Áo dài, vũ khí chống béo phì - BS Đỗ Hồng Ngọc

  • Thread starter Thread starter Tuyền Nguyễn
  • Ngày gửi Ngày gửi
T

Tuyền Nguyễn

Guest
Áo dài, vũ khí chống béo phì


Tống Thị Kim Đính, một bác sĩ tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế, theo chồng sang Nhật từ năm 1987, trở thành chủ một shop áo dài VN nổi tiếng ở Tokyo đưa áo dài thành một mặt hàng “thời trang” rất được phụ nữ Nhật ưa chuộng. Có những ca sĩ của Nhật như Anna Saeki, quyết định sang VN mặc áo dài chụp ảnh để làm lịch; có cô gái mù cũng đến đặt áo dài để mặc trong một cuộc thi văn nghệ; có cô tiểu thư nhất định mặc áo dài trong buổi lễ tốt nghiệp đại học, và lý thú, có những cô dâu chú rể Nhật chọn áo dài VN làm trang phục cưới; nhưng đáng chú ý nhất là 50 học sinh ở tỉnh Aomori đã mặc áo dài biểu diễn tại lễ hội mùa hè… Bây giờ áo dài “hàng hiệu” Sivini (Shop VN) của Kim Đính đã tạo đựơc danh tiếng trên toàn nước Nhật.(Tuổi Trẻ).

“Áo dài Việt Nam thắng lớn trong nước và ngoài nước, do đâu mà được vậy? Do nó cho thấy gió!”. Một nhà văn đã viết như vậy gần 40 năm trước- “Mặc áo dài mà đứng yên chưa chắc đã ăn đứt nổi những cô gái Âu Á khác mặc y phục dân tộc của họ. Nhưng mặc áo dài mà đi, mà múa v.v... thì người con gái Việt Nam linh động hẳn lên. Áo dài Việt Nam vừa theo sát những nét tuyệt mỹ của thân người, lại vừa trao cho tấm thân ấy sự linh động phơi phới mà nó không có. Những tà áo nhẹ ve vẩy phất phơ trong gió làm cho một thân hình nặng nề nhất, cục mịch nhất, cũng hóa ra thanh thóat. Thân người là đẹp, nhưng thứ y phục chỉ nhằm khai thác cái đẹp của thân người thì rõ ràng là tục. Trang phục là văn hóa. Văn hóa là một cố gắng cải biên thiên nhiên (…). Chiếc áo dài Việt Nam là một sự dung hòa giữa tự nhiên và văn hóa. Phần trên của nó đề cao thân người, đã có phần dưới rất thanh, thóat hẳn thân người. Nhìn vào người nữ mặc áo dài, sau khi bị khích động vì cái phần trên, mắt lần dò nhìn xuống, thì ở phần dưới lại chỉ thấy… gió! Vâng, ở đây mắt chỉ thấy có gió, có cái thướt tha, cái bay bướm mà thôi”. (VP, Đất nước quê hương, 1973)..

Nhà thơ Nguyên Sa cũng viết:
Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi một phần mây


Hay là em gói mây trong áo

Rồi thở cho làn áo trắng bay
Nghĩa là nói đến áo dài của người phụ nữ Việt Nam người ta luôn phải nói đến mây, đến gió… Mà không chỉ vậy. Nó còn rắc rối hơn nữa kìa. Bởi vì chỉ với áo dài người ta mới kêu lên: “Áo bay mở khép nghìn tâm sự” (Đinh Hùng)…
Nhà văn hóa Cao Huy Thuần, giáo sư đại học Picardie, người đã sống ở Pháp hơn 40 năm, khẳng định rằng chỉ có 2 món “văn hóa” thực sự là bản sắc của ta, không sợ lẫn vào đâu giữa thời đại toàn cầu hóa này- chẳng những không sợ toàn cầu hóa tấn công mà còn tấn công ngược lại – đó là… nuớc mắm và áo dài!


Ông viết “Bản sắc đựơc định nghĩa là cái gì khác, cái gì đặc biệt. Hãy nói cho tôi biết anh ăn thứ gì, tôi sẽ nói cho anh biết anh là ai?”. Thế giới mê chả giò Việt Nam, mà chả giò là phải chấm nước mắm chứ không thể chấm… xì dầu!
Còn chiếc áo dài Việt Nam? Theo ông thì "Áo dài thành công bao nhiêu, thân thương bao nhiêu, yêu kiều bao nhiêu, thích hợp bao nhiêu! Nó đi vào lòng dân tộc như thể nó đã được khai sinh từ thuở dân tộc còn nằm nôi! Và nó hãnh diện phất phới trên thế giới; thế giới thán phục nó. Ngày nay, thời trang tha hồ vẽ vời, thêm bớt; nó nhân lên nhiều kiểu mới, nhưng nó vẫn là nó, vẫn là nhan sắc vô địch”. Rồi kết luận: “Cái gì hợp với dân tộc qua bao nhiêu thử thách, cái ấy là bản sắc, cái ấy không sợ ma nào ám, kẻ cướp nào lấy”! (CHT, Bản sắc và tòan cầu hóa).


