáo dục (1984):

Để ghi tả âm I, Việt ngữ có 2 chữ cái là I và Y. Trước đây, theo truyền thống, ta thường viết Y sau các phụ âm như: K, L, M, T, Q.

Ví dụ: Kỷ niệm, lý luận, mỹ thuật, ty trưởng, quy định,…

Nhưng cách viết này không thống nhất. Có khi sau các phụ âm kể trên ta vẫn viết I.

Ví dụ: Li ti, họa mi, qui phạm,…

Năm 1984, Bộ giáo dục có quy định về cách viết âm I như sau:

- Nếu không có sự thay đổi về âm và nghĩa, trừ trường hợp Y đứng sau QU, hầu hết các từ có âm I ở cuối đều được viết thống nhất bằng I.

Ví dụ:
Cái tay, lỗ tai, Thúy Kiều
Quy định, quý báu, sơn thủy,…
Hi sinh, kỉ niệm, lí luận, thẩm mĩ,…

- Nếu I hoặc Y đứng một mình, đứng đầu từ hoặc ở giữa từ, ta viết theo thói quen cũ.

Ví dụ: Ý nghĩa, y tế, ầm ĩ, yêu thương, Nguyễn Khuyến, …

Nguồn: Trích "Tiếng Việt thực hành" của tác giả Hà Thúc Hoan
 
Tại sao người ta lại ghép từ "gà" với từ "qué"? Tại sao lại là từ "cá" với từ "mú"? Sao lại không phải là "gà mú" và "cá qué"? Thắc mắc ghê?
 
cái này chịu thôi, có biết gì đâu, thấy người ta đọc quen miệng rồi, vd như "vú ví", "xe cộ", "đi lại". Chỉ biết hình như đó là từ ghép. Nhưng mà hiểu hiểu ý của ngưiow khác là được.
 
hoặc là ngày xưa con gà gọi là con qué , gà = qué, con cá gọi là con mú, cá = mú. ngày xưa củ hành gọi là củ kiệu, gọi là hành kiệu thì nghe không hay lắm. Tại sao gọi là củ kiệu mà ko gọi là củ hành, hình như là do trùng với tên ông vua Lê Đại Hành thì phải, gọi là tên úy nữa chăng, liệu ngày xưa có ong nào tên là qué hay mú không thì .. chả biết nữa.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top