Ảnh hưởng của truyện và tiểu thuyết Trung Quốc đối với tiểu thuyết Triều Tiên
Nghiên cứu so sánh tiểu thuyết Trung Quốc và Triều Tiên được thử nghiệm đầu tiên bởi Kim T'aejun, tác giả của Choson sosolsa (Lịch sử tiểu thuyết Triều Tiên, 1933) và được tiếp tục trong công trình viết năm 1955 Han'guk sosore kkich'in chungguk sosorui yonghyang (Ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Quốc đối với tiểu thuyết Triều Tiên) của Pak Songui. Yi Chaesu tiếp tục đối mặt với thách thức này năm 1956. Tất cả đều tìm hiểu cùng một vấn đề: các tác phẩm như Tam quốc chí diễn nghĩa, Thủy hử truyện, Tiễn đăng tân thoại, Liệt nữ truyện, Tây du ký v.v... đã ảnh hưởng ra sao đến tiểu thuyết Triều Tiên.
Năm 1964 Chong Naedong đưa ra một đề nghị mang tính phương pháp luận: khi so sánh tiểu thuyết Triều Tiên và Trung Quốc cần xem xét các mặt: từ ngữ, phong cách, nội dung và cấu trúc tác phẩm. Hệ quả là Chon Inch'o tìm hiểu truyện truyền kỳ đời Đường, Yi Hyesun so sánh việc thể hiện tình dục trong các tác phẩm của hai nước, và Yi Nungu biên soạn thư mục Sưu thần ký, Thái bình quảng ký, cùng "4 tiểu thuyết vĩ đại" (Thủy hử truyện, Tam quốc chí diễn nghĩa, Tây du ký, và Kim bình mai). Song song với những công trình này, nghiên cứu so sánh các tác phẩm riêng lẻ cũng bắt đầu được nghiên cứu so sánh. Yi Kyongson nghiên cứu sâu hơn nguồn gốc, sự phát triển và ảnh hưởng trong công trình Samguukchi gonuiui pigyo munhakchok yon'gu (Nghiên cứu văn học so sánh "Tam quốc chí diễn nghĩa"), và những người tham gia tranh luận khác đã xúc tiến tìm hiểu thêm. Song khuynh hướng chung của những công trình này là chủ yếu nghiên cứu sự vay mượn và ảnh hưởng trên cơ sở phương pháp đã đề xuất trong “Comparative Literature” (Văn học so sánh) của Van Tieghem do chính người viết bài này dịch (Sinyangsa xuất bản, 1959).
Với danh mục của Văn khố cung đình Seoul trước đây (có tên là Văn khố Naksonjae) do Chong Pyonguk lập năm 1966-67, toàn bộ ánh sáng được soi vào tiểu thuyết và truyện dịch lưu giữ trong đó. Các bản dịch này được tiến hành vào cuối thế kỷ 19 và gồm các tác phẩm sau:
Bao Công diễn nghĩa
Bắc Tống diễn nghĩa
Bổ Hồng lâu mộng
Tàn Đường ngũ đại diễn nghĩa
Đại Minh anh liệt truyện
Hồng lâu phục mộng
Hồng lâu mộng bổ
Hậu Hồng lâu mộng
Hậu thủy hử truyện
Kim cổ kỳ quan
Nữ tiên ngoại sử
Bình sơn lãnh yến
Bình yêu ký
Tam quốc chí
Tôn Long diễn nghĩa
Thái bình quảng ký
Đường Tấn diễn nghĩa
Vũ Mục Vương chân trung lục
Tây Chu diễn nghĩa
Tiên chân dật sự
Tỉnh phong lưu
Tục Hồng lâu mộng
Tuyết nguyệt mai truyện
Giao hoa truyện
Trung liệt hiệp nghĩa truyện
Trung liệt tiểu ngũ nghĩa truyện
Vì đây là những bản dịch vào cuối thế kỷ 19 và vì Naksonjae là thư viện của hoàng gia nên độc giả thực sự của chúng có bao nhiêu là điều rất đáng ngờ. Tương truyền vào cuối thế kỷ 19, dưới quyền của Yi Chongt'ae đã có những dịch giả chuyên nghiệp dịch các tác phẩm nói trên. Một số được chép lại để dùng trong cung đình thay cho các tiểu thuyết cũ kỹ bằng tiếng Triều Tiên, một số tương truyền là dịch mới. Trong những tiểu thuyết này, nhiều bộ rất đồ sộ, một số thậm chí kéo dài vài trăm quyển, và nhiều tác phẩm phải mất hơn một năm để đọc. Nói chung đó là romans fleuves (Tiểu thuyết dòng sông - ND, tức Trường thiên), và vì chúng được viết bằng chữ lớn nên một số kéo đến khoảng 16.000-20.000 trang. Trong số đó những tiểu thuyết thuộc thời nhà Thanh là những tác phẩm mới dịch, còn những tiểu thuyết khác: gốc Triều Tiên hoặc thuộc thời nhà Minh có nhiều trong các thư viện khác ngoài Naksonjae, song việc lựa chọn tiểu thuyết dịch đã được xếp đặt như trên.
Do thành viên trong cung đình gồm tầng lớp thông dịch viên và quan lại hành chính nên họ có liên hệ với các tác giả tiểu thuyết và do đó đóng vai trò xúc tác trong việc thông tin và mở rộng số lượng độc giả nói chung cho tiểu thuyết. Những phương diện này làm cho việc nghiên cứu Văn khố Naksonjae trở nên quan trọng đối với việc đánh giá xem tiểu thuyết Trung Quốc được tiếp nhận ở Triều Tiên như thế nào, nhưng làm sáng tỏ hoàn toàn điều này còn phải có sự hợp tác của các nhà nghiên cứu tiểu thuyết Trung Quốc.
1. Du nhập tiểu thuyết văn ngôn Trung Quốc: từ sơ khởi đến giữa thế kỷ 15
Trong việc khám phá ảnh hưởng của tiểu thuyết và chuyện kể Trung Quốc với tiểu thuyết Triều Tiên, những câu hỏi ban đầu sẽ có thể thay đổi tùy thuộc vào thời gian lựa chọn. Mặc dù giữa Triều Tiên và Trung Hoa đã có quan hệ văn hóa qua lại từ thời tiền sử, song nếu coi tiểu thuyết bắt đầu với những người kể chuyện của thời có sử thì có thể tiếp tục với câu hỏi về việc Triều Tiên tiếp nhận Sơn hải kinh và Sưu thần ký ra sao. Nếu bắt đầu từ những tiểu thuyết thời Tấn và Đường, tình hình có thay đổi đôi chút. Và nếu bắt đầu từ tiểu thuyết Minh Thanh thế kỷ 16 và muộn hơn, cũng sẽ có những thay đổi khác về vấn đề du nhập các tác phẩm đó vào Triều Tiên. Nếu phải tìm kiếm cội nguồn của tiểu thuyết trong huyền thoại, vì lịch sử Triều Tiên đã được biên soạn đến thế kỷ 4 hoặc 5 thì huyết mạch của tiểu thuyết Triều Tiên sẽ bắt đầu lưu chảy cùng truyền thống dân tộc. Trong phạm vi những nguồn mạch Triều Tiên như vậy, văn chương Trung Quốc không ngừng tạo tác, định hình và cải biến văn học Triều Tiên.
