T
Tuyền Nguyễn
Guest
Ánh sáng cong
View attachment 15509
View attachment 15509
Bác Quyền mù cả hai mắt hồi còn ẵm ngửa. Không những mù hai mắt, khuôn mặt bác còn hằn lên những vùng bị nướng nhăn nhúm trông rất thương tâm. Người làng Thạch Thổ nói rằng: “Bác Quyền bị mù tang thương như thế là do lỗi của bố. Bố bác là lão Thoan bình sinh mắc bệnh “gớm” trẻ sơ sinh. “Gớm” à? “Gớm” là gì? “Gớm” là sao? Thưa, “Gớm” là một trạng thái ghê sợ quá quắt do thị giác hoặc xúc giác gây nên. Nói chung, lão Thoan mắc bệnh “gớm” tất cả những sinh vật mới đẻ, chứ không riêng gì trẻ sơ sinh. Ví như lão “gớm” chuột con đỏ hỏn chưa mở mắt, “gớm” chó sữa lúc nhúc rúc vú mẹ, “gớm” chim non chưa dập bụng cứt…” Khi thoạt nghe vậy, Vệ nghĩ rằng ông Thoan quả là nhân vật độc nhất vô nhị dưới gầm trời này, nhưng về sau Vệ biết thêm có người cũng mắc chứng như thế. Họ gớm ghiếc và run sợ trước những động vật mới đẻ. Bà Thiếc xóm Rế đã ngất xỉu, mặt cắt không còn hột máu, khi thằng cháu ngỗ nghịch bỏ chú chuột con chưa mọc lông vào tay bà. Lão Lim xã Trạch Thắng chạy bán mạng, té gãy chân khi nhìn chú bê con ướt nhẹp vừa lọt ra khỏi bụng mẹ… Tại sao lại như thế? Tại sao vậy? Lẽ ra phải thương mến những sinh vật non yếu ấy chứ? Sao lại “gớm” chúng? Chịu, Vệ không hiểu được, nhưng đó là sự có thực. Một sự có thực cứ như không có thật. Người làng Thạch Thổ cũng bảo rằng: “Vì nhà quá nghèo, nên khi bác Quyền chưa đầy tháng, mẹ đã đặt bác lên chiếc võng gai ngủ riêng vào mỗi sáng, để rảnh tay làm công việc nhà. Bên dưới võng, luôn có một chậu lửa than hồng phủ lớp tro sưởi ấm. Những sáng sớm ấy, mẹ bác loay hoay cắt mớ rau heo ngoài vườn. Bố bác ngồi uống trà nơi hiên nhà trên. Những buổi sáng như thế ở làng Thạch Thổ thật yên tĩnh và thanh bình dù rằng còn nghèo khó. Nhưng vào một sáng, không còn sự ghèo khó nữa, mà một khổ nạn đã tràn vào. Cái buổi sáng đang yên tĩnh, thanh bình ấy bỗng vang những tiếng khóc thét xé trời. Tiếng khóc của bác Quyền sơ sinh. Bác đã thức giấc, giãy đạp làm lật võng. Bác đã rớt sấp mặt vào chậu than hồng. Tiếng khóc thét chấn động mọi ngóc ngách trong căn nhà xiêu vẹo, rung chuyển cả tim óc lão Thoan. Lão vụt chạy xuống nhà dưới. Một quang cảnh hãi hùng bày ra trước mắt. Đó là bác Quyền đang úp mặt giãy dụa trong chậu lửa than hồng. Đã có mùi khét của thịt cháy. Lão la đến khản giọng, lão hô hoán kêu vợ như người điên loạn, nhưng vì “gớm” trẻ sơ sinh… nên lão đã bất động. Lão đã bất động. Lão đã không thò tay ẵm con lên. Bà Thoan hớt hải chạy vào thì sự đã rồi. Khuôn mặt bác Quyền bị những hòn than đỏ tàn phá đến kinh người. Ai nhìn thấy cũng muốn rớt tim. Một trẻ sơ sinh mà khuôn mặt bị bỏng tang thương như thế, ai mà chẳng xé lòng, nát ruột. Từ đấy, lão Thoan sống như người đã chết. Địa ngục đã vây phủ lão. Gia đình rớt vào đêm đen…” Thoạt đầu, nghe người làng Thạch Thổ nói vậy, Vệ thoáng có ý định tìm hiểu cái bệnh “gớm” quái quỉ ấy, nhưng chỉ trong tích tắc, anh phẫn nộ cái bệnh “gớm” quá quắt này của lão Thoan. Răng anh cắn lại, môi mím chặt, quai hàm bạnh ra, mắt toé lửa. Nhưng… phẫn nộ với ai đây? Với lão Thoan à? Lão đã chết từ lâu... Thì ra, anh đã phẫn nộ với cái bệnh “gớm” chết tiệt ấy, cái bệnh do con vi trùng “lão Thoan” gây nên. Nhưng trong tầng sâu sự phẫn nộ ấy, Vệ còn phẫn nộ cả đến chính mình, cả đến người kể chuyện mình nghe. Có lẽ vì anh là con người. Một trách nhiệm nào đấy, mảnh như sợi tơ vướng vít với loài người. Nhưng trong tầng sâu hơn nữa, anh lại phẫn nộ sự phẫn nộ ấy. Đó là láo, người làng Thạch Thổ nói láo, cho dù đó là không láo. Bệnh “gớm” của lão Thoan, anh buộc phải là bệnh láo, trên đời không có bệnh ấy. Lương tâm con người không cho phép bệnh ấy hoành hành. “Rồi khuôn mặt bỏng tan tành của bác Quyền cũng lành. - Người làng Thạch Thổ lại nói - Đau đớn cũng qua, bác Quyền cũng lớn lên, cũng trưởng thành trong một màn đêm vô tận. Bác đã tìm nghiệp đàn ca sống lây lất. Hoặc có thể nói, đàn ca đã cưu mang bác tồn tại kiếp người.” Nghe thế, Vệ im lặng. Sự phẫn nộ trong anh đã im lặng. Đã im lặng vì thấy sự vô ích của mình. Và một nỗi buồn cứ quánh lại thành cục, rắn chắc đến vô biên. “Làng Thạch Thổ xưa nay chỉ biết một nhạc cụ duy nhất là Đờn Cò, chỉ biết một điệu hát cũng duy nhất là Bài Chòi. Và, đến thời điểm ấy - người làng Thạch Thổ nhấn mạnh - thời điểm bác Quyền đàn ca đi hành khất - làng Thạch Thổ lại biết thêm một nghệ sĩ duy nhất là bác Quyền. “Đờn Cò + Bài Chòi + Bác Quyền” là một tổng thể hoà hợp đến tê người. Một thống thiết của lầm than và đau buồn vang vọng… “Bớ cái kiếp nghèo… Cái kiếp nghèo cha gánh đổ tận trên non, cha cong lưng, cha bỏ chạy, nó vẫn còn… còn theo sau… Bớ cái kiếp nghèo…” Giọng ca ai oán, uất nghẹn đau đớn như bò bị chọc tiết làm héo người, hoà trộn vào tiếng réo rắt, nhọn sắc như miểng chai của chiếc Đờn Cò cứ cứa vào tai, tạo ma lực cầm chân người nghe, buộc họ phải thò tay vào túi lấy tiền bỏ vào mũ bác. Cứ thế, bác lang thang bến xe, bãi chợ, đàn hát kiếm ăn qua ngày. Bác hát những bài Thoại Khanh - Châu Tuấn, những bài Lục Vân Tiên và cả tân nhạc Trăng Rụng Xuống Cầu. Những bài ấy, vọt ra cửa miệng bác, chúng không còn là bài ca nữa, mà trở thành những sinh linh không bay được lên trời, không lẩn được xuống đất. Những sinh linh không chốn nương thân, cứ la đà, cứ vẩn vơ, quanh quẩn như những oan hồn… Đó, đâu phải bác hát. Đó là khổ nạn của bác hát. Hát những nốt nhạc oằn oại hình móc câu…”
“Một chiều trên đường hành khất về - người làng Thạch Thổ nói tiếp - biết có kẻ lẽo đẽo theo sau, bác Quyền vụt hỏi một câu định mệnh. Định mệnh ở đây hàm nghĩa là tiên tri. Bởi vì tiên tri nên đã trở thành định mệnh: “Ai theo đấy? Về làm vợ tôi à?” Lập tức, có tiếng phụ nữ thánh thót phía sau: “Dạ, em đây. Em theo anh.” Bác Quyền lại hỏi: “Một mình hả?” “Có thằng con hai tuổi.”Nghe thế, bác Quyền lặng thinh. Bác vẫn dò gậy đi, tiếng chân người đàn bà ẵm con vẫn lẽo đẽo bám theo. Chị ta theo đến tận căn nhà tranh vách đất tồi tàn, tối om không đèn đóm ở cuối làng Thạch Thổ. Và, thế là xong. Một gia đình đã hình thành ngay từ đêm hôm ấy. Sáng bảnh mắt hôm sau, dân làng Thạch Thổ gọi chị ta là chị Theo, kêu thằng con của chị là thằng cu Riêng. Làng Thạch Thổ giống như bác Quyền, đã nhanh chóng chấp nhận mẹ con chị tức khắc với vòng tay hoan hỉ. Chị Theo cũng dân hành khất trôi giạt, đói xơ đói xác, xanh