• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Đạo Học Lão-Trang: Nguồn Hạnh Phúc. Chương II: Chân lý là gì ?

nguoibandaohoc

New member
Xu
0
Chân Lý là gì ?

ÂM, DƯƠNG; ĐẠO ,ĐỨC; Cái không và cái có; Vô Vi

Thiện là ác và ác là thiện, như chúng ta đã biết chương trên. Ác là âm, thiện là dương. Nói chung các giá trị tiêu cực là âm, các giá trị tích cực là dương. Tiểu nhân, xấu, yếu kém, phía sau, quá khứ, mềm, yếu, thiếu ánh sáng, phụ nữ, nhục, thất bại... là âm. Quân tử, tốt, phía trước, tương lai, cứng rắn, sáng sủa, đàn ông, vinh, chiến thắng... là dương. Quy luật của đạo học là “âm là dương, dương là âm”.

Nói vậy có một số độc giả cho là khó hiểu. Ví dụ: nếu quy luật âm là dương, dưong là âm thì đàn bà là đàn ông, đàn ông là đàn bà? Đúng vậy. Trong cơ thể người phụ nữ nào cũng có mầm mống một bé trai và trong người cha nào cũng có mầm mống một bé gái. Thuốc độc có giá trị âm, nhưng dùng để đầu độc kẻ ác thì tốt, tức khi đó thuốc độc có giá trị dương. Chúng ta ăn cơm hàng ngày, cơm là tốt, là dương, nhưng chỉ ăn vài chén một bữa mà thôi. Nếu ăn gấp năm, gấp bảy lần lên thì bội thực, rồi còn chết nữa. Cơm trong trường hợp này là xấu, là âm. Với người bệnh thì ăn cháo, uống sữa, chứ cho ăn cơm còn bị chết ấy chứ. Cái nhà chúng ta ở, chúng ta yêu nó, là dương, nhưng nó cũng là cái xấu nữa, vì nó gây con cái tranh giành, mất tình anh em. Việc này thường thấy, nếu bạn chịu khó quan sát ắt thấy. Chê là khen, vì chê là thử thách, thử thách thì tìm được tính tốt, tìm được tính tốt là khen. Đánh, chửi là thương, vì “thương cho roi cho vọt”. Ngược lại, khen là chê vì “Mật ngọt chết ruồi”, dẫn đến “ruồi” chết thật, “ruồi” chết thật là chê.Đối với câu “thương cho roi cho vọt” là câu “ghét cho ngọt cho ngào”. Nuông chiều con là làm hư chúng đi. Bại chính là thắng. Người Nhật, Đức thất bại trong thế chiến nhưng nay họ là các cường quốc kinh tế. Đầu thế kỷ 20, Trung Quốc là con mồi cho các quốc gia khác xâu xé, số đông quần chúng khổ sở, nhưng nay họ cũng là một cường quốc.

Quy luật khác là không có cái gì thoát khỏi âm dương. Đây là phép biện chứng của triết học. Vật gì, hiện tượng gì, người gì cũng là sự đấu tranh và thống nhất giữa các mặt đối lập, tức âm và dương. Trong một cơ thể, nếu cho đồng hóa là tích cực, tức dương, thì cơ thể đó cũng có dị hóa là tiêu cực, tức âm. Tiêu hóa là dương, bài tiết là âm. Trong một chiếc xe, có những bộ phận chuyển động, là dương và những bộ phận đứng yên là âm, những bộ phận cứng rắn là dương và những phần mềm như lốp xe, yên xe là âm. Nguyên tử có hạt nhân đứng yên là âm và những điện tử quay quanh là dương.

Âm và dương có tính tương đối. Không có cái gì tuyệt âm và không có cái gì tuyệt dương. Chẳng hạn, cái bàn gỗ là là âm hay dương? Bàn gỗ là dương so với mặt đất, vì nó cao hơn, “tích cực” hơn, nhưng so với mái nhà thì nó là âm, vì nó thấp hơn. Nhưng cái bàn so với chén cơm thì nó lại là âm, vì “tiêu cực” hơn, nó không nuôi được con người. Nhưng chiếc bàn gỗ đó đối với con mối là dương, vì mối tiêu hóa được gỗ. Nói về mặt nuôi dưỡng cơ thể thì tiêu hóa là dương, bài tiết là âm, nhưng nói về mặt thải chất độc ra khỏi cơ thể thì bài tiết là dương, tiêu hóa là âm, vì khi ta ăn cơm, ta cũng đưa luôn chất bã vào cơ thể. Nói về làm việc thì ban ngày là dương, ban đêm là âm, nhưng nói về sự nghỉ ngơi, thì cơ thể cần ngủ để hồi phục sinh lực và giải độc, thì ban đêm là dương, ban ngày là âm. Không có cái tuyệt dương, không có cái tuyệt âm.

Vậy cái gì tạo ra âm, dương? Đó là cái một. Cái một là gì? Cái một là một khái niệm quen thuộc trong triết học phương Đông. Tốt luôn đi với xấu, do đó tốt và xấu là một, như hai mặt của một tờ giấy. Thiện luôn đi với ác, do đó, thiện với ác là một. Tương tự, trước với sau là một; trên với dưới là một; trong với ngoài là một; họa với phúc là một; vinh và nhục là một... Tất cả đều là cái một, không có cái gì thoát khỏi nó cả. Cái một này chính là Đạo, là chân lý. Đắc đạo là thấy được cái một. Cái một, hay Đạo, là cái thống nhất, hỗn độn tất cả. Tóm lại, Đạo là thể thống nhất giữa âm và dương, âm và dương là hai mặt của Đạo. Đạo phân hóa tạo ra âm, dương. Kinh Dịch nói:”Thái cực sinh lưỡng nghi”. Thái cực chính là cái một, là Đạo. Lưỡng nghi là âm và dương. Nhưng Đạo học thì khác Kinh Dịch. Dịch nói:” Lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh vạn vật”, còn Đạo học thì nói âm, dương vừa mâu thuẫn vừa thống nhất mà sinh tất cả, như trong tin hoc, chỉ từ số 1 và số 0 mà ta có tất cả.Vì thế mà ta cũng nói cái gì cũng là Đạo, người nào cũng là Đạo, là cái hỗn độn âm dương, không có bản tính nào cả.

Nói trong và ngoài là một có vẻ khó hiểu. Hãy cho trong là nội tâm ta và ngoài là xã hội thì nột tâm ta và xã hội là một.Andre Maurois, viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp, viết trong tập Thư Ngỏ gửi Tuổi hai mươi rằng “Cái ngoại giới chân thực chính là cái nội giới chân thực”. Điều này có nghĩa là người ngoài hạnh phúc thì ta hạnh phúc, tức gia đình ta, quốc gia ta hạnh phúc thì ta hạnh phúc. Lo việc cho ta, giải quyết hạnh phúc cho ta là giải quyết hạnh phúc xã hội, và ngược lại, nước nổi thuyền nổi, khi xã hội phát triển thì ta cũng khá lên. Tương tự, Phật nói Phật và chúng sinh là một: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật chưa thành.” Ở những đứa bé bị bỏ rơi, được thú nuôi, tức sống tách khỏi xã hội người mà sống trong xã hội thú thì khi đem về lại xã hội loài người, chúng cũng không còn nhân tính, không mặc được quần áo, luôn xé mọi thứ, không hiểu và không nói tiếng người, ăn như thú. Đứa bé đó chỉ phản ánh xã hội thú, chứ không phản ánh xã hội người. Nội tâm ta là sự phản ánh xã hội, tùy ở mỗi người mà sự phản ánh đó gần với chân lý hay không. Do đó ta và xã hội là một. Tâm và vật là một. Đạo thì không duy tâm, mà cũng không duy vật, không có cái “duy” nào cả.

Trước và sau cũng là một, trên và dưới cũng là một. Từ sao Hỏa nhìn về Trái đất thì đâu là trước, đâu là sau? Lúc đó sẽ thấy trước là sau, mà sau cũng là trước; trên cũng là dưới mà dưới cũng là trên. Cái trên của người này là cái dưới của người kia. Thật ra, đối với hạng người đã đắc đạo thì người ấy thấy thời gian và không gian biến mất. Điều này cũng đúng đối với vật lý học hiện đại, theo thuyết tương đối của Albert Eistein. Không gian là ba chiều tuyệt đối và thời gian là một chiều tuyệt đối từ quá khứ tới tương lai chỉ có trong bức tranh vật lý thế giới của Newton, còn trong vật lý học hiện đại thì khác. Các đo đạc thiên văn cho thấy các tia sáng đi ngang qua gần mặt trời bị bẻ cong đi. Ánh sáng luôn truyền theo đường thẳng, thế mà đi qua gần mặt trời bị cong đi thì đó là do không gian bị uốn cong do tác dụng của lực hấp dẫn của mặt trời. Không gian có thể bị bẻ cong, chứ không phải là khoảng không ba chiều dọc, ngang, thẳng đứng tuyệt đối như ta thấy.Với người đắc đạo, họ sống trong không gian, thời gian nhưng thời gian và không gian không sống trong họ. Trước sau, trên dưới đều là tương đối, không phải là bất biến, không thực.

