Đâu là câu hỏi và đáp án của nền giáo dục?
Nếu lấy thực tiễn là thước đo của chân lý thì đủ thấy những năm qua việc "đổi mới" giáo dục đã có kết quả thế nào. Hãy tìm câu trả lời cho đúng trước khi lại đưa ra một đề án "đổi mới" làm đau đầu xã hội.
Có lẽ trong những năm qua, cụm từ "đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục" được nhắc tới nhiều nhất khi bàn về giáo dục ở Việt Nam. Bộ GD&ĐT coi đó là khẩu hiệu để nghĩ ra đủ những kiểu "đổi mới" còn người dân thì mỏi mắt mà mong bao giờ thì "đổi mới" song hành với nâng cao chất lượng giáo dục.
Được nhắc đến nhiều nhất nhưng từ "đổi mới" trong giáo dục cũng làm cho nhiều người bất an nhất, mệt mỏi nhất và rồi thờ ơ nhất. Cũng phải thôi bởi mỗi lần vấn đề "đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục" được đưa ra là một lần nền giáo dục lại thêm bung bét với những nội dung chương trình cắt xén, thậm chí có phần còn không được như xưa. Nói là giảm tải nhưng lượng kiến thức thì ngày một đè nặng lên đôi vai của các em nhỏ, giáo viên thì khổ sở mỗi lần thay đổi giáo án.
Nếu lấy thực tiễn là thước đo của chân lý thì đủ thấy những năm qua việc "đổi mới" giáo dục đã có kết quả thế nào. Không thể phủ nhận hoàn toàn những kết quả đạt được của ngành giáo dục nhưng cũng không thể phủ nhận nền giáo dục Việt Nam hiện nay còn tồn tại quá nhiều những vấn đề còn bất cập. Đã đến lúc Bộ GD&ĐT cũng như toàn ngành giáo dục cần bình tĩnh ngồi lại, xác định rõ xem đâu là câu hỏi lớn nhất cần giải đáp của nền giáo dục nước ta. Hãy tìm câu trả lời cho đúng trước khi lại đưa ra một đề án "đổi mới" làm đau đầu xã hội.
Chắc chắn rằng câu hỏi lớn nhất của giáo dục nước ta là câu hỏi xung quanh vấn đề chất lượng giáo dục. Chất lượng giáo dục nước ta hiện nay thực chất ra sao, đã đáp ứng được nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó với tư cách là "quốc sách hàng đầu" nhằm đào tạo ra những thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước? Quan trọng hơn trong thời đại kinh tế tri thức, làm thế nào để nâng cao thực chất chất lượng giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển đất nước và hội nhập?
Đến lúc Bộ GD&ĐT cần nhìn nhận thực chất nền giáo dục mà bộ đang giữ vai trò đầu tàu trực tiến điều khiển. Chất lượng giáo dục của chúng ta hiện nay là rất thấp và đang có xu hướng đi xuống. Chất lượng ấy không những không đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân, yêu cầu của sự phát triển đất nước chứ chưa nói gì tới hội nhập, sánh ngang với các nước. Ở một quốc gia muốn phát triển mạnh thì giáo dục phải đi trước một bước vì con người luôn ở vị trí trung tâm quyết định nhất đối với sự phát triển. Còn ở nước ta giáo dục không những không thể đi trước mà còn tụt hậu rất xa so với quá trình phát triển. Cũng không thể đổ hết lỗi đó cho ngành giáo dục hiện nay nhưng chính những quyết định "đổi mới" không đúng hướng của giáo dục thời gian qua đã làm cho khoảng cách tụt hậu ngày càng dài.
Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục trong những giai đoạn phát triển tiếp theo là câu hỏi lớn nhất mà ngành giáo dục cần phải trả lời. Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng chỉ rõ: "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo". Đó là đường lối đúng nhằm khắc phục kiểu "đổi mới" vụn vặt trong thời gian qua. Song trong điều kiện một đất nước còn khó khăn, số tiền chúng ta đầu tư cho giáo dục còn hạn chế thì không thể ngay lập tức mà đầu tư cho tất cả các lĩnh vực để có được sự đổi mới toàn diện được. Vậy phải đầu tư vào những khâu nào quan trọng nhất, quyết định nhất đến việc nâng cao chất lượng giáo dục? Câu trả lời chắc chắn không phải là đầu tư đổi mới chương trình sách giáo khoa cho các cấp phổ thông mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra.
Như vậy thì đâu là câu trả lời đúng? Đáp án nằm ở một điều di huấn rất giản dị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho ngành giáo dục: "Thi đua dạy tốt, học tốt". Đây hoàn toàn không phải là một khẩu hiệu mà Bác đưa ra trong một thời điểm nhất định mà là cả một triết lý cho giáo dục hôm nay và mai sau. Di huấn của Bác nhắc nhở ngành giáo dục phải luôn quan tâm tới chủ thể và khách thể quan trọng nhất trong giáo dục là giáo viên và người học bởi không ai có thể quyết định chất lượng thay họ và không ai làm nhiều để làm nên một nền giáo dục tốt bằng họ.
Giáo viên giỏi chuyên môn, có kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, khả năng diễn đạt tốt, hấp dẫn sẽ khiến cho người học tập trung, quan tâm, yêu thích môn học tham gia tích cực và bài giảng và có thái độ học tập đúng đắn. Còn ngược lại, sẽ khiến người học thiếu tập trung, mệt mỏi, chán nản và sẽ thờ ơ với môn học. Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng thì phải tập trung vào đội ngũ giáo viên và người học cho tốt. Đó mới chính là những người quan trọng nhất làm nên chất lượng thực sự của giáo dục Việt Nam.
Di huấn của Bác "dạy tốt, học tốt" là bài học về xây dựng nền giáo dục, muốn có nền giáo dục tốt phải tập trung vào "xây" cho tốt, phải phát huy cao độ vai trò của nhân tố con người trong phát triển giáo dục và do đó phải thực sự quan tâm tới nhân tố con người - nhân tố quyết định nhất.
Còn nhớ, trong thời gian qua khẩu hiệu "Hai không" đã được ngành giáo dục đưa ra và nhận được nhiều sự đồng tình ủng hộ của xã hội. Song xét đến cùng, "Hai không" thực chất là hai chống, chống bệnh thành tích và chống những tiêu cực trong giáo dục. Hai "chống" chỉ có thể là một giải pháp tình thế trong điều kiện nền giáo dục nước ta đang còn tồn tại quá nhiều vấn đề, còn về lâu dài "chống" làm sao được nếu chúng ta không "xây" được một nền tảng chắc chắn.
Đổi mới trong giáo dục là một nhiệm vụ không thể không làm trong thời gian tới, song phải bắt đầu từ đâu thì xin Bộ GD&ĐT phải cân nhắc kỹ để đưa ra đáp án cho đúng. Đừng lãng phí tiền bạc của nhân dân vào những việc không đúng trọng tâm, trọng điểm để rồi mỗi khi nhắc đến "đổi mới" thì nhân dân lại được một phen giật mình.
Thạc sĩ Vũ Thế Tùng
Viện Chủ nghĩa Xã hội Khoa học
Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
Viện Chủ nghĩa Xã hội Khoa học
Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh