Đau lòng: Teen mượn cớ ôn thi để...chơi tới bến

dream_high

Moderator
Xu
0
Sau kỳ thi tốt nghiệp cấp 3, nhiều teen hối hả chuẩn bị lên Thủ đô ôn thi và hồi hộp chờ đợi giờ G. Song cũng có những teen bình chân như vại, xem kỳ thi chỉ như một lần "cưỡi ngựa xem hoa" hay dịp để thể hiện đẳng cấp.

Tranh thủ làm chuyến… chu du

"Đi thi có gì phải lo lắng nhỉ, càng lo càng dễ trượt. Mấy khi được dịp không phải đến trường, tớ phải chinh phục hết các trò game mới" - Đó là suy nghĩ của chàng kính cận Đức Hùng ở Giảng Võ, Hà Nội. Kỳ ôn thi, cậu đóng cửa chăm chỉ luyện... game, chỉ ra ngoài khi đến giờ ăn. Bố mẹ Hùng vắng nhà cả ngày nên mua sẵn đồ để cậu con quý tử tẩm bổ. Nhà có điều kiện, bố mẹ cậu đã tính đến trường hợp "chạy trường" cho Hùng nếu lỡ không may mắn. Biết được điều đó, Hùng càng "lạc quan" vì kiểu gì cũng đỗ.

Cũng giống Đức Hùng, trong khi bạn bè đang ôn tập bở hơi tai để chuẩn bị vào “cuộc chiến” quyết liệt thì Quang Lâm (Phú Thọ) vẫn bình chân như vại. Lâm biết mình học dốt, có cố mấy cũng không thi đỗ được nên chẳng màng tới chuyện ôn thi. Ấy thế nhưng khi bố mẹ khuyên Lâm chọn học một nghề nào đó thì cậu lại lắc đầu quầy quậy: “Chẳng lẽ sau 12 năm mài đũng quần trên ghế nhà trường con lại không được nếm mùi thi đại học”.

Chẳng ai nỡ từ chối việc con mình đòi... đi thi, mẹ Lâm lại mua hồ sơ đăng ký cho cậu vào một trường ở Hà Nội. Ngày ngày, Lâm hồn nhiên ngủ nghỉ, ăn chơi chờ... ứng thí. Xem tivi chán, cậu quay sang lướt net, tìm trò "mới lạ", và đánh liều vượt tường lửa vào mấy web đen cho thỏa... tò mò.
Khác với Hùng và Lâm, Hoàng Tuân (Vũ Thư – Thái Bình) ung dung cầm số tiền hơn 3 triệu bán lợn, thóc của mẹ, một mình lên Hà Nội luyện thi. Sức học của Tuân “tốt nghiệp được phổ thông cũng may mắn lắm rồi!”, song sợ con kém bạn kém bè, bố mẹ cậu quyết cho cậu lên Hà Nội thi cho... đỡ tủi.

Tuân cũng chẳng nỡ phụ lòng các đấng sinh thành. Chưa một lần lên Hà Nội, nay tự dưng lại được "đường hoàng" du lịch thủ đô, cậu hào hứng lắm. Thành ra, đi ôn chỉ là cái cớ, Tuân tranh thủ tối đa thời gian thăm thú đó đây. Vừa hôm trước thấy Tuân vắt vẻo tàu lượn ở công viên nước Hồ Tây, hôm sau đã thấy sĩ tử la cà phố cổ. Đấy là chưa kể, mấy quán bia, điện tử gần chỗ trọ, Tuân nhanh chóng trở thành khách quen.

Vung tiền thể hiện đẳng cấp

Khắc Sơn là con một đại gia ở Yên Bái, được ba mẹ "nâng như nâng trứng". Việc cho con tiền bạc để xuống Hà Nội thi đối với nhà Sơn không thành vấn đề. Nhưng cậu ấm cứ nhất quyết muốn được... tự thân vận động. Cuối cùng Sơn cũng thuyết phục được bố mẹ cho tự đi ôn. Cầm giấy báo, một số giấy tờ tùy thân và hơn chục triệu, Sơn tung tăng xuống Hà Nội thực hiện mơ ước bấy lâu.

Vượt mấy trăm cây số từ Yên Bái xuống Thủ đô, việc đầu tiên Sơn làm là đi cà phê, sau đó… sắm đồ. Cứ thấy gì lạ lạ, hay hay là "đại gia phố núi" phải thử cho bằng hết. Bị mấy thanh niên Hà Nội chọc ghẹo là "cưỡi ngựa từ Yên Bái về xuôi", Sơn tức chí vung tiền rải vào quán bar, sàn nhảy để thể hiện “đẳng cấp” dân chơi.

Số tiền phục vụ thi cử chẳng mấy chốc cạn kiệt. Sơn gọi điện về xin thêm. Bố mẹ Sơn phần vì chiều con, phần lo con vất vả nên đành tiếp tế cho “cục cưng” một khoản tương đương lần trước. Có tiền, Sơn được thể “thả ga” chơi bời tới bến. Ở Hà Nội chưa đến hai tuần, cậu đã “đốt” hơn hai chục triệu.

