Ảnh hưởng của Nguyễn Công Trứ đối với phong trào nông dân Việt Nam thời trung đại

Tớ nhớ cậu

New member
Xu
0
ẢNH HƯỞNG CỦA NGUYỄN CÔNG TRỨ TỚI PHONG TRÀO NÔNG DÂN VIỆT NAM THỜI TRUNG ĐẠI

Những công trình nghiên cứu về phong trào nông dân kể từ những năm 50 của thế kỷ XX đến nay xuất hiện ngày càng nhiều đề tài phong phú và đa dạng. Những vấn đề nghiên cứu được đề cập tới thường xoay quanh những nội dung như nguyên nhân bùng nổ phong trào nông dân,vấn đề ruộng đất trong phong trào nông dân, đặc điểm của phong trào nông dân, kết quả của phong trào nông dân...hoặc nghiên cứu về các lãnh tụ của phong trào nông dân khởi nghĩa tiêu biểu thời trung đại như Nguyễn Danh Phương, Quang trung-Nguyễn Huệ, Phan Bá Vành, Nông Văn Vân, Lê Văn Khôi...Song thiết nghĩ, trong sự đa dạng của các đề tài nghiên cứu đó lại đề cập ít hoặc nghiên cứu mang tính nhỏ giọt các nhân vật lịch sử không phải là người lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa song bản thân họ với vị trí nhất định trong lịch sử dân tộc lại có tác động không nhỏ đến phong trào nông dân đương thời. Rõ ràng vấn đề nghiên cứu về các nhân vật này với tư cách là một chủ thể ảnh hưởng đến phong trào nông dân cần được đi sâu tìm hiểu.

Những nhân vật lịch sử như vậy thường được chia thành hai tuyến nhân vật chính diện, tức là các nhân vật đó có ảnh hưởng tích cực đến phong trào nông dân và hai là tuyến nhân vật phản diện, có ảnh hưởng tiêu cực đến phong trào nông dân. Song lịch sử lại xuất hiện những nhân vật vừa có ảnh hưởng tiêu cực, vừa có ảnh hưởng tích cực đến phong trào nông dân. Sự xuất hiện của nhân vật Nguyễn Công Trứ là nhân vật lịch sử điển hình thuộc loại nhân vật thứ ba, vừa có tác động tiêu cực và tích cực đối với phong trào nông dân dưới triều Nguyễn.

Thông thường khi những ảnh hưởng của nhân vật đó được xem là tích cực thì được khen ngợi và tôn vinh còn khi nhân vật đó có những tác động tiêu cực thì bị lên án. Nhưng vấn đề ở chỗ, Nguyễn Công Trứ lại mang cả những ảnh hưởng tiêu cực lẫn tích cực đối với phong trào nông dân dưới triều Nguyễn. Vây phải đánh giá về Nguyễn Công Trứ như thế nào cho đúng đắn, luận công nhiều hơn hay tội nhiều hơn? Đánh giá ảnh hưởng đó nên đứng trên những phương diện nào để xem xét? Và những ảnh hưởng đó đến phong trào nông dân ở những mức độ như thế nào?

Bài luận dưới đây xin được góp phần lý giải những vấn đề đặt ra trên, đồng thời coi đó một phương tiện quan trọng để góp thêm những đánh giá về vai trò, ảnh hưởng của cá nhân đối với lịch sử phong trào nông dân.
(còn tiếp)
 
Khi đánh giá về một nhân vật lịch sử nào đều phải đặt nhân vật đó dưới bối cảnh lịch sử đương thời, điều đó càng trở nên quan trong hơn khi xem xét ảnh hưởng của nhân vật đó đến cả phong trào nông dân – một hiên tượng xã hội phổ biến của lịch sử trung đại Việt Nam. Vậy thời đại của Nguyễn Công Trứ diễn ra với những điểm gì nổi bật?

Đến cuối thế kỷ XVIII, lịch sử phong kiến Việt Nam đã thực sự bước vào cuộc khủng hoảng chế độ mà biểu hiện rõ nét nhất về mặt xã hội là mâu thuẫn giai cấp ngày càng trở nên sâu sắc giữa nông dân với địa chủ phong kiến. Tình cảnh bị áp bức, bần cùng hóa với cuộc sống lưu tán khổ cực đã đẩy phong trào nông dân tới con đường đấu tranh giành quyền sống, đưa thế kỷ XVIII trở thành thế kỷ nông dân khởi nghĩa. Trong thế kỷ ấy, phong trào nông dân Tây Sơn nổ ra và giành thắng lợi duy nhất trong lịch sử phong trào nông dân, dẫn tới sự hình thành vương triều Tây Sơn. Người nông dân đang đặt niềm hi vọng vào một triều đại Tây Sơn tiến bộ có thể giúp họ thay đổi cuộc sống lầm than nhưng cái chết của Quang Trung dường như đã làm tiêu tan tất cả mọi hi vọng đó. Vương triều Tây Sơn sụp đổ, vương triều Nguyễn được thành lập lại một lần nữa đẩy mâu thuẫn xã hội lên cao. Những chính sách trả thù của nhà Nguyễn đối với các lực lượng tham gia nghĩa quân Tây Sơn đã gây nên sự bất bình trong quần chúng nhân dân, không được nhân dân ủng hộ, cộng hưởng cùng với sự bất bình cùng với của một bộ phận nhà Lê. Đước trước những khó khăn vì thiếu một cơ sở xã hội vững chắc và sự suy yếu khủng hoảng của nền kinh tế, nhà Nguyễn đã chủ trương tăng cưởng hơn nữa bộ máy quân chủ trung ương tập quyền nhằm thiết lập quyền lực quân chủ tối cao. Để thiết lập bộ máy quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền cao độ, nhà Nguyễn tăng cường hơn nữa vai trò của tư tưởng nho giáo, đòi hỏi ở người quân tử những tư tưởng trung quân ái quốc và do đó những cuộc nổi dậy của nông dân được xem là những bản án chống lại tư tưởng trung quân ái quốc, lực lượng đe dọa trực tiếp đến tính tập quyền của nhà nước, coi người nông dân nổi dậy là lực lượng bên kia chiến tuyến, do đó mạnh tay sử dụng các hình thức đàn áp thẳng tay các lực lượng nổi dậy, đồng thời tích cực tìm kiếm những công cụ để có khả năng đàn áp các cuộc nổi dậy của nông dân và bảo vệ chính quyền chuyên chế.

Như vậy bối cảnh thời đại đang cần những con người quân tử để bảo vệ vương quyền đang khủng hoảng thì yếu tố gia đình dường như đã vạch sẵn con đường sự nghiệp cho Nguyễn Công Trứ, và người vạch ra con đường ấy không ai khác lại chính là người cha của mình – Nguyễn Công Tấn.

Nguyễn Công Tấn từng giữ chức thủ phủ Tiên Hưng (Thái Bình). Năm 1787, khi quân Tây sơn do Vũ Văn Nhậm chỉ huy tiến quân ra Thăng Long, Lê Chiêu Thống bỏ kinh thành chạy trốn, Công Tấn mộ quân giúp Lê Chiêu Thống chống lại quân Tây Sơn. Năm 1789 vua Lê theo Tôn Sĩ Nghị chạy sang nước Thanh. Nguyễn Công Tấn định chạy theo vua nhưng không kịp. Sau khi đánh bại quân Thanh, vua Quang Trung bắt tay vào xây dựng lại đất nước. Để có nhân tài, nhà vua hạ chiếu cầu hiền mời Nguyễn Công Tấn ra làm quan, Đức ngạn hầu đều từ chối. Con người Nguyễn Tấn Đức chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng nho giáo. Đối với ông, trung với vua, chiến đấu vì vua được coi là một lẽ sinh tồn, là lý tưởng hướng tới của bậc quân tử. Mặt khác triều Lê lại có ảnh hưởng sâu rộng với tầng lớp nhân dân lúc bấy giờ. Do đó mặc dù nhà Lê đã suy tàn thì hình tượng vua Lê vẫn là một ngọn cờ sáng để các bậc quân tử đi theo. Điều đó Lý giải vì sao, khi Lê Chiêu Thống rước quân Thanh về xâm lược nước ta thì Nguyễn Công Tấn vẫn một mực trung thành với với vua. Đó dường như là một quan niệm cố hữu của bậc quân tử với khát vọng lập công danh ở đời. Nhưng quân tử ở đây đòi hỏi sự chính danh, tức phải trung với vị vua “chính thống”, thì lúc đó cái danh của người quân tử mới “chính danh định phận”. Cũng chính vì tư tưởng ấy mà về sau nhà Tây Sơn mời ông ra làm quan nhưng ông một mực từ chối, bởi lẽ một mặt nhà Tây Sơn được xem là ngụy triều, mặt khác cái đức của người quân tử là không được thờ hai vua. Đó dường như là cái cố hữu của người quân tử và Nguyễn Công Tấn là một trong những hiện thân tiêu biểu đó.
Như vậy, dưới ảnh hưởng của thời đại mà chế độ quân chủ chuyên chế được tăng cường, củng cố với những chính sách hà khắc, dưới ảnh hưởng của một người cha sống hết mình với giáo lý trung quân ái quốc và những cái đức của người quân tử, tất cả đã ảnh hưởng đến con người của Nguyễn Công Trứ. Dường như con người ấy đã sớm được dự báo trước sẽ trở thành một bậc quân tử đi theo lý tưởng mà cha của ông đã đi qua.

Và sự dự báo ấy đã trở thành hiện thực. Khi nhà Nguyễn đang tích cực củng cố địa vị thống trị của mình, xã hội có vẻ ổn định, Nguyễn Công trứ hăm hở đi học đi thi, cố lập nên công danh của bậc quân tử. Năm 1813, ông thi đậu Giải nguyên và được bổ đi làm quan. Lúc đó ông đã bốn mươi mốt tuổi.

Năm 1820 Nguyễn Công Trứ giữ chức Hành tẩu ở Quốc sử quán. Sau đó ông liên tiếp giữ các chức Tri huyện Đường Hào, Hải Dương (1823), Tư nghiệp Quốc tử Giám (năm 1824), Phủ thừa phủ Thừa Thiên (1825), Tham tán quân vụ, rồi thăng Thị lang Bộ hình (năm 1826). Năm 1828, ông được thăng Hữu tham tri Bộ hình, sung chức Dinh điền sứ, chuyên coi việc khai khẩn đất hoang. Năm 1832, ông được bổ chức Bố Chánh sứ Hải Dương, cùng năm thăng Tham tri Bộ binh, giữ chức Tổng đốc tỉnh Hải An... Sau nhiều thăng giáng, năm 1845 Nguyễn Công Trứ làm Chủ sự Bộ hình, năm sau làm quyền Án sát Quảng Ngãi, rồi đổi ra làm Phủ thừa Phủ Thừa thiên, rồi năm 1847 ông thăng làm Phủ doãn phủ ấy. Cũng năm này, ông tròn bảy mươi tuổi ta, Nguyễn Công Trứ xin về hưu, nhưng Thiệu Trị không cho. Năm 1848, Tự Đức nguyên niên, ông được về hưu hẳn. Có thể thấy một cuộc đời, sự nghiệp đầy thăng trầm. Liệu rằng sự nghiệp thăng, giáng liên tục của Nguyễn Công Trứ có phải do ông mang cái tội quá lớn đối với triều đình phong kiến hay còn do nguyên nhân nào khác. Và nguyên nhân ấy phải chăng cũng xuất phát từ chính những ảnh hưởng của ông đối với phong trào nông dân sẽ được tìm hiểu sau đây.

