• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

“Đầu tắt mặt tối” ôn thi

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
“Đầu tắt mặt tối” ôn thi


Ba tháng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT là giai đoạn căng thẳng của cả thầy lẫn trò vì những chiến dịch ôn tập, phụ đạo cấp tốc. Truy bài, tăng tiết, tăng ca, thi thử, vấn đáp... đang trở nên tất bật tại các trường để chuẩn bị cho kỳ thi cam go sắp tới.

ImageView.aspx


Học sinh lớp 12A1 Trường THPT dân lập Thái Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) kiểm tra ôn tập trắc nghiệm môn tiếng Anh chiều 14-3-2011- Ảnh: NHƯ HÙNG
TP.HCM: dồn dập truy bài, tăng tiết

Một phụ huynh có con học lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trãi, quận 4, bức xúc: “Sáng con tôi ra khỏi nhà trước 6g để kịp vào giờ truy bài ở sân trường lúc 6g30, trưa ăn vội ăn vàng để kịp đi học buổi chiều lúc 13g30, chiều học xong phải ở lại trường học thêm tới 20g30. Tôi và các phụ huynh khác có ý kiến với nhà trường nên giảm tải việc truy bài để các cháu có thời gian nghỉ ngơi thì được trả lời: “Năm nào cũng dò bài như vậy tỉ lệ tốt nghiệp mới cao”.

Theo phụ huynh này, buổi sáng HS phải tập trung ở sân trường, giáo viên gọi lên trả bài, HS nào không thuộc phải đứng dưới sân học cho tới lúc thuộc. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức ôn tập các môn toán, lý, hóa, tiếng Anh, văn, sử, địa, sinh trong buổi thứ hai và các giáo viên còn tổ chức dạy thêm buổi tối nên lịch học của tất cả HS khối 12 đều kéo dài từ 6g30 đến tận 20g30 mỗi ngày.

Tại Trường THPT Tân Phong, ông Phạm Văn Tiến, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường có đầu vào thấp nên ngay từ cuối học kỳ I đã tăng cường phụ đạo cho học sinh vào buổi thứ hai, nhất là đối với HS học lực quá yếu đã được lọc ra từ kết quả thi học kỳ I, phấn đấu tỉ lệ tốt nghiệp năm nay đạt trên 85%”.

Tương tự, tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Tân Bình cũng tổ chức học tăng tiết chéo buổi, đặc biệt thông báo danh sách những HS yếu kém để phụ đạo từng môn. Bên cạnh giải thưởng bằng tiền mặt dành cho HS có điểm cao, những HS không thuộc bài sẽ bị kỷ luật cấm túc vào các buổi chiều cho đến khi trả bài xong.

Trong khi đó, khối các trường dân lập, tư thục, tình trạng học dồn càng căng thẳng hơn bởi tỉ lệ HS đậu tốt nghiệp sẽ quyết định kết quả tuyển sinh của các trường vào năm sau. Nhiều trường còn bố trí cho HS bán trú chuyển vào học nội trú để thực hiện lịch truy bài vào buổi tối và tăng cường giám sát gắt gao lịch học của HS.

Hiệu trưởng một trường THPT cho biết: “Không chỉ HS mà ban giám hiệu chúng tôi cũng vất vả với áp lực thi cử. Năm ngoái tỉ lệ tốt nghiệp không cao nên nhà trường gặp rất nhiều khó khăn khi làm việc với các lãnh đạo của ngành. Vì vậy không cách nào khác là tổ chức ôn tập thật gắt gao để có kết quả cao”.

Hà Nội: tăng ca đến chóng mặt

Một học sinh Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết em bắt đầu học ba ca từ tháng 3 và hầu hết các buổi tối đều phải học. Còn theo một phụ huynh có con học Trường THPT Trần Nhân Tông, ngay từ tháng 2 con chị đã phải học cả ngày, chưa kể phải tham gia thi thử vào thứ bảy, chủ nhật.

Các trường THPT công lập tại thủ đô tận dụng tối đa các tiết ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa và cả thứ bảy, chủ nhật cho học sinh lớp 12 ôn thi. Bà Bùi Thị Minh Nga, phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, cho biết: “Kế hoạch ôn thi cho HS khối 12 đã được thông báo ngay sau khi kết thúc học kỳ I. Giáo viên phải hướng dẫn HS xây dựng đề cương ôn tập, tổ chức ôn tập xen kẽ các buổi học chính khóa và tận dụng cả thứ bảy, chủ nhật”.

Tất nhiên, một số trường THPT dân lập vào thời điểm này đã cơ bản hoàn thành chương trình học và bắt đầu tăng tiết những môn chắc chắn sẽ thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Ông Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cho biết: “Riêng HS khối 12 đã tựu trường sớm hơn một tháng so với quy định chung của thành phố. Vì vậy, chúng tôi có thể kết thúc chương trình vào ngày 30-3 mà không phạm vào điều cấm là “cắt xén chương trình”. Theo ông Tùng Lâm, ngay sau Tết Nguyên đán, HS khối 12 đã được bố trí lịch ôn thi các môn toán, văn, ngoại ngữ.

Nhiều trường THPT cả dân lập và công lập đều cho biết sẽ tổ chức nhiều đợt thi thử cho HS khối 12 trong các tháng 3, 4 và 5. Các đợt thi thử sẽ được tổ chức như thi thật để HS làm quen với cách thức thi, cấu trúc đề thi, đặc biệt khắc phục những lỗi kỹ thuật khi làm bài thi trắc nghiệm.

Trong khi đó ông Đoàn Hoài Vĩnh, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: “Sở sẽ xử lý nghiêm khắc các trường THPT và cá nhân hiệu trưởng khi cắt xén chương trình, dạy dồn ép, không đảm bảo chất lượng. Sở sẽ theo dõi chặt chẽ thời khóa biểu của khối 12. Những trường thay đổi thời khóa biểu phải báo cáo phòng chuyên môn của sở”.




Theo TTO.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top