Trong tập Cái vô hạn trong lòng bàn tay của hai tác giả Matthieu Ricard và Giáo Sư Trịnh Xuân Thuận, Trịnh Xuân Thuận viết về tính tương đối và tính một của không gian và thời gian, của vật lý hiện đại rất rõ. Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948 tại Hà Nội, là nhà vật lý thiên văn, một chuyên gia lớn trong lĩnh vực nghiên cứu sự hình thành của các thiên hà. Ông giảng dạy tại Đại Học Virginie (Mỹ) và là tác giả của nhiều cuốn sách phổ biến khoa học được đánh giá rất cao. Về tính một của vũ trụ, ông viết như sau:

Khoa học, bằng các kỹ thuật riêng của mình, đã phát hiện ra rằng hiện thực là tổng thể và phụ thuộc lẫn nhau, cả trong thế giới nội nguyên tử lẫn trong thế giới vĩ mô. Trong thế giới vi mô, có bằng chứng rõ ràng chứng tỏ hiện tượng nội nguyên tử phụ thuộc lẫn nhau dựa trên thí nghiệm tưởng tượng nổi tiếng mà Einstein và hai đồng nghiệp của ông ở Princeton và Nathan Rosen đã đưa ra vào năm 1935. Người ta gọi thí nghiệm này là nghịch lý EPR, chữ viết tắt gồm các chữ cái đầu tiên của tên ba tác giả. Nó chỉ nghịch lý bởi Einstein quan niệm hiện thực là rời rạc và dựa trên các hạt chứ không phải là một hiện thực liên kết với nhau. Nghịch lý này sẽ biến mất ngay khi người ta hiểu hiện thực có tính tổng thể. Để hiểu thí nghiệm này, cần phải biết rằng ánh sáng, cũng như vật chất, có tính hai mặt, nghĩa là trong thế giới vật lý phụ thuộc lẫn nhau, cái mà người ta gọi là “photon”, “electron”, “vật chất” lúc thì thể hiện gương mặt hạt, lúc thì thể hiện gương mặt sóng. Chừng nào tôi chưa sử dụng máy đo, chừng đó hiện tượng mà tôi gọi là “photon” (hạt ánh sáng – NNH) còn thoát khỏi sự cứng nhắc của thế giới tất định và không có các quỹ đạo hoàn toàn xác định, và thể hiện gương mặt sóng của nó. Sóng này lan truyền ra tất cả các hướng của không gian, như các gợn sóng tròn do một viên đá ném xuống mặt hồ tạo ra, lan truyền cho tới khi phủ kín mặt hồ. Như vậy người ta có thể nói rằng photon cùng một lúc hiện diện khắp nơi trong không gian. Cơ học lượng tử (Lý thuyết vật lý mô tả cấu trúc và hành trạng của các nguyên tử và tương tác của chúng với ánh sáng – NNH) nói rằng, nếu không tiến hành quan sát, tôi sẽ không bao giờ có thể tiên đoán được photon sẽ ở vị trí nào tại một thời điểm nhất định, nhiều lắm chỉ là đánh giá được xác suất để nó xuất hiện ở nơi này hay nơi khác mà thôi. Giống như những con sóng của đại dương, sóng xác suất gắn với photon (được nhà vật lý Áo Erwin Schrodinger tính toán năm 1926) có biên độ khác nhau ở những vị trí khác nhau. Xác suất gặp photon là lớn ở những chỗ có biên độ lớn, và nhỏ ở những chỗ biên độ nhỏ. Nhưng ngay cả ở những chỗ có biên độ lớn, thì người ta cũng không bao giờ chắc chắn gặp được photon ở đó. Chẳng hạn, xác suất có thể là ¾ hay 9/10 nhưng không bao giờ là 100%. Như vậy, trước khi có quan sát, hiện thực của thế giới nội nguyên tử chỉ là những xác suất. Là một tín đồ của quyết định luận (khái niệm triết học, theo đó có tồn tại quan hệ nhân quả giữa các hiện tượng vật lý, điều này cho phép tiên đoán hành trạng của các hệ vật lý nếu biết trước các điều kiện ban đầu của chúng – NNH), Einstein không chấp nhận vị trí hàng đầu cơ học lượng tử dành cho ngẫu nhiên. Ông cũng từng nói:”Chúa không chơi trò xúc xắc”. Ông liên tục tìm kiếm một lỗ hổng trong lý thuyết của cơ học lượng tử và trong cách giải thích hiện thực mang tính xác suất của nó. Chính vì mục đích đó mà ông đã dựng ra thí nghiệm EPR.

Ba tác giả của thí nghiệm này nói: chúng ta hãy xét một hạt tách ra thành hai hạt ánh sáng (photon – NNH) A và B. Vì những lý do đối xứng, hai hạt A và B này luôn chuyển động theo hai hướng ngược chiều nhau. Hãy lắp đặt các thiết bị đo và tiến hành kiểm tra. Nếu A chuyển động về hướng Bắc, chúng ta sẽ phát hiện thấy B hướng Nam. Cho tới lúc này, về bề ngoài, vẫn chưa có gì đặc biệt. Nhưng đó là do người ta đã quên mất những đặc tính khác thường của cơ học lượng tử: trước khi bị máy dò thu được, A không có dạng hạt mà có dạng sóng. Vì sóng này không định xứ nên tồn tại một xác suất để A nằm ở bất cứ hướng nào. Chỉ khi bị bắt A mới đổi dạng thành hạt và “biết” rằng nó chuyển động về hướng Bắc. Nhưng nếu trước khi bị bắt, A không “biết” trước nó sẽ chuyển động theo hướng nào thì làm sao B có thể “đoán” được hướng chuyển động của A để điều chỉnh hướng chuyển động của mình sao cho nó bị bắt ở cùng thời điểm theo hướng ngược lại? Điều này là vô nghĩa, trừ phi chấp nhận rằng A có thể thông báo tức thời cho B hướng chuyển động của mình. Nhưng thuyết tương đối khẳng định rằng không có tín hiệu nào có thể chuyển động nhanh hơn ánh sáng. Chính Einstein đã nói:”Chúa không truyền những tín hiệu thần giao cách cảm”. Vì vậy, ông kết luận rằng cơ học lượng tử không mô tả được hiện thực một cách hoàn chỉnh. Theo ông, A phải biết trước nó sẽ đi theo hướng nào và truyền thông tin này cho B trước khi tách ra khỏi B. Như vậy thì những tính chất của A phải có một hiện thực khách quan độc lập với hành động quan sát. Cách giải thích mang tính xác suất của cơ học lượng tử, theo đó, A có thể nằm ở bất cứ hướng nào, là sai lầm. Bên dưới tấm màn che bất định lượng tử phải có một hiện thực nội tại và tất định. Theo Einstein, vận tốc và vị trí xác định quỹ đạo một hạt được định xứ trên chính hạt đó, độc lập với hành động quan sát. Ông tán đồng cái mà người ta gọi là “chủ nghĩa hiện thực cục bộ” (réalisme local). Cơ học lượng tử không giải thích được quỹ đạo xác định của hạt, vì nó không xét tới các tham số phụ gọi là các “biến ẩn”. Vì vậy nó chưa đầy đủ.

Tuy nhiên, Einstein đã nhầm. Từ khi được xây dựng, cơ học lượng tử – và cách giải thích mang tính xác suất về hiện thực của nó – chưa bao giờ có nhược điểm dù rất nhỏ. Các thí nghiệm luôn chứng tỏ nó là đúng và hiện thời nó vẫn là lý thuyết chính xác nhất cho phép hiểu được sự vận động của thế giới nguyên tử và dưới nguyên tử.

Trong suốt một thời gian dài, sơ đồ EPR vẫn chỉ là một thí nghiệm tưởng tượng. Người ta không biết phải thực hiện nó trên thực tế như thế nào. Năm 1964, John Bell, một nhà vật lý người Ailen ở CERN (Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu), đã thiết lập một định lý toán học mang tên “bất đẳng thức Bell”. Định lý này sẽ phải được các phép đo thực nghiệm xác nhận nếu như tồn tại các biến ẩn được định xứ ngay trên các hạt như Einstein nghĩ. Định lý này cuối cùng đã cho phép chuyển hướng tranh luận từ phương diện siêu hình sang phương diện thực nghiệm. Năm 1982, tại trường Đại Học Orsay, nhà vật lý học người Pháp Alain Aspect cùng các cộng sự đã tiến hành một loạt thí nghiệm đối với các cặp photon để kiểm tra hiệu ứng EPR. Họ đã phát hiện thấy rằng bất đẳng thức Bell luôn bị vi phạm, nghĩa là Einstein đã nhầm và cơ học lượng tử đã đúng. Trong thí nghiệm của Aspect, các photon A và B bị tách rời nhau 12m, tuy nhiên B vẫn luôn luôn “biết” một cách tức thời A đang làm gì.