Nguyễn Công Trứ phục vụ cho ba vị vua nhà Nguyễn là Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức với 49 năm làm quan. Nhưng ảnh hưởng của Nguyễn Công Trứ đối với phong trào nông dân vào thời kỳ trị vì của vua Minh Mạng (1820-1840), đồng thời cũng là thời kỳ mà các cuộc khởi nghĩa bùng nổ nhiều và quyết liệt nhất. Ảnh hưởng của Nguyễn Công Trứ đối với phong trào nông dân thể hiện qua hai ảnh hưởng chính là ảnh hưởng tiêu cực và ảnh hưởng tích cực tới phong trào nông dân. Trong từng ảnh hưởng đó sẽ được xem xét theo từng khía cạnh ảnh hưởng như thế nào, mức độ ảnh hưởng tới đâu cũng như những nhân tố tác động tới quá trình ảnh hưởng của Nguyễn Công Trứ tới phong trào nông dân.

1.
Nguyễn Công Trứ đại diện cho sức mạnh của vương triều đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân.
Dưới sự áp bức, bóc lột của quan lại, địa chủ cường hào, đời sống của nông dân trở nên vô cùng cực khổ. Đứng trước con đường bần cúng hóa ấy, người nông dân chỉ còn một hi vọng duy nhất là đứng lên đấu tranh chống lại chính kẻ thù áp bức, bóc lột mình, dành lấy quyền sống tối thiểu cho bản thân. Hàng trăm cuộc khởi nghĩa của nông dân nổ ra đã thể hiện một quy luật khách quan của lịch sử “có áp bức thì có đấu tranh”. Các cuộc khởi nghĩa Phan bá Vành, Lê Duy Nghiên, Nông Cống, Lê Duy Lương… là một trong rất nhiều những cuộc khởi nghĩa như vậy. Các cuộc khởi nghĩa đó phản ánh được xu thế của thời đại, yêu cầu của lịch sử: đó là việc đánh đổ triều đình phong kiến phản động, tạo điều kiện cho xã hội bước sang một chế độ xã hội mới tiến bộ hơn. Tất nhiên phong trào nông dân không đủ khả năng để thực hiện yêu cầu xây dựng một chế độ xã hội khác chế độ phong kiến nhưng chí ít các cuộc nổi dậy của họ trong thời kỷ này chứng tỏ rằng chế độ phong kiến đã lâm vào bước đường khủng hoảng trầm trọng, không còn phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại.
Nhưng Nguyễn Công Trứ đã làm gì khi đứng trước hiện tượng xã hội khách quan như vậy?

Trong cuốn Đại Nam thực lục” đã ghi chép lại rằng “Tháng giêng Tham hiệp Thanh Hoa là nguyễn Công Trứ tâu xin thân đem thủ hạ đi đánh bắt thổ phỉ. Vua y cho”
“Tướng giặc Nam Định là Phan Bá Vành chia phái đồ đảng ngăn chặn các đường thủy bộ ở huyện Thu Trì. Phạm Văn Lý đem thủ bình đánh tan giặc ở sông Bổng Điền. Vành đem quân vây phạm Đình Bảo ở Chợ Quán. Lý bèn cùng Nguyễn Công Trứ chia quân ba đường đến cứu. Ngoài đánh vào, trong đánh ra, đảng giặc tan vỡ. Vành chạy đóng ở xã Trà Lũ (thuộc huyện Giao Thủy). Đảng giặc còn hơn 2000 người, đắp lũy đào hào, làm kế cố giữ đến chết”. Chính hành động đàn áp của Nguyễn Công Trứ và quan quân triều Nguyễn đã dẫn tới thất bại khởi nghĩa Phan Bá Vành cùng những hậu quả nặng nề. Phan Bá Vành bị thương chết, cắt lấy đầu và chặt thây ra đem chia treo ở các trấn Nam Định, Sơn Nam, Hải Dương. Nguyễn Văn Liễu và Vũ Viết Đảng thì đóng cũi đưa về kinh, dùng cực hình mà giết…làng Trà Lũ- căn cứ cuối cùng của khởi nghĩa Phan Bá Vành bị tàn phá và cháy rụi.

Sử cũ nhà Nguyễn còn ghi chép vào năm 1833, vua dụ rằng: “Lê duy Nghiên, Nông Cống, Lê Duy Lương mưu làm loạn. Hiện nay bốn cõi vô sự, trong nước lặng yên sao có thể dung thứ cho chúng phiến động lừa dối làm hại dân ta? Phải nên tra bắt ngay, chớ để lan rộng. Thế là Công Trứ xin đi. Bèn sai án trấn là Nguyễn Văn Hiến lượng phái biền binh lệ theo để sai khiến”.
Tiêu biểu thêm cho hoạt động đàn áp phong trào nông dân của Nguyễn Công Trứ là phong trào đấu tranh của Nông Văn Vân.
Năm 1833 Nùng Văn Vân nổi dậy chống lại triểu đình.Quân của Nông Văn Vân tiến đánh các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Quân đội địa phương chống không nổi, phải xin triều đình phái binh đến. Minh Mạng phải sai Sơn Hưng Tuyên đốc là Lê Văn Đức làm Tam tuyên tổng quân vụ, Hải An thự Tổng đốc là Nguyễn Công Trứ làm Tham tán cùng với Ninh Thái đốc là Nguyễn Văn Phổ đem quân đi đánh dẹp Nông Văn Vân. Năm1835, cuộc nổi dậy kết thúc khi quân nhà Nguyễn phóng hỏa đốt rừng Thẩm Pát (hay Thẩm Bát) ở Tuyên Quang và tuyên bố đã tìm thấy thủ lĩnh Nông Văn Vân bị chết cháy ở trong đó.