Không trót lọt như Sơn, Tùng Duy sau khi thoát khỏi vòng kiểm soát của gia đình đã đổ hết cả vốn liếng mang theo vào cá độ bóng đá. Duy thua trắng tay, lang thang vạ vật hai đêm ở Hà Nội. Ba mẹ cậu lãnh hậu quả, phải khăn gói lên “rước” cậu quý tử “đi ôn thi” về nhà.

Thay vì lượng sức mình và tìm hướng đi phù hợp, nhiều teen kiếm cớ “ôn thi” mà thực chất… đi chơi. Nhiều câu chuyện bi hài, cười ra nước mắt cũng bắt nguồn từ đó, để rồi tiền mất, mà sự học chẳng đến đâu

Theo Huệ Vân/Dân tin
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Bài 2: Sĩ tử ôn thi: Yêu là chính, thi là mấy


Mặc dù đang trong giai đoạn nước rút trước kì thi đại học quan trọng, nhưng nhiều sĩ tử lại coi ôn thi là dịp để yêu "thả phanh" mà không sợ bố mẹ cấm cản

Đăng ký đi ôn để tiện... hẹn hò

Tranh thủ kỳ nghỉ xả hơi sau khi thi tốt nghiệp THPT, Linh lên mạng chát chít và nhanh chóng làm quen được một anh bạn. Cứ thời gian rảnh, cả hai lại nhắn tin chiu chíu, hẹn hò tuần gặp nhau 3 lần.

Thế nhưng đang kỳ ôn thi đại học ngặt nghèo quá, chỉ tiêu gặp nhau xem chừng không bảo đảm. Tìm đủ mọi cách cũng khó thoát khỏi sự giám sát của bố mẹ, Linh quyết định dùng chiêu mới.

Cô đăng ký học thêm 3 buổi/ngày, lịch học kín mít từ sáng đến tối. Linh còn đưa ra đề xuất thể hiện tinh thần phấn đấu cao độ: đề nghị mẹ nấu cơm cho vào cặp lồng để tiện ăn ngay tại lớp. Thấy cô con gái ham học đến mức tiếc cả thời gian về nhà ăn cơm, bố mẹ Linh mừng lắm.

Thế nhưng, cắp cặp ra khỏi nhà chừng 500 m, đã có anh chàng tóc nhuộm vàng với chiếc xe Attila chờ sẵn ngoài ngõ.

Vi vu đi chơi cả ngày với anh chàng vừa quen trên mạng, Linh nghĩ nhẩm: Ban ngày phải chơi thoải mái, tối về học mới vào. Thế nhưng, tối về hai mí mắt Linh cứ dính chặt. Mẹ thương con gái học cả ngày vất vả lại càng khuyến khích ngủ sớm.

Ôn thi kiểu... sống thử

Không chỉ dừng ở những buổi đi chơi, hẹn hò như Linh, đôi bạn Thủy - Minh (Cao Bằng) còn rủ nhau ra Hà Nội thuê nhà chung để ôn thi với mục đích được gần nhau. Kế hoạch che mắt những bậc phụ huynh quanh năm chỉ biết đến đồng ruộng của đôi bạn trẻ này quá dễ dàng.

Minh phân trần với bố rằng mình phải lên Hà Nội ôn mới đỗ, chứ ở quê chẳng có chỗ nào ôn tốt, kiểu gì cũng trượt. Nghĩ con nói cũng đúng, lại mong cậu quý tử thoát khỏi cảnh đầu tắt mặt tối như mình, bố Minh quyết định bán lúa cho con lên Hà Nội.

Được dịp, xa gia đình và đến một nơi không ai biết mình, đôi bạn thả phanh thể hiện tình cảm mà bấy lâu nay phải giấu giếm. Cả hai đã vạch ra một loạt địa điểm đi chơi: Hồ Gươm, Công viên nước Hồ Tây, Nhà thờ Lớn... để cùng nhau tận hưởng "khoảnh khắc lãng mạn" như phim Hàn Quốc.


Săn lò luyện hay "săn" người yêu?

Đối với nhiều anh chàng đã tốt nghiệp THPT mà không một mảnh tình vắt vai hoặc mới chia tay bạn gái, lò luyện thi là dịp để cưa cẩm các nàng.

Thắng, học sinh một trường PTTH ở Hà Nội đổi đến 5 lớp ôn chỉ vì chấm được 3 "girl" nhưng cuối cùng không ưng cô nào. Tới lớp thứ 6, cậu bạn đã tìm được một đối tượng xinh xắn nên quyết định gắn bó lâu dài. Thắng nháy mắt tinh quái: "Tìm được bạn gái rồi, đúng dịp này mình phải tranh thủ. Yêu là chính, thi là mấy".

Trong khi đó, bố mẹ Thắng mừng quýnh vì tưởng con chọn được lớp tốt. Nhưng khi thấy Thắng tiêu quá nhiều tiền và phát hiện tin nhắn yêu đương trong điện thoại thì mới tá hỏa. Và tất nhiên cậu bạn cũng bị cấm cửa, đành tiu nghỉu học ở nhà với gia sư do bố mẹ thuê tới.

Với những kiểu học thì ít, chơi và yêu thì nhiều, không rõ các sĩ tử sẽ thực hiện ước mơ ngồi trên giảng đường đại học bằng cách nào. Chưa kể việc yêu đương tự do tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hậu quả khó lường. Giá mà tình cảm khác giới trở thành động lực để các sĩ tử phấn đấu ôn tập thì tốt biết mấy!
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Bài 3: Teen đổ xô đi bói xem đỗ - trượt


Không tập trung ôn thi, nhiều teen lại đổ xô đi tìm thầy xem bói, cầu may để xem "số" học hành thi cử năm nay của mình như thế nào.


Năm nay "cờ rủ hay cờ mừng"?

Là học sinh khá của lớp, Thanh Nga (Hoài Đức - Hà Nội) đăng ký thi vào Đại học Ngoại thương. Nghe mấy cô bạn rủ rê đi xem bói, Nga cũng tò mò đi theo.

Giữa chiều nắng gắt, Nga và cô bạn thân không ngại đạp xe 10 cây số tìm đến nhà thầy bói. Đến nơi, phòng xem chật cứng, gần nửa số người đến xem là các sĩ tử như Nga. Thủ tục xem bói ở đây rất đơn giản: chỉ cần đặt lễ 50 ngàn đồng và hái một cái lá ở vườn đặt vào đĩa, thầy sẽ xem cho năm nay thi sẽ trượt hay đỗ.
Sau gần 2 tiếng chờ đợi, Nga cũng được thầy xem. Nhìn chiếc lá Nga hái khá gân guốc, thầy phán phải thi tới hai năm mới mong đỗ đạt được. Chưa kể, nếu đỗ năm thứ hai, Nga cũng gặp lận đận về việc giấy tờ, thủ tục. Suốt một tuần, lời phán "năm nay cờ rủ" của thầy cứ ám ảnh Nga, khiến cô không thể tập trung ôn tập.

Khác với Nga, Nguyễn Thủy (trường PTTH Lê Lợi - Thanh Hóa) lại được thầy phán là "thi cử hanh thông, trường nào cũng đỗ". Vốn dĩ, lực học của Thủy chỉ ở mức trung bình nhưng nghe thầy nói, Thủy như "mở cờ trong bụng". Cô chẳng bận tâm đến việc thức đêm ôn tập, chỉ sốt sắng tính chuyện đi thăm các điểm du lịch ở Hà Nội vì chắc chắn đỗ rồi.

Méo mặt vì tin lời thầy

Không chỉ các sĩ tử mà nhiều phụ huynh cũng tìm đến nhà các thầy bói. Thậm chí, nhiều gia đình khá giả còn mời thầy về làm lễ cầu cho con đỗ đạt. Quỳnh Trang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chỉ muốn thi một khoa thấp điểm của Đại học Lao động Xã hội, nhưng bố mẹ nhất quyết bắt cô thi vào Học viện Ngân hàng chỉ vì thầy đã... làm lễ.

Không chỉ vậy, mẹ còn bắt cô ăn hoa quả, đồ lễ để lấy lộc đỗ đạt. Đặc biệt, toàn bộ số đồ lễ phải được ăn hết trong một ngày mới linh nghiệm. Một ngày sau khi cố ăn hết "lộc đỗ đạt", Trang bị đau bụng quằn quại rồi chuyển sang tiêu chảy, phải vào viện cấp cứu.

Chưa biết lời phán của các thầy "thiêng" cỡ nào, nhưng những năm trước, nhiều sĩ tử cũng từng “méo mặt” do “quá tin thầy”. Lê Xuân đang ôn thi lớp 13 ngậm ngùi nhớ lại: "Buổi sáng hôm thi đầu tiên, mẹ ép mình phải ăn xôi đỗ, rồi uống nước phép thầy cho. Không hiểu nước phép của thầy thế nào, mình bị ngộ độc, không thể đến phòng thi được".

Kết

Những ngày này, số phụ huynh, sĩ tử đi xem bói cũng đông không kém các sĩ tử đi tìm lò luyện thi. Đa phần đều kêu cầu may mắn đến với chuyện thi cử của con cái mình. Thế nhưng, cũng chính vì tâm lý hoang mang hoặc quá tin tưởng vào thầy bói, các phụ huynh vô tình khiến con mình chủ quan hoặc không chú tâm vào ôn bài bởi "số thi cử" đã được định sẵn.

Bạn Minh Nguyệt, sinh viên năm thứ nhất, ĐH Bách Khoa chia sẻ kinh nghiệm của mình: "Mình thi năm đầu đỗ luôn mặc dù đi xem bói thầy bảo trượt. Kinh nghiệm của mình là nên tin vào năng lực của bản thân, đừng bị những lời nói thiếu cơ sở ấy làm mất tập trung".
Theo Bông Nguyễn/Dân tin
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top