Một số loại đồng hồ nguyên tử được gắn với các máy dò thu A và B cho phép đo rất chính xác thời điểm đến của từng photon. Sự chênh lệch giữa hai khoảng thời gian nhỏ hơn khoảng 10 phần tỉ giây (có thể độ chênh lệch này bằng 0, nhưng độ chính xác của các đồng hồ nguyên tử hiện nay chưa cho phép đo thời gian dưới 10-10 giây). Nhưng ở 10-10 giây, ánh sáng không vượt qua nổi một khoảng cách 3cm, ngắn hơn rất nhiều so với khoảng cách 12m từ A đến B. Hơn nữa, kết quả không thay đổi ngay cả khi người ta kéo dài khoảng cách giữa hai photon. Mặc dù chắc chắn là ánh sáng không thể đủ thời gian vượt qua khoảng cách này để truyền một thông tin nào đó, nhưng hành trạng của A và của B luôn có sự tương quan tức thời.

Trong một thí nghiệm tương tự do nhà vật lý người Thụy Sĩ Nicolas Caisin và các cộng sự của ông ở Genève thực hiện năm 1998, họ bắt đầu bằng việc tạo ra một cặp photon. Sau đó họ cho truyền qua sợi quang học một photon đến phía Bắc Genève và một đến phía Nam Genève. Khoảng cách của máy đo là 10 km. Khi đến đầu các sợi quang học, mỗi photon phải chọn ngẫu nhiên trong hai hành trình: một ngắn, một dài. Vậy mà người ta đã quan sát được rằng, trong mọi trường hợp, các photon đều có cùng sự lựa chọn. Trung bình, một nửa số lần chúng chọn đường dài, và một nửa số lần chọn đường ngắn, nhưng sự lựa chọn của chúng bao giờ cũng giống nhau. Các nhà vật lý Thụy Sĩ tin chắc chắn rằng hai photon không thể truyền thông tin cho nhau bằng ánh sáng, vì sự chênh lệch giữa thời gian chúng “trả lời” nhau ngắn hơn 3/10 tỉ giây. Trong khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi này, ánh sáng chỉ có thể vượt qua 9 cm, trong khi khoảng cách giữa hai photon là 10 km.

Vật lý cổ điển cho chúng ta biết rằng sự lựa chọn của A và của B phải hoàn toàn độc lập với nhau vì chúng không thể thông tin cho nhau được. Nhưng thực tế lại không phải như vậy. Sự tương quan giữa chúng luôn hoàn hảo. Vậy giải thích thế nào về việc B luôn biết tức thời A đang làm gì? Nghịch lý chỉ xuất hiện ở đây, nếu chúng ta giả định giống Einstein rằng hiện thực là rời rạc và định xứ trên từng photon. Nghịch lý này sẽ được giải quyết nếu chúng ta chấp nhận rằng A và B là một bộ phận của một hiện thực tổng thể, dù khoảng cách giữa chúng có lớn đến đâu chăng nữa. A không cần phải gửi tín hiệu đến B vì hai hạt ánh sáng (hoặc ít nhất là các hiện tượng mà máy đo coi là hạt ánh sáng) luôn luôn có quan hệ với nhau thông qua một tương tác huyền bí. Dù ở đâu thì hạt thứ hai cũng luôn là bộ phận của một hiện thực giống hạt thứ nhất. Ngay cả khi hai hạt nằm ở hai đầu của vũ trụ. Cơ học lượng tử đã loại bỏ toàn bộ ý tưởng về sự định xứ. Cơ học lượng tử đã trao cho không gian đặc tính tổng thể. Các khái niệm “ở đây”, và “ở kia” trở nên vô nghĩa vì “ở đây” đồng nhất với “ở kia”. Các nhà vật lý gọi là tính “không tách được”.

Một số nhà vật lý không chấp nhận quan niệm về một hiện thực không tách được và đã cố gắng tìm ra khiếm khuyết nào đó trong các thí nghiệm hay trong định lý Bell, nhưng cho tới nay, họ vẫn thất bại. Cơ học lượng tử chưa bao giờ phạm sai lầm nào và vì thế hiện tượng EPR gợi ý chúng ta rằng hiện thực mang tính tổng thể.

Theo tôi (NNH), các nhà vật lý hiện đại đã lặp lại kết luận của Trang Tử. Trang Tử nói đây là đó mà đó cũng là đây. Một sự thống nhất vĩ đại.

Giáo Sư Trịnh Xuân Thuận viết tiếp: Nếu ở thang nội nguyên tử, các hiện tượng dường như “phụ thuộc lẫn nhau”, thì thí nghiệm con lắc Foucault là thí nghiệm chứng tỏ rằng sự phụ thuộc lẫn nhau không chỉ giới hạn ở thế giới các hạt, mà nó còn mở rộng ra toàn vũ trụ, cả ở thế giới vĩ mô cũng như thế giới vi mô. Nhà vật lý người Pháp Léon Foucault muốn chứng tỏ rằng Trái Đất quay quanh mình. Năm 1851, trong một thí nghiệm mà cho tới nay vẫn nổi tiếng và hiện vẫn được dựng lại trong nhiều bảo tàng khoa học trên thế giới, ông đã gắn một con lắc vào đỉnh vòm điện Panthéon ở Paris. Một khi được thả cho dao động, con lắc này có hành trạng đặc biệt: mặt phẳng dao động của nó quay hết một vòng trong nhiều giờ. Nếu thả cho con lắc dao động theo hướng Bắc – Nam thì vài giờ sau, nó sẽ dao động theo hướng Đông – Tây. Nếu chúng ta ở Bắc Cực hay Nam Cực, thì mặt phẳng dao động của con lắc sẽ quay hết một vòng sau đúng 24 giờ. Tại Paris, do ảnh hưởng của vĩ độ nên sau một ngày, mặt phẳng dao động của con lắc chỉ quay được một phần của vòng tròn.

Tại sao mặt phẳng dao động của con lắc lại quay? Foucault trả lời rằng chuyển động này chỉ có tính chất biểu kiến: mặt phẳng dao động của con lắc thực ra là không thay đổi, chỉ có Trái Đất quay mà thôi. Ông rất hài lòng vì làm sáng tỏ được chuyển động quay của Trái Đất. Nhưng câu trả lời của Foucault vẫn chưa đầy đủ vì một chuyển động chỉ có thể được mô tả so với một vật mốc cố định, vì không tồn tại chuyển động tuyệt đối. Chuyển động không tồn tại tự thân, mà là đối với một vật khác. Trái Đất phải “quay” so với một cái gì đó không quay. Nhưng làm thế nào để tìm ra cái gì đó này? Để kiểm tra sự bất động của một điểm quy chiếu, một ngôi sao nào đó chẳng hạn, chỉ cần thả con lắc dao động theo hướng tới ngôi sao đó. Nếu ngôi sao này bất động thì nó sẽ phải nằm trong mặt phẳng dao động của con lắc, và bằng cách đó ta biết là nó cố định. Nếu ngôi sao chuyển động, nó sẽ dần dần lệch ra ngoài mặt phẳng dao động của con lắc.