Như vậy những hành động đàn áp của Nguyễn Công Trứ là hành động ảnh hưởng tiêu cực đến phong trào nông dân. Và do đó việc làm của Nguyễn Công Trứ khi ông chỉ huy các đạo quân nhất tề tiến vào Trà Lũ để bắt Phan Bá Vành hay góp phần tạo nên cái chết cháy của thủ lĩnh Nông Văn Vân là những hành động đi ngược lại ý chí và nguyện vọng của quần chúng nhân dân, cũng như đi ngược lại hiện tượng xã hội khách quan lúc bấy giờ. Việc làm của ông chỉ có một tác dụng duy nhất là củng cố và bảo vệ chế độ phong kiến phản động của nhà Nguyễn, hay nói cách khác tiếp tục bảo vệ sự áp bức, bóc lột của vua quan phong kiến và do đó bảo vệ luôn cả “quá trình bần cùng hóa của người nông dân” và không thể xoa dịu mâu thuẫn xã hội.
Nhưng một câu hỏi lớn cũng được đặt ra là liệu rằng với cái tội ấy, chúng ta có nên quy tất cả những trách nhiệm về một mình Nguyễn Công Trứ hay chăng nên xem xét trách nhiệm ấy trong mối quan hệ giữa cá nhân lịch sử với cả chế độ phong kiến đương thời.

Như đã trình bày ở trên thì thời điêm nhà Nguyễn chủ trương xiết chặt chế độ quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền thì cũng là lúc sự phân chia giai cấp xã hội thành giai cấp thống trị và giai cấp bị trị trở nên khắt khe nhất. Giai cấp thống trị đứng đầu là vua quan phong kiến khi chủ trương lợi dụng tối đã tư tưởng nho giáo để củng cố địa vị thống trị của mình thì đồng thời nhà Nguyễn coi nông dân nổi dậy là kẻ thù của mình vì phong trào nông dân là người trực tiếp phán xét đến số mệnh của vương triều. Tất nhiên ở thời kỳ nào thì triều đình phong kiến cũng lo sợ sự nổi dậy của phong trào nông dân nhưng chưa có một triều đại nào như nhà Nguyễn sợ phong trào nông dân như sợ một thứ “giặc” nguy hiểm, coi đó là những thứ giặc cỏ, giặc cướp, thổ phỉ hay những người đại nghịch bất đạo. Thái độ sợ dân hơn sợ giặc ( giặc ngoại xâm) sau này cũng chính xuất phát từ kỳ do đó.

Cũng chính xuất phát từ tâm lý sợ dân- sức mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến vương quyền của mình mà triều đình nhà Nguyễn đã tăng cường sức mạnh quân đội để tập trung vào việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân với những hành động vô cùng tàn độc. Song những hành động đó không làm cho vương quyền mạnh lên và ổn định mà càng chứng tỏ sự suy yếu và bất lực của một vương triều trong việc giải quyết mâu thuẫn xã hội. Mâu thuẫn xã hội càng tăng lên bởi các chính sách đàn áp dã man của quân đội triều đình, việc tiếp tục duy trì ách áp bức bóc lột nặng nề của vua quan phong kiến, việc dốc toàn bộ lực lượng của đất nước vào quân sự đàn áp trong khi việc việc phát triển kinh tế lại tỏ ra kém hiệu quả và trì trệ. Với tất cả những thực trạng đó có thể khẳng định được rằng, hành động đàn áp của triều đình Nguyễn không thể dập tắt được phong trào đấu tranh của nhân dân. Trái lại các cuộc khởi nghĩa lại nổ ra rậm rộ với số lượng ngày càng tăng. Vậy các chính sách của triều Nguyễn trở thành nguyên nhân sâu xa và chủ yếu nhất ảnh hưởng đến sự bùng nổ phong trào nông dân và sự bùng nổ cũng như sự thất bại của các phong trào.

Đối với Nguyễn Công trứ, yếu tố nào dẫn tới hành động nhiệt tình của ông trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa? Phải chăng Nguyễn Công Trứ cũng coi người nông dân nổi dậy là kẻ thù giai cấp của mình.

Thứ nhất
, như đã trình bày ở phần đầu Nguyễn Công Trứ sinh thời chịu ảnh hưởng nặng nề của bối cảnh lịch sử và yếu tố gia đình. Đó là bối cảnh của một chính quyền trung ương đã suy yếu nhưng cố gắng vừng vẫy để níu giữ lại quyền lực của mình đang bị đe dọa. Để làm được điều đó, ngoài việc tăng cường tính quân chủ cao độ thì nhà Nguyễn còn thiết lập một lực lượng quân sự mạnh để trấn áp các lực lượng chống đối. Do đó nhu cầu của triều đình về các tướng lĩnh giỏi để có thể đàn áp phong trào nổi dậy càng trở nên bức thiết và chính quyền coi những tướng lĩnh dẹp loạn là những công cụ hữu ích trong việc bảo vệ chính quyền phong kiến. Mặt khác Nguyễn Công Tấn –cha của Nguyễn Công Trứ là một hiện thân tiêu biểu của tư tưởng trung quân ái quốc dường như ngay từ đầu đã vạch ra con đường đi trong sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ là phải ra làm quan, phục vụ cho một vị quân chủ để lập xác lập công danh đối với đời. Vì cái công danh của người quân tử đã khiến Nguyễn Công Trứ trở thành người hăm hở đi tiên phong trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa của phong trào nông dân. Và chính cái công danh rằng buộc đó đã Nguyễn Công Trứ trở thành một trong rất hiều những công cụ được nhà Nguyễn sử dụng ( cũng giống như Phạm Văn Lý, Phạm Văn Phổ, Phạm Đinh Bảo…) để đàn áp các cuộc nổi dậy của người nông dân. Chính nhà Nguyễn đã cho Nguyễn Công Trứ một cái “chính danh định phận” để ông đi đàn áp các cuộc khởi nghĩa, như trong sử cũ đã chép: Vua dụ Nguyễn Công Trứ rằng: “Ngươi trải làm quan trong ngoài, trẫm vốn đã biết. Mùa đông năm ngoái Bắc thành nhiều việc, sai ngươi gấp đi giúp đỡ việc quân. Vừa rồi cứ tâu báo thì ngươi cùng Phạm Đinh Bảo cầm quân trước sau giết giặc rất nhiều, đã xuống chỉ uy thưởng rồi. Duy bọn giặc thua mà nhiều lần chưa bắt giết hết được, khiến ta không khỏi ghì cổ tay mà tức giận. Hiện nay tình hình đánh giặc thế nào, ngươi cứ thực tâu lên. Sau có việc gì khẩn yếu, cho ngươi được làm tớ nói thực, niêm phong tâu thẳng.”. Nói cách khác sự xuất hiện của Nguyễn Công Trứ và những việc làm tiêu cực của ông đối với phong trào nông dân chẳng qua cũng chỉ là một “sản phẩm” của chế độ phong kiến vỗn ddaxmucj rỗng, thối nát những vẫn cố gắng vũng vẫy nắm lẫy cái gọi là quyền lực đang bị tuột khỏi tay.