Ngay cả khi Triều Tiên đã có lối đọc được gọi là idu ("lại độc" - lối đọc của thư lại), ghi âm tiếng Triều Tiên bằng chữ Hán vay mượn trước khi mẫu tự của chính mình được sáng tạo vào năm 1446, công cụ biểu đạt tiểu thuyết cơ bản vẫn là chữ Hán cổ, và nội dung quán xuyến do đó vẫn là tư tưởng Nho giáo. Trong tình hình như thế, vấn đề "ảnh hưởng" và "sáng tạo" khá phức tạp. Điều này cũng không quá khó hiểu nếu chúng ta nhớ lại rằng ở tất cả các nước thuộc châu Âu thời Trung cổ đã có chung một thời kỳ văn học Latin.
Ngày nay khi mà phần lớn sách vở của những thời đại xa xưa nhất đã hoàn toàn bị hủy hoại, nếu chúng ta đặt ra chuẩn mực bằng những gì còn lại trong các thư tịch thì chúng ta chỉ có thể bắt đầu từ Sui chon (Thù dị truyện), tác phẩm ở thế kỷ 9 hoặc đầu thế kỷ 10. Tuy nhiên, dù hơi muộn về thời gian, Samguk sagi (Tam quốc sử ký) thế kỷ 12 (1145) và Samguk yusa (Tam quốc di sự) thế kỷ 13 (1289) lại là những ghi chép, dù chân hay ngụy, về truyền thuyết thần thoại Triều Tiên. Những sách vở này khiến chúng ta hy vọng rằng chúng sẽ đưa nền văn chương này về thời biên sử của thế kỷ 4 và 5. Qua những tác phẩm này, có thể thấy thấp thoáng sự phát triển ban sơ của trí tưởng tượng phong phú trong người Triều Tiên.
Do đó, việc tác phẩm Sui chon, hạt giống tiểu thuyết nảy mầm vào thế kỷ 9, 10, có chịu ảnh hưởng của những ngời kể chuyện văn chương Trung Quốc hay không, sẽ phụ thuộc vào quan điểm của mỗi nhà nghiên cứu. Một số lập luận rằng tác phẩm chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết Tấn Đường, nhưng bản thân người viết bài này lại xem nó như một sự kế thừa di sản của truyền thuyết Triều Tiên. Do đó có thể thấy có những tình huống mà ở đó khó có thể luận bàn được về sự du nhập, cải biến và ảnh hưởng. Trong chừng mực phải tôn trọng lý thuyết đa nguồn gốc của văn chương truyền thuyết, sẽ có một vài khó khăn khi nói rằng tương đồng về hình thức có nghĩa là chịu ảnh hưởng của Trung Quốc.
Tuy nhiên sau khi Triều Tiên thực thi chế độ khoa cử vào thế kỷ 10 do ảnh hưởng của Trung Quốc, lối dùng chữ Hán cổ để sáng tác lan rộng, đồng thời Phật giáo cũng thịnh đạt đến mức sánh ngang tầm với địa vị của nó trong xã hội và văn hóa Trung Quốc.
Tiểu thuyết chí quái thời Lục triều của Trung Quốc ảnh hưởng nhiều đến văn học Triều Tiên từ cuối thời Silla đến đầu và giữa thời Koryo (Tân La đến Cao Ly, thế kỷ 9 đến 11) với quan niệm về cái "kỳ". Đồng thời với nó, tư tưởng ẩn dật cũng được người Triều Tiên tiếp nhận và có ảnh hưởng không nhỏ. Điều này có nghĩa là các văn nhân sĩ phu, những người nhập thế sau khi đỗ đạt vào đầu thời Koryo (958), đã nảy sinh tâm lý tôn sùng bút mực khinh rẻ gươm đao, gây ra phản ứng trong giới võ quan. Nhiều cuộc tranh giành quyền lực chính trị lặp đi lặp lại trong giới võ quan kể từ cuộc nổi dậy của Chong Chungbu (1178), dẫn đến kết cục là cuộc chính biến của Ch'oe Ch'unghon (1196), sau đó quyền bính của gia tộc họ Ch'oe (Thôi) được xác lập rồi cáo chung. Tiếp đó là cuộc xâm lăng của Mông Cổ, chuyển kinh đô đến đảo Kanghua (Giang Hoa), v.v... khiến trong nước bất hòa, ngoại bang xâm lược suốt một thế kỷ.
Thời kỳ này tương ứng với thời Lục triều ở Trung Quốc và cũng là một thời kỳ văn nhân sĩ phu ẩn mình nơi rừng núi hoặc chìm trong thất vọng, hoặc lâm vào tình cảnh của những kẻ bị giáng chức bởi là bề tôi của chính quyền họ Ch'oe. Lúc này xuất hiện những quan văn lấy tên "Thất hiền quá hải" theo "Thất hiền trúc lâm" của thời Lục triều. Vào thời gian này, Thái bình quảng ký do Lý Phương đời Tống biên soạn năm 978 cũng theo mạch ngầm nào đó du nhập vào Triều Tiên và được kẻ sĩ đón nhận hồ hởi.
Thái bình quảng ký: thành tựu và ảnh hưởng
Như đã biết rõ, Thái bình quảng ký là một tập truyện thần thoại, chí quái, truyền kỳ... của các tiểu thuyết gia Trung Quốc 12 thế kỷ trước đó. Nó đã ảnh hưởng cực kỳ to lớn đến việc sáng tác truyện ngắn Triều Tiên được gọi là p'aegwan sosol (tỳ quan tiểu thuyết) hay yadam (dã đàm) từ giữa thời Koryo cho đến đầu thời Choson (thế kỷ 12 đến thế kỷ15). Do phương thức ghi chép vào lúc này là chữ Hán cổ nên tác phẩm này trở thành mẫu mực. Số lượng những ghi chép của các tác giả rất lớn song họ chủ yếu ghi lại thuật lại những gì họ trải nghiệm trong cuộc sống thường ngày của chính bản thân mình. Trong tình hình ấy những cái có thể được xem là ảnh hưởng của Thái bình quảng ký là tác phẩm này đã góp phần mở rộng trí tưởng tượng thông qua việc giới thiệu những câu chuyện truyền kỳ, tạo hứng thú đối với truyện ký, v.v... và nếu chúng ta giới hạn ở lịch sử tiểu thuyết thì đóng góp đó còn ở việc giới thiệu tiểu thuyết nhân hóa.
Tiểu thuyết nhân hóa đưa vào thể tài truyền kỳ những đối tượng miêu tả như rượu, giấy, bút - những thứ gần gụi với kẻ sĩ. Trong các chủng loại tiểu thuyết Triều Tiên, các tác phẩm này được gọi là tiểu thuyết phúng dụ. Nhiều tác phẩm được sáng tác trong thời kỳ này cho đến giữa thời Choson (thế kỷ 16). Vì văn nhân sĩ phu là quan lại trước khi là văn sĩ nên việc khước từ lối viết tiểu thuyết dựa trên trí tưởng tượng thuần túy được định hình ngay từ đầu, thậm chí những tiểu thuyết phúng dụ vừa nhắc đến, với họ, cũng không hơn gì những trò nhại lại nhằm mục đích giáo huấn.
Điều cần thừa nhận là: do thể loại này thuộc những tác phẩm truyền thuyết của văn chương dân tộc Triều Tiên nên ảnh hưởng của văn học Trung Quốc ở đây chỉ là vấn đề thể hiện và dù sao cũng hạn chế trong một số văn nhân. Vì thế có thể hiểu được rằng quan điểm, đang được tranh luận, coi mọi thứ đều là ảnh hưởng của văn chương Trung Quốc do có cùng một phương tiện viết, thật là phiến diện. Những xu hướng như vậy thường xuất hiện trong nghiên cứu về sự ảnh hưởng. Đằng sau công cụ viết, chữ Hán cổ, dẫu vậy, cũng còn tồn tại một vùng cộng cảm khác: cộng đồng văn hóa Nho giáo. Sự bình dị trong dùng từ đặt câu, một trong những đặc điểm của Thái bình quảng ký, cũng có mặt trong tác phẩm của các văn nhân Triều Tiên như "Thi thoại", "Dã sử". Nhưng đây là năng lực sáng tạo của người Triều Tiên chứ không giản đơn chỉ là vay mượn hay ảnh hưởng, tức là nó có thể tạo ra những hình thái đặc thù của nó trong vùng cộng cảm này.
Trên thực tế, suốt các thời kỳ Koryo (918-1392) và Choson (1392-1910), do lối viết cho đến phong cách văn chương đều khác hoàn toàn với khẩu ngữ Trung Quốc, nên tầm ảnh hưởng có những giới hạn. Tuy sự thật là văn chương theo lối bạch thoại đời Tống, hý khúc đời Nguyên, v.v... được đọc trong nhóm những thông dịch viên, song đó chỉ là một tình huống đặc biệt. Còn đối với văn nhân nói chung, những tác phẩm đó chỉ có thể thâm nhập một cách gián tiếp ở giữa thời Choson thông qua loại văn được gọi là orok (ngữ lục) do các thông dịch viên soạn ra. Văn nhân nói chung chỉ cần hiểu những thứ như thơ ca Đường Tống và thư tịch đời Minh viết bằng văn ngôn.
Tiễn đăng tân thoại: lưu truyền và mô phỏng
Theo cách nhìn nhận như vậy, có thể thấy việc Triều Tiên tiếp nhận Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu, 40 năm sau khi nó ra đời, thông qua Kumo shinhwa (Kim ngao tân thoại) do Kim Sirup (1436-93) soạn vào đầu thời Choson, là một trường hợp biệt lệ. Nếu chúng ta xem việc tiếp nhận Thái bình quảng ký là muộn mằn, thậm chí Kumo shinhwa cũng là tiếp nối dòng chảy của tiểu thuyết Tấn Đường, thì thời kỳ Choson vẫn có thể đồng pha với Trung Quốc.
Cần nhớ rằng Kumo shinhwa sau đó lại du nhập sang Nhật Bản, rằng ở Triều Tiên tác phẩm này không xuất hiện trong văn chương quốc nội sau thế kỷ 17, và rằng tác phẩm thất truyền này được tái du nhập vào Triều Tiên từ Nhật Bản và được Ch’oe Namson tái bản trong thời kỳ Nhật chiếm đóng, thế kỷ 20. Văn bản hoàn chỉnh của Kumo shinhwa do Kim Sirup viết ra không còn, chỉ còn lại 5 truyện. Một số nhà nghiên cứu đã so sánh những truyện này với một số truyện trong Tiễn đăng tân thoại, song bối cảnh của Kumo shinhwa lại ở khắp Triều Tiên, cái được so sánh chỉ là tư tưởng chủ đề hoặc ý đồ sáng tác, và ngay ở đây tài năng sáng tạo của Kim Sirup cũng không bị bóp nghẹt.
Tuy vậy khi so sánh hai tác phẩm không thể phủ định rằng có nhiều sự tương đồng mật thiết trong sáng tạo nhân vật, sáng tạo thế lực siêu nhiên, chủ đề tình yêu và phong cách. Đối chiếu những thành quả nghiên cứu có được đến nay, có thể thấy trong những tác phẩm dưới đây của hai soạn giả có chỗ tương đồng:
Khi xem xét vấn đề ảnh hưởng có thể thấy rằng Kumo shinhwa trong tên gọi của nó có từ “chuyện mới” (sinhwa) tương đương với từ “tân thoại” và việc so sánh từng truyện cho thấy rằng Kumo shinhwa có chịu ảnh hưởng và là một cải tác từ Tiễn đăng tân thoại.
Chỉ qua 5 ấn bản mà người viết này hiện có, chúng tôi có thể hiểu được vì sao sau khi đã có Kumo shinhwa, Tiễn đăng tân thoại vẫn được nhiều người trong giới có học Triều Tiên đọc. Tác phẩm được Ch’angju, Yun Ch’unnyon, người Triều Tiên, biên tập và hiệu đính, trước cuộc xâm lăng của Nhật Bản vào năm 1592-98, và có thêm phần bình chú của Suhoja Im Ki. Tác phẩm đến Nhật Bản vào lúc xảy ra cuộc xâm lược và được xuất bản tại Nhật năm 1646, và có người đã phán đoán nó là chất kích thích Asai Ryòi viết Otogiboko (1666) - tác phẩm đầu tiên của chuyện kể Nhật Bản theo lối truyền kỳ và là tục tập của Tiễn đăng tân thoại.
Tiễn đăng tân thoại rất được ưa chuộng và được xem như có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến sáng tác tiểu thuyết Triều Tiên, thậm chí còn được coi là khởi nguồn của sáng tạo tiểu thuyết Triều Tiên. Trong Chungguk sosolgwaui kwan’gye (Quan hệ với tiểu thuyết Trung Quốc), Chong Chudong đã chỉ ra rằng tác phẩm Hong Kiltong chon (Hồng Cát Đồng truyện) của Ho Kyun (1569-1618), cha đẻ của tiểu thuyết Triều Tiên, mặc dù có khả năng được thêm thắt song những cảnh ma quái bị tiêu diệt ở núi Mangdang (Mang Đang) khá giống với cảnh trong Thân Dương động ký ở Tiễn đăng tân thoại, và cảnh trong Kuun mong (Cửu vân mộng) của Manjung (1637-92) trong đó nhân vật Xinhzhen (Tính Chân) xuống Thủy cung rồi sống lại làm một Yang Shaoyou (Dương Thiếu Du) gợi chúng ta nhớ đến Ái Khanh trong Ái Khanh truyện của Tiễn đăng tân thoại xuống Âm phủ rồi tái sinh thành con trai của dòng họ Tống. Ngoài ra, rõ ràng là câu chuyện cổ của người Triều Tiên Sugung yongwang chon (có thể là Thủy cung Long vương truyện, nhưng tôi không thấy nó được nhắc đến ở một nơi nào khác) có gốc gác từ Thủy cung khánh hội lục.
Ngoài ra, Tiễn đăng tân thoại còn được đọc nhiều trong giới quan lại, như một mẫu mực về phong cách, và chúng ta không được quên rằng tác phẩm đã mang đến những chủ đề có tính siêu nhiên, kỳ quái, lãng mạn và tình dục, giúp tạo ra khung cảnh thuận lợi cho trí tưởng tượng lãng mạn trong xã hội Nho giáo, nơi không có chỗ dành cho vấn đề tình yêu.
2. Việc giới thiệu tiểu thuyết thông tục Trung Quốc: giữa thế kỷ 15 - cuối thế kỷ 19
Những ghi chép mang tính quan phương cho thấy Liệt nữ truyện của Lưu Hướng đời Hán được lưu truyền theo lệnh của Hoàng đế nhà Minh năm 1404. Và có căn cứ để tin rằng tác phẩm này cũng được du nhập vào Triều Tiên thời Koryò (Cao Ly). Đây là thời kỳ Nho giáo đang đề cao trinh tiết ở người phụ nữ, và năm 1543 tác phẩm được dịch theo lệnh của nhà vua, do một họa sĩ đương thời là Yi Sangjiwa minh họa, xuất bản và được phân phát rộng rãi. Tác phẩm ấn hành bằng chữ Triều Tiên này được sáng tạo vào năm 1446, với mục đích giáo huấn phụ nữ, đồng thời nó cũng được xem như đã mang lại thú vui đọc sách cho thường dân - những người bị đẩy xa khỏi tầng lớp thượng lưu am hiểu văn chương chữ Hán. Ngoài ra, chúng ta cũng không thể bỏ qua việc đương thời đã cương quyết cho dùng loại văn tự mới này để dịch và xuất bản thư tịch Trung Quốc và công việc này đã có tác dụng mở rộng phạm vi đọc.