Chúng ta hãy thử với các thiên thể đã biết, từ những thiên thể gần nhất đến những thiên thể xa nhất. Nếu chúng ta hướng mặt phẳng con lắc về phía Mặt Trời, thì sau vài tuần, Mặt Trời sẽ rời khỏi mặt phẳng dao động của con lắc một cách khá rõ rệt. Các ngôi sao gần nhất, nằm cách chúng ta vài năm ánh sáng, sẽ rời khỏi mặt phẳng dao động con lắc sau vài năm. Thiên Hà Andromède cách chúng ta hai triệu năm ánh sáng sẽ rời khỏi chậm hơn nhưng cuối cùng cũng rời khỏi mặt phẳng dao động. Thời gian trôi qua trong mặt phẳng dao động sẽ được kéo dài ra và độ lệch ra khỏi mặt phẳng này có xu hướng tiến dần đến 0 khi các vật được thử nghiệm ra xa dần chúng ta. Chỉ có những đám thiên hà ở xa nhất, cách chúng ta hàng tỉ năm ánh sáng, ở rìa vũ trụ mà chúng ta quan sát được, là không lệch ra khỏi mặt phẳng dao động ban đầu của con lắc. Nhưng tại sao có một mặt phẳng ưu tiên như thế? Không có mặt phẳng nào ưu tiên cả. Tất cả các hướng đều tương đương nhau. Dù lúc đầu có thả con lắc theo hướng nào chăng nữa thì mặt phẳng dao động của con lắc vẫn cố định không phải là so với các thiên thể ở gần, mà so với các đám thiên hà xa xôi nhất mà người ta có thể phát hiện theo hướng đó. Kết luận được rút ra từ thí nghiệm này là hết sức đặc biệt: Con lắc Foucault điều chỉnh hành trạng của nó không phải theo môi trường tại chỗ của nó, mà là theo các thiên hà xa xôi nhất, nghĩa là theo toàn vũ trụ, bởi vì hầu hết khối lượng nhìn thấy được của vũ trụ không nằm trong các ngôi sao ở gần mà trong các thiên hà xa xôi. Nói cách khác, cái được chuẩn bị xảy ra ở Trái Đất đã được quyết định trong khoảng vô tận của vũ trụ, nghĩa là cái đang xảy ra trên hành tinh nhỏ bé của chúng ta phụ thuộc vào tổng thể các cấu trúc của vũ trụ.

Như vậy con lắc nhỏ bé trên Trái Đất, tưởng như là một hiện tượng độc lập, thực ra hợp với vũ trụ thành một. Chúng ta và vũ trụ là một.

Kiến thức vật lý của loài người cũng tiến dần về cái Một. Vật lý càng phát triển thì các hiện tượng mà người ta tin là hoàn toàn tách biệt lại có thể thống nhất với nhau. Vào thế kỷ XVII, Newton thống nhất sự quay của Mặt Trăng quanh Trái Đất, sự quay của các thiên thể và sự rơi xuống đất của trái táo trong vườn là một, chính do tác động của lực hấp dẫn. Vào thế kỷ XIX, Maxwell chứng tỏ rằng điện và từ chỉ là hai mặt khác nhau của cùng một hiện tượng. Sau đó ông hiểu rằng sóng ánh sáng cũng chính là sóng điện từ. Đầu thế kỷ XX, Einstein thống nhất thời gian và không gian. Thời gian và không gian là một. Khi thời gian kéo dài ra thì không gian co lại. Ông cũng thống nhất năng lượng và khối lượng: năng lượng và khối lượng là một qua công thức E = mc2. Các hiện tượng vật lý đều có thể được giải thích bằng bốn lực cơ bản: hai lực nguyên tử mạnh và yếu, lực điện từ và lực hấp dẫn. Các nhà vật lý đang nỗ lực thống nhất bốn lực cơ bản của tự nhiên thành một siêu lực duy nhất. Trong tương lai, khi giải quyết được vấn đề siêu lực duy nhất này thì đó cũng chỉ là sự lặp lại, và là sự chính minh thêm kết luận triết học của Đạo học: tất cả là Một.

Vạn vật nhất thể. Thuyết này có từ Trung Hoa cổ đại. Vật lý học hiện đại chứng minh thêm cho điều này. Sự sống trên Trái Đất và vũ trụ bao la vô bờ bến là một. Trịnh Xuân Thuận viết:

Sự nhỏ bé đến vô nghĩa của con người đã từng khiến Pascal vào thế kỷ XVII phải thốt lên lo lắng:”Sự im lặng vĩnh hằng của không gian vô tận làm tôi lo sợ”, và đáp lại lời thảng thốt đó, ba thế kỷ sau, nhà sinh vật học người Pháp Jacques Monod cũng lên tiếng:”Con người mất hút trong sự bao la thờ ơ của vũ trụ, nơi nó đã tình cờ xuất hiện”, và nhà vật lý học Mỹ Steven Weinberg:”Càng hiểu vũ trụ, chúng ta càng cảm thấy mình vô nghĩa.”

Dường như vũ trụ đã được điều chỉnh hoàn hảo để cho các sinh vật xuất hiện … Cần phải biết rằng sự tiến hóa của vũ trụ chúng ta, hay của mọi hệ thống vật lý khác, đều do cái mà người ta gọi là “các điều kiện ban đầu” và 15 con số được gọi là “hằng số vật lý” quy định.

Một đường cong do trái banh bay vạch ra trong không gian trước khi rơi xuống đất có thể được mô tả hết sức chính xác. Để làm điều này, nhà vật lý sẽ dùng định luật vạn vật hấp dẫn của Newton và những hiểu biết của anh ta về các điều kiện ban đầu, nghĩa là vị trí và vận tốc quả bóng ở thời điểm rời khỏi tay người ném. Đến lượt mình, định luật vạn vật hấp dẫn lại phụ thuộc vào “hằng số hấp dẫn” quy định cường độ của lực hấp dẫn. Tương tự, vũ trụ tồn tại 3 con số khác quy định cường độ của các lực hạt nhân mạnh và yếu và lực điện từ. Sau đó là vận tốc ánh sáng và hằng số Plank quy định kích thước của các nguyên tử. Tiếp theo là các số đặc trưng cho khối lượng các hạt cơ bản: khối lượng của proton, của electron, v.v… Các hằng số này, như tên gọi chúng chỉ rõ, không thay đổi trong không gian và thời gian. Ta có thể kiểm tra chính xác điều này bằng cách quan sát các thiên hà ở rất xa. Hiện nay chúng ta chưa có lý thuyết vật lý nào giải thích được tại sao các hằng số đó lại có giá trị như thế này chứ không phải thế khác. Những con số này được ban cho chúng ta và chúng ta phải sống với chúng.

Trong giới hạn hiểu biết của vật lý hiện nay, không có một lý do nào ngăn cấm các hằng số này không được thay đổi ở các vũ trụ khác. Chúng đóng vai trò quyết định trong sự tiến hóa vũ trụ, bởi vì chính chúng có vai trò quyết định không chỉ khối lượng và kích thước các thiên hà, các vì sao và Trái Đất chúng ta, mà còn của cả các sinh vật nữa: chiều cao của cây cối, hình dạng của cánh hoa hồng, trọng lượng và kích thước của con kiến, của hươu cao cổ và của con người. Vạn vật quanh ta có thể sẽ khác nếu như các hằng số này có giá trị khác. Còn các điều kiện ban đầu của vũ trụ liên quan đến rất nhiều thứ trong đó có số lượng vật chất mà vũ trụ chứa và tốc độ giãn nở ban đầu. Các nhà vật lý thiên văn nhận ra rằng nếu thay đổi, dù chỉ rất nhỏ, các hằng số vật lý và các điều kiện ban đầu này thì vũ trụ sẽ không có sự sống. Ví dụ, chúng ta hãy nói đến mật độ ban đầu của vật chất trong vũ trụ. Vật chất tác động một lực hấp dẫn ngược chiều với xung lực của vụ nổ nguyên thủy và làm chậm sự giãn nở của vũ trụ. Nếu mật độ ban đầu quá cao, vũ trụ sẽ co lại sau một triệu năm, một thế kỷ, hay thậm chí một năm. Khoảng thời gian này quá ngắn, không đủ cho các lò luyện kim hạt nhân trong các vì sao sản sinh ra được các nguyên tố nặng như carbon, nguyên tố cần thiết cho sự sống. Ngược lại, nếu mật độ vật chất ban đầu không đủ thì lực hấp dẫn yếu, làm cho các ngôi sao không hình thành được. Không có các ngôi sao thì sẽ không có các nguyên tố nặng và do đó sẽ không có sự sống. Như vậy tất cả đều dựa trên sự cân bằng hết sức tinh vi.

Một ví dụ đáng chú ý khác, đó là mật độ vũ trụ lúc nó mới hình thành (ở thời gian Plank): mật độ này phải được điều chỉnh với độ chính xác vào cỡ 10-60. Nói cách khác, nếu thay đổi một chữ số trong 60 số 0, vũ trụ sẽ trở nên khô cằn: sẽ không có sự sống và ý thức. Sự chính xác đến kinh ngạc của mật độ ban đầu của vũ trụ có thể so sánh với độ chính xác của một người bắn cung phải đạt được để bắn một mũi tên trúng bia hình vuông cạnh bằng 1 cm vuông đặt ở rìa vũ trụ cách anh ta 15 tỉ năm ánh sáng! Ngay cả khi các hằng số vật lý và điều kiện ban đầu khác không được điều chỉnh cực kỳ chính xác như vậy thì kết luận vẫn không thay đổi: các hằng số và điều kiện này phải được điều chỉnh một cách rất chính xác thì sự sống và ý thức mới xuất hiện.