Thứ hai
: Nguyễn Công không coi người nông dân nổi loạn là kẻ thù giai cấp. Hành động đàn áp xuất phát từ một trong những tư tưởng của người quân tử được đề ra trong nho giáo. Một trong những yêu cầu trong hành động của người quân tử đó là trị quốc và bình thiên hạ. Trị quốc là lo toan, cai trị đất nước cho kỷ cương, phép nước. Bình thiên hạ có nghĩa là làm cho đất nước thái bình, lòng người quy thuận. ý niệm đơn giản của Nguyễn Công Trứ ở chỗ đàn áp cuộc khởi nghĩa của nông dân cũng chính là lo cho dân, muốn xác lập cuộc sống thái bình cho nhân dân.

Cũng giống như nhiều tướng lĩnh khác, Nguyễn Công Trứ coi là những hải phỉ hay những người có tư tưởng chống lại triều đình mà bị truy nã. Vì không còn con đường trốn chạy họ đóng vai “Lục lâm hảo hán” , uy hiếp nhân dân nổi dậy để chống lại triều đình. Vì vậy ông cho rằng các cuộ khởi nghĩa đó là làm hại tới thái bình thịnh trị của nhân dân. Bản thân ông vì ý niệm đó mà không thấy được nguyên nhân sâu xa của các cuộc khởi nghĩa đó là do đời sống nhân dân đã bị bần cùng hóa sâu sắc bởi sự thối nát của quan trường phong kiến, không thấy được mẫu thuẫn xã hội đã phát triển lên đến đỉnh cao thì không thể có thái bình thịnh trị được.

Như vậy cái tội của Nguyễn Công Trứ ở đây là việc vì cái công danh của người quân tử phải có được mà Nguyễn Công Trứ không nhìn thấy nguyên nhân sâu sa của các cuộc nổi dậy, vô hình bị nhà chế độ phong kiến lợi dụng trở thành công cụ để đàn áp các cuộc khởi nghĩa, củng cố ngai vàng phong kiến.

2. Nguyễn Công Trứ là người tạo ra một hướng đi tích cực trong việc giải quyết vấn đề nông dân khởi nghĩa thông qua chính sách khai hoang (doanh điền)


Như đã nhận xét ở phần 1, đến thế kỷ XIX, trong bối cảnh chế độ phong kiến đã lâm vào khủng hoảng, khi mà mối quan hệ giữa triều đình và nhân dân ngày càng kéo dãn khoảng cách, khi mà mối quan hệ thân dân ở những thời kỳ trước đến thế kỷ XIX đã không còn, các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra rầm rộ và triều đình phong kiến thẳng tay đàn áp các phong trào hết sức dã man. Nhưng càng đàn áp, các cuộc khởi nghĩa nổ ra càng nhiều, tiềm lực của triều đình càng suy yếu. Dường như Nguyễn Công Trứ và người đứng đầu nhà nước đã nhận ra được muốn cho lòng dân quy phục, muốn dập tắt các cuộc khởi nghĩa chỉ có “trừng trị” thì không thể cho đất nước yên ổn được. Sử cũ nhà Nguyễn đã chép rằng: Mùa xuân năm 1827, vua hỏi: “ gần đây giặc cướp hơi im, dân ta có thể yên ổn lâu được không” , Nguyễn Công Trứ tâu rằng: “ Sau khi đại quân đi đánh dẹp, các đám giặc tuy đã tan nhưng kẻ đầu sỏ chưa bắt được hết. Cứ thần xem thì thỉ tạm yên thôi”.

Mặt khác nguồn sống chủ yếu của triều đình chính là người nông dân lao động. Các cuộc khởi nghĩa càng nổ ra thì triều đình ngày càng suy yếu, triều đình càng suy yếu thì tất yếu sẽ không thể đứng vững trước sức mạnh của các cuộc khởi nghĩa. Làm yên lòng người dân, kể cả những người tham gia khởi nghĩa trước đây là một trong những ý nghĩa sáng suốt của vua Minh Mạng. Khi xét xử các lực lượng nổi loạn trong cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành, Minh Mạng từng ra chỉ dụ rằng: “bọn chúng đều là con đỏ của triều đình, cũng có người sợ giặc tàn ngược mà bị hiếp phải theo nếu đem xử cực hình cả thì lòng trẫm có chỗ không nỡ . Nếu một mực rộng rãi thì kẻ có tội lại được may mà khỏi. Ở khoảng hai điều ấy, làm sao cho không oan uổng mà không bừa bãi được thì thôi”. Lại sai thần xét lại, giảm cho tội chết, phái đi sung quân gần 400 người.