Có thể giả định rằng thoạt đầu những bản dịch như thế là từ kinh Phật - bắt đầu vào giữa thế kỷ 15 - và được mở rộng sang điển tịch Nho giáo, rồi đến các tác phẩm truyền kỳ mang tính giáo huấn, và dần dần đi đến chỗ tạo cơ hội cho tiểu thuyết Trung Quốc bắt rễ vào xã hội thời Choson.
Minh chứng cho điều này là việc cuốn sách chữ Hán Phác thông sự hoàn thành vào cuối đời Minh, đến giữa thế kỷ 15 được cải tác và thêm phần chú thích bằng tiếng Triều Tiên thành Pak t’ongsa - có rất nhiều nét tương đồng với hình thức đối thoại trong tạp kịch Tây du ký đời Nguyên. Việc này chứng tỏ rằng vào thời bấy giờ sách vở bằng tiếng bạch thoại Trung Quốc đã là sách học tiếng của một nhóm người trong xã hội. Để khẳng định thêm cho điều này còn có việc: cùng thời gian đó Toàn tương bình thoại Tam quốc chí hay Tam quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung du nhập vào Triều Tiên, và trong truyện ngắn Won saeng mongyu rok (Nguyên sinh mộng du lục) của Won Ho ở nửa sau thế kỷ 15 cách miêu tả nhân vật hàm ý bao biếm có nhiều chỗ tương đồng với Tam quốc chí diễn nghĩa (Xem Yi Kyongson, Samgukchi yonuiui pigyo munhakchok yon’gu (Nghiên cứu so sánh “Tam quốc chí diễn nghĩa”, Seoul, 1971).
Tuy vậy, tầng lớp quan liêu quý tộc đương thời tin Tống Nho như một chân lý vĩnh hằng, và coi bất kỳ học thuyết hay tôn giáo nào đi ngược lại đều là dị đoan tà thuyết. Do đó trong cuộc đàm luận năm 1569 giữa vua Sonji và các quan trong triều, không chỉ Tam quốc chí diễn nghĩa mà tất cả những tiểu thuyết Trung Quốc lưu hành lúc đó như Sở Hán diễn nghĩa, Tiễn đăng tân thoại, Thái bình quảng ký, ... đều bị lên án là quái lực loạn thần, hối dâm hối đạo, đi ngược lại chuẩn mực.
Tam quốc chí diễn nghĩa: các bản dịch và cải tác
Trong những tiểu thuyết được độc giả Triều Tiên đương thời ưa chuộng, tác phẩm ảnh hưởng nhiều nhất đến văn chương Triều Tiên là Tam quốc chí diễn nghĩa. Từ đó cho đến cuối thế kỷ 19, nhiều bản dịch cũng như cải tác đã ra đời. Những bản dịch từ thế kỷ 19 hay sớm hơn hiện còn có thể thống kê vắt tắt như sau:
Bản chép tay:
Samgukchi 37 tập, 39 quyển (Viện nghiên cứu Triều Tiên)
Samgukchi 19 tập (Viện nghiên cứu Triều Tiên)
Samgukchi 69 tập (Toyo Bunko)
Samgukchi 39 tập (Tủ sách tư nhân)
Samgukchi 19 tập (Đại học Seoul)
Samgukchi 3 tập (Đại học Seoul)
Samgukchi 17 tập (Thư viện Quốc gia, Seoul)
Samgukchi 5 tập (Tủ sách tư nhân)
Bản khắc gỗ:
Samgukchi 3 tập, 3 quyển (Mộc bản Seoul)
Samgukchi 1 tập, 2 quyển (Mộc bản Chonju)
Samgukchi 1 tập, 2 quyển (Mộc bản Ansong)
Pyol Samgukchi (Biệt Tam quốc chí) 2 tập, 2 quyển (Mộc bản Seoul)
Samgukchi 1 tập, 1 quyển (Mộc bản Seoul)
Còn có 8 bản muộn hơn in theo lối chữ rời, và tổng cộng cho đến nay có gần 30 bản đã được in. Ngoài ra còn có những tiểu thuyết lấy chất liệu từ Tam quốc chí diễn nghĩa, như các bản chép tay của thế kỷ 19 dưới đây:
1/ Các bản dịch từng phần:
Chokpyok taejon (Xích Bích đại chiến)
Kang yu silgi (Khương Duy thực ký)
2/ Các bản dịch từng phần đôi chỗ có cải biên:
Hwayongdo silgi (Hoa Dung Đạo thực ký)
Samguk taejon (Tam quốc đại chiến)
3/ Hoàn toàn cải tác:
Sanyang taejon (Sơn Dương đại chiến)
Cho Charyong chon (Triệu Tử Long truyện)
4/ Cải tác từng phần:
Kwan unjang silgi (Quan Vân Trường thực ký)
Chokpyok ka (Xích Bích ca)
5/ Tác phẩm chịu ảnh hưởng:
Hwang puin chon (Hoàng phu nhân truyện)
Monggyol ch’han song (Mộng quyết Sở Hán tụng)
Oho taejang ki (Ngũ hổ đại tướng ký)
Monggyol chegal yang (Mộng quyết Gia Cát Lượng)
Sự du nhập của Tam quốc chí diễn nghĩa vào Triều Tiên thế kỷ 18 đã tạo nên dòng chảy thể loại truyện miêu tả chiến trận. Những tác phẩm này trở thành loại sách đọc phổ biến trong đại chúng, bởi nỗi đau trước cuộc xâm lược của nhà Mãn Thanh thế kỷ 17 đã dấy lên sự phẫn nộ của lòng ái quốc và tâm lý khát khao sự xuất hiện của các đấng anh hùng. Tất cả những gì hiện diện trong tác phẩm - lối dàn quân, trang phục, vũ khí, chiến thuật, và tất nhiên cả nhân vật và bối cảnh - hiển nhiên đều là Trung Quốc. Chúng tôi có thể chắc chắn rằng nguyên nhân là ảnh hưởng của Tam quốc chí diễn nghĩa.
Tam quốc chí diễn nghĩa là văn chương thể hiện sự thắng lợi tinh thần phát lộ mạnh mẽ trong một vở kịch lớn lấy vận mệnh lịch sử làm nội dung. Có thể đó là thắng lợi tưởng tượng, cho thấy sự tự ý thức về số phận của người Triều Tiên. Do đó, đối với người Triều Tiên, việc đọc bộ tiểu thuyết này có thể là một niềm an ủi cho triết lý riêng của họ về sự hiến dâng cho nghiệp lớn. Mặc dù, theo quan điểm văn học, có những người muốn đánh giá Thủy hử truyện (người Triều Tiên gọi là Thủy hử chí) cao hơn, song một sự thực không thể thay đổi là tiểu thuyết được người Triều Tiên yêu thích nhất chính là Tam quốc chí diễn nghĩa.
Thủy hử chí
Thủy hử chí du nhập vào Triều Tiên cũng trong thời kỳ này. Tương truyền, Hong Kiltong chon là tiểu thuyết đầu tiên bằng tiếng Triều Tiên, và vào khoảng thời gian Ho Kyun viết tác phẩm này thì hậu duệ ông là Yi Sik (1584-1647) đã nói rằng ông sáng tác nó sau khi đọc Thủy hử chí cả trăm lần. Nhưng về quy mô Hong Kiltong chon không bằng một phần trăm Thủy hử chí. Hơn thế, tôi là một trong số những người phản đối ý kiến cho rằng Hong Kiltong chon chịu ảnh hưởng của Thủy hử chí.