Con người không còn phải lo sợ trước sự bao la của không gian vô tận nữa, mà chính sự bao la này đã giúp con người tồn tại. Vũ trụ vô cùng rộng lớn (ước tính bán kính vũ trụ khoảng 15 tỉ năm ánh sáng) bởi vì nó không ngừng to ra theo thời gian. Tuổi của vũ trụ cũng cần thiết để cho các vì sao có đủ thời gian tiến hành các lò luyện hạt nhân nhằm sinh ra các nguyên tố hóa học không thể thiếu cho sự sống.

Về tính thống nhất không gian và thời gian, và tính tương đối của thời gian, Trịnh Xuân Thuận viết:

Thời gian trong vật lý học cổ điển là duy nhất, tuyệt đối, phổ quát. Thời gian trôi đi giống nhau đối với mọi người, và mỗi người quan sát trong vũ trụ đều chia sẻ cùng quá khứ, cùng hiện tại, cùng tương lai. Không gian và thời gian tách biệt nhau hoàn toàn: thời gian trôi đi mà không có tương tác nào với không gian.

Năm 1905, khái niệm thời gian tuyệt đối này bị Einstein lật đổ bằng việc công bố Thuyết Tương Đối hẹp. Thời gian không còn dửng dưng với vũ trụ trong đó nó được coi là trôi liên tục, mà trở nên co giãn khi nó tỏ ra phụ thuộc vào chuyển động của người quan sát. Nếu ta chuyển động càng nhanh thì thời gian trôi đi càng chậm. Nếu một người ở trên tàu vũ trụ bay với vận tốc bằng 87% vận tốc ánh sáng thì sẽ thấy thời gian chậm lại một nửa. Anh ta sẽ già chậm đi hai lần so với người song sinh với anh ta trên Trái đất. Sự khác nhau về tuổi này là hoàn toàn có thật. Người song sinh ở Trái đất sẽ có nhiều nếp nhăn và tóc bạc hơn. Tim anh ta đập nhanh hơn, và anh ta ăn nhiều bữa hơn, uống nhiều rượu vang hơn, đọc nhiều sách hơn. Đó là nghịch lý cặp song sinh Langevin (tên nhà vật lý Pháp phát biểu nghịch lý này). Nhưng đó chỉ là nghịch lý đối với lẽ phải thông thường dễ bị đánh lừa của chúng ta. Thuyết Tương Đối giải thích rõ ràng sự chậm lại của thời gian này: vận tốc càng tăng, thời gian càng chậm. Điều đó không cảm nhận được đối với những vận tốc diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, nhưng sự chậm này dễ thấy hơn với các vận tốc gần vận tốc ánh sáng (300.000 km/s). Ở 99% vận tốc ánh sáng, thời gian chậm lại 7 lần. Ở 99,9% vận tốc ánh sáng, thời gian chậm lại 22,4 lần.

Một thay đồi lớn khác: thời gian và không gian tồn tại không tách biệt nhau nữa. Einstein cho rằng thời gian và không gian là một cặp thống nhất. Không gian cũng trở nên co giãn. Các hành trạng của thời gian và không gian luôn bổ sung cho nhau. Khi thời gian giãn ra và chậm lại thì không gian co lại. Nếu một trong hai người trong cặp song sinh ở trên tàu vũ trụ chuyển động với vận tốc 87% vận tốc ánh sáng thì không những anh ta già đi chậm hơn 2 lần, mà không gian anh ta co lại: đối với người trên Trái đất thì con tàu anh ta co lại một nửa. Những biến dạng liên quan đến không gian và thời gian có thể được coi như là sự chuyển hóa của thời gian thành không gian và ngược lại. Không gian bị co biến thành thời gian kéo dài ra. Từ đây vũ trụ có bốn chiều. Để xác định một vật thể trong vũ trụ cần phải cho không chỉ 3 tọa độ không gian chỉ vị trí của nó mà cần phải cho cả thời gian đo được ở vị trí này.

Thời gian bị chậm lại không chỉ do vận tốc mà còn do cả lực hấp dẫn. Đây là điều Einstein phát biểu trong Thuyết tương đối rộng năm 1915. Ở lân cận một lỗ đen có lực hấp dẫn cực lớn, đồng hồ của nhà du hành vũ trụ sẽ chạy chậm lại so với đồng hồ của một nhà quan sát trên Trái đất. Sự chậm lại này không phải là kết quả của trí tưởng tượng. Nó được quan sát rõ nhất trong truờng hợp các hạt được phóng với vận tốc cực lớn trong các máy gia tốc: các hạt này sống lâu hơn (trước khi bị phân rã) so với khi chúng ở trạng thái đứng yên, và điều này luôn theo đúng tỉ lệ mà Einstein đã tiên đoán.

Tính co giãn của thời gian dẫn đến một hệ quả rất cơ bản: thời gian mất đi tính phổ quát của nó, nó không còn như nhau đối với tất cả mọi người quan sát. Hiện tại của tôi có thể là quá khứ của ai đó khác và là tương lai của người thứ ba, nếu cả hai người này đều chuyển động so với tôi. Vì khái niệm “đồng thời” không còn ý nghĩa nữa, nên từ “bây giờ” trở nên mơ hồ, không xác định. Và nếu, đối với một người nào đó khác nữa, tương lai đã tồn tại và quá khứ vẫn còn đang hiện diện, thì tất cả các thời điểm đều có giá trị như nhau, do đó không có thời điểm nào là ưu tiên cả. Theo Einstein, sự trôi của thời gian chỉ là ảo giác. Như để làm dịu đi nỗi buồn của mình, ông đã bộc lộ quan điểm này trong một lá thư viết năm 1959 sau cái chết của người bạn Michele Besso:”Đối với chúng tôi, những nhà vật lý xác tín, sự phân biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo giác, ngay cả khi sự phân biệt này khó mà lay chuyển được.” Theo các nhà vật lý học hiện đại thì thời gian không trôi: nó đơn giản chỉ là hiện hữu đó, bất động, như một đường thẳng kéo dài đến vô tận ở cả hai chiều.

Không chỉ vậy, trong thế giới hạt cơ bản, thời gian có thể trôi theo hai hướng. Hai electron gặp nhau, va chạm nhau rồi bay ra xa. Nếu chúng ta đảo ngược trình tự các sự kiện trong thời gian thì chúng ta cũng vẫn có hai electron đi đến gặp nhau, va chạm nhau và bay ra xa. Hai dãy sự kiện này giống hệt nhau. Những định luật vật lý mô tả các sự kiện này cũng không mang trong chúng các dấu vết của một hướng thời gian cụ thể nào. Cuốn phim về thế giới hạt cơ bản có thể được chiếu theo cả hai chiều.

Như vậy thời gian và không gian là một, là cái hỗn độn âm dương mà ta bàn dưới đây.

Quay lại bản thể thế giới là Đạo. Đạo thì như thế nào? Xin trích dẫn lời Trang Tử nói về Đạo.

“Đạo thì có tình, có tính, vô vi, vô hình; có thể trao cho mà không thể thụ lãnh; có thể hiểu được không thể thấy được. Đạo thì tự bản tự căn. Hồi chưa có trời đất, Đạo đã có rồi. Đạo sinh ra quỷ, sinh ra Đế; sinh ra Trời, sinh ra Đất. Ở trước Thái cực mà chẳng gọi là cao; ở dưới lục cực mà không gọi là sâu; sinh ra trước Trời Đất, mà chẳng gọi là lâu; dài hơn thượng cổ mà chẳng gọi là già.” (Theo Trang Tử - Nam Hoa Kinh, NXB Hà Nội 1992, trang 352).

Đạo thì “tự bản tự căn” cho nên tự mình sinh ra mình, tự mình là gốc của mình, chứ không do cái gì sinh ra cả. Đạo học là triết thuyết khác với các tôn giáo khác, cho vũ trụ, vạn vật, loài người do Thượng Đế sinh ra, tức do một ý chí tốt và vạn năng sinh ra như Chúa trong Cơ Đốc Giáo, hay Ngọc Hoàng trong Đạo Giáo chẳng hạn. Đạo là cái hỗn độn giữa cái có ý chí lẫn cái không có ý chí nào cả, như khoáng vật chẳng hạn. Nếu nói sinh vật do khoáng vật, do các hợp chất mà ra thì chẳng lẽ ta dùng cái thấp giải thích cho cái cao sao? Điều này cũng có nghĩa là dùng cái không sống giải thích cho cái sống sao? Vậy ngay từ đầu đã có sẵn mầm sống trong Đạo. Cũng tương tự như vậy, ngay từ đầu, trong Đạo đã có ý thức, lẫn lộn với cái không ý thức. Và cái này tồn tại trước trời đất, trước ta, nên Đạo có tính chất tiên nghiệm (có trước kinh nghiệm). Đạo thì “vô thủy vô chung”, tức không có đầu, không có cuối và “thường tồn bất biến” nghĩa là bất cứ đâu cũng có Đạo, bất cứ cái gì cũng có Đạo, bất cứ khi nào cũng có Đạo và Đạo chỉ là một, duy nhất. Tuy là “chí nhất “, chỉ có một, nhưng cũng là “chí đa” vì sự vật hiện tượng nhiều tới đâu cũng không thoát khỏi Đạo. Đạo chỉ là cái tên gượng mà gọi vì nó không có một hình thức nào cả. Nói và viết phải có một hình thức nào đó, tức phải có âm nào đó, chữ nào đó. Có hình thức thì bị giới hạn, làm sao diễn tả được cái “vô thủy vô chung”, cái không giới hạn, cái vô cùng tinh tế mà cũng vô cùng vĩ đại? Bởi vậy dù nói và viết hay làm bất cứ cách nào cũng không diễn tả được Đạo.

