Đâu phải cứ sâm là bổ
Vào thế kỷ thứ XVI, danh y Lý Thời Trân của Trung Quốc đã thí nghiệm tác dụng của sâm bằng cách xem nhịp thở của hai người cùng chạy vài dặm đường.
Ảnh: Internet
Kết quả, người được ngậm sâm thì nhịp thở vẫn bình thường (nghĩa là cơ thể không mệt) trong khi người không ngậm sâm thì thở dồn dập… Người xưa cho rằng, sâm là vị thuốc “cải lão hoàn đồng” nhờ công dụng gây tỉnh táo, tăng cường sinh lực, hồng nhuận da mặt. Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam thì nhân sâm bổ tạng, sáng mắt, tăng tuổi thọ…
Ngày nay, các công trình nghiên cứu khoa học cho thấy, sâm có khả năng hồi phục các chức năng của cơ thể, chống lão hóa tế bào và được coi là thuốc bổ. Sâm tốt là nhân sâm Triều Tiên (Panax Ginseng C.A.Meyer) được thu hoạch từ năm thứ sáu. Ngoài ra còn có sâm của nhiều nước khác như Nhật Bản, Trung Quốc… Tại Việt Nam, có hai loại sâm, đó là sâm Việt Nam (Panax Vietnamensis) còn gọi là sâm K5 và sâm Tam thất (Panax pseudoginseng).
Trong Đông y, nhân sâm dùng cho người có huyết áp thấp. Sâm có tính hàn (lạnh). Vì vậy, những người hay bị lạnh bụng, lạnh toàn thân không được dùng nhân sâm. Qua cách dùng của Đông y, chúng ta thấy người trẻ, người cao huyết áp không được dùng sâm. Những người bị bệnh thực chứng như cảm sốt, đau bụng tiêu chảy do trúng thực... cũng không nên dùng.
Khi dùng sâm, chỉ cần thái lát thật mỏng rồi ngậm từng chút, nuốt cả nước lẫn xác. Một cách dùng khác nữa là sâm cắt mỏng rồi cho vào chén hấp cách thủy, dùng cả nước lẫn xác. Sâm cao tuổi rất cứng, vì thế nhiều cửa hàng bán sâm thường xắt mỏng sẵn cho người tiêu dùng.
Theo PNO.