BA BỨC THƯ, KHÔNG TỰA ĐỀ, KHÔNG NGÀY GỬI
Cuộc sống của một đứa con trai, cựa quậy trong cảnh chia li...
Nước mắt của một thằng con trai, đầm đìa trên từng mảnh chắp vá...
Nó mệt, và giấu kín.
Nó đau, và im lặng.
Găm mình qua nét chữ run rẩy, lững lờ trôi dạt theo những bức thư không rõ tựa đề…
Bức thư thứ nhất – Gửi mẹ!
Sẽ bắt đầu bằng gì đây. Con sẽ gọi mẹ giống như nhiều người vẫn làm nhé, mẹ thân yêu, mẹ tuyệt vời, mẹ tốt bụng? Không được rồi, con chẳng tình cảm và sâu sắc đến mức đó. Hay mẹ vất vả, mẹ bất hạnh, mẹ tần tảo? Ôi trời, lại không được nữa rồi, mẹ cũng có nhiều lúc hạnh phúc lắm cơ mà.
Mẹ của con! Thật là khó khăn để mở bài một bức thư cho mẹ. Rõ ràng 12 năm học, văn con tuy không hay nhưng chưa đến độ yếu kém. Điểm số luôn ở mức trung bình khá và thậm chí đôi khi còn được đọc bài mẫu trước lớp. Thế mà lúc này con chẳng thể biết viết thế nào, thôi thì con cứ nghĩ ra cái gì và viết cái đấy nhé. Giả vờ như mẹ con mình đang tâm sự vậy.
Dạo này mẹ khỏe không? Mẹ vẫn thích ăn cá kho và dưa muối nhỉ. Bà ngoại hay làm lắm, bà bảo cái này di truyền từ bà sang mẹ, giờ sang con rồi em Nga. Cả bốn người chúng ta mà ngồi ăn cơm với nhau chắc phải đến một nồi cá bống và một âu dưa to đùng. Ba năm rồi, tóc mẹ chắc vẫn dài và lúc nào cũng nức mùi xạ hương chứ. Cái kiểu sợ dầu gội, xà phòng của mẹ con nhớ dai lắm. Chả bù cho anh em con, cứ tiện và nhanh, long lanh và đẹp đẽ là dùng hết. Mẹ bảo mẹ thích những thứ tự nhiên, vừa dễ kiếm vừa tốt cho sức khỏe. Mấy thứ nồng nặc chất hóa học kia độc hại mà cũng không được lâu dài. Có lần sáng chủ nhật mẹ dậy thật sớm đun nước xạ hương trong cái nồi chuyên dụng từ thời kháng chiến của ông ngoại, loay hoay tất bật cả buổi rồi gọi con và em Nga dậy gội đầu. Em Nga con gái, mấy cái thứ đó dùng được chứ con, thanh niên trai tráng lớn tướng rồi đâu có thích hợp. Thế là con vùng vằng một hồi, mang chai dầu gội ra bất chấp mẹ đứng nhìn cau có. Con đã nghĩ mẹ thật cổ hủ và ngoan cố không chịu tiếp thu khoa học hiện đại. Nghĩ lại sao hồi đó con ngây ngô vô tâm thế.
À, mẹ hạnh phúc không? Chắc chắn có rồi, ngày nào con cũng thấy mẹ cười thật tươi cơ mà. Một tuần của mẹ bây giờ có những gì? Không chạy thận 3 lần, không thuốc trợ tim, không nước hồ xay thật loãng, không xe cấp cứu giữa đêm, mẹ đã mở một cửa hiệu may áo dài thật to chứ? Cái áo dài trắng từ thời đôi mươi của mẹ rất vừa với em Nga đấy. Hôm rồi đỗ cấp 3, em mặc đi khai giảng cũng ra dáng thiếu nữ lắm. Mọi người đều bảo em chẳng khác mẹ chút nào. Khuôn mặt trái xoan, má lúm đồng tiền, mái tóc tết dài và cả đến cái nốt ruồi đỏ sau gáy. Từ ngày con vào đại học, chỉ có em ở nhà với bà ngoại nhưng em rất ngoan, chăm chỉ giúp đỡ bà và có năng khiếu học các môn tự nhiên. Tiền hàng tháng các bác vẫn gửi bà, học phí của con và em đều được giảm một nửa do nhà trường tạo điều kiện hỗ trợ. Con cũng đang đi dạy gia sư môn Lý lớp 11 cho em đứa bạn thân nên cuộc sống cũng không quá khó khăn như những ngày đầu. Mẹ yên tâm nhé.