xao vàng vọt, khả năng có triệu chứng đau gan. Chị đã héo người khi nghe bác Quyền hát ở bãi chợ Đùng, đã xúc động tận tâm can. Chị quyết định trao đời mình và cả thằng con cho bác. Đó, các người thấy chưa? Thật không còn gì hay bằng. Vậy là, cu Riêng có bố. Bác Quyền có vợ và chị Theo có chồng. Một gia đình nghèo khó mà sáng trưng… Ai trong làng này mà chẳng biết bác Quyền thương con, chiều vợ. Thằng cu Riêng đòi con chim vừa bay vào mất hút nơi ngọn cây cau. Vợ bảo con chim ấy đã đẻ con trên đó. Thế là chồng liền trèo lên ngọn cau, bợ nguyên tổ chim xuống, bỏ vào lồng cho vợ săn sóc, cho thằng con vui mắt hằng ngày. Một gia đình đầy tình đầm ấm. Từ đó, ngôi nhà tồi tàn, hoang vắng của bác Quyền đã vang lên tiếng khóc, tiếng cười, tiếng trò chuyện. Ngôi nhà đã có tiếng người nhộn nhịp. Miếng canh, miếng cơm bác ăn cũng được chăm chút hơn lên. Cuộc sống đã bước đi những bước mới, nặng chình chịch trách nhiệm và niềm vui. Cứ thế, mờ sáng bác mang đàn lên vai, dò gậy đi ca hát xin tiền, đến chiều sẩm lại về. Trong túi xách vá chằng vá chịt cũng có ít gạo tiền và cả chiếc bánh lá cho thằng cu Riêng. Nghe chuyện bác Quyền, Vệ nghĩ ngợi nhiều, vì người làng Thạch Thổ chưa bao giờ nói bác Quyền hận bố. Chưa bao giờ. Anh có hỏi việc này, bác Quyền có oán hận bố không? Người làng Thạch Thổ bảo “Không”. Họ khẳng định: “Bác Quyền không hận bố. “Không hận bố” là phúc đức trời ban cho bác hưởng. Nếu bác Quyền hận bố, tức là Trời phạt bác ấy mang địa ngục vào người. Ông Trời không bao giờ làm như vậy”. Vệ nghe thế, anh nín thinh và thoáng giật mình. Có lẽ, người làng Thạch Thổ nói đúng. Bác Quyền không hận bố, không hận mẹ. Tiếng “hận” ấy không có trong người bác, nó không được phép cư ngụ trong người bác. Đây cũng có thể là sự minh triết sơ nguyên tuyệt vời của trẻ con để chúng lớn lên mà vượt qua đau khổ. Vệ nhớ có lần đứa cháu ngoại nghịch đất cát dơ dáy, bảo không nghe, anh phát đét vào đít nó khá mạnh. Nó khóc thét và chạy trốn mất. Sáng sớm hôm sau, khi anh ngủ chưa dậy, nó đã chạy sang đập cửa gọi om sòm. Anh thức giấc, ra mở cửa, hỏi có việc gì? Thằng cháu ngoại lên ba, liếng thoắng nói một hơi: “Nay, cháu không thèm ghét ai nữa đâu, nghe ông ngoại”. Vệ tròn mắt trước câu nói bất ngờ, anh hỏi: “Tại sao không thèm ghét ai?”. Nó đáp chắc nịch: “Ghét ai, con ngủ không được”. Hừ, thằng này gớm thật. Ghét “ông ngoại”, nhưng nó lại bảo là “ghét ai”. Nhưng “ghét ai” hay “ghét ông ngoại” thì cũng loài người cả mà. Có khác gì đâu. Trước câu trả lời của nó, anh chỉ còn biết… là phải bồng nó lên và hôn liên hồi. Vết hằn đỏ của cái phát đít hôm qua đã vĩnh viễn chôn vùi trong biển cả của minh triết sơ nguyên ấy… Có lẽ, bác Quyền cũng thế, cũng vẫn là trẻ con cho suốt đến bây giờ. Thế nên, mọi quyết định của bác đều rất nhanh, thật giản dị và không sai lầm trong những tầm nhìn dài rộng. Người Thạch Thổ lại nói: “Vì bác Quyền hư tan cả đôi mắt, nên ánh sáng phải tràn vào đôi mắt thằng Riêng mà vào người bác. Ánh sáng đã cong lại và đi vòng… Thằng Riêng của chị Theo rất mau lớn. Nó lớn rẹt rẹt. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, khi 17 tuổi, thằng Riêng to khoẻ như tướng núi, trông rất vô địch. Ngôi nhà khang trang ư? Muốn là làm ngay bằng chính sức lực mình. Nó đi núi lấy cây, làm gạch. Gạo ư? Cá ư? Nó đi cày, đi bắt. Việc lao động để tồn tại và phát triển đối với nó chỉ là sự thư giãn. Rõ ràng, hậu vận của bác Quyền hành khất là… không hành khất. Hậu vận của bác là thong dong, nhàn rỗi nhưng cũng vướng buồn vì chị Theo đã mất trước bác. Mất vì đau gan. Thời gian vẫn thấm thoắt thoi đưa. Thằng Riêng đã có vợ. Lạy trời, ông quả là có mắt. Mắt ông đã thay cho mắt bác Quyền. Con dâu của bác cực kỳ vui vẻ hiếu thảo. Cái con vợ thằng Riêng ấy, phải gọi là tinh hoa cái làng Thạch Thổ khỉ ho cò gáy này”. Vệ thật sự phấn khởi như người làng Thạch Thổ đã phấn khởi, khi nghe chuyện bác Quyền. Như thế mới gọi là chuyện chứ. Chuyện của bác cứ giống như lịch sử vậy. Lịch sử luôn mang lại cho con người lòng phấn khởi, luôn mang lại cho con người tin vào lòng phấn khởi. Ừ, chuyện bác Quyền buồn thế mà niềm vui cứ nhân đôi. Nhân đôi cho bác, nhân đôi cho cả làng Thạch Thổ, nhân đôi cả cho chúng ta không ở trong làng Thạch Thổ. Lúc nào khi thuật chuyện đến đây, người làng Thạch Thổ cũng nói nhanh, mắt ngước vội lên trời, cứ như ở trên ấy có tờ giấy khổng lồ đã ghi sẵn để đọc: “Bác Quyền đã ra đi chỉnh tề và thanh thản. Bác lìa đời như đi dự tiệc. Bác biết trước mệnh mình đã hết. Bác bảo thằng Riêng lấy khăn lông nhúng nước lau sạch thân thể và thay quần áo mới. Bác buộc con phải mặc cho mình bộ quần áo dùng vào dịp lễ tết, cưới hỏi. Đó là bộ đồ vải Tôn-đờ-len màu xanh da trời có hàng nút thắt con bọ. Đầu đội bê-rê đen, mang kính râm. Bên cạnh đặt cây Đờn Cò. Đàng hoàng chỉnh tề như thế, bác nằm thẳng thớm, im lặng trên chiếc giường trải chiếu mới. Và, hai tiếng đồng hồ sau bác “đi” trong im lặng. Khuôn mặt bác bình thản, phảng phất một chút mỉm cười toại nguyện. Thần chết đã hung hãn với ai đó, nhưng với bác thì không. Ngài gặp bác như tiếp nhận một trò mới. Bác gặp Ngài như gặp một vị Thầy cũ nơi mái trường xưa chan nắng đổ mưa.” Ừ - Vệ nghĩ - Có những người họ biết trước ngày đó mình sẽ chết. Họ bình tĩnh, không hốt hoảng, họ chăm chút bản thân và ra đi chu đáo. Trái lại, rất nhiều người chỉ cần nghĩ đến cái chết là hốt hoảng, sợ hãi, cuống cuồng. Họ cũng phải ra đi, nhưng đi trong vật vã, hoảng loạn. Riêng Vệ, anh kính trọng những người ra đi bình thản. Anh kính trọng bác Quyền. Có lẽ, những người làng Thạch Thổ hay ngước mắt nhìn trời khi thuật chuyện bác, bởi họ tin nơi cao xanh ấy lúc nào cũng sáng suốt và tốt đẹp. Nơi ấy có thể can thiệp vào đời người. Nơi ấy đầy quyền năng mà mắt người phải bám víu, sau khi đã nỗ lực vất vả trên mặt đất cuộc sống. Vệ xuống xe khách, sang xe ôm về làng Thạch Thổ. Làng cũ của anh nay đã đổi mới. Mái ngói lô nhô vẽ một cánh cung vui mắt nơi triền chân núi Cảo. Đường điện hạ thế đã vào như những đường gạch bút chì thẳng tắp. Con lộ xương sống đã tráng nhựa như con hắc xà nằm ngủ. Xe ôm chạy thẳng đến nghĩa trang núi Miếu. Trước ngôi mộ khang trang của bác Quyền, anh thắp nén hương. Từ độ cao nơi nghĩa trang, anh quét mắt xuống làng Thạch Thổ, anh thấy con suối Phướn chuyển động vĩnh hằng, chở trên lưng một vệt sáng cong cong…