Ám ảnh hình phạt của thầy
Không thuộc bài, bị thầy dùng compa đâm thẳng vào tay; bị bắt làm trâu bò cho các học sinh khác cưỡi vòng quanh lớp… "Đặc biệt” hơn, thầy giáo còn bắt học trò đứng trên bục giảng làm… bia cho các bạn bắn thun vào người… Những hình phạt “không giống ai” của những ông thầy “khác người” đã khiến học trò bị ám ảnh suốt đời.
Có nhiều hình phạt của giáo viên khiến học trò bị ám ảnh suốt đời. Kết quả khảo sát mới đây của Th.S Huỳnh Mộng Tuyền, Trường ĐH Sư phạm Đồng Tháp về ấn tượng của học trò đối với thầy cô, đã khiến nhiều người giật mình.
Không thuộc bài, phải làm trâu bò
Cuộc khảo sát đã được thực hiện trên 280 Sinh viên (SV) các khoa văn, vật lý, giáo dục chính trị… của Trường ĐH Sư phạm Đồng Tháp và thật đáng buồn khi có hơn 40% SV cho biết, thầy cô đã để lại ấn tượng xấu qua những hình phạt mà họ áp dụng với học sinh (HS).
Nhiều SV trong cuộc khảo sát cho rằng, thời HS các bạn bị thầy cô giáo mắng nhiếc không thương tiếc, dễ dàng chửi học trò là đồ khùng, đồ điên, ngu như bò… Nhưng đó chỉ là “chuyện nhỏ” so với những hình phạt được SV liệt kê dưới đây: vì không thuộc bài, trò bị thầy dùng compa đâm thẳng vào tay đến chảy máu; bị bắt phải làm trâu bò cho HS khác cưỡi vòng quanh lớp. “Đặc biệt” hơn, thầy giáo bắt học trò đứng trên bục giảng làm… bia cho các bạn bắn thun vào người; hoặc phải tự tát vào mặt 20 cái và tự bảo ngu như bò 20 lần. SV T.H.N. nhớ như in cái cảnh mình bị thầy bắt lấy hũ yaourt múc nước ở nhà vệ sinh để… tưới hết hàng cây của khuôn viên trường vì không làm bài tập về nhà.
Hãy luôn để hình ảnh người thầy sâu đậm trong lòng học trò - ảnh chỉ mang
tính minh họa - Ảnh: P.Huy
SV Đ.T.T., cho biết, mình không thể nào quên được hình ảnh người bạn học cùng lớp 6, vì nói chuyện trong giờ học đã bị thầy giáo bắt ngậm giẻ rách. Còn N.M.L. thì “khai” mình chính là nạn nhân khi năm lớp 5, bị thầy bắt đeo bảng có dòng chữ: “Em hứa không nói chuyện trong giờ học”, “tôi là người nhiều chuyện nhất trường”… và đi vòng vòng khắp trường theo yêu cầu của thầy.
Theo khảo sát mới đây của ThS Nguyễn Thị Hằng Phương, Đại học Quốc gia Hà Nội trên hơn 600 HS về mối quan hệ thầy trò, đã có hơn 14% HS cho biết có quan hệ không tốt với thầy cô, bởi: thầy cô bảo thủ, độc đoán, khó tính, thiên vị, quá nghiêm khắc, thiếu công bằng, thù vặt, không tôn trọng cá nhân HS, áp đặt suy nghĩ của mình vào suy nghĩ của HS…
Không thể phạt cho hả dạ
Ngoài những hình phạt, thầy cô giáo đôi khi lại có những cách ứng xử không hay khiến cho học trò hụt hẫng. Điều này cũng được chứng minh bởi nhiều ý kiến của SV Trường ĐH Đồng Tháp. Một SV bộc bạch: em bị bệnh và phải nghỉ học đến 10 ngày. Khi vào lớp, thầy không hề một lời hỏi thăm. Có hôm mẹ bị bệnh nặng, em phải đưa mẹ đi cấp cứu nên vào lớp trễ ảnh hưởng đến thi đua của lớp, thầy không hề hỏi lý do vì sao mà còn chửi mắng và hạ bậc hạnh kiểm.
Thật ra, những tình huống trong cuộc khảo sát không mang tính khái quát nhưng đã phần nào nói lên cách ứng xử chưa phù hợp của người thầy. “Trước những lỗi lầm của HS, giáo viên thường không dùng sức mạnh của vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ, nhân cách… để cảm hóa thuyết phục các em. Một bộ phận không nhỏ giáo viên hiện nay do bất lực trong phương pháp giáo dục học trò nên chỉ biết cậy nhờ vào sức mạnh của kỷ luật, quyền lực và bạo lực để làm cho học trò phải nhận ra sai trái, sửa sai trong xấu hổ, nhục nhã. Điều này làm tổn thương nghiêm trọng đến tinh thần của các em”, ThS Tuyền nói.
ThS Nguyