• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Anh/chị suy nghĩ gì về câu tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”

ĐỀ 2 : Suy nghĩ gì về câu tục ngữ : “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”

BÀI LÀM

Trong cuộc sống hàng ngày, để đánh giá một đồ vật, một con người đạt mức độ chính xác, chúng ta nên dựa trên nguyên tắc hay cách thức nào? Đây cũng là vấn đề xưa nay được nhiều người quan tâm. Cha ông cũng từng có ý kiến hướng dẫn việc ấy trong câu tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

Ta nên hiểu câu này như thế nào và đánh giá nó ra sao? Phải chăng đây chính là kinh nghiệm quý báu mà ông cha của chúng ta từ nghìn xưa đã để lại cho con cháu suy ngẫm và học hỏi. Câu tục ngữ dung hai sự vật “gỗ” và “nước sơn” để làm một phép so sánh. “Gỗ” là chất liệu để làm đồ dùng như tủ, giường, bàn,ghế… Còn “nước sơn” là chất liệu để quét lên lớp bên ngoài cho các đồ dung ấy thêm đẹp thêm bền. Nhiều người chỉ chú ý đến lớp nước sơn bong nhoáng bề ngoài mà đã mua phải một đồ dung bằng gỗ xấu hoặc gỗ mọt. Ông cha ta với kinh nghiệm sống của mình đã kết luận: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Đó là hiểu theo nghĩa đen. Còn nghĩa bóng của câu tục ngữ thì rộng hơn rất nhiều. Nó bao hàm một lời khuyên về cách nhìn nhận, đánh giá một sự vật, một con người đừng nên để cái vỏ hình thức hào nhoáng bên ngoài mê hoặc mà phải coi trọng cái thực chất bên trong. Ngoài ra, câu này còn bao hàm một lời khuyên về cách sống; hãy sống chân thật bằng thực chất của mình, chân thành trong cách đối nhân xử thế, đừng ba hoa, khoác lác, lòe đời bằng cái vỏ hình thức giả tạo, “ chớ khéo đem cái mã bề ngoài để che đậy cái sơ sài bên trong”.

Như mọi câu tục ngữ khác, câu tục ngữ này cũng là đúc rút kinh nghiệm của cha ông chúng ta, trải qua biết bao thế hệ, với bao thành bại, nên hư, vấp váp mới đúc rút thành chân lí : “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Khi nhìn nhận đánh giá một sự vật, ta phải thấy rằng giữa hình thức bên ngoài và nội dung bên trong , không phải lúc nào cũng thống nhất mà thông thường thì những sự vật có thực chất kém cỏi lại thường mang một hình thức lôi cuốn hấp dẫn. Một vật dụng như chiếc tủ, chiếc giường, chiếc bàn bằng gỗ tạp lại được sơn phết, tô điểm với nước sơn bóng nhoáng, màu mè. Kẻ vô tài thường làm ra vẻ lịch thiệp, hiểu biết. Những kẻ “miệng nam mô bụng một bồ dao găm” vẫn tồn tại phổ biến trong xã hội. Do đó, trong tiếp xúc thường ngày với mọi sự vật, mọi con người phải chú trọng vào chất lượng bên trong của sự vật, vào vẻ đẹp tâm hồn của con người chứ đừng vì bóng sắc hấp dẫn bên ngoài mà quên đi cái mục rỗng, thối nát, xấu xa và vô vị bên trong. Bởi vì nghĩ cho kỹ,suy cho cùng, nếu chân giá trị của vật dụng là chất gốc thì chân giá trị của con người chính là đạo đức, tài năng và trí tuệ.

Nhưng cũng không thể chỉ xem trọng nội dung mà lãng quên đi mặt hình thức. Một vật dụng, một món hàng đã có chất lượng tốt, gỗ tốt gỗ quý lại có bao bì hay nước sơn xinh xắn tô điểm, trang trí đẹp đẽ thì giá trị vật dụng ấy, món hàng ấy càng được nâng thêm. Hình thức bên ngoài như thế đã góp phần làm tăng thêm cho giá trị bên trong. Một cái tủ, một chiếc bàn làm bằng gỗ đỏ hay bằng lăng mà lại còn được sơn bóng nhoáng hẳn sẽ vừa ý vừa lòng người mua. Một con người cũng vậy, có học vấn, đạo đức lại nói năng lịch sự thanh nhã, ăn mặc gọn gàng, sạch đẹp dễ làm ta thêm quý trọng hơn hẳn người tuy cũng có tài năng, đạo đức nhưng ăn nói thô lỗ, cọc cằn, áo quần xộc xệch. Đúng là cái đẹp lí tưởng phải là hài hòa giữa nội dung và hình thức.