Mà mẹ nhớ câu nói cuối cùng của con với mẹ không? “Con sẽ trưởng thành, sẽ cố gắng, sẽ kiếm thật nhiều tiền và chăm lo thật tốt cho bà và em”. Ba năm, quả thật những tháng ngày đó con đã nỗ lực hơn bao giờ hết. Học hành, thi cử, việc nhà, có lẽ dù chưa thật hoàn hảo nhưng nhìn lại, ít nhất con cũng thấy mình tự biết cách giữ lời hứa với mẹ. Chặng đường con đã đi dù không dài, đôi khi chùn lại bởi những đầm lầy trắc trở, dở ngược vì bao trống vắng tủi hờn, tuy thế, con vẫn cố lao mình về phía trước, vì duy nhất một niềm tin mãnh liệt, rằng mẹ vẫn luôn dõi theo con từng ngày. Vậy thời gian qua, mẹ đã ở đâu mẹ của con? Hàng trăm triệu lần, mỗi đêm lòng con chỉ biết gọi mẹ. Mẹ đã biền biệt tại xứ nào? Mẹ bảo con trai là phải cứng rắn, sống phải có nghị lực và chịu đựng. Dù khó khăn cũng đừng bao giờ rơi nước mắt. Nhưng bây giờ con bế tắc thật rồi mẹ ơi…. Cố cứng rắn, cố nghị lực đến đâu thì nước mắt cũng đã tan chảy tràn trề. Con khóc không phải con hèn nhát, con đau không bởi con yếu mềm. Con rất mạnh mẽ, và quả thực, con xứng đáng được mạnh mẽ. Có điều sự tàn nhẫn luôn bám đuổi ráo riết mỗi bước chân của con, buộc con dừng lại. Chứng suy thận độ 2 đột ngột ập đến sau nhiều ngày liền cơ thể con có những biểu hiện suy kiệt. Sút cân trầm trọng và hệ bài tiết trở nên khủng hoảng với vô số dấu hiệu bất lợi. Các bạn trong kí túc xá đã đưa con tới bệnh viện khi con ngất lịm đi vì một cơn đau bất ngờ. Nhìn tờ giấy kết quả xét nghiệm mà con chỉ khao khát tất cả chỉ là giấc mơ, hay là cơn ác mộng khủng khiếp nào đó cũng được, miễn sao không phải thật. Và rồi, đó thôi, con đã không thể chiêm bao giữa ban ngày.
Mẹ của con!
Khi mẹ rời xa bà và anh em con, có những lúc con chỉ muốn chạy thật nhanh theo mẹ, bỏ mặc mọi thứ, để không phải vấn vương phiền muộn.
Nhưng rồi khi con thấy những thành công đầu tiên của mình, con lại tiếp tục cố gắng, tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa. Con tưởng tượng ra nụ cười của mẹ, sẽ trọn vẹn và ấm áp biết bao nhiêu.
Vậy lúc này đây, con còn có thể tưởng tượng được nữa không? Về tương lai, về hạnh phúc? Về sự trưởng thành và chín chắn, đủ bao bọc, đủ yêu thương, đủ lo toan cho những gánh nặng gia đình dang dở?
Hãy trở về, dù một lần duy nhất!
Hãy trả lời con, dù có phũ phàng!
Vì con, con sẽ không dễ đầu hàng khó khăn, đúng không?
Bức thư thứ hai – Gửi bố!