Minh Mạng còn nói với Nguyễn Công Trứ rằng : “đáng lo là dân không có tội gì mà gặp một phen tàn tệ, tình hìn hiện tại đã không dám ngõ tới, thậm chí nhiều người sợ hãi đã đem vợ con đi chốn, lận đận ở tha lương. Nghĩ đến khiến động lòng thương. Vả lại đương sự thế này, chẳng khác gì người ốm nặng mới khỏi, nếu không có tẩm bổ mạnh thì sao bồi lại nguyên khí. Trẫm coi dân như bị thương, việc cứu vớt sao có thể hoãn được”. Vậy hạ lệnh cho ngươi kịp tìm phương pháp thiện hậu, sức rõ cho các quan trấn phủ huyện đều hiểu dụ cho nhân dân các làng mạc yên ổn làm ăn, kẻ đau ốm thì giúp đỡ, kẻ xiêu tán thì gọi về”.
Những tư tưởng tiến bộ của Minh Mạng dường như đã trùng khớp với ý muốn của Nguyễn Công Trứ. Chỉ dụ của Minh Mạng dường như vừa tạo ra cơ hội cho Nguyễn Công Trứ tiếp tục lập cái “ công danh” mà ông vẫn theo đuổi, vừa tạo ra cơ hội để ông thực hiện cái chí của người quân tử là trị quốc bình thiên hạ, cái ấm no hạnh phúc của nhân dân âu cũng là cái chí hướng tới của người quân tử. Trong bản điều trần của Nguyễn Công Trứ đã thể hiện được mục đích đó: “đời làm ăn xưa, chia ruộng định của, dân có nghiệp thường cho nên ở yên nơi làng mạc, không có gian tà.
Trước thần đến Nam Định, thấy ruộng bỏ hoang, hỏi ra thì dân địa phương muốn khai khẩn nhưng phí tốn nhiều, không đủ sức. Nếu cấp tiền công thì có thể nhóm họp dân nghèo mà khai khẩn, nhà nước phí tổn không mấy mà cái lợi tự nhiên sẽ vô cùng. Phàm các hạt thấy dân du đãng, không bấu víu vào đâu, đều đưa cả về đấy. Như thế thì đất không bỏ hoang, dân đều làm ruộng, phong tục kiêu bạc lại thành thuần hậu”. Theo bản điều trần thì khai hoang chẳng những giúp dân có ruộng để họ yên ổn làm ăn, không tụ họp nhau mà nổi loạn. Hơn nữa lại đáp ứng yêu cầu thuế khóa do khẩn hoang đem lại – một vấn đề nan giải của nhà nước phong kiến lúc bấy giờ.

Như vậy chính sách khai hoang của Nguyễn Công Trứ nhằm giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân, một vấn đề liên quan trực tiếp tới sự bùng nổ của các phong trào vì tất cả các cuộc khởi nghĩa của nông dân nổ ra đều bắt nguồn từ quá trình bần cùng hóa do mất ruộng đất ày cấy. Do đó có thể nói Nguyễn Công Trứ đã tạo một hướng đi tích cực trong việc giải quyết các vấn đề nông dân khởi nghĩa. Tất nhiên chính sách doanh điền được Nguyễn Công Trứ đưa ra còn nhằm vào nhiều mục đích khác nữa nhưng chủ yếu vẫn là nhằm giải quyết vấn đề nông dân khởi nghĩa.

Ngày 17 tháng 1 khi căn cứ Trà Lũ bị san bằng, ngoài một số người bị giết tại trận, 760 nghĩa quân bị bắt, còn đại bộ phận nghĩa quân và nhân dân Trà Lũ- những con người đã gắn bó, hết lòng ủng hộ chủ tưởng Phan Bá Vành – có tới hàng ngàn người đã trốn thoát. Trong bản điều trần về công việc khai hoang của Nguyễn Công Trứ cũng đã thừa nhận sự thực đó : “Bình dân Bắc thành trước vì bị giặc bắt hiếp đi theo có tới hàng ngàn, sợ hãi trốn biệt. Số người đông đảo ấy đã lâm vào tình cảnh hết sức bi đát, bị truy lung gắt gao, ngày đêm phải lẩn trốn, phiêu dạt, đói khát, bế tắc chưa tìm ra lối thoát mới. Một lực lượng đông đảo đang bị bỏ phí.

Trước tình hình đó, Nguyễn công trứ đã đề nghị “ xin phàm kẻ nào hối cải hoàn lương thì cho đến sở doanh điền thú tội, theo sức mà cấp ruộng cho làm” . Chính sách cụ thể của Nguyễn Công Trứ được thể hiện như sau:
Thứ nhất: Chính sách ruộng đất khai hoang đối với các lực lượng đi theo khởi nghĩa Phan bá Vành trước đây
Với chủ trương khai hoang để cho những kẻ nào trót dại đi theo kẻ chủ mưu chống lại triều đình có điều kiện cải tà quy chính đã thu hút được đông đảo những nghĩa quân của Phan Bá Vành, thúc đẩy họ tham gia nhiệt tình vào công cuộc khai hoang.
Kết quả của cuộc khai hoang ở huyện Tiền Hải năm 1928 và huyện Tiên Sơn năm 1929 cho thấy có khá nhiều tướng lính và nghĩa quân cũ của Phan cùng thân nhân gia đình họ đã tích cực tham gia vào công việc khai hoang . Ví dụ : Nguyễn Cầu là một tướng lĩnh của Phan đã trở thành nguyên mộ lập ấp Đức Cơ. Con ông Nguyễn Cầu là Nguyễn Tòng lập ra ấp Trỉnh Cát. ..trong số 40 ấp được lập ở huyện Tiền Hải thì có tới 14 làng, ấp do tướng lĩnh hay nghĩa quân và thân nhân tham gia làm nguyên mộ khai hoang lập ra.