Vậy để đánh giá và nhận xét một vật dụng, một con người, chúng ta phải dựa trên cơ sở nội dung lẫn hình thức. Hai mặt này kết hợp và bổ sung cho nhau làm nên giá trị của vật dụng ấy, con người ấy, trong đó nội dung giữ vai trò quyết định. Tóm lại, “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” không những chỉ giúp ta một phương châm trong cách đối nhân xử thế. Không nên dựa dẫm vào cái hình thức bề ngoài vay mượn, không phải của mình để vênh vang tự phụ với mọi người rồi không chịu tu dưỡng rèn luyện. Cũng đừng nên quá chú trọng hình thức bên ngoài, trang điểm mặt mày, chưng diện quần áo mà quên đi chân giá trị của con người là đạo đức, trí tuệ và tài năng. Bài học mà câu tục ngữ này dạy ta thật đúng đắn và sâu sắc.


Theo Sách Chuyên đề Văn nghị luận XH*
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn


Gỗ tốt tức là gỗ chắc, không mọt, tạo nên các đồ gia dụng như bàn, ghế, tủ hoặc dựng nhà sẽ rất bền. Vậy nên đắt tiền. Các vật dụng làm bằng gỗ bao giờ cũng được quét sơn ra ngoài cho đẹp (hoặc đánh véc-ni). Một cách dễ hiểu “gỗ” là bản chất, còn “nước sơn” là phẩm chất. Rõ ràng, gỗ mới quý, là thứ đắt tiền, còn nước sơn chỉ tôn thêm giá trị không thể bằng gỗ.

Gỗ tốt lại được quét bằng nước sơn đẹp thì dĩ nhiên là hoàn chỉnh, không nói làm gì. Trong trường hợp chỉ được chọn một: Hoặc nội dung (gỗ), hoặc hình thức bề ngoài (nước sơn) thì ông cha ta đã lựa chọn yếu tố thứ nhất.

Từ nghĩa đen của câu châm ngôn trên, người Việt ta muốn đề cao phẩm chất nội dung hơn là cái vỏ hào nhoáng bề ngoài. Sẽ rất đáng quý và có giá trị khi cái liên quan đó lại thống nhất với cái bên trong – tức là hình thức đẹp chứa đựng nội dung tốt. Nhưng rất nhiều khi sự hào nhoáng của hình thức lại đánh lừa người ta bởi sóng đôi với một bản chất xấu. Người Việt ta luôn trọng, đề cao cái tốt đẹp của phẩm chất mà xem nhẹ, thậm chí là “cảnh giác” với cái bên ngoài mĩ miều, choáng ngợp. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du khi nói về Hoạn Thư, nhà thơ đã viết:

“Bề ngoài thơn thớt nói cười
Bên trong nham hiểm giết người không dao”

Đó là một sự tương phản giữa bên ngoài và bên trong của nhân vật. Tuy nhiên, nếu ngẫm kỹ cái từ “thơn thớt” để thấy sự bẻo lẻo, vồn vã cười, nói bề ngoài đó cũng chứa đựng một điều rất đáng nghi ngờ rồi!

Từ quan niệm tốt gỗ hơn tốt nước sơn mà cần suy rộng ra: Trong mọi công việc, lĩnh vực của cuộc sống, hãy lấy hiệu quả đặt lên hàng đầu, chớ chạy theo những gì thuộc về hình thức phù phiếm, trống rỗng. Một trong những biểu hiện của việc coi trọng “nước sơn” hơn “gỗ” – đi ngược với quan niệm truyền thống của người Việt ta – là bệnh chạy theo thành tích để coi nhẹ, xao nhãng chất lượng cần thiết của nhiều phong trào đang có nguy cơ gia tăng ở nhiều lĩnh vực cuộc sống hiện nay. .
 
Trong cuộc sống hằng ngày, để đánh giá một sự vật hay con người nào đó, chúng ta phải luôn nghĩ đến câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”Chúng ta hiểu gì về câu tục ngữ này? Phải chăng đây là kinh nghiệm sống quí báu là ông cha ta để lại cho chúng ta suy ngẫm, học hỏi?

Câu tục ngữ đã cho xuất hiện hai sự vật “gỗ” và “nước sơn”. Gỗ là chất liệu để tạo nên một vật dụng như là tủ, bàn ghế… còn nước sơn là chất liệu để quét lên làm cho cái tủ, cái bàn thêm đẹp, thêm bền. Nghĩa đen là như vậy nhưng ý nghĩa sâu xa của câu tục ngữ bao hàm một lời khuyên về cách nhìn chín chắn: hãy coi trọng cái giá trị đích thực, cái nội dung bên trong của một con người. Đừng bao giờ để cái hình thức xa hoa, hào nhoáng bên ngoài lừa dối, quyến rũ ta.

Bất kì câu tục ngữ nào cũng là sự đúc kết những kinh nghiệm sống quí báu của biết bao thế hệ con người. Tổ tiên ta cũng đã trải qua bao thất vọng, vấp váp mới rút ra được chân lí “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Khi đánh giá một sự vật ta phải coi trọng chất lượng của nó. Có khi người ta chỉ trọng đến cái lớp sơn bóng nhoáng bên ngoài của một cái tủ mà mua về rồi không dùng được nữa vì chất gỗ bên trong là một thứ gỗ mục rữa, sâu mọt. Một sản phẩm có mẫu mã tốt có trang trí đẹp đến bao nhiêu mà chất lượng không tốt, không bền thì cũng không hữu dụng. Chỉ có chất lượng tốt càng được nhiều người ưa thích, càng bán đắt giá. Đó là cách đánh giá, cách nhìn chung về giá trị của một đồ vật. Trong cuộc sống, mỗi sự vật, mỗi con người không phải lúc nào cũng cũng thống nhất trọn vẹn cả mặt nội dung lẫn hình thức. Có người bản chất xấu xa nhưng khéo lừa bịp bằng cái vỏ hào nhoáng, bảnh bao bên ngoài. Một kẻ bất tài thường đội lốt người hiểu biết. Một người độc ác thường nói lời đạo đức. Một khuôn mặt xinh đẹp nhưng chưa hẳn là đẹp hoàn toàn nếu có một tâm hồn không đẹp. Chúng ta phải thật sự tỉnh táo, thận trọng đối với những con người đó. Khi cần chọn lựa, ta hãy chọn lấy cái bản chất làm căn bản, hãy vứt bỏ cái vẻ bề ngoài đẹp đẽ lành lặn mà bên trong mục rỗng, vô vị. Một con người có đạo đức, tài năng thì dẫu ăn mặc tầm thường nhưng vẫn được kính trọng, nể nang. Khi đánh giá một con người chúng ta phải dựa trên phẩm chất đạo đức, năng lực của người đó. Chùng ta phải hiểu biết rằng cái chân giá trị của con người chính là đạo đức, tài nặng, trí tuệ.


Nhưng trong thực tế cuộc sống, chẵng lẽ chỉ xem trọng nội dung, bản chất bên trong mà lãng quên mặt hình thức? Một món hàng tốt, chất lượng tốt, nếu có bao bì xinh xắn, trang trí đẹp lại càng có giá trị. Hình thức bên ngoài làm tăng thêm giá trị bên trong của món hang. Cái tủ được làm bằng chất gỗ tốt mà lại có nước sơn bóng loáng hẵn làm ta vừa lòng và sẵn sàng mua. Một con người có học vấn, đạo đức lại ăn nói lịch sự, thanh nhã, ăn mặc gọn gàng, đẹp đẻ càng làm cho ta thêm quý trọng hơn là con người tuy có đạo đức nhưng ăn nói cục cằn, thô lỗ, ăn mặc xốc xếch. Cái đẹp lí tưởng là khi có cả nội dung lẫn hình thức.
Vật để nhận xét, đánh giá một sự vật, một con người, ta phải dựa trên cơ sở nội dụng lẫn hình thức. Nội dung và hình thức phải bổ dung cho nhau để đánh giá được chính xác, đầy đủ. Chúng ta hãy coi trọng nội dụng vì trước hết nó là cốt lõi tạo nên giá trị bên trong, còn hình thức góp phần tạo nên cái đẹp, cái bền cho vật dụng. Khi đánh giá ta phải coi trọng chất lượng của vật cũng như khi nhận xét về một con người ta phải chú ý đến thành quả công việc của họ, xem xét mối quan hệ tình cảm của họ đối với gia đình, xã hội. Đó là cách hiệu quả, cách áp dụng đúng đắn nhất cho phương châm xử thế mà câu tục ngữ đã khuyên dạy chúng ta.

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là câu tục ngữ dạy ta có cách nhìn đúng đắn và toàn diện về nội dung lẫn hình thức. Hiểu được câu tục ngữ, vận dụng nó một cách đúng đắn chúng ta sẽ bớt lầm lẫn, vấp ngã trong cuộc đời và đồng thời ta cũng biết cách tự rèn luyện nâng cao mình hơn nữa. Phải hiểu rằng, ta phải sống bằng chính con người chúng ta thì người đời mới nể và coi trọng, đừng mánh khóe lừa dối, giả tạo sẹ bị người đời khinh thường. “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” , nhưng nếu tốt cả gỗ và tốt cả nước sơn thì đó là điều mà ta cần mong ước, phấn đấu, hướng tới…
 
Hình thức và nội dung là hai mặt luôn song song, tồn tại trong bất kỳ sự vật nào, kể cả con người cũng vậy. Mỗi người đều có một dáng vẻ, hình thức bên ngoài và phẩm chất đạo đức trên trong. Tuy nhiên, do hình thức bên ngoài đập vào mắt ta trước tiên nên khi nhìn nhận, đánh giá một con người ta hay dựa vào hình thức, dáng vẻ ấy mà không lưu ý đến nội dung, bản chất bên trong của họ. Để nhắc nhở con cháu khi xem xét một đồ vật cũng như khi đánh giá, nhận định về một con người, ông cha ta có câu:

Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.

Chúng ta đều biết: từ xưa, gỗ đã được dùng để làm ra những vật dụng trong nhà như bàn, ghế, giường, tủ...hoặc thậm chí được dùng để xây dựng nhà cửa. Qua nhiều năm sử dụng, người xưa nhận thấy, gỗ càng tốt thì càng dùng lâu năm, càng dùng càng trở nên bóng đẹp. Nếu gỗ không tốt thì dù có được che phủ bên ngoài bằng một lớp sơn đẹp đẽ đến thế nào thì rồi nó cũng mau chóng mục nát. Tuy nhiên, đôi khi chọn mua đồ vật, ta lại thương bị cái lớp sơn bóng loáng bên ngoài hoặc kiểu dáng mẫu mã của nó cuốn hút, quên đi mất chất lượng bên trong. Đến khi đem về sử dụng, đồ vật mau chóng hư hỏng do chất liệu kém. Do đó, ông bà ta ngày xưa với tư tưởng "ăn chắc mặc bền" khi chọn đồ thường xem trọng chất lượng bên trong hơn là hình thức, kiểu dáng bên ngoài.

Qua việc nhận xét đồ vật, câu tục ngữ chứa đựng một lời nhắc nhở sâu sắc, một lời khuyên thiết thực của ông cha ta về cách nhìn nhận, đánh giá con người. Khi nhận xét, đánh giá một người, hãy chú trọng đến phẩm chất đạo đức, tư cách cũng như sự hiểu biết của họ chứ không phải hình thức, dáng dấp bên ngoài.

Nhưng do cuộc sống con người khá phức tạp, người xấu kẻ tốt lẫn lộn. Có những anh chàng bề ngoài bảnh bao, lịch sự nhưng bên trong chứa đựng những ý đồ xấu xa, đen tối. Biết bao cô nàng với gương mặt xinh xắn, ăn mặc đẹp đẽ, điệu đà nhưng bên trong chỉ là tâm hồn vô cảm, rỗng tuếch. Lại có những kẻ "thùng rỗng kêu to", họ bất tài vô dụng nhưng lại tỏ vẻ khôn ngoan, hiểu biết hơn người...Những kẻ đó khi tiếp xúc với họ, nếu không tỉnh táo, thận trọng, chúng ta dễ bị cái lớp vỏ hào nhoáng bên ngoài của họ đánh đừa, quyến rũ. Ta cần quan tâm, chú ý đến nội dung, bản chất bên trong của một người khi muốn nhận xét, đánh giá họ.

Nhưng tại sao ta lại nên coi trọng những thứ thuộc về phẩm chất, đạo đức, nhân cách bên trong của một người? Có thể thấy rằng, những người có tư cách đạo đức tốt, có hiểu biết sâu rộng luôn là những người có ích cho gia đình, xã hội. Nhân cách, đạo đức của họ khiến cho người khác yêu mến, dễ gần hơn. Kiến thức và sự hiểu biết của họ đã đem lại nhiều điều hữu ích cho cuộc sống. Những người như vậy luôn đáng để cho ta học hỏi, ngưỡng mộ. Vẻ đẹp của họ là vẻ đẹp của tri thức, của tâm hồn. Chính vẻ đẹp ấy đã làm lu mờ đi cái hình thức bên ngoài. Người ta không còn quan tâm đến vẻ bên ngoài của họ, chỉ thấy ở họ một nhân cách sáng ngời, một vẻ đẹp của trí tuệ. Một tấm gương sáng ngời cho điều ta vừa nói đó là thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký. Thầy bị liệt hai tay từ nhỏ, hình thức bên ngoài xấu xí, nhưng đằng sau vẻ bề ngoài ấy là cả một nghị lực phi thường, một ý chí quyết tâm mạnh mẽ khiến mọi người ai cũng khâm phục. Thầy còn là một tấm gương về nhân cách, về lòng yêu thương học trò hết mực của mình. Chính vì vậy mà những ai khi tiếp xúc với thầy đều cảm thấy yêu mến, kính trọng.

Tuy nhiên, trong cuộc sống, chúng ta cũng không thể quá coi trọng nội dung mà thờ ơ với hình thức bên ngoài. Ngày nay, một món đồ có giá trị không chỉ được làm từ những chất liệu tốt, mà còn phải có kiểu dáng, mẫu mã đẹp. Rõ ràng, hình thức bên ngoài sẽ làm tôn thêm giá trị bên trong của bất kỳ đồ vật nào. Đặc biệt đối với con người, dù có học thức cao rộng đến mấy, tính cách tốt đẹp thế nào nhưng nếu quá xem trọng bề ngoài, ăn mặc tuềnh toàng, nhếch nhác, nói năng thô lỗ, cộc lốc thì cũng khó gây được thiện cảm với mọi người xung quanh. Ngược lại, một người có nội dung, bản chất bên trong tốt lại biết cách ăn mặc gọn gàng, nói năng thanh nhã thì họ càng được mọi người yêu mến, quý trọng hơn.

Do đó, khi nhận xét, đánh giá một đồ vật hoặc một con người, chúng ta cần xem xét cả hai mặt hình thức lẫn nội dung. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá chú trọng hình thức mà nên lấy nội dung, bản chất bên trong của con người là thước đo, làm cơ sở để đánh giá vì đó là cái cốt lõi tạo nên giá trị của một con người. Hình thức bền ngoài chỉ góp phần làm tôn thêm vẻ đẹp bên trong mà thôi. Nếu quá coi trọng hình thức bên ngoài, sự đánh giá của chúng ta dễ bị sai lầm, lệch lạc.

Câu tục ngữ "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn" đã giúp ta có một cách nhìn nhận đúng đắn và sáng suốt khi đánh giá một con người. Nhờ đó chúng ta sẽ tránh được những sai lầm, ngộ nhận không đáng có trong cuộc đời. Câu tục ngữ cũng là lời nhắc nhở những ai chỉ biết quan tâm xem trọng hình thức mà không coi trọng nội dung bên trong của con người.

Theo Những bài văn hay 7*

Xem thêm:


Những câu danh ngôn hay về kế hoạch

Những sai lầm cần tránh khi quản lý thời gian

Giúp trẻ hình thành tư duy kế hoạch, quản lý thời gian
 
Sửa lần cuối:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top