• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

“Áo trắng” mãi mãi trắng trong

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Không phải ngẫu nhiên mà các phụ huynh, học sinh và cả giáo viên đều có mong ước giống nhau: mong một môi trường học đường trong sáng, thân thiện, cởi mở và không bạo lực... Áo trắng mãi mãi trong là mong ước đầu tuần của rất nhiều người.

ImageView.aspx


Những hoạt động ngoại khóa như thế này sẽ làm giảm hành động sai trái, đánh nhau trong học sinh. Trong ảnh: học sinh Trường THPT Nguyễn An Ninh tham dự hội trại do trường tổ chức - Ảnh: H.HG.

Nguyễn Thị Thanh Loan (giáo viên Trường THCS Ngô Tất Tố, Q.Phú Nhuận, TP.HCM):

Cần sự hợp sức của 3 yếu tố

Thời gian gần đây, tình trạng các nữ sinh đánh nhau hoặc chụp hình sex rồi tung lên mạng ngày càng phổ biến. Vấn đề này, theo tôi, phần lớn là do các em bị ảnh hưởng bởi phim, ảnh, sách báo (thời kỳ mở cửa học sinh được thoải mái vào mạng xem, nghe, đọc... mà không có người kiểm soát).
Mặc dù xã hội ngày càng phức tạp nhưng tôi vẫn mong các em học sinh luôn giữ được nét trong sáng, hồn nhiên như chính lứa tuổi của các em. Nhà trường có những học sinh hồn nhiên, cộng thêm sự nhiệt tình của các thầy cô giáo sẽ tạo nên môi trường học đường thân thiện và vui vẻ. Nhưng chỉ một mình nhà trường, chỉ có giáo viên thực hiện thì chưa đủ. Tôi nghĩ cần có sự đồng lòng, hợp sức của cả gia đình (phụ huynh) và xã hội.
Khi học sinh ở trường, chúng tôi dạy các em phải thế này, thế kia. Nhưng khi về nhà, chính mắt các em trông thấy cha mẹ mình làm điều ngược lại với lời cô giáo dạy trên lớp thì phản tác dụng rồi. Qua nhiều năm theo dõi, tôi thấy đa số học sinh hư đều có hoàn cảnh rất đáng thương: cha mẹ ly hôn hoặc lo làm ăn, không quan tâm đến con cái... Thậm chí nhiều vị cho con đến trường để hết thời gian trong ngày.

Nguyễn Thị Bảo Vân (phụ huynh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM):

Chúng ta cùng nhau vào cuộc

Tôi có xem video clip nữ sinh đánh nhau gây xôn xao trên mạng mấy ngày gần đây. Thật khủng khiếp! Cứ hình dung con gái mình mà là nạn nhân trong vụ đó chắc tôi... chết mất. Không chỉ bị đau về thể xác, cháu gái bị đánh trong clip còn bị đau cả về tinh thần. Từ nay, có lẽ tôi phải tính toán để trực tiếp đưa đón con đi học chứ không cho cháu đi xe đạp nữa. Thấy sợ quá!

Tôi mong môi trường học đường sẽ luôn trong sáng và an toàn vì nó biểu trưng cho sự có mặt của giáo dục. Trường học không phải là nơi gây thù chuốc oán, không phải là nơi giải quyết xung đột theo kiểu “xã hội đen”. Tôi cũng mong những người trong trường học (bao gồm thầy cô giáo, học sinh và cả nhân viên các bộ phận hành chính của nhà trường) cư xử với học sinh thân thiện hơn, có tình người hơn (như phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” mà ngành giáo dục đang thực hiện).

Và không chỉ ngành giáo dục, tôi hi vọng là sau vụ đánh nhau trên, các ngành các cấp, các đoàn thể hãy vào cuộc, cùng chung tay xây dựng một môi trường học đường không bạo lực. Để phụ huynh chúng tôi yên tâm cho con đi học, yên tâm rằng cháu đang được học hành, sinh hoạt trong môi trường an toàn.