Thế mà trước đây không lâu, Bộ Giáo duc- Đào tạo có thư ngỏ gởi các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhân danh “Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam” đề nghị không nên bắt nữ sinh mặc áo dài đến lớp. Từ năm học 2006-2007, đối với THPT, nên cho nữ sinh mặc áo dài vào những ngày đầu tuần, ngày lễ; còn đối với học sinh THCS, nhà trường nên chọn một đồng phục khác, tùy nghi. Khi nữ sinh mà không còn quen mặc áo dài nữa thì rồi đây chỉ còn thấy áo dài ở các lễ hội hoặc các buổi trình diễn thời trang, thi hoa hậu, hoặc chỉ còn các cô gái Nhật Bản, Hàn Quốc tha thướt với tà áo dài… Việt Nam.


Ở góc độ người thầy thuốc, tôi còn thấy áo dài có công dụng rất tốt để ngăn ngừa, phòng chống tình trạng béo phì ngày càng báo động ở phụ nữ Việt Nam.
Các loại thức ăn nhanh, gà rán, khoai tây chiên… các thứ thiếu chất dinh dưỡng, thừa chất béo, sản xuất công nghiệp ngày càng… ngon, càng rẻ, càng tiện lợi nên tình trạng béo phì ở ta sẽ tăng nhanh kèm theo bao nhiêu thứ bệnh tật từ tiểu đường đến huyết áp, tim mạch… khiến các bệnh viện lúc nào cũng quá tải!


Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã dùng đến cụm từ “đại dịch béo phì”. Ở châu Âu hiện đã có 23% đàn ông và 36% phụ nữ béo phì và 1/3 trẻ con bị thừa cân. Ở Pháp, trẻ béo phì đã tăng gấp ba lần so với trước đây mười năm! Tình hình ở Trung Quốc càng báo động hơn! Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ béo phì đang tăng nhanh ở các nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học- ai cũng thấy. Béo phì không chỉ là vấn đề sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Một điều tra của Food Policy and Obesity, đại học Yale cho thấy 50% người Mỹ sẵn sàng chịu giảm thọ hơn là phải sống với béo phì! Hiện nay 60% người Mỹ thừa cân và 20% béo phì. Fastfood có nguồn gốc từ Mỹ mà!.


Việt Nam ta từ bao đời nay đã có một biện pháp chống béo phì tuyệt hảo là chiếc áo dài của người phụ nữ. Cả một dải đất miền Trung nổi tiếng là “quê hương xứ dân gầy” chẳng phải đã nhờ chiếc áo dài truyền thống đó sao? Người phụ nữ miền Trung xưa vốn được mặc áo dài từ thuở còn thơ, đi chùa, đi lễ, đi học cho đến tuổi già. Quyền quý cao sang cũng áo dài. Buôn gánh bán bưng cũng áo dài. Áo dài không chỉ giúp cho người ta tha thướt, dịu dàng mà còn giúp cho người ta “vai gầy guộc nhỏ” thấy mà thương! Với áo dài, muốn hấp tấp vụt chạy cũng không được; muốn hùng hục, ngấu nghiến cũng không được. Ăn mặc là vấn đề của văn hóa. Áo pull, váy rộng, mặc sức mà ngấu nghiến. Còn với áo dài ư? Người ta chỉ có thể “thực như miu”!


Để phòng chống suy dinh dưỡng, y học dùng cái cân và cái thuớc dây nhằm phát hiện sớm bệnh. Để chống béo phì, ở Âu Mỹ, người ta khuyên lúc ngủ dây, nhảy lên cái cân “cân một cái” để biết hôm nay nên ăn uống, vận động ra sao. Nói khác đi, cái cân, cái thuớc giúp ta điều chỉnh hành vi ăn uống. Chiếc áo dài đã chẳng phải là một biện pháp “cân đo” hữu hiệu nhất đó sao? Nó lên tiếng báo động ngay tức khắc cho ta chỗ nào chật, chỗ nào rộng, chỗ nào sắp… nứt, nhờ đó mà ta điều chỉnh hành vi ăn uống kịp thời!


Ta có thể thấy trước, rồi đây thế hệ các thiếu nữ Việt Nam không còn mặc áo dài truyền thống nữa sẽ nhanh chóng béo phì ra sao!
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top