Do chỗ Đạo rất huyền dịu, khó nói rõ danh trạng, bởi vậy Lão Tử lại dẫn một khái niệm khác là vô để thể hiện. Vạn vật trong thiên hạ đều sinh từ hữu, hữu sinh từ vô (thiên hạ vạn vật sinh ư hữu, hữu sinh ư vô). Hữu hay còn gọi là cái có, cái sắc, tiếng Anh là everythingness, existence, hay being. Vô hay còn gọi là cái không, tiếng Anh là nothingness, non-being, non-existence. Hữu và vô là hai mặt của Đạo. Nhưng người chưa đắc Đạo thì chỉ thấy cái hữu. Người đắc Đạo và chỉ có ngưới đắc Đạo thấy cả hai mặt hữu và vô. Thấy được cái vô của vạn vật nên người đắc Đạo khác hẳn người thường.

Nghe rất trừu tượng, tựa như không có phải không quý độc giả? Nhưng Đạo là cái có thật, cái vô là cái có thật. Bạn hỏi các tu sĩ Phật Giáo thì tất cả họ đều nói cuộc đời này, những cái nhà cửa, xe cộ, phố xá, làng mạc này đều là cái vô. Có cái nào tồn tại bất biến không? Không. Cứ cái nào tồn tại, có hình dạng cũng như những tư tưởng, tình cảm, ý chí con người thì đều biến mất đi, đều trở về cái không, cái vô. Nhưng thế giới vật chất này luôn tồn tại, không biến mất đi, vậy nó từ cái vô sinh ra cái hữu, cái sắc, cái có nữa. Và cái vô này không phải là cái không có gì. Từ cái không có gì làm sao sinh ra cái hữu được. Cái vô này như nước vậy, không có hình dạng nào mà có tất cả các hình dạng. Cái không còn là điều kiện tồn tại của cái có nữa, tức có cái vô mới có cái hữu. Hữu và vô là hai mặt của Đạo, như mặt phải và mặt trái tờ giấy vậy. Nhà Phật cũng nói tương tự: sắc là không, không là sắc.

Mỗi mỗi chúng ta cũng là một cái vô. Ví như nói bạn là cái lợi có được không? Nếu bạn là cái lợi thì bạn ban phát cái lợi ấy cho người khác hoài hoài, bạn trở thành thánh. Không phải. Vậy bạn và tôi đều không phải cái lợi, cái tốt. Nhưng nếu nói bạn là cái hại được không? Cũng không được. Nếu bạn là cái hại thì bạn bị xã hội ruồng bỏ, bị nhốt tù? Vậy bạn là cái gì? Không phải cái lợi, cũng không phải cái hại thì bạn là cái vô, không có bản tính nào cả, lúc này thì lợi (bạn làm việc, tức cống hiến cho xã hội một sản phẩm, một dịch vụ), lúc khác thì hại (vì bạn có thể bị tai nạn bất thường, bị bệnh, hay mắc sai lầm). Bạn có thể cố gắng, chăm chỉ học hành tấn tới, rồi làm việc tích cực, chia nhỏ việc khó ra, hoàn thành từng bộ phận, tiến tới hoàn thành toàn bộ mà thành công. Bạn thấy đời bạn chỉ là một chuỗi những quyết định phải thực hiện, bạn thực hiện được và thành công rồi cho là đời chỉ là những cái có, không có cái không nào cả, cái không là sự tự huyễn hoặc, tự dối mình. Một người bạn nối khố của tôi cũng nghĩ như vậy, không bao giờ chịu nghe tôi. Nhưng cái đó cũng chỉ minh chứng cho cái không mà thôi. Có ai thành công như Khổng Tử, Nguyễn Trãi đâu? Khổng Tử ngay khi còn sống đã được xem là thánh. Nhưng ông cũng thất bại, không tham chính được. Nguyễn Trãi thì bị giết thê thảm. Ngoài ra không thiếu gì người tài đức đầy đủ nhưng suốt đời không thành công. Anh hùng mà thất thế là bình thường phải không bạn? Cứ đọc sử là thấy, bất cứ quyển sử nào, của dân tộc nào. Và lâu lâu ta lại thấy một ông bộ trưởng, một ông thủ tướng, hay một ông tỉ phú ngã ngựa. Họ có tiền bạc, quyền lực, có ý chí thành công mạnh, có tất cả, nhưng sao cứ thất bại vậy? Đó, theo nguyên lý vũ trụ này là cái không thì ta biết ngay có khi có điều kiện, có ý chí thì thành công nhưng cũng có khi thất bại. Cuộc sống này không theo một hướng nào cả, vì nó là cái hỗn độn âm dương, là Đạo, chứ không phải chỉ là dương không thôi, chỉ là tốt không thôi mà bạn có thể đạt giá trị dương hoài, tức tốt hoài, tức thành công hoài. Từ hồi có sử tới nay, chưa bao giờ loài người có được một hoàng kim thời đại.

Nhà văn Lâm Ngữ Đường của Trung Quốc có kể một câu chuyện trong tập The importance of Living (Sự quan trọng của Sinh hoạt), Nguyễn Hiến Lê dịch là Sống Đẹp: “Một người bị giam ở Địa ngục, sắp được đầu thai, tâu với Diêm Vương: “ Như quả Đại Vương muốn cho tôi trở về dương gian, thì tôi xin được vài điều kiện”. Diêm Vương hỏi: “Điều kiện nào?” Người đó đáp:”Tôi xin được làm con một vị tể tướng, làm cha một vị Trạng nguyên; tôi xin được một ngôi nhà ở giữa khu đất vạn mẫu, có ao thả cá, có đủ các loại cây trái; lại xin có một người vợ rất đẹp và nhiều tì thiếp diễm lệ, hết thảy đều ngoan ngoãn chiều chuộng tôi, lại xin châu báu chất đầy phòng, lúa thóc chất đầy lẫm, tiền bạc chất đầy rương, mà tôi thì được làm công khanh, một đời vinh hoa phú quý, sống lâu trăm tuổi.” Diêm Vương đáp:”Trên dương gian mà có được con người như vậy thì ta đây đã đầu thai thay ngươi rồi!”

Thời đại nào cũng vậy, xã hội nào, con người nào cũng vậy, đều là khối hỗn độn tốt xấu. Ca dao xưa viết:
Đời vua Thái Tổ, Thái Tông
Lúa mọc đầy đồng trâu chẳng buồn ăn.

Thái bình thịnh trị thật đó, nhưng sau đó lại đến thời hỗn loạn, vua Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn. Vậy nói thời thịnh trị ấy là nguồn gốc của thời loạn sau. Trong thời thịnh trị ấy chứa sẵn mầm loạn, trong cái tốt chứa cái xấu, chứ không tốt suông, hay xấu suông, tức không có bản tính nào cả, tức là cái không.