● Một học sinh lớp 12 Trường THPT Võ Thị Sáu, TP.HCM (đề nghị giấu tên):
Thầy cô nên hiểu học sinh hơn

Tôi đã xem video clip ấy. Đó là những hành động thô bỉ, đánh mất vẻ đẹp con gái theo thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. 12 năm ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã biết và chứng kiến nhiều trường hợp mâu thuẫn giữa các bạn học sinh với nhau, chuyện rất nhỏ nhưng nói qua nhiều bạn khác thế là thành chuyện to. Sợ nhất là nhiều bạn bây giờ muốn giải quyết mọi chuyện bằng bạo lực để chứng tỏ bản thân.

Là học sinh tôi luôn mong các thầy cô hãy gần gũi hơn, thân thiện hơn và hiểu học sinh hơn. Nhất là các thầy giám thị hãy sâu sát hơn với học trò để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ ẩu đả đáng tiếc xảy ra.

Thực tế cho thấy không phải tất cả học sinh quậy đều không thể giáo dục được. Thầy cô đừng nghĩ rằng các bạn quậy phá là dở, là ngu. Năm học trước, tôi từng chứng kiến cô chủ nhiệm lớp tôi cảm hóa một bạn rất quậy. Chỉ cần người lớn chỉ ra rằng các bạn ấy không phải thứ bỏ đi, rằng các bạn ấy cũng có tài ở một lĩnh vực nào đó... Thêm nữa, nếu thầy cô đối xử với học sinh cá biệt dịu dàng hơn, khuyên nhủ nhẹ nhàng hơn, tôi nghĩ sẽ có hiệu quả.

Tôi cũng nghĩ rằng gia đình là nơi có ảnh hưởng rõ nhất đối với tính cách mỗi người. Nếu bạn sống trong một gia đình có cha mẹ luôn cư xử với người khác bằng bạo lực thì bạn cũng sẽ có cách giải quyết vấn đề như thế.

Huỳnh Thị Tú Uyên (học sinh lớp 11A7 Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP.HCM):

Tăng cường hoạt động ngoại khóa

Tôi nghĩ ở lứa tuổi học sinh chẳng có mâu thuẫn gì trầm trọng đến mức phải “xử” nhau như video clip ấy. Thật kinh khủng! Nhưng chuyện nữ sinh đánh nhau hiện nay rất phổ biến. Đôi khi chỉ vì lý do “nhìn nhỏ đó chảnh quá, thấy ghét” cũng có thể diễn ra một trận ẩu đả tơi bời. Đánh không phải chỉ làm đối phương bị đau mà làm sao hạ nhục đối phương càng nhiều càng tốt. Thế mới có chuyện xé áo, xé quần rồi lôi “phụ tùng” của nhau ra cho bàn dân thiên hạ xem.

Tôi nghĩ chuyện nữ sinh đánh nhau như thế rất đáng xấu hổ. Nhưng bây giờ một số bạn lại muốn mượn chuyện đó để thể hiện sức mạnh của mình. Bởi vậy, nhiều vụ đánh nhau mà có thông báo trước để càng nhiều người đến xem càng tốt. Đánh nhau mà quay phim rồi tung lên mạng và tính toán có bao nhiêu lượt người xem. Cứ như phim Hàn Quốc ấy.

Mong ước môi trường học đường luôn trong sáng, thân thiện, cởi mở và không bạo lực có lẽ không phải của riêng tôi. Không biết các trường khác thế nào chứ ở trường tôi, khi vụ việc (đánh nhau) chưa xảy ra thì thầy cô đã biết rồi. Tôi nghĩ việc này trường nào cũng làm được, chỉ cần “một đội học sinh xung kích” thì sẽ nắm hết thôi. Bên cạnh đó, các hoạt động ngoại khóa cũng sẽ làm học sinh gần gũi với nhau hơn, hiểu nhau hơn.

Theo TTO.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top