NGƯỜI MẸ MÙ ĂN XIN NUÔI HAI CON VÀO ĐẠI HỌC
Nhiều năm qua, mỗi khi đi qua Trung tâm thương mại Thị xã Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), người ta lại thấy một người phụ nữ mù ngồi ở góc phía trái chân cầu thang, ôm chiếc ca nhựa chờ người qua lại bố thí những đồng bạc lẻ.
>> Người đàn bà mù 30 năm khát chữ
Bà là người ăn xin nhưng không hề cất tiếng van xin, chỉ ngước khuôn mặt lên ngóng tiếng chân người qua lại, nét mặt như van nài. Ngày nắng cũng như ngày mưa, mỗi ngày bà đến đây từ 8h30 sáng và đến 21h đêm mới lọ mọ khua khoắng gậy dò đường trở về nhà. Ít ai biết rằng bà mù Nguyễn Thị Gấu (55 tuổi) đó đã ăn xin từ hàng chục năm nay để nuôi 2 con gái vào đại học.
Bà Nguyễn Thị Gấu.
Khốn khổ cảnh vợ mù, chồng tật nguyềnCon đường nhựa dẫn vào ấp Long Thành A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) gập ghềnh sống trâu, chi chít ổ gà. Chúng tôi tìm đến căn nhà lợp tôn nhỏ nằm nép dưới chân cầu Long Hậu. Một ông lão dáng người nhỏ thó chân tay co quắp đang ngồi trước cửa nhà. Ông tên Phạm Văn Mơ (63 tuổi), là người chồng tật nguyền của bà Nguyễn Thị Gấu. Hôm chúng tôi đến thì bà Gấu không có nhà, vẫn đi xin như bao lâu nay tại Trung tâm thương mại Thị xã Sa Đéc. Lặng người đi một lúc, ông Mơ kể lại cuộc đời kém may mắn của mình và mối duyên giữa hai mảnh đời khuyết tật...
Năm lên 8 tuổi, cậu bé Mơ bị phỏng khiến 1 bên tay và chân bị co rút không còn khả năng cử động. Mãi đến năm 42 tuổi, do được hai gia đình giới thiệu, ông lấy bà Gấu, một người phụ nữ bị mù từ lúc lên 5 tuổi do di chứng bệnh đậu mùa. Cha mẹ bà Gấu có mảnh đất vườn nhỏ bên chân cầu Long Hậu nên cho vợ chồng bà dựng căn chòi lên sống tạm.
Lúc đầu, vợ chồng bà sống nhờ vào cha mẹ hai bên và sự đùm bọc của xóm giềng giúp chén cơm, bát gạo. Rồi lần lượt đứa con gái lớn ra đời năm 1986, 4 năm sau, ông bà sinh tiếp đứa con thứ 2. Cảnh nghèo càng thêm túng quẫn, hàng xóm khuyên vợ chồng bà Gấu đi xin ăn để sống.
"Tôi mù, ổng không khả năng lao động chỉ còn cách đi xin, nhờ vào lòng hảo tâm của người khác. Từ năm 1992, hai vợ chồng bắt đầu đi xin ăn, tới nay đã 18 năm", bà Gấu nhớ lại.
Được cha mẹ cho chiếc ghe tam bản nhỏ, ông Mơ với một cánh tay còn lại kẹp mái dầm bơi đi khắp nơi để xin ăn. Khi thì lên tận Sa Đéc, Lấp Vò hay Tân Thới, Tân Lược huyện Bình Minh (Vĩnh Long). Nơi nào gần thì chiều tối vợ chồng ông bơi trở về nhà, còn đi xa thì ở lại hẳn trên ghe.
"Thấy vợ chồng tôi tật nguyền người ta thương tình bố thí. Vợ chồng ki cóp, bóp mồm bóp miệng, thường chỉ ăn cơm với nước mắm kho. Tiền xin được cũng không nhiều nên tôi để dành lỡ khi bệnh hoạn, ốm đau và tính cho con đi học", bà Gấu bộc bạch.
Năm sau, khi bé lớn đủ tuổi đến trường, bà đã cho con đi học như bao nhiêu đứa trẻ cùng trang lứa. Lần lượt rồi bé thứ hai, bé út đều được đến trường. Vợ chồng bà dạy các con rằng nhà mình nghèo, dù bây giờ phải sống bằng đồng tiền bố thí của người khác nhưng các con phải cố gắng học giỏi, bỏ qua mặc cảm để sống tốt. "Hôm nay mẹ "vay mượn" cuộc đời để lo cho các con thì mai này con nên người phải sống tốt và trả nợ cuộc đời", lời dạy của bà mẹ mù không biết một chữ bẻ đôi này được các con bà ghi khắc.
Đến khoảng những năm 2000, ông Mơ càng ngày càng yếu đến mức không thể bơi xuồng. Bà Gấu để chồng ở nhà, một mình bà lần hồi chống gậy đi ăn xin.
Giành học bổng lấy tiền trả nợ lãi
Ý thức được hoàn cảnh đặc biệt của gia đình, không phụ lòng hy sinh, lo lắng của cha mẹ, các con bà đều học hành chăm chỉ. Cả ba chị em Phạm Thị Hương, Phạm Thị Thùy Lan và Phạm Thị Thùy Dung đều là học sinh giỏi nhiều năm liền. Những ngày còn học ở Trường THPT Lai Vung 1, huyện Lai Vung, hai chị em Hương và Lan rất được thầy cô, bạn bè yêu mến. Nhận được sự cảm thông, các em càng phấn đấu học giỏi và thường được nhận học bổng học sinh nghèo hiếu học, vượt khó học giỏi.
