Bà La Môn: Sử thi Ramayana và sử thi Riêm Kê
Sử thi RAMAYANA:
Ramayana là một sử thi cổ đại viết dưới dạng trường ca tiếng Sanskrit và là một phần quan trọng của bộ kinh Ấn Độ giáo (smṛti). Đây là bộ sử thi bằng tiếng Phạn nổi tiếng thứ hai của Ấn Độ cổ đại. Người ta cho rằng tác giả của Ramayana là nhà thơ Valmiki.
Tên gọi Rāmāyaṇa là một từ ghép tatpurusha của Rāma và ayana "đi đến, tiến đến", được dịch ra là "những cuộc du hành của Rāma". Rāmāyaṇa bao gồm 24.000 câu trong bảy tập (kāṇḍas) và kể về câu chuyện của một hoàng tử, Rama của xứ Ayodhya, vợ là Sita bị bắt đi bởi vua quỷ (Rākshasa) vua xứ Lanka, Rāvana.
Trong dạng hiện tại của nó, Valmiki Ramayana có niên đại có thể từ 500 TCN đến 100 TCN, hay là khoảng cùng thời với những bản đầu tiên của sử thi Mahabhārata. Nguồn gốc- Ramayana được cho là sáng tác bởi Vanmiki và được viết bằng văn vần vào khoảng thế kỷ thứ 3-4 TCN, sau bộ Mahabharata nhưng lại kể về chuyện xảy ra trước thời đại của Mahabharata.
Nội dung:
Sử thi này gồm 24.000 câu thơ đôi, tức 48.000 dòng thơ, chưa bằng 1/4 khối lượng dòng thơ của bộ Mahabharata nhưng bố cục chặt chẽ hơn. Chủ đề của tác phẩm là câu chuyện tình duyên giữa hoàng tử Rama và người vợ chung thủy Sita. Xưa kia ở vương quốc Kosala có ông vua già yếu tên là Dasaratha, có bốn người con trai do bà vợ sinh ra. Con cả Rama hơn hẳn các em về tài đức. Vua có ý định nhường ngôi cho chàng, nhưng vì bị trói buộc bởi lời hứa với bà vợ thứ hai Kaikeyî xinh đẹp cho nên đã đày Rama vào rừng 14 năm và trao ngôi lại cho Bharata, con của Kaikeyî.
Vợ Rama, nàng Sita, cùng em trai Laksmana tình nguyện theo Rama vào rừng sống ẩn, luyện tập võ nghệ. Quỉ vương Rãvana ở đảo Lanka lập mưu cướp nàng Sita đem về làm vợ. Hắn dụ dỗ và ép buộc nàng nhưng nàng đã kịch liệt chống cự.
Mất Sita, Rama đau buồn khôn xiết. Chàng quyết tâm cứu bằng được vợ trở về. Trên đường đi, Rama gặp và giúp đỡ vua khỉ Xu-gri-va, sau đó chàng được tướng khỉ Hanuman cùng đoàn quân khỉ giúp. Cuối cùng Rama cũng cứu được Sita. Nhưng sau chiến thắng vẻ vang đó, Rama nghi ngờ tiết hạnh của Sita, nổi cơn ghen dữ dội, không muốn nhận lại nàng làm vợ.
Để Rama tin ở lòng chung thủy của mình, Sita đã bước vào lửa. Thần lửa A-nhi biết được nàng trong sạch, đã cứu nàng. Thấy vậy Rama vô cùng sung sướng, giang tay đón nàng. Hai người đưa nhau trở về kinh đô trong cảnh chào đón nồng nhiệt của dân chúng. Giá trị tác phẩm Ramayana ngợi ca chiến công và đề cao đạo đức của hoàng tử Rama, ca ngợi mối tình chung thuỷ của nàng Xita, đồng thời phản ánh sự phát triển của xã hội người Arian.