Nên giải thích một cách tự nhiên hơn, rằng Triều Tiên bấy giờ có nhiều băng đảng trộm cướp. Một băng cướp mang tên thật: Hong Kiltong, xuất hiện vào khoảng năm 1500, một tên cướp khét tiếng là Im Kkokchong (chết năm 1562) khoảng giữa thế kỷ 16, và nhóm “Robin Hoods” - chủ yếu là những đứa con hoang của tầng lớp quý tộc - cũng ở Triều Tiên cuối thế kỷ 16. Cũng vào cuối thế kỷ 16, tức thời kỳ những năm 1590 Nhật Bản xâm lược Triều Tiên, xuất hiện vụ nổi loạn của Monghak, đứa con hoang của hoàng tộc. Tôi cho rằng đây là những nguồn cảm hứng, tư liệu tại Triều Tiên đã tạo nên Hong Kiltong chon.
Theo đó người ta không thể chấp nhận cách giải thích hời hợt rằng vì chủ đích của Thủy hử truyện và Hong Kiltong chon giống nhau nên tự khắc chứng tỏ tác phẩm Trung Quốc đã ảnh hưởng đến tác phẩm Triều Tiên. Tuy nhiên, việc tồn tại những cách gọi tiểu thuyết Trung Quốc là Thủy hử chí và Tây du ký chứng tỏ hai tiểu thuyết này đã được đọc rất nhiều tại Triều Tiên và tình trạng lưu truyền rộng khắp các bản dịch của chúng cũng được minh chứng bằng việc các bản dịch từng phần những tác phẩm này được xuất bản dưới dạng bản khắc gỗ vào giữa thế kỷ 19. Vào thời điểm ấy, Ho Kyun, trong tác phẩm Soyu rok pal (Tây du lục bạt) của mình, đã giải thích về Thủy hử chí và cả về danh mục những tác phẩm “diễn nghĩa”. Từ 16 tác phẩm được nhắc đến trong đó, chúng ta có thể nói rằng có một số lượng đáng kể tác phẩm Trung Quốc đã du nhập vào Triều Tiên. Mặc dù không có một danh mục chi tiết đưa ra, Ho Kyun có nhắc đến những “diễn nghĩa”, như: Tam quốc diễn nghĩa, Lưỡng Hán diễn nghĩa, Tùy Đường diễn nghĩa, Tề Ngụy diễn nghĩa, Ngũ đại diễn nghĩa, Tàn Đường diễn nghĩa, và Bắc Tống diễn nghĩa. Điều này chứng tỏ rằng nhiều tiểu thuyết Trung Quốc đầu thế kỷ 17 phỏng theo mẫu Tam quốc chí diễn nghĩa, đã được xuất bản và lưu hành rộng rãi.
Tây du ký
Như đã trình bày, Tây du ký từ rất sớm đã được Ho Kyun chú ý và có ảnh hưởng rất lớn ở Triều Tiên. Có một số học giả cho rằng ảnh hưởng của Tây du ký đến Hong Kiltong chon lớn hơn ảnh hưởng của Thủy hử truyện, vì hình ảnh biến ảo thần diệu trong Hong Kiltong chon gần gũi với Tây du ký. Ngoài ra, linh đan diệu dược, chi tiết về lễ tấn phong của hoàng đế Jade là những thứ vốn có trong tiểu thuyết thời Choson; khả năng hóa thân, sự kết hợp tư tưởng Phật giáo và Lão giáo, và đoạn nói về việc tìm kiếm thuốc trường sinh bất lão có thể gặp trong truyền thuyết lưu truyền trong dân chúng. Nhưng không thể quan niệm rằng chúng được đưa vào tiểu thuyết thời Choson là nhờ sự khải thị của Tây du ký.
Tuy vậy, do những vấn đề liên quan đến sự ảnh hưởng như thế rất phức tạp, nên chúng ta cần tránh lối so sánh theo kiểu cho rằng vì trong Tây du ký có một đoạn tương ứng với một đoạn nào đó trong một tiểu thuyết Triều Tiên cho nên đó chính là ảnh hưởng của cái trước đối với cái sau. Do Phật giáo và Lão giáo, với tư cách học thuyết, được truyền nhập vào Triều Tiên từ thế kỷ 5 hay 6 trở đi, rồi thâm nhập vào truyền thuyết dân gian nên mối quan hệ mang tính cơ giới nói trên là thứ không thể áp dụng được. Song cũng không thể loại trừ hoàn toàn khả năng các yếu tố kỳ ảo vốn có trong tiểu thuyết Triều Tiên cũng là sản phẩm việc tiếp nhận ảnh hưởng từ tiểu thuyết Trung Quốc. Tương tự, nhiều chủ đề trong tiểu thuyết Triều Tiên cũng có thể bị coi là chịu ảnh hưởng của văn chương Trung Quốc, ở dạng bắt chước.
Kim Bình Mai và tiểu thuyết thời Minh
Chúng ta cần lưu ý rằng có những ghi chép liên quan đến Kim Bình Mai,tác phẩm được xem là quý hiếm của thời nhà Minh, và vào cuối đời nhà Minh bài ký của Yu Mongin (1559-1623) trong cuốn sách Ou Yadam (Ư vu dã đàm) của ông cho biết: “Xuân này tại Trung Nguyên, 70 cuốn sách đã ra mắt. Trong số đó có một tiểu thuyết mang tựa đề Chung ly hồ lô đến từ Tây Hồ. Nó tục tĩu đến mức tôi khó có thể để mắt vào đó”. Đoạn văn trên cho thấy những tác phẩm ra đời vào cuối Minh đã đến Triều Tiên và rằng những tiểu thuyết như thế đã du nhập vào với một số lượng rất lớn.
Tuy nhiên rất khó xác định những tiểu thuyết như thế được dịch sang tiếng Triều Tiên khi nào, bởi vì dù những ghi chép đó là chính xác thì loại tác phẩm nói trên cũng vẫn đã liên tục được tái bản vào thời nhà Thanh. Song dưới đây là một danh mục vắn tắt những tác phẩm có thể xem là tiểu thuyết đời Minh, và có mặt ở Triều Tiên dưới dạng nguyên cảo:
Đông Chu liệt quốc chí
Kim cổ kỳ quan
Lưỡng Hán diễn nghĩa
Lưỡng Tần diễn nghĩa và những tác phẩm tương tự
Long đồ công án
Bình Sơn lãnh yến
Tam quốc chí diễn nghĩa
Thủy hử truyện
Tây du ký
Tây Chu chí tứ hữu truyện và những tác phẩm tương tự
Danh sách này cho thấy tiểu thuyết Trung Quốc không được dịch mà chỉ được đọc bằng nguyên bản rất rộng rãi và được sao chép rất nhiều.
Tiểu thuyết Trung Quốc đến Triều Tiên như thế nào
Tiếp đây chúng tôi cảm nhận được sự cần thiết phải lý giải quá trình những tiểu thuyết nói trên du nhập vào Triều Tiên. Chúng ta có thể nhắc đến việc sứ bộ gồm 200 đến 300 người đến Trung Hoa 3 hoặc 4 lần mỗi năm trong suốt thời Minh Thanh, trừ khi có chiến tranh. Có khả năng một phần mười số này là những người có thể đem về những tiểu thuyết như vậy, nhất là các quan lại làm thông dịch viên. Những người này đóng vai trò trung tâm trong việc trao đổi văn hóa giữa hai nước, và vì, về nghề nghiệp và địa vị, họ thuộc tầng lớp thư lại đặc biệt cha truyền con nối nên họ cũng có vai trò quan trọng đối với việc viết tiểu thuyết.
