Đẩy phần khó cho thí sinh
Kỳ thi tuyển sinh năm nay, nhiều trường “giam” giấy chứng nhận kết quả thí sinh như một cách để buộc thí sinh phải học tại trường mình dù thí sinh không có nguyện vọng. Có trường tự ý xét thí sinh không trúng tuyển bậc ĐH thành trúng tuyển bậc CĐ của trường. Có trường lại chuyển thí sinh không trúng tuyển ngành đăng ký sang ngành khác cùng trường còn chỉ tiêu...
Với không ít thí sinh, việc “bỗng dưng trúng tuyển” có thể xem là niềm vui nhưng với nhiều thí sinh khác, đó là khởi đầu cho một chặng đường vất vả. Không ít thí sinh và phụ huynh phải lặn lội đến trường nhiều lần để đòi giấy chứng nhận kết quả nhưng trường kiên quyết không trả với lý do đã trúng tuyển NV1!
Trong khi đó, những trường chấp nhận trả giấy chứng nhận kết quả kèm theo điều kiện thí sinh phải lên trường trả lại giấy báo trúng tuyển mà trường đã cấp! Vậy là khi không thí sinh phải “mang ách giữa đàng”. Họ không hề đăng ký, không hề có nguyện vọng nhưng trường đã tự ý “xếp chỗ” và gửi giấy báo trúng tuyển, trong khi lẽ ra phải cấp giấy chứng nhận kết quả. Ngay từ đầu các trường đã cố tình làm sai và đến phút cuối bao nhiêu khó khăn, phiền hà, trường đều đẩy về phía thí sinh. Việc cố tình làm sai này không chỉ xảy ra ở các trường ngoài công lập mà còn ở cả những trường công lập, trường có nhiều thí sinh dự thi.
“Luật chơi” đã có từ đầu. Nếu các trường cứ đúng theo quy chế mà làm hẳn sẽ chẳng có những phiền hà như trên. Nhưng trường nào cũng muốn nắm chắc số lượng thí sinh trúng tuyển NV1 để né bớt phần “ảo” trong xét tuyển NV2, ổn định sớm năm học. Đó là chưa kể một số trường buộc thí sinh trúng tuyển để đảm bảo tuyển đủ chỉ tiêu. Và như thế, vì quyền lợi của mình, nhiều trường đã cố tình làm khó thí sinh.
Chọn học ngành gì, trường nào, thí sinh và phụ huynh đã hết sức cân nhắc để phù hợp với sở thích, nguyện vọng và điều kiện kinh tế của mình. Điều này góp phần quan trọng tạo nên kết quả học tập tốt trong cả quá trình theo học ở trường. Học ở ngành, trường mình không thích sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý cũng như kết quả học tập của sinh viên, thậm chí bỏ học. Như vậy, các trường có thể giữ chân trong trước mắt, nhưng về lâu dài việc làm này lại có tác dụng ngược cho cả nhà trường và sinh viên.
Theo TTO.