Có người lại nói rằng loài người có phát triển chứ. Từ chỗ ăn lông ở lỗ thời tiền sử, nay tiến lên ăn ở văn minh. Nhưng các phát minh tiến bộ của loài người có thật là tiến bộ không, tức là cái lợi không? Cũng không phải. Chẳng hạn internet là một phát minh vĩ đại, nhưng thông tin tốt thì kéo theo ngoại tình cũng tốt, dễ hẹn hò nhau hơn. Rồi nạn lừa đảo qua net, nạn ăn cắp mật khẩu, ăn cắp tài khoản, và do đó là ăn cắp tiền, rồi virus phá hoại máy tính, các websites đồi trụy, các websites dạy cách tự tử, cách chế tạo bom, rồi bọn khủng bố cũng thông qua net mà quyên tiền, tuyển mộ, huấn luyện đắc lực, v.v...Năm 2006, các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết 95% email trên internet là thư rác hay thư quảng cáo, tình hình này giống như 95% xe tải chạy trên đường là xe rác chạy chiếm hết đường suốt ngày suốt đêm vậy, chỉ chừa 5% cho email thật. Cũng năm này, có 5 triệu người Trung Quốc nghiện internet. Họ dưới 25 tuổi, tách ra khỏi internet, không cho họ lướt web, chát, hay chơi game online là họ khó chịu. 25 triệu người Mỹ nghiện net, mỗi tuần dùng net 30 tiếng để làm những việc vô bổ. Internet luôn luôn có điểm yếu nữa. Mạng của Bộ Quốc Phòng Mỹ còn bị hacker xâm nhập, vì thế không có nơi nào trên internet là an ninh hết cả. Internet vì vậy còn là cái hại nữa, chứ không phải cái lợi suông. Lợi hại lẫn lộn, không bản tính nào cả, nên net cũng là một cái không. Một tiến bộ khác của loài người là vệ tinh nhân tạo cũng vậy. Để chế tạo thành công thì loài người đã thất bại biết bao lần, tốn bao nhiêu là công phu, trí tuệ, tiền bạc của bao nhiêu người, tức vệ tinh nhân tạo là hại. Rồi, khi đưa vào sử dụng thì vệ tinh của Mỹ lại được dùng để do thám Trung Quốc, do đó đối với Trung Quốc, vệ tinh của Mỹ là cái hại. Trên khắp thế giới, ở đâu có động binh lớn, qua vệ tinh, người ta chụp hình được ngay, biết ngay. Vệ tinh nhân tạo là công cụ do thám lợi hại như vậy, nên nó cũng là cái hại đối với những nước nào đó. “Tiến bộ” như vậy thì cũng chỉ là cái vô mà thôi, chứ không phải cái lợi. Phát minh cái lợi là phát minh luôn cái hại. Cổ ngữ nói “Sinh sự thì sự sinh” là vậy, chưa bao giờ sai chạy.

Trong sinh học có thuyết tiến hóa của Đắc Uyn, khẳng định rằng các loài tiến hóa từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ đơn bào đến đa bào. Sinh vật tiến hóa từ các loài sống ở biển, đến cá, bò sát, chim, thú, loài linh trưởng và cuối cùng là người. Điều này có nghĩa là sinh giới đi theo một hướng. Có thật vậy không? Nhưng thuyết tiến hóa của Đắc Uyn cho đến nay vẫn còn gây tranh cãi. Mời bạn xem bài báo sau, đăng trên vnexpress.net ngày 21/9/2006:

Con người dường như không tuân theo quy luật tiến hóa

Theo thuyết Darwin, xu hướng chung của quá trình tiến hóa là phát triển từ thấp tới cao, từ kém hoàn thiện tới hoàn thiện nhằm thích nghi với môi trường sống. Nhưng xem ra con người không hoàn toàn tuân theo quy luật đó.
Cho đến thời điểm hiện nay, thuyết tiến hóa do nhà bác học vĩ đại người Anh Charles Darwin đề xuất vẫn được thừa nhận là học thuyết lý giải khách quan và đầy đủ nhất quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện của sự sống muôn loài. Tuy nhiên về mặt sinh học, con người ngày càng trở nên yếu ớt hơn trước thiên nhiên hùng mạnh và khắc nghiệt. Nhiều thông tin khoa học cho thấy lý luận tưởng chừng khá hoàn chỉnh trên dường như vẫn còn thiếu sức thuyết phục nếu áp dụng với chính loài người chúng ta.

Con người tiến hóa ngược quy luật tự nhiên?

Trước hết là chuyện sinh sản và trưởng thành. Việc nuôi dưỡng bào thai trong bụng giống cái là bước tiến vĩ đại của quá trình hoàn thiện quy trình sinh nở, nhờ đó thời gian phải chăm sóc đặc biệt của động vật có vú sau khi sinh ra thường rất ngắn (vài ngày tới vài tuần) và cá thể rất nhanh chóng thích nghi, trưởng thành trong cuộc sống tự lập.
Riêng bào thai người phát triển khá dài, trong khoảng 280 ngày. Sau khi sinh 1 năm, đứa trẻ mới có thể tự đi những bước đầu tiên, tiếp theo là quá trình trưởng thành (phát triển thể lực, tích lũy tri thức và kinh nghiệm, hình thành nhân cách...) kéo dài tới 15-20 năm. Nếu để đứa trẻ độc lập trong thiên nhiên hoang dã - kể cả có sự trợ giúp của mẹ và người lớn khác, cơ may sống sót và tồn tại là rất mỏng manh.
Con người là một loài động vật bậc cao hình thành từ loài linh trưởng, trải qua giai đoạn tiến hóa kéo dài khoảng 4 triệu năm. Nhưng thời gian đó dường như chưa đủ để tạo nên nhiều biểu hiện đặc biệt trong cấu trúc cơ thể của riêng con người. Nói cách khác, thuyết tiến hóa bất lực trước một số hiện tượng chỉ liên quan tới con người.
Ví dụ, nhiều nhà khoa học cho rằng để bộ não của người vượn Australopithecus (sống cách đây khoảng 2 triệu năm, hình thành từ vượn người Homonid sống cách đây khoảng 4 triệu năm) đạt tới kích thước 1.200-1.600 ml của người Homo Sapiens (tức người tiền sử, xuất hiện cách đây khoảng 500.000 năm), tức là tăng lên gấp 3 lần trong 1,5 triệu năm, chỉ có thể nhờ sự phát triển đột biến chứ không thể thông qua tiến hóa thông thường. Nhưng ai hoặc cái gì tạo nên sự phát triển đột biến đó vẫn chưa được làm rõ.
Tư thế đứng thẳng trên hai chân buộc hệ thống tuần hoàn thường xuyên phải làm việc quá tải để đưa máu lên não và các bộ phận khác ở cao hơn quả tim, gây tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho các cơ quan quan trọng và dễ bị tổn thương này. Trong khi đó xương sống, khung xương chậu, xương chân và hệ thống cơ cũng phải thay đổi nhằm nâng đỡ toàn bộ trọng lượng cơ thể và các cơ quan nội tạng. Đặc biệt, sự thay đổi của khung chậu và hệ thống cơ đã tạo nên nhiều khó khăn cho phụ nữ khi sinh nở, trong khi thai nhi lại khá to, nhất là phần đầu, vì sự phát triển quá nhanh của bộ não trẻ sơ sinh. Đó là chưa nói tới việc tư thế đứng thẳng còn giảm đáng kể khả năng đi lại, tốc độ chạy nhảy... Như vậy, đứng thẳng và đi lại bằng hai chân là hướng tiến hóa về mặt nhân chủng học, nhưng lại gián tiếp làm giảm thiểu khả năng thích nghi với môi trường sống.
Một điều khó lý giải khác là vấn đề tình dục và sinh sản của phụ nữ. Động vật có vú nói chung và các loài linh trưởng nói riêng có nhu cầu sinh sản rất mạnh để duy trì nòi giống, nhưng thường chỉ động dục (rụng trứng) theo mùa nhất định trong năm để sinh sản vào thời điểm thích hợp nhất (thời tiết thuận lợi, thức ăn dồi dào...), tức là hầu như không có nhu cầu tình dục thường xuyên. Ngược lại, chu kỳ rụng trứng của phụ nữ xảy ra thường xuyên hơn (trung bình mỗi tháng một lần), hoóc môn sinh dục được sản xuất đều đặn dẫn tới nhu cầu sinh hoạt tình dục rất cao cho dù nhu cầu sinh sản ít hơn rất nhiều.
Mặt khác, nên thừa nhận rằng sự đứng thẳng bằng 2 chân dẫn tới tư thế chủ đạo trong giao hợp là đối mặt nhau. Nhưng các nhà khoa học cũng cho rằng nếu không có sự can thiệp trực tiếp - ví dụ như giải phẫu gene, thời gian của chu kỳ tiến hóa nói trên không đủ để tự nhiên làm biến đổi cơ quan sinh dục ngoài của phụ nữ so với hình dạng thông thường ở các loài linh trưởng khác cho phù hợp với tư thế giao hợp đó. Tương tự như vậy là sự xuất hiện của màng trinh thuộc cơ quan sinh sản chỉ có ở phụ nữ và hầu như không có bất kỳ một chức năng sinh học nào. Vậy làm sao giải thích được nhu cầu và cơ chế dẫn tới sự xuất hiện của nó nếu chỉ dựa theo thuyết tiến hóa?
Con người là sản phẩm của người ngoài hành tinh?
Có một số ý kiến cho rằng vẫn còn thiếu một mắt xích rất quan trọng trong hiểu biết của chúng ta về quá trình tiến hóa của chính loài người, và đó là nguyên nhân của các mâu thuẫn nói trên.
Trong khi nhiều người đang nỗ lực đi tìm mắt xích còn thiếu, một số nhà khoa học phương Tây đưa ra giả thuyết cho rằng chúng ta là sản phẩm của người ngoài hành tinh. Họ đã đến thăm trái đất, nghiên cứu con người và quyết định vận dụng những hiểu biết siêu việt của mình trong lĩnh vực giải phẫu và công nghệ gene để cải tạo nòi giống loài người theo hướng hoàn thiện hơn. Các hóa thạch tìm được cho thấy đã từng có các loài vượn người và người vượn với bộ não nhỏ hơn hay to hơn so với loài có bộ não trung bình là tổ tiên của chúng ta ngày nay. Chúng được coi là phiên bản không thành công (do đó bị loại bỏ) trong quá trình thử nghiệm của người ngoài hành tinh.
Và các điểm khác biệt của loài người cũng được lý giải bởi công nghệ gene được họ ứng dụng từ hàng triệu năm về trước. Ngày nay, họ vẫn định kỳ thực hiện các chuyến viếng thăm bằng đĩa bay để theo dõi cuộc sống và sự phát triển của các tác phẩm này. Việc chứng minh hoặc bác bỏ giả thuyết này là điều không hoàn toàn đơn giản như cảm giác ban đầu, đòi hỏi phải có nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng hơn nữa.
Từ trước tới nay, người ta vẫn tin rằng chim tiến hóa từ khủng long. Phát hiện mới đây của các nhà khoa học Nga khi nghiên cứu một số mẫu hóa thạch thuộc loài chim cổ đại cho thấy chúng có tuổi lớn hơn nhiều so với tuổi hóa thạch của khủng long, tức là xuất hiện trước loài khủng long. Điều này đảo ngược hoàn toàn quan niệm hiện hành về quá trình tiến hóa của các loài chim, đồng thời khẳng định rằng không có chân lý tuyệt đối trong khoa học. Vì vậy, cuộc tranh luận xung quanh học thuyết tiến hóa là điều bình thường và dễ hiểu.
Đạo học khác hẳn so với thuyết tiến hóa của Đắc Uyn. Theo Đắc Uyn thì sinh giới đi từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, tức có định hướng, còn Đạo học (và Phật học) thì khẳng định thế giới đi mọi hướng, tức vô hướng, không theo chiều nào nhất định.