Về hình thức, các nhà văn và dịch giả tiểu thuyết thời Choson có thể chia thành một số nhóm. Thứ nhất là quý tộc. Trong số họ có một vài nhà văn và học giả nổi tiếng cũng như quý tộc sa sút. Ví dụ như Ho Kyun và Kim Manjung. Cả hai vừa viết bằng chữ Hán cổ vừa dịch thuật. Vì vào thời điểm bấy giờ viết tiểu thuyết bị xem là một sự ô nhục cho nên các tác giả không để lộ tên họ mình, và do đó phần lớn tiểu thuyết là khuyết danh. Vì lẽ chữ Hán cổ là phương tiện viết hàng ngày cho nên viết tiểu thuyết có thể do tầng lớp này đảm nhận, nhưng với việc dịch tiểu thuyết chữ Hán cho dù họ có thể dịch thành thơ thì để có một bản dịch hoàn hảo vẫn cần đến kỹ năng của tầng lớp thông dịch viên chuyên nghiệp. Vì tầng lớp này am hiểu về chữ Hán cổ nên chúng tôi cho rằng nhiều nhà văn viết tiểu thuyết cũng nổi lên từ số này. Do tiểu thuyết nguyên bản của thời Choson lấy bối cảnh Trung Hoa, nếu chúng ta coi sự tập rèn như thế là tiền đề cho việc viết tiểu thuyết, thì rất có khả năng những người này có thể trở thành tác giả của các tiểu thuyết nguyên bản khác nữa.
Phụ nữ cung đình cũng có mặt trong tầng lớp này. Ngược lại với việc du nhập thư tịch Hán cổ của tầng lớp thượng lưu, phụ nữ cung đình và phụ nữ quý tộc là miếng đất màu mỡ cho việc truyền bá văn học bằng tiếng Triều Tiên, và hiển nhiên độc giả tiểu thuyết thời Choson cũng là tầng lớp này.
Khi tiểu thuyết Trung Quốc du nhập vào, trường hợp thường xảy ra là đàn ông trong giới quý tộc hoặc tầng lớp quan lại đọc chúng bằng nguyên bản, nhưng để vào được giới phụ nữ chúng phải được dịch hoặc viết lại bằng tiếng Triều Tiên. Trong xã hội Choson thời bấy giờ không một tổ chức thương mại nào có thể chủ động làm được công việc này. Vì tư tưởng chung của xã hội bị giáo điều khô cứng của Nho giáo chi phối nên việc tiểu thuyết Trung Quốc, trừ tiểu thuyết lịch sử, đều bị lên án là khiêu dâm, không phải là không có lý do.
Tiểu thuyết Trung Quốc và tiểu thuyết Triều Tiên: tương đồng và dị biệt
Dưới ảnh hưởng và tác động của tiểu thuyết Minh, nhiều tiểu thuyết Triều Tiên cùng loại đã được sáng tác và lưu truyền. Văn xuôi thời Choson cho đến lúc này chủ yếu là truyện ngắn, nhưng dần dà các truyện ngắn phát triển thành tiểu thuyết và thậm chí cả tiểu thuyết chương hồi cũng có mặt. Mặc dù một số tiểu thuyết: Hong Kiltong chon, Kuun mong và Sa-ssi namjong ki (Tạ thị Nam chinh ký) đã có tên tác giả, song phần lớn vẫn là khuyết danh. Trong số tiểu thuyết cổ có tới 700 cuốn hiện đã được biết đến, phần lớn lấy bối cảnh từ Trung Quốc. Điều này không có nghĩa chúng là tiểu thuyết Trung Quốc. Trong khi trên thực tế tiểu thuyết xoải rộng đôi cánh của trí tưởng tượng - nguồn tài sản của nó - thì trong hệ thống gia đình lấy bộ lạc làm trung tâm đang phổ biến trong xã hội lúc này, bối cảnh có thể được xem như phương cách tránh sự khủng bố đối với văn chương. Bất chấp ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Quốc, những tác phẩm loại này vẫn không có nội dung hiện thực của tiểu thuyết Trung Quốc. Con đường sinh ra và trưởng thành, cách thức vượt qua khó khăn, tự hoàn thiện và cái chết của nhân vật, tất cả đều trong bối cảnh của một thế giới khác, theo lối huyền thoại và đạo lý Triều Tiên điển hình - chứng tỏ những tiểu thuyết này chứa đầy mục đích giáo huấn, bởi lẽ độc giả của chúng chủ yếu là phụ nữ. Do những tiểu thuyết này được mẹ chồng nàng dâu cùng đọc trong gia đình, nên, để chúng không làm từng bên phải đỏ mặt khi đọc to tác phẩm, lối diễn đạt của chúng phải luôn mang phong cách trang nhã xen lẫn những từ chữ Hán. Chúng cũng đảm nhận vai trò những cuốn sách giáo huấn cho phụ nữ. Điều này có nghĩa là nhân vật chính của một tiểu thuyết luôn xuất hiện như một nhân vật lý tưởng hóa.
Những tình huống trên cũng xuất hiện tương tự trong văn học Trung Quốc, nhưng ở Nhật Bản thì không thế. Kể từ khi văn chương Nhật Bản hiện hữu trong tầng lớp hạ lưu và thương nhân thì những đối thoại của nó trở nên sống động và đôi khi còn miêu tả cả hiện thực thông tục. Còn ở Triều Tiên, đặc biệt là thời Choson, phụ nữ luôn luôn bị giam hãm trong những nơi giành riêng cho giới mình và không có cơ hội tham gia vào các hoạt động xã hội, họ chỉ có một thú vui duy nhất: đọc tiểu thuyết. Tiểu thuyết Triều Tiên thịnh hành được là nhờ môi trường đọc kiểu này, và đặc biệt đáng chú ý là trong đó có những roman fleuves dài hơn 200 tập và nhiều tiểu thuyết miêu tả những dòng họ qua 5 hay 6 thế hệ. Tuy chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Quốc song tiểu thuyết Triều Tiên không dừng lại chỉ ở các bản dịch. Nhiều tiểu thuyết thực sự Triều Tiên đã được sáng tạo, tác động tích cực đến sự phát triển của văn chương Triều Tiên.
Tuy nhiên trước khi đi tiếp, chúng ta cần chỉ ra rằng, trừ những tiểu thuyết p’ansori, loại tác phẩm bắt nguồn từ câu chuyện theo phong cách p’ansori của những người kể chuyện rong kwangdao (quảng đới), có không nhiều tác phẩm thành công với tư cách tiểu thuyết có thể coi là sáng tạo của cá nhân tác giả bởi sự sống động về phong cách. Nếu chúng ta đặt quá trình hình thành tiểu thuyết khuyết danh dưới sự câu thúc của đạo đức luân lý Nho giáo thời Choson, như cấm trai gái tiếp xúc với nhau (“nam nữ thụ thụ bất thân” - ND), thì có thể coi những tác phẩm này là sản vật độc đáo của Triều Tiên. Kết quả là những tiểu thuyết này đánh mất độc giả của mình khi con người bước vào thế kỷ 20, và thậm chí gần như không một nhà nghiên cứu tiểu thuyết nào đọc chúng một cách trọn vẹn.