Thực trạng nói trên phải chăng là sự miễn tội và chiêu tập cả những nghĩa quân nông dân và những người đã ủng hộ, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành vào công cuộc khai hoang ở huyện Tiền Hải và Kim Sơn của triều Nguyễn do Nguyễn Công Trứ đề xuất và tổ chức thực hiện đã được thi hành liên tục trong quá trình khẩn hoang,đã thu hút được lực lượng đông đảo góp phần quan trọng vào sự thành công của công cuộc khai hoang.
Chính những chính sách khôn khéo trên đã không những không đẩy những tàn quân khởi nghĩa Phan Bá Vành đến chân tường mà còn tạo ra cơ hội cho họ có cuộc sống yên ổn, khiến họ từ bỏ con đường khởi nghĩa chống lại triều đình.

Thứ hai: chính sách khai hoang ruộng đất đối với lực lượng dân phưu tán – lực lượng bần cùng hóa, đang đứng trước nguy cơ nổ dậy đấu tranh bất cứ lúc nào


Ngay từ thời Gia Long, người nông dân mất ruộng vườn nhà cửa phải tha phương cầu thực là đội quân thất nghiệp đông đảo. Mặt khác sau khởi nghĩa Phan Bá Vành thất bại thì những người ở một số huyện Thái Bình, Nam Định vì sợ triều đình trị tội đã bỏ quê quán chạy trốn. Nguyễn Công Trứ đã cử người chiêu mộ đi tìm, cấp tiền lương cho họ để khi cần thì nuôi những người bị đói mà quyến họ về với Tiền Châu. Những kẻ không cơm, không áo, không cửa, không nhà, nay đã có miếng ăn, việc làm, họ bỗng thấy tin vào sức mình nên đã nỗ lực khai khẩn. Ví dụ như gia đình ông Trần Đình Thuyên khi lưu tán trở về, chỉ còn lại “liềm cùi, nón rách” đã tụ tập thêm một số trai tráng là những người từ các nơi phiêu bạt đến, đón thuyền của Dinh Điền sứ xin gia nhập vào đoàn quân khai khẩn ruộng hoang.

Như vậy chủ trương thu hút bộ phận nghĩa quân nông dân và lực lượng nhân dân các làng Trà Lũ, Nguyệt Giám- căn cứ của cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành và lực lượng nông dân lưu tán vào công cuộc khai hoang của triều Nguyễn do Nguyễn Công Trứ đề xuất và trực tiếp tổ chức thực hiện đã mở ra một lối thoát cho một lực lượng đông đảo trong xã hội đang quẫn bách và bế tắc. Lực lượng đông đảo giàu năng lực lao động và ý chí ất khuất trước mọi khó khăn gian khổ này đã đóng góp phần không nhỏ vào việc khai khẩn lập hai huyện Tiền Hải, Kim Sơn và hai tổng Hoành Thu, Ninh Nhất với tổng số ruộng là 38095 mẫu trong hai năm 1828, 1829. Và như vậy dù ở góc độ kinh tế hay xã hội, dù xuất phát mục tiêu và lợi ích của chủ trương sử dụng bộ phận nghĩa quân nông dân khởi nghĩa vào công cuộc khai hoang nói riêng và chính sách doanh điền nói chung cùng với những thành quả khai hoang mà nó đem lại, không thể tách rời tổ chức và chỉ đạo của nhà nước, và do đó phải chăng là biểu hiện một mặt tích cực của triều Nguyễn lúc bấy giờ mà hiện thân rõ nhất là công lao của Nguyễn Công Trứ.

Như vậy đến đây tuy Nguyễn Công Trứ không phải đã đứng cùng trận tuyến với nhân dân nhưng rõ ràng chính sách khai hoang tiến bộ ấy đã phần nào thể hiện được tư tưởng thân dân trong con người ông, đồng thời cũng là mong muốn của ông về một đất nước thịnh trị, nhân dân không nổi dậy chống lại triều đình.

Song liệu rằng chính sách khai hoang của Nguyễn Công Trứ có thể thay đổi được thực trạng xã hội lúc bấy giờ hay không?

Chính sách khai hoang của Nguyễn Công Trứ đã để lại những giá trị nhất định đối với phong trào nông dân ở một số huyện thuộc các tỉnh Nam Định, Thái Bình nhưng xét cho cùng đó chỉ là chính sách tiến bộ của một cá nhân lịch sử được sự ủng hộ của một ông vua có tư tưởng tiến bộ nhưng lại phải đối đầu với cả chế độ phong kiến đã quá lỗi thời và mang trong mình đầy thứ “bệnh tật nan y”. Thứ bệnh tật ấy là sự nham nhũng, hạch sách của quan lại từ trung ương đến địa phương, sự nhũng nhiễu, cướp bóc trắng trợn của địa chủ cường hào, sự bất lực của nhà Nguyễn trong vấn đề giải quyết sự lấn át hoàn toàn của ruộng đất tư đối với ruộng đất công. Nhà Nguyễn mặc dù thời kỳ này chủ trương tăng cường chế độ quân chủ chuyên chế nhưng dường như vẫn chưa bao giờ với tay về mặt kinh tế đến chính quyền cấp xã, may chăng có với tay được cũng chỉ là việc nhà Nguyễn tăng cường thiết lập được bộ máy quân đội đến tận cấp địa phương nhằm sẵn sàng đàn áp các cuộc khời nghĩa. Khi mà chế độ phong kiến đã thực sự tê liệt, khủng hoảng dường như là một xu thế tất yếu thì các chính sách tiến bộ của Nguyễn Công Trứ chỉ là “viên thuốc giảm đau” với lừu lượng nhẹ để làm giảm cơn đau đang hấp hối của chế độ phong kiến ở chỗ xoa dịu tạm thời các lực lượng nông dân.