Ta biết Đạo, cái hỗn độn âm dương là bản thể của thế giới. Nhưng vì sao sự vật lại muôn màu muôn vẻ vậy? Ấy là do Đức. Đức không phải là khái niệm luân lý. Trong Đạo học, Đức là tính tự nhiên sinh ra cho vật. Chẳng hạn, lửa là Đạo, Đức của nó là nóng và sáng. Mỗi người cũng có bản tính riêng, có Đức riêng, tức có cái thiên phú, cái bẩm sinh, cái tài năng, thiên tư, khuynh hướng, sở thích riêng. Đức là cái không vậy không được của sự vật, hiện tượng, con người. Đức là cái mà vật nhận được mà sống, là chỗ “tự đắc” của con người, tức là tự mình đã được của Tự nhiên, tức của Đạo. Nói cách khác, Đức là cái Đạo biểu hiện nơi mỗi người, mỗi vật. Đạo và Đức tuy danh từ gọi khác nhau, nhưng vẫn là cái Một. Vì vậy, thế giới là một chứ không phải nhiều. Sự vật, hiện tượng, con người tuy nhiều, muôn màu muôn vẻ nhưng có Đạo hết cả. Trong cái vô thường, cái nhiều có cái “thường”, cái một vĩnh cửu, bất biến.

Trên cơ sở trên, hành vi của Đạo sĩ thì như thế nào? Như đã nói trên, làm xấu thì không được, bị xã hội trừng phạt, nhưng làm tốt cũng không được, vì làm tốt chính là làm xấu. Đạo học đưa ra Vô Vi.
Vô Vi có bốn nghĩa:

Mỗi vật, mỗi người đều có Đức, có tính tự nhiên, không cần ta can thiệp giúp. Bản tính của loài người là om xòm hay can thiệp vào việc người khác. Thánh nhân mà trị nước thì để cho thiên hạ vui theo tính tự nhiên của mọi vật mà không nhúng tay vào sửa dạy.

Thuận theo tự nhiên của mình mà làm, là làm mà không phải mình làm, không khiên cưỡng. Điềm tĩnh không để cho ngoại vật động đến lòng mình, sống theo cái sống đầy đủ nơi mình mà không đèo bồng những cái ngoài mình. Được như thế rồi thì thuận theo lẽ tự nhiên để mọi vật được điềm tĩnh như mình, nghĩa là để sự vật, con người sống theo bản tính của nó, không ép buộc ai theo ý riêng của mình cả. Đó là đạo “Vô Vi nhi trị”(vô vi mà trị), “Vô Vi nhi vô bất vi” (không làm mà không có gì không làm) thuận theo tính tự nhiên của vạn vật mà hóa, nên tuy làm mà theo tự nhiên như không làm gì cả. Cái làm ấy không đuợc gọi là của mình làm.

Nếu trị thiên hạ mà làm như trên thì tuy có làm nhưng dân không hay mình làm, như mặt trời soi sáng tất cả, giúp vạn vật sống cái sống của mình mà không hề biết đến công ơn của mình vì không thể không làm như vậy cho được.

Ba nghĩa trên là Vô Vi theo nghĩa tiêu cực. Vô Vi theo nghĩa tích cực là phá hoại tất cả những gì trở ngại cho sự tự do bình đẳng của nhân loại.

Đó là Vô Vi tôi trích từ học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Một nghĩa Vô Vi nữa, theo tôi (NNH), là chỉ cái Một, cái không cho người khác, giác ngộ người khác, vì Đạo và cái không là cái có thật. Chỉ ra cái một, cái không là việc tự nhiên, ngược lại, không chỉ ra cho người khác là trái tự nhiên, là gây tác hại. Theo tự nhiên tức là Vô Vi.

Vô Vi theo nghĩa tích cực ở trên, tôi phê bình, nghe sáo và nhị nguyên. Làm sao mà nhân loại được tự do và bình đẳng hết được. Chính Trang Tử nói có trị là có loạn, có hòa bình là có chiến tranh, không làm sao mà ta có một thế giới tốt đẹp được, mà là lúc nào thế giới cũng hỗn độn hết cả.

Một ví dụ về Vô Vi: Đạo sĩ mà có vợ, được vợ yêu, ok, “tốt”, không sao cả. Nhưng nếu vợ hiểu lầm đòi li dị thì sao? Cũng vẫn ok. Li dị là giải thoát, là bắt đầu một cuộc sống hôn nhân mới, nên cũng tốt. Trường hợp nào Đạo sĩ cũng ok cả, không bao giờ thấy đau lòng, do cả hai trường hợp hôn nhân đều là Đạo, là hỗn độn, không bản tính, nên Đạo sĩ không căm thù, không trả thù, không oán giận, ghen tuông. Nhưng li dị rồi, người vợ lại bất hạnh, đòi quay lại được không? Vẫn được, vì Đạo sĩ hoàn toàn vô tâm, lại vui vẻ dang rộng tay đón vợ về. Vô Vi vì thế là lấy tâm của người làm tâm mình nên không khiên cưỡng, không trái quy luật, mà là thuận theo quy luật. Tôi cũng quan sát thấy một cặp vợ chồng, đều là giáo viên cấp hai, cũng gọi là có học. Ông chồng đúng là Đạo, nghĩa là hỗn độn. Trong thời gian đi làm, có một cô giáo khác ve vãn, ông ta không còn một mực chung thủy với vợ nữa. Bà vợ thấy ông chồng đi hàng hai như vậy thì vì tự trọng, bà ghét, đòi li di. Nay thì li di đã hơn một thập kỷ mà bà vợ vẫn luôn căm ghét bà hai, gọi là “con ngựa cái, con quỷ cái” và luôn oán thán ông chồng. Stress như vậy thì ăn bao nhiêu củ nhân sâm cho lại? Như thế tất giảm thọ. Có thờ Phật, thờ Chúa hay thờ Bác gì đó thì đều là bất hạnh cả.

Vô Vi khó thực hiện đối với người thường. Người thường ai cũng theo thiện ghét ác, hay ngược lại, làm ác mà bỏ thiện. Đối với hạng đã đắc Đạo, anh ta thực hiện Vô Vi một cách tự nhiên, không khiên cưỡng gì cả, vì anh ta thấy cái ác cũng như cái thiện đều là cái không, vì thế anh ta không can thiệp. Anh ta không phải là cái tốt, cho nên không diệt cái xấu. Anh ta cũng không phải là cái xấu, nên không làm việc ác. Vô Vi không phải là không làm gì mà là làm theo Đạo, tức theo tự nhiên, theo quy luật thế giới, quy luật cái gì cũng là cái không.

Thế cõi giới Đạo sĩ ra sao?
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top