Tuy là một tác phẩm ca ngợi đẳng cấp quý tộc vũ sĩ nhưng đã khắc họa được những gương mặt có tâm hồn trong sáng. Rama là nhân vật lí tưởng kiểu mẫu của đạo Hinđu, của đẳng cấp vương công quý tộc đồng thời là khát vọng của nhân dân về một vị minh quân, một anh hùng tài ba, đức độ, đem lại hạnh phúc cho xã hội.
Sita thánh thiện, là mẫu người phụ nữ Ấn Độ cổ đại, một người vợ tiết hạnh, một người con gái nhân hậu, quả quyết, hi sinh quên mình. Tướng khỉ Hanuman có trái tim nóng bỏng nhiệt tình, là hoá thân của lực lượng quần chúng nhân dân làm hậu thuẫn cho những anh hùng chiến đấu cho tự do và công lý, giải phóng bảo vệ đất nước.. Tác phẩm cũng đã nêu bật được khát vọng chiến thắng cái ác, đem lại nguồn an ủi cho quần chúng nhân dân bị áp bức, do đó được nhân dân rất ưa chuộng. Vì thế, những câu chuyện và những nhân vật trong
Ramayana đã được nhiều văn nghệ sĩ khắc họa trong thơ ca và trong các công trình mỹ thuật - điêu khắc ở Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Đặc điểm nổi bật khiến Ramayana sống mãi trong lòng người đọc là sức gợi cảm của nó, với sự kết hợp của yếu tố tưởng tượng kì ảo và việc phản ánh hiện thực khách quan, nét hoang đường kì ảo và việc miêu tả tính cách con người trần tục, những cảnh oai hùng và những cảnh bi tráng.
Ramayana đã song hành cùng lịch sử dân tộc Ấn Độ dẫu qua nhiều sự gọt giũa của các thi sĩ vô danh, qua nhiều lời kể của các nghệ nhân dân gian, song vẫn là tiếng ca bất hủ về lòng hướng thiện, tư tưởng yêu hòa bình, đề cao sự công bình bác ái; với những triết lí mang tầm nhân loại có giá trị cho muôn đời: lẽ hài hòa, bổn phận, khát vọng, đúng như Vanmiki đã nói: “chừng nào sông chưa cạn, đá chưa mòn thì anh hùng ca Ramayana còn làm say mê lòng người và giải thoát họ ra khỏi vòng tội lỗi”.
Sử thi Riêm Kê:
Riêm kê là trường ca Campuchia sáng tác bằng thơ ca dân gian dài hàng vạn câu. Cốt truyện chủ yếu vay mượn từ sử thi Ramayana của Ấn Độ. Văn bản Riêm kê hiện nay tồn tại cả dưới dạng văn xuôi và văn vần. Có hai loại văn bản Riêm kê: loại văn bản cổ điển và loại văn bản dân gian. Văn bản dân gian Riêm kê nói chung ngôn ngữ gần với quần chúng nhưng dài dòng, thiếu logic. Riêm kê cổ điển ngắn gọn, chủ yếu bằng thơ, ngôn ngữ cầu kì, hoa mĩ, tình tiết cốt truyện logic chặt chẽ, nội dung có tính tượng trưng cao.