Song rõ ràng sự xoa dịu đó cũng không duy trì được lâu khi mà vua Minh Mạng quay lưng lại với Nguyễn Công Trứ. Nhà Nguyễn trong sự khủng hoảng trầm trọng của nó đã từ chỗ lợi dụng tài năng của Nguyễn Công Trứ đến chỗ sợ và muốn kìm hãm, hủy hoại nhân tài khi ông vừa có cái tài quân sự, vừa có cái tài kinh tế. Nhà Nguyễn sợ rằng cái tài ấy có thể đưa Nguyễn Công Trứ có thể xuất hiện thêm một thủ lĩnh nữa của phong trào nông dân để trở thành một thế lực cát cứ chống lại triều đình. Nỗi sợ ấy càng gia tăng khi nhân dân các vùng đất được khai hoang tôn Nguyễn Công Trứ làm thánh sống, lập đền thờ ông như Thành Hoàng. Minh Mạng và các vị vua sau đó đã từng bước bỏ rơi Nguyễn Công Trứ sợ ông đứng cùng trận tuyến với những người nông dân khởi nghĩa.

Rõ ràng những chính sách khai hoang tiến bộ của Nguyễn Công Trứ đã có giá trị tích cực trong việc giải quyêt vấn đề nông dân khởi nghĩa nhưng những chính sách ấy không thể làm thay đổi thực trạng của cả xã hội lúc bấy giờ. Quá trình áp bức, bóc lột vẫn hoành hành, quá trình bần cùng hóa người nông dân vẫn gia tăng và do đó phong trào nông dân vẫn tiếp tục diễn ra với số lượng ngày càng nhiều.

Suy cho cùng những tác động tích cực hay tiêu cực của Nguyễn Công Trứ tới phong trào nông dân cũng không thể làm thay đổi thực trạng của xã hội lúc bấy giờ. Những cuộc đàn áp các cuộc khởi nghĩa không thế đem lại thái bình cho đất nước như Nguyễn Công Trứ mong muốn vì cuộc nổi dậy của nông dân phản ánh một hiện tượng xã hội đầy rẫy những mâu thuẫn chứ không phải là hành động của những bọn giặc cỏ như triều đình rêu rao. Hay những chính sách khai hoang ấy dù mang giá trị tích cực song không thể nào kìm hãm được mâu thuẫn xã hội, các cuộc nổi dậy vẫn bùng lên gay gắt.


Trong lịch sử phong trào nông dân trung đại Việt Nam hiếm có nhân vật lịch sử nào vừa có ảnh hưởng tiêu cực, vừa có ảnh hưởng tích cực tới phong trào nông dân, song Nguyễn Công Trứ là trường hợp đặc biệt đó. Ông vừa có “công”, vừa có “tội” với người nông dân và phong trào nông dân. Tuy nhiên, luận “công” hay “tội” của Nguyễn Công Trứ cần phải xem xét khách quan. Cái “tội” của Nguyễn Công Trứ cần phải lên án nhưng suy cho cùng sự bùng nổ các cuộc khởi nghĩa hay hành động đàn áp cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Công Trứ hay bất cứ một tướng lĩnh nào khác đều là sản phẩm của một chế độ phong kiến hoặc thi hành chính sách phản động, hoặc đã rơi vào cuộc khủng hoảng suy vong. Còn ảnh hưởng tích cực của Nguyễn Công Trứ tới phong trào nông dân thông qua chính sách doanh điền có giá trị nhưng chỉ mang tính cục bộ, nhỏ lẻ không thể xóa bỏ hay kìm hãm các yếu tố dẫn tới sự bùng nổ của khởi nghĩa nông dân. Suy cho cùng những ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực của Nguyễn Công Trứ đối với phong trào nông dân chỉ nhằm một mục đích đem lại thái bình cho đất nước nhưng điều đó đã không thực hiện đươc.

Đánh giá nhân vật lịch sử có ảnh hưởng tới phong trào nông dân thời kỳ trung đại còn là một phương tiện quan trọng giúp chúng ta nhận thức được vai trò của cá nhân lịch sử trong mối quan hệ với sự phát triển của lịch sử trong những trường hợp cụ thể. Có thể xuất hiện những cá nhân lịch sử tạo ra bước ngoặt của lịch sử nhưng cũng có nhân vật tuy có tác động nhất định nhưng không thế quyết định được sự phát triển của lịch sử. Nguyễn Công Trứ đối với phong trào nông dân thuộc trường hợp thứ hai.
 
Về nội dung:

Người đời biết đến Nguyễn Công Trứ vừa có tội là đàn áp các phong trào nông dân thời bấy giờ nhưng vừa có công là đề ra chính sách doanh điền xứ để tiến hành khai hoang nhằm ổn định cuộc sống cho người dân.

Bài viết chỉ ra rằng khi luận tội, chúng ta không nên đổ hết trách nhiệm lên vai Nguyễn Công Trứ mà nên thấy được trách nhiệm của cả một chế độ phong kiến đã sâu mọt, khủng hoảng.

Còn khi luận công lao, bên cạnh đánh gia cao vai trò khai hoang của ông thì cũng cần thấy rằng yêu tố tích cực mà Nguyễn Công Trứ mang lại bên cạnh làm ổn định một bộ phận cuộc sống dân cư nhưng nó lại không thể làm thay đổi toàn bộ thực trạng của xã hội lúc bấy giờ, đó là hiện tượng "biến công vi tư" tròn ruộng đất dẫn đến người nông dân phải bỏ ruộng đất đi lưu tán, kinh tế nông nghiệp không còn là cơ sở kinh tế nuôi sống người nông dân.

Về phương pháp luận:

Bài viết chỉ ra, khi đánh gia một nhân vật hay một sự kiện lịch sử cần có cái nhìn khách quan, biện chứng để tranh đi vào việc
tung hô hay hạ thấp một nhân vật hay sự kiện lịch sử nào đó.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top