Năm 2005, Phạm Thị Hương thi đậu vào ngành Công tác xã hội, Trường đại học Đồng Tháp. Tin con thi đậu làm vợ chồng bà nửa mừng nửa lo. "Phần vì nhà không có tiền, sợ con phải bỏ học giữa chừng, phần vì sợ con bị bạn bè khinh rẻ, cười nhạo bởi cha tật nguyền, mẹ ăn xin nên tôi cứ đắn đo không biết có nên cho con đi đại học hay không. Sau nhiều đêm trằn trọc, tôi liều lĩnh: "Không đi học thì sao có thể đổi đời?"", bà mẹ mù tâm sự.
Hai người con của bà Nguyễn Thị Gấu đã vào đại học.
Ngày cô bé Hương khăn gói lên thành phố Cao Lãnh nhập học, bà mẹ mù dúi vào tay con gái xấp tiền lẻ nhăn nhúm bà dành dụm mấy năm trời được đúng 1 triệu đồng. Bà Gấu nhớ lại: "Không có tiền nên con bé phải ăn uống kham khổ, cơ cực. Hết tiền nó cũng không dám xin vì biết nhà nghèo, lại sợ mẹ buồn. Tôi cứ đi xin, khi nào để dành được 100 - 200 ngàn là gởi cho con".
Gia cảnh cô sinh viên này được địa phương xác nhận hộ nghèo nên được giảm 50% tiền học phí. Thế nhưng vẫn có lúc Hương bị đình chỉ thi vì không có tiền đóng học phí. "Đó là vào năm thứ 3, tôi không có tiền cho con đóng học phí nhưng nó vẫn không dám nói. Đến khi nghe nó khóc, tôi mới biết nó bị đình chỉ thi vì nợ tiền học phí. Thấy vậy tôi đi hỏi vay 1 triệu đồng cho con đi đóng, tiền lời 5 ngàn đồng/ngày. Mấy tháng sau đó, tới lúc con Hương nhận học bổng 2 triệu, nó trả nợ khoản vay ấy thì tôi mới khỏi phải đóng lãi ngày", bà Gấu nhớ lại.
Thêm khổ vì miệng lưỡi người đời
Khi Phạm Thị Hương bước vào năm học cuối cũng là lúc cô em Phạm Thị Thùy Lan vừa trúng tuyển ngành Tài chính - Ngân hàng Trường đại học Đồng Tháp. Bây giờ Hương đã tốt nghiệp ra trường, vừa xin được việc làm ở một cơ quan tại thành phố Cao Lãnh chừng vài tháng, còn Thùy Lan đã học năm thứ 3, cô bé út Thùy Dung vào lớp 9.
Để học tốt, không chỉ đấu tranh để vượt qua những thiếu thốn vật chất, các con bà Gấu còn phải đấu tranh để chiến thắng những sự dè bỉu của người đời. Hương nói: "Con không chê cha mẹ nghèo". Chúng em không được sự chọn lựa sinh ra trong gia đình giàu có hay nghèo nàn. Em không xấu hổ vì có ba mẹ đi ăn xin mà chỉ xấu hổ vì bản thân mình chưa giúp được gia đình vượt qua cảnh nghèo".
Hương nói bây giờ cô đã ra trường có việc làm nhưng đồng lương thử việc chẳng bao nhiêu, thu nhập chính mỗi tháng tròm trèm 1,5 triệu đồng. Cô tranh thủ 8 ngày nghỉ trong tháng để làm thêm, nhưng dù cố gắng hết sức tổng thu nhập của cô chưa đầy 2 triệu đồng. "Với số tiền ấy, hiện nay em mới có thể lo cho cuộc sống của em và đứa em kế. Dù rất muốn nhưng em chưa có khả năng lo cho cả gia đình, cho mẹ em khỏi đi xin tiền nữa", Hương tâm sự.
Khốn khổ là thế nhưng nhiều người không biết chuyện, đã không thương cảm lại còn chỉ trích rằng bà Gấu lợi dụng lòng thương hại của người khác để lấy đồng tiền lo cho các con ăn học. "Người ta còn nói với tôi là con đã lớn rồi, có thể đi làm việc kiếm tiền được rồi sao còn đi ăn xin. Tự bản thân tôi cũng không muốn ngồi chờ lòng thương hại của người khác nhưng vì tôi không có cách nào khác, không thể lao động như mọi người nên cực chẳng đã mới phải đi xin ăn. Còn ông lão ở nhà ngồi chờ, nếu không đi xin ăn thì biết sống sao", bà Gấu đưa tay áo lau khóe mắt lem nhem.
"Tôi tự hứa với lòng tới ngày con Lan ra trường thì tôi sẽ không đi xin nữa. Khi đó chị em nó có thể lo lắng được cho cả gia đình, cho em út đi học tiếp. Ước mơ của tôi là đứa con gái út cũng đậu vào đại học thì tôi mới yên lòng. Tôi xin mọi người chấp nhận con tôi, xem chúng như những người bình thường khác, đừng hắt hủi phân biệt chúng chỉ vì cha mẹ chúng là những đứa ăn xin", bà mẹ mù nói như van nài.
Ông Trần Văn Bé Ba, phó chủ tịch UBND xã Long Hậu, nơi vợ chồng bà Gấu cư ngụ nhận định: "Việc bà Gấu sử dụng đồng tiền ăn xin vào mục đích tốt là điều rất đáng khen. Các con bà cũng có nhận thức, ý thức tốt nên học hành chăm ngoan. Với những gương vượt nghèo, vượt khó như vậy, tôi nghĩ mọi người nên ủng hộ động viên họ chứ không nên khắt khe bình luận, đánh giá".
Theo Nguyên Bảo
Đời sống & Pháp luật