Nội dung:
Hoàng tử Prệt Riêm, con vua Kinh thành Aôtđia khôi ngô tuấn tú, thông minh hơn người. Mụ dì ghẻ vì muốn con riêng của mình lên ngôi nên đã xui giục vua đẩy Prệt Riêm vào rừng sâu. Riêm cùng vợ là Xây Đa từ bỏ Kinh thành ra đi. Người em trai là Prệt Lec xin đi theo để phục vụ hai anh chị. Trên đường đi, họ gặp vua xứ quỷ là Riếp. Riếp thấy Xây Đa xinh đẹp, rắp tâm chiếm làm vợ. Hắn biến thành một con nai nhử Riêm đuổi bắt. Nhân lúc Riêm đang đuổi theo con nai, Riếp bắt Xây Đa về đảo Lan ka ngoài biển khơi. Trở về không thấy vợ, Riêm đau đớn vô cùng. Chàng quyết tâm tìm mọi cách cứu vợ. Chàng được Hanuman dẫn theo một đoàn quân khỉ vượt biển, tiến thẳng vào xứ quỷ. Anh em Prệt Riêm, được sự phối hợp của đoàn quân khỉ đã đán tan quỷ Riếp, cứu Xây Đa. Lúc này, thời gian bị lưu đày cũng vừa hết, anh em Prệt Riêm trở lại kinh đô. Người em đang trị vì trao lại ngôi báu cho Prệt Riêm. Song, Prệt Kiêm lại nghi ngờ lòng chung thuỷ của vợ vì chàng cho rằng Xây Đa đã thất thân với quỷ Riêp. Chàng bắt vợ nhảy vào lửa để chứng minh sự trong trắng của tâm hồn. Thần lửa đã chứng minh nàng vô tội. Song, vì lòng ghen tuông mù quáng, Prệt Riêm đuổi nàng vào rừng khi nàng đang có chửa. Xây Đa đau đớn vô cùng vì không được minh oan. Nàng lặng lẽ sinh con, sau đó, hoá thân vào đất để chứng minh tấm lòng trung trinh ngay thẳng của mình.
Giá trị tác phẩm:
Dù lấy cốt truyện từ Ramayana, nhưng Riêm kê đã có những thành tựu rực rỡ về ngôn ngữ, về tính nhân đạo cao cả, về việc xây dựng thành công hai nhân vật chính là Prệt Riêm và Xây Đa. Câu chuyện phát triển xung quanh mâu thuẫn giữa lực lượng thiện và ác, được biểu hiện thành mối quan hệ đối kháng giữa dì ghẻ - con chồng, người - quỷ... Các nhân vật tuy xuất thân thần thánh, song gần gũi với con người trần tục với những giằng xé nội tâm và đại diện cho nét đẹp của con người Campuchia. Prệt Riêm nghị lực, ngay thẳng. Hanuman: tài hoa, sáng suốt, quả cảm và sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa. Xây Đa là hình ảnh cao đẹp của người phụ nữ Campuchia: chung thuỷ, nghị lực, trọng ân nghĩa... Khác với sử thi Ramayana làm theo luật tiết tấu của âm tiết với các nhân vật là những mẫu người Ấn Độ lí tưởng, chịu ảnh hưởng của tư tưởng Bàlamôn với quan niệm cuộc đời là ảo chỉ có đấng Braman là thực, do đó mang đậm tính chất của văn chương bác học, sử thi Riêm kê được viết bằng thể thơ 7 chữ truyền thống miêu tả sinh động tâm trạng, tính cách con người. Không những thế, tác phẩm còn đem lại những trang sinh động về phong tục, tập quán của đất nước Campuchia (cưới xin, tục lệ dân gian, cảnh trong triều đình). Lời thơ và hình ảnh thơ được đánh giá là đạt tới đỉnh cao về nghệ thuật, đặc biệt những câu thơ nói về tình yêu đầy ỡm ờ, đưa đẩy. Tác phẩm được lưu truyền rộng rãi qua nhiều thế kỉ và không ngừng được bổ sung để trở thành quốc bảo của nền văn học Campuchia. Mahabharata- Mahabharata là một tác phẩm sử thi bằng tiếng Phạn vĩ đại nhất của Ấn Độ cổ đại. Sơ lược Mahabharata là một trong hai cuốn Sử thi tiếng Phạn (Sanskrit) Ấn Độ cổ, cuốn thứ hai là Ramayana. Mahabharata bao gồm hơn 74.000 câu thơ và những đoạn văn xuôi dài, tổng cộng khoảng 1,8 triệu từ, và là cuốn thiên sử thi dài nhất trên thế giới, gấp bảy lần tổng số câu thơ của hai bộ sử thi Hy Lạp cổ đại là Iliad và Odyssey cộng lại. Tác phẩm này được coi là "Đại Bách khoa toàn thư" về văn hóa truyền thống, về các truyền thuyết và về các thể chế chính trị - xã hội của Ấn Độ cổ xưa. Nó là tấm gương phản chiếu toàn bộ đời sống con người Ấn Độ truyền thống như lời một câu ngạn ngữ cổ: "Cái gì không thấy được ở trong Mahabharata thì cũng không thể nào thấy được ở Ấn Độ." Cuốn sử thi này cũng chiếm vị trí quan trọng trong triết học và tôn giáo tại Ấn Độ, do nó còn chứa Bhagavad Gita, một kinh văn quan trọng hàng đầu của Ấn Độ giáo (đạo Hindu) dài chừng 700 câu thơ.
