Đặc điểm của Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là quá trình xây dựng cơ sở vật chất, kĩ thuật và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo định hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, gắn nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, cho phép phát huy có hiệu quả cao mọi nguồn lực và lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới, mở rộng giao lưu trong nước và quốc tế nhằm nâng cao năng suất lao động xã hội trong nông nghiệp và nông thôn, xây dựng nông thôn mới giàu có, công bằng, dân chủ, văn minh và xã hội chủ nghĩa. Thực chất của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn là quá trình phát triển nông thôn theo hướng tiến bộ kinh tế - xã hội của một nước công nghiệp. Điều đó có nghĩa là không chỉ phát triển công nghiệp nông thôn mà bao gồm cả việc phát triển toàn bộ các hoạt động, các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và đời sống văn hóa, tinh thần ở nông thôn phù hợp với nền sản xuất công nghiệp ở nông thôn và cả nước nói chung.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam có nhiều nét đặc thù cả về nội dung, hình thức, quy mô, cách thức tiến hành và mục tiêu chiến lược. Những nét đặc thù này được thể hiện khái quát ở một số điểm sau đây:
- Thứ nhất, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một quá trình rộng lớn, phức tạp và toàn diện. Có nghĩa là nó diễn ra trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, có sự kết hợp giữa các bước đi tuần tự và các bước đi nhảy vọt, kết hợp giữa phát triển theo chiều rộng và phát triển theo chiều sâu, kết hợp giữa biến đổi về lượng và biến đổi về chất,... của các tác nhân tham gia quá trình. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn sẽ tạo tiền đề và cơ sở vững chắc thúc đẩy toàn diện quá trình công nghiệp, hiện đại hóa nền kinh tế đất nước. Ở các nước chậm phát triển, sự đóng góp của nông nghiệp vào GDP là rất lớn. Ở Việt Nam, lao động nông nghiệp chiếm 70% lực lượng lao động xã hội. Nếu như nền kinh tế không có vốn nước ngoài, chiến lược phát triển nông nghiệp ở các nước này trong giai đoạn đầu tất nhiên phải dựa vào tích lũy nông nghiệp. Hơn nữa, nông nghiệp phát triển, đời sống nông dân tăng cao mới thấy được vai trò quan trọng của nông nghiệp trong việc tích lũy cho giai đoạn đầu của quá trình phát triển kinh tế. Do vậy, đối với Việt Nam và các nước chậm phát triển, để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế đất nước thì Đảng và Nhà nước phải đặc biệt coi trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Mặt khác, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là mũi đột phá quan trọng nhằm giải phóng sức lao động của nông dân, tạo điều kiện khai thác tốt nhất tiềm năng dồi dào về lao động.
Nguồn lao động dồi dào là một lợi thế tương đối quan trọng để tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Ngược lại, khi quá trình đó diễn ra, nó lại giải phóng sức lao động ở nông thôn tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Hơn nữa, nông nghiệp, nông thôn có nguồn tài nguyên đất đai vô cùng phong phú. Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn có thể khai thác tốt nhất tiềm năng đất đai để phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.
- Thứ hai, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong phát triển đất nước.
Nông nghiệp theo nghĩa rộng bao gồm cả lâm nghiệp, ngư nghiệp. Đó là ngành sản xuất ra của cải vật chất mà con người phải dựa vào quy luật của giống cây trồng và vật nuôi để tạo ra sản phẩm như lương thực, thực phẩm để thỏa mãn các nhu cầu của mình. Như vậy sản xuất nông nghiệp là nền sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên, là ngành sản xuất mà việc ứng dụng khoa học, công nghệ còn gặp nhiều khó khăn. Nông nghiệp có vai trò chủ yếu trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho xã hội, cung cấp nguyên liệu để phát triển công nghiệp nhẹ, cung cấp một phần vốn để công nghiệp hóa. Để công nghiệp hóa thành công đất nước phải giải quyết rất nhiều vấn đề và phải có vốn đầu tư cho nông nghiệp thông qua quá trình xuất khẩu nông sản phẩm, có thể góp phần giải quyết tốt nhu cầu về vốn cho nền kinh tế.
- Thứ ba, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng khoa học, công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ, việc nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh với hàng hóa các nước là rất cần thiết. Nhà nước có chính sách hỗ trợ nông dân bằng các hình thức phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) như: xây dựng kết cấu hạ tầng và đề án phát triển đa dạng ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn; đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo việc làm phi nông nghiệp, tăng thời gian lao động và cơ cấu lại nguồn lao động ở nông thôn; phát huy vai trò của các tổ chức nghề nghiệp trong bảo vệ quyền lợi của nông dân.
- Thứ tư, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đòi hỏi phải đi tắt, đón đầu và có thể được rút ngắn. Đây là điều kiện khách quan của nhiệm vụ thoát khỏi tình trạng tụt hậu. Bối cảnh mới trong nước cũng như trên thế giới cho phép nước ta có khả năng rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Về cơ bản, cách để nước ta có thể thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa bao gồm: đạt và duy trì mô hình tăng trưởng liên tục cao hơn so với các nước đi trước; lựa chọn và áp dụng một phương thức công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho phép bỏ qua một số bước đi vốn bắt buộc theo kiểu phải tuần tự, để đạt tới một nền kinh tế có trình độ phát triển cao hơn.
- Thứ năm, ở nước ta quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa có quan hệ chặt chẽ với việc từng bước phát triển kinh tế tri thức trong thời gian qua. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải nắm bắt các tri thức công nghệ mới nhất của thời đại để hiện đại hóa nông nghiệp.