Do thế, khi so sánh với văn học và lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc ngay cả những bộ phận liên quan đến chính văn chương Trung Quốc cũng chưa được hệ thống hóa, và cả trong tiểu thuyết Triều Tiên cũng còn nhiều lĩnh vực cần được khám phá. Thực tế là chúng ta không thể vạch ra những đường hướng xác định cho một sự so sánh hoàn chỉnh. Vì di sản mà cả hai bộ phận tiểu thuyết này để lại hết sức đồ sộ, chỉ thời gian trôi đi mới để lộ ra bức tranh toàn cảnh. Hơn thế, nếu chỉ nhìn vào các tiêu đề tác phẩm mà không đọc nội dung, thì khó phân biệt được tiểu thuyết Triều Tiên với tiểu thuyết Trung Quốc. Tính dân tộc của chúng khó mà phân biệt nổi khi chỉ vào những chữ trong tiêu đề, như: truyện, lục, mộng, kỳ phùng, mộng du lục, trung hiếu lục, trung nghĩa lục, ngôn hành lục hoặc công tích lục.
Hơn thế chúng ta không nên xem thường việc gần 15% tổng số lượng tác phẩm là bản dịch và mô phỏng tiểu thuyết Trung Quốc sang tiếng Triều Tiên. Đồng thời có thể phân biệt rõ ràng tiểu thuyết của hai nước này dựa vào phương thức thể hiện và sự khác nhau trong cách sử dụng ngôn từ. Đó là những tiểu thuyết Triều Tiên miêu tả cuộc sống, khát vọng của người Triều Tiên, và dòng chảy ngầm ẩn bên dưới những cái đó là phương thức phát triển - một sự tiếp nối từ kho tàng thần thoại vốn có của Triều Tiên. Theo quan điểm này, mỗi bên có một thế giới quan khác nhau. Nếu chúng ta tìm hiểu bộ tác phẩm 9 tập Han’guk hanmun sosol chonjip (Hàn quốc Hán văn tiểu thuyết toàn tập) xuất bản ở Đài Loan (1982) với sự cộng tác của Viện nghiên cứu Triều Tiên thì có thể thấy cho dù những tác phẩm đó được sáng tác bằng chữ Hán cổ và lấy Trung Quốc đại lục làm bối cảnh, bản thân nội dung của chúng vẫn là thế giới do người TriềuTiên tự tạo dựng lên. Ngoài ra, chữ Hán cổ trong các tác phẩm này còn mang một đặc tính ngôn ngữ: ngữ pháp Hán văn hoàn toàn khác phong cách thông tục của tiểu thuyết Trung Quốc.
Danh mục tạm thời những tác phẩm mô phỏng truyện và tiểu thuyết Trung Quốc
Dưới đây là danh mục những văn bản chép tay và khắc gỗ các bản dịch tiểu thuyết Trung Quốc (Văn bản in chữ rời không được tính đến. Trong số văn bản in chữ rời này một số có thể được in từ những văn bản chép tay trước khi có một hình thức hoàn chỉnh cuối cùng. Tuy nhiên vấn đề này còn phải có những nghiên cứu thêm)
An Noksan chon (An Lộc Sơn truyện) - Giống như Kwak Punyang chon (Quách Phân Dương truyện) và một bản lược dịch từ Toàn Đường diễn nghĩa.
Chang Chabang chon (Trương Tử Phòng truyện)
Che Mamu chon (Chư Mã Vũ truyện) - Toàn tương bình thoại Tam quốc chí
Ch’o Han chon/ka (Sở Hán truyện/ca )
Chokpyok ka (Xích Bích ca), tiểu thuyết theo lối p’ansori lấy đề tài từ Tam quốc chí diễn nghĩa
Chon sujae chon (Tiền tú tài truyện) - Kim cổ kỳ quan
Ch’ungnyol hyobui chon (Trung liệt hiệp nghĩa truyện)
Hanjo samsong kiyong (Hán triều tam tính kỳ phùng)
Hong Suijon (Hồng Tú Toàn)
Hwangmyong paesin chon (Hoàng Minh bồi thần truyện)
Hwayongdo (Hoa dung đạo) - tiểu thuyết p’ansori
Kaebyok yonui (Khai tịch diễn nghĩa) - Tóm dịch từ Phong thần diễn nghĩa
Kaesomun chon (Cái Tô Văn truyện) - Rút từ Tiết Nhân Quý truyện
Kang t’aegong chon (Khương Thái Công truyện) - Lược chép chuyện về Khương Thái Công trong Tây Chu liệt quốc
Kumo kigwan (Kim cổ kỳ quan)
Kwak Punyang chon (Quách Phân Dương) - Rút từ Toàn Đường diễn nghĩa
Munmok wang chongch’ung nok (Vũ Mục Vương tinh trung lục)
O Chaso chon (Ngũ Tử Tư truyện)
P’ogong yonui (Bao Công diễn nghĩa)
Puksong yonui (Bắc Tống diễn nghĩa)
P’yong San Naeng Yon (Bình Sơn Lãnh Yến)
P’yongyo (Bình yêu ký)
Sa Kak chon (Tạ Giác truyện)
Samgukchi yonui (Tam quốc chí diễn nghĩa) - gồm 12 truyện về các nhân vật và những trích dịch từ tác phẩm này
Soju yonui (Tây Chu diễn nghĩa) - có nhiều đoạn dịch tắt
Sudang yonui (Tùy Đường diễn nghĩa)
Suho chi (Thủy hử chí)
Taemyong yongyol chon (Đại Minh anh liệt truyện)
Taesong hungmang rok (Đại Tống hưng vong lục)
Tang-song yonui (Đại Tống diễn nghĩa)
Tang T’aejong chon (Đường Thái Tông truyện) - Trích dịch từ Tây du ký
Tonghan yonui (Đông Hán diễn nghĩa)
Towan kyorui rok (Đào nguyên kết nghĩa lục) - xem Tam quốc chí diễn nghĩa
Ulchi Kyongdok chon (Uất Trì Kính Đức truyện)
Yolguk chi (Liệt quốc chí) - giống Xuân thu liệt quốc chí
Yollyo chon (Liệt nữ truyện) - dịch từ Liệt nữ truyện của Lưu Hướng
Yolson chon (Liệt tiên truyện)
Danh mục tiểu thuyết trên đây là một tập hợp những tác phẩm mà dựa theo tiêu đề có thể phân loại được. Ngoài ra, nhiều tác phẩm được phân loại có lẽ với tư cách là dịch phẩm, những bản dịch thô hay bắt chước, song do chưa có những nghiên cứu sâu về chúng nên rất tiếc là không tìm được những điểm tương đồng.
Kết luận
Điều chúng ta phải khẳng định trước khi đi tiếp là ngay cả sau chiến tranh Mãn Châu năm 1636, những liên hệ qua lại với nhà Thanh vẫn không bị đứt đoạn. Chúng ta cần chú ý đến một sự thật là ở trường hợp như Tam quốc diễn nghĩa, ngay cả những phẩm bình của Kim Thánh Thán (1601-61) về tác phẩm này cũng được du nhập vào Triều Tiên, song bản thân tiểu thuyết thời nhà Thanh thì lại không được nhập khẩu. Tình hình này cũng giống như ở Văn khố Naksonjae, nơi cung cấp những bản dịch cho độc giả là hoàng hậu và các phi tần. Trong hơn 2.000 tập tiểu thuyết lưu giữ ở đây, không hề có một bộ tiểu thuyết thời nhà Thanh. Việc này liên quan đến một thực tế là trong những tiểu thuyết nguyên gốc của người Triều Tiên, bối cảnh Trung Quốc mà họ sử dụng chỉ có các thời Đường, Tống và Minh mà không có tiểu thuyết nào lấy nhà Thanh làm nền. Nhưng đồng thời, ngay cả khi có lệnh cấm du nhập tiểu thuyết vào cuối thế kỷ 18, tiểu thuyết Trung Quốc vẫn được du nhập không hề gián đoạn. Có những thời kỳ, ngay cả những tác phẩm cổ điển cũng bị cấm. Song bất chấp lệnh cấm, dòng tiểu thuyết vẫn bí mật tuôn chảy vào Triều Tiên, không gì ngăn chặn được. Thậm chí một số quan lại và quý tộc cao cấp còn có những người phiên dịch riêng cho họ đọc.