Nguồn gốc:
Cái tên Mahabharata có thể được dịch thành: Bharath Vĩ Đại, mang nghĩa là Ấn Độ Vĩ Đại hay còn được hiểu là "Câu chuyện vĩ đại về triều vua Bharath". Theo dân gian, cuốn Mahabharata được coi là tác phẩm của Vyasa. Với độ dài đáng kinh ngạc, những nghiên cứu ngữ văn về cuốn sử thi có một lịch sử dài làm sáng tỏ những đầu mối về sự phát triển và những lớp ngữ nghĩa. Tuy còn nhiều tranh cãi, cuốn sử thi được ước đoán ra đời chừng thế kỷ 8 - 9. Theo BKTTVN thì Mahabharata ra đời khoảng thế kỷ 5 TCN và được sửa chữa dần, hoàn thiện khoảng thế kỷ 5 CN. Nội dung- Nội dung cơ bản của bộ sử thi Mahabharata nói về cuộc chiến tranh khốc liệt giữa hai dòng họ Kaurava và Pandava, cả hai đều là dòng dõi vua Bharata vào khoảng thế kỷ 11 TCN đến thế kỷ 10 TCN.
Do đó tên Mahabharata có nghĩa là "các truyện vĩ đại của triều đại nhà Bharata". Bên cạnh nội dung chính, chỉ chiếm chừng 1/4 độ dài tác phẩm, bộ sử thi này còn có rất nhiều sự tích thần linh, những truyện ngụ ngôn về muông thú, những cuộc phiêu lưu và những câu chuyện tình thú vị, hấp dẫn li kì (như chuyện nàng Savitri cãi lại Diêm vương để được lấy anh chàng đốn củi...). Nhưng trong tác phẩm Mahabharata, các giáo sĩ Ấn Độ giáo đã đưa vào những giáo lý triết học tự biện siêu hình về pháp (dharma), nghiệp (karma), về sự giải thoát (moksha), những ẩn dụ triết học, châm ngôn xử thế... Sử thi gồm 18 phần, gọi là 18 parva Ảnh hưởng văn học- Bộ sử thi Mahabharata đã trở thành nguồn cảm hứng cho các thi nhân, nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm văn, thơ, nhạc, họa và những công trình kiến trúc, điêu khắc trong nền văn học - nghệ thuật Ấn Độ và những nước chịu ảnh hưởng của nền văn học - nghệ thuật này.
Tục ngữ Ấn Độ có câu: "Cái gì không tìm thấy ở trong Mahabharata thì cũng không thể tìm thấy được ở Ấn Độ" Mahabharata và truyền thuyết An Dương Vương- Nhà nghiên cứu, tu sĩ Phật giáo Lê MạnhThát cho rằng truyền thuyết An Dương Vương đánh bại vua Hùng thứ 18 và lập nên nhà nước Âu Lạc chỉ là một phiên bản của chuyện Mahabharata.