Đã rất ít lần chúng ta vô cớ gặp lại nhau. 10 năm, 15 năm, hay lâu hơn thế nữa, con cũng không còn nhớ. Chỉ biết rằng lúc đó cái tuổi của một đứa bé học mẫu giáo không cho phép con được hiểu rõ ràng về sự đổ vỡ của gia đình mình. Bố ra đi, bỏ mặc ba mẹ con với vô vàn nỗi đau chìm ngập ở lại. Những bữa cơm thừa bát đũa, những đêm đông lạnh buốt thiếu hơi ấm người chồng, người cha. Căn nhà rộng thênh thang và những nụ cười con trẻ thơ dại, không hay biết về nỗi đau biệt lặng của một người phụ nữ bất hạnh. Để rồi mãi tận sau này, khi thời gian đã trôi quá nhanh, con mới có câu trả lời chính xác cho những giọt lệ âm thầm nơi góc bếp, vương lại giấu giếm trên khóe mắt mẹ mỗi ngày. Bố ra ngoài Quảng Ninh khai thác than, cứ mê mệt chạy theo đồng tiền và những chiếc máy xúc khổng lồ tấp nập trong mỏ. Cùng với niềm vui tiền tài danh vọng thăng hoa, bố cũng tìm được gia đình mới, một người đàn bà không phải mẹ, một đứa con trai khôi ngô đầu lòng không phải con và sau này, tiếp thêm một đứa con gái may mắn hơn em Nga rất nhiều. Bố giàu có, hạnh phúc trong cuộc sống xa hoa đủ đầy. Suốt những năm tiểu học, không biết bao lần con bị các bạn dồn về phía góc lớp, mỉa mai giễu cợt đến khóc thét chỉ vì hình ảnh một thằng gầy gò không có bố. Năm lớp ba, cô giáo ra đề văn tự sự “kể về bữa tối hàng ngày của gia đình em”. Con để giấy trống, thực sự là con đã không thể viết được khi nghĩ tới bát cơm đầu bữa nóng hổi và cuối bữa nằm gọn trong lồng bàn, nguội ngắt. Thế nhưng chưa lần nào con thôi ảo vọng về cái suy nghĩ có ngày bố sẽ trở về bên gia đình này. Con vẫn miêu tả bố thật tuyệt vời như một người cha mẫu mực trong bài văn tiếp theo, mặc kệ tất cả tiếng cười nhàm chán của các bạn. Con vẫn tin, tin rằng bố của con là một người anh hùng dũng cảm. Con cũng tự vẽ vời cho mình về ngày con trưởng thành. Để bộ râu quai nón giống bố, thích câu cá cuối tuần ở quê nội, rồi tối tối bố con mình cùng nhâm nhi chút bia nồng nồng và hàn huyên tâm sự chuyện của hai người đàn ông thực thụ….
Những tưởng tượng hão huyền có lẽ sẽ không bao giờ chấm dứt, nếu như con không vô tình nghe được câu chuyện của mẹ và bà ngoại. Một người họ hàng báo tin, mẹ một mình ra tận Quảng Ninh tìm bố. Đến nơi mới vỡ lẽ sự tình. Mẹ đau đớn trở về và chỉ gửi lại chiếc đơn ly dị.
Con đã hận bố vô cùng. Trong suốt bao năm qua, bố có nghĩ tới mẹ, tới con và em Nga, dù chỉ một lần? Nước mắt của mẹ, nỗi buồn của con và sự ngây thơ quá tội nghiệp của em? Cái gì rồi đây sẽ bù đắp, sẽ hàn gắn tất cả? Tiền, những ngôi nhà khang trang hay những chiếc xe đời mới sang trọng?
Và trớ trêu thay, tại sao bố lại xuất hiện đúng lúc này? Ở ngay cạnh con, trong bộ quần áo bệnh nhân, khô rốc và gầy gộc, tiều tụy đến khốc liệt như thế? Thân hình vạm vỡ, nước da nắng gió đỏ thau cớ sao lại héo hon và dúm dó?
