Sao Bắc Đẩu còn gọi là Bắc Đẩu tinh (北斗星) hay tên tiếng Trung Quốc đầy đủ Bắc Đẩu thất tinh (北斗七星) là một mảng sao gồm bảy ngôi sao.
Mảng các ngôi sao này tạo nên hình ảnh giống cái đấu (đẩu) hay cái gàu sòng hoặc cái xoong và nằm ở hướng bắc vì vậy một số nước gọi nó là sao Bắc Đẩu.

Sao Bắc Đẩu và Sao Bắc cực là hai vấn đề khác nhau: Sao Bắc Đẩu là cách gọi dân gian, nói về một mảng sao bao gồm nhiều ngôi sao, trong khi sao Bắc Cực nói đến một ngôi sao.
Trong thiên văn học hiện đại, nhóm sao này là một mảng sao gồm 7 ngôi, là bảy ngôi sáng nhất nằm trong ranh giới của chòm sao Đại Hùng (Ursa Major) tại thiên cầu bắc. Chòm Đại Hùng Tinh ngoài 7 ngôi còn nhiều ngôi sao khác.

Trong hệ thống các chòm sao Trung Quốc, Sao Bắc Đẩu là bảy ngôi sao mang hình ảnh cái đấu (đẩu). Do chúng nằm ở hướng Bắc nên còn gọi là Bắc Đẩu thất tinh. Bốn ngôi đầu tạo thành một tứ giác gọi là Đẩu khôi, ba ngôi sau tạo thành cái đuôi gọi là Đẩu thược. Ngoài ra còn một ngôi sao nằm sát bên cạnh ngôi sao ở giữa của Đẩu thược, được coi là sao phụ, gọi là Phụ tinh. Mỗi ngôi sao được đặt một tên riêng, theo thần thoại Trung Quốc thì tại mỗi ngôi sao có một vị Tinh quân trông coi. Mỗi vị Tinh quân đó lại có một tên riêng.
Trong Đạo giáo, Bắc Đẩu thất tinh tức là Bắc Thần, được gọi là Thiên Cương, ở phía cực Bắc và có hình dáng giống cái đấu đo lường. Người Việt Nam cũng thường gọi chòm sao này là chòm sao Cái Gầu vì trông giống cái gầu tát nước.
Người Phương Tây cũng đặt tên riêng cho các ngôi sao này. Sau khi được hệ thống hóa trên bản đồ thiên văn, các ngôi sao đều có tên khoa học thiên văn theo chòm sao Ursa Major.
Tại Mỹ chòm Bắc Đẩu có tên gọi khác là Cái Muỗng Lớn (Big dipper). Một số nơi khác lại hình dung ra hình dạng của một cỗ xe. Ở Ireland, nó được ví như “cỗ xe chiến mã của vua David” (King David's Chariot), một trong những vị vua đầu tiên của hòn đảo này. Ở Pháp, nó là “Great Chariot”. Một cái tên phổ biến khác là Charles’s Wain (Cỗ xe kéo của Charles). Ở nước Anh, 7 ngôi sao này được gọi là “cái cày” (The Plough).