Học giả khai sáng thế kỷ 19 Yi Kyungyong trong Oju yonmun changjon san’go (Nhật ký đi đường của Oju) đã lập danh mục tiểu thuyết Trung Quốc du nhập vào Triều Tiên cho đến thời điểm đó, bao gồm tiểu thuyết và hý kịch, như: Tề Hài ký, Ngu sơ chí, Tây dương tạp trở, Thủy hử truyện, Tam quốc chí diễn nghĩa, Tuyên Hòa di sự, Kim Bình Mai, Tây sương ký, Đào hoa phiến, Hồng lâu mộng, Tục Hồng lâu mộng và Liêu trai chí dị.
Nhìn vào những tiêu đề như vậy chúng ta có thể phỏng đoán rằng có một số tiểu thuyết thời nhà Thanh cũng đã được du nhập vào và được xã hội thượng lưu ưa chuộng. Đáng chú ý là Kim Bình Mai, tác phẩm bị coi là khiêu dâm, cũng có mặt trong số này. Cả Hồng lâu mộng cũng góp mặt, nhưng vì tác phẩm này viết sau Kuun mong của Kim Manjung 70-80 năm nên chúng tôi không thấy có mối liên hệ trực tiếp nào giữa chữ “mộng” trong cuốn tiểu thuyết của ta với tác phẩm Trung Quốc.
Đồng thời, việc Kuun mong của Kim Manjung có thể được coi như một cuốn tiểu thuyết đồng dạng với những tác phẩm mang mục đích giáo huấn như Liệt hiền truyện, Hán Võ cố sự, tập giai thoại Thế thuyết tân ngữ và tiểu thuyết Nam kha ký, bóng gió gợi ý rằng tác phẩm cũng ở trong bầu không khí chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Quốc. Đến đây chúng ta có thể thấy rằng các tác giả Triều Tiên, trong quá trình tự khai phá, đã kế thừa truyền thống đặc thù của tiểu thuyết Triều Tiên mà không dựa dẫm vào các bản dịch tiểu thuyết thời nhà Thanh. Đồng thời, họ khách quan hóa các nhân vật của mình bằng việc vay mượn bối cảnh Trung Quốc, tạo dựng những nhân vật lý tưởng theo yêu cầu của người dân thời Choson nhằm chống lại nền tảng của sự áp bức Triều Tiên, nhằm duy trì và khuếch trương truyền thống Nho giáo.
Để thực hiện ý định này, tác phẩm dùng sự kiện làm cơ sở cho hành động của nhân vật. Do đó, các tác giả đã không thể phá vỡ được khuôn khổ của loại tiểu thuyết “khuyến thiện trừng ác”. Kết quả là xuất hiện nhiều tiểu thuyết có tên gọi “quân đàm”, một loại truyện ký nhân vật lịch sử, phản ánh tâm lý khao khát người anh hùng của thời đại sau cuộc xâm lược của Mãn Châu 1636, và được viết theo những phương pháp vay mượn từ tiểu thuyết diễn nghĩa Trung Quốc.
Khi xem xét Kuun mong có thể thấy nhân vật anh hùng được miêu tả thông qua cuộc đời của Dương Thiếu Du, một Tính Chân tái thế. Trong tác phẩm Kuun mong này, Kim Manjung luận giải về tình yêu và kỳ tích trận mạc của một nhân vật với tiền đề là tư tưởng “nhân sinh như mộng” (đời người chỉ là một giấc mộng). Trong giới trí thức thời Choson, tình yêu và kỳ tích trận mạc chỉ được coi như một giấc chiêm bao. Kỳ tích trận mạc là biểu tượng của nam tính còn tình yêu là biểu tượng của nữ tính. Niềm khao khát những thứ này, những khát vọng không thể thỏa mãn trong cuộc đời thực, được biến thành hiện thực trong những cuốn tiểu thuyết chuyển bối cảnh sang Trung Quốc. Chúng ta cần hiểu rằng vào một thời đại như thế, việc họ tìm kiếm những mẫu hình kiểu đó ở văn học Trung Quốc không cùng thời đại, là điều không hiếm thấy.
Đồng thời họ cũng chuyển hướng tìm kiếm những mẫu hình văn chương như vậy ngay trong xã hội thời Choson. Việc làm này được củng cố thêm bởi sự tự ý thức về bản thân, hiện tượng dần dần trở nên sôi động trong thực tế xã hội thời Choson, và thậm chí họ còn đi xa trong chừng mực có thể để tạo dựng nhân vật và phát hiện những bối cảnh tại Triều Tiên. Hệ quả là, với sự phổ biến của văn chương p’ansori của những người kwang dae (quảng đới), họ đã phá vỡ những gông cùm Trung Hoa và còn đi xa để lần tìm truyền thống dân tộc Triều Tiên. Chúng ta có thể cho rằng xu thế phát triển độc lập này của tiểu thuyết Triều Tiên đã bắt đầu từ thế kỷ 18, rằng một mùa hoa mới có thể nở rộ từ chính chỗ này.
Nếu chú ý đến những phương diện như vậy, chúng ta có thể hiểu được rằng ngay cả nếu chúng ta cho rằng ảnh hưởng của văn học Trung Quốc đối với văn học Triều Tiên không ở con số tiểu thuyết hay không ở việc kế thừa các truyền thống đó thì nó cũng có thể chạm tới chiều sâu của tiểu thuyết Triều Tiên. Chúng ta biết rằng: về biểu đạt, phần lớn tiểu thuyết dựa theo thị hiếu Triều Tiên: được viết hoàn toàn bằng ngôn ngữ Triều Tiên. Bản thân những tiểu thuyết này chỉ vay mượn bối cảnh Trung Quốc trên hình thức. Nội dung của chúng đáp ứng được yêu cầu mở mang trí tuệ và khát vọng của độc giả mà chủ yếu là giới nữ có học trong xã hội thượng lưu thời Choson.
Bài viết này chỉ là một lược đồ về ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Quốc đến tiểu thuyết Triều Tiên. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng có một văn học so sánh ở Viễn Đông vì Viễn Đông, song tôi cũng ý thức đầy đủ rằng tiến hành công việc này không phải là điều dễ dàng. Mỗi nước trong ba quốc gia ở Đông Bắc Á: Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản này có một truyền thống nghiên cứu “quốc học” riêng, không đem lại bất cứ niềm hy vọng nào cho vấn đề liên quan đến cái được gọi là “so sánh” đó. Do vậy văn học so sánh ở Viễn Đông chưa hơn gì một truyền thống trẻ, và có vẻ như cảm giác về sự thống nhất, như chúng ta vẫn thấy ở Tây Âu, là hụt hẫng ở nơi đây. Kiểu quan hệ này là một điểm tế nhị và nhạy cảm. Xuất phát từ quan điểm này, chúng tôi xiết đỗi vui mừng thấy việc nghiên cứu so sánh đã được Tiến sĩ Salmon cố gắng triển khai, trước khi nó được tiến hành ở Viễn Đông. Bài viết này chỉ là một lược thuật và tôi hy vọng rằng, với một sự khởi đầu như vậy, các nhà nghiên cứu ở mỗi nước sẽ có những quan tâm để đảm bảo cho công việc nghiên cứu tương lai đạt được những thành tựu vẻ vang hơn./.
...........................................................................
Theo Tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc ở Châu Á (từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20), Claudine Salmon biên soạn, Trần Hải Yến dịch. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004
Theo Tạp Chí Sông Hương