Hai chúng ta, hai người đàn ông, đáng lẽ ra phải là trụ cột vững chắc cho gia đình. Vậy mà giờ đây lại chạm mặt nhau trong mùi thuốc u ám ở bệnh viện.
Nhưng con nghĩ con sẽ không sao. Con cần phải mạnh mẽ và mạnh mẽ hơn thế nữa. Nhất định phải vượt qua. Thế nên, bố của con, bố cũng cần kiên định hơn bao giờ hết. Để làm gì ư? Để trả nợ cuộc đời này.
Vì con, con có thể tha thứ……
***
Bức thư thứ ba – Gửi ông trời!
Con chưa gặp ông bao giờ, cũng chưa biết hình dạng ông ra sao nhưng con luôn nghĩ rằng ông vẫn đang sống, ông tồn tại ở đâu đó quanh đây, rất gần cuộc sống của con, của gia đình con. Ông chắc hẳn sẽ có rất nhiều lá bài xanh đỏ, những cây nến nhiều màu to sụ và một cung điện nguy nga tráng lệ. Công việc của ông là tạo ra con người, cho họ thân thể, tính cách, bắt họ nếm trải vị đời và đến lúc nào đó sẵn sàng ban tặng cho họ cái chết.
Có thể ông sẽ thật huyền bí giống như một vị thần thánh lúc ẩn lúc hiện trong những câu chuyện cổ tích, cũng có thể, ông vô cùng nhân từ bác ái giống đức Quan âm Bồ tát cứu nhân độ thế lộng lẫy ngự trên tòa sen lấp lánh?
Bà ngoại con vẫn thường nói: “Ông trời không bao giờ bất công với ai cả, thế nên sống phải có niềm tin”. Liệu điều này thực sự đúng không? Khi mà giờ đây, cuộc đời của con, trong tay ông, đã ngập ngụa những bất công? Tìm kiếm niềm tin ở đâu chỉ với cố gắng kiệt quệ bất lực. Tuổi trẻ, sức khỏe hay nghị lực vớt vát của một đứa con trai thiếu thốn tình thương?
Đáng lẽ ra, con sẽ có niềm tin….
Khi mẹ con không phải đau đớn đến những phút giây cuối cùng, cuối cùng rồi mà vẫn gọi con và dặn dò: “Đừng giận bố nữa!”
Đáng lẽ ra, con sẽ nhận được niềm tin….
Khi bố con không mê muội trong cơn khát khao làm giàu ở một nơi xa lạ
Và đáng lẽ ra, ông phải cho con hi vọng nhìn thấy niềm tin……
Khi bệnh tật không đuổi bám con, dữ dội và cuống quýt thế này
Đây là bức thư đầu tiên và cũng sẽ là cuối cùng con viết cho ông. Ông rất bận nên con cũng chỉ viết ngắn gọn, rành mạch và thẳng thắn, đầy đủ và rõ ràng.
Ông nên đọc, mà không, ông chắc chắn sẽ đọc được.
Vì con, con phải tự đứng dậy để tìm niềm tin cho mình!
***
Ba bức thư, không tựa đề, không ngày gửi, gọn gàng nằm dưới gối đã đẫm lệ. Chiếc bút mực nhỏ những giọt xanh biếc thấm tràn một mảng ga giường trắng muốt.
Phòng cấp cứu dạt ra dạt vào những âm thanh le lói, ánh đèn đỏ cứ nhấp nháy lóe sáng liên hồi tưởng chừng không dứt suốt 5 tiếng đồng hồ.
Người đàn ông tội lỗi và đứa trẻ tội nghiệp được chuyển sang phòng hồi sức.
Nước mắt giàn giụa trên những nếp nhăn của người đàn bà gần 80 tuổi. Cặp kính cận của cô cháu gái cũng mờ dần đi, nhòe theo những tiếng nấc.
Ơn trời, ca ghép thận đã thành công!
Cuối cùng, niềm tin đã trở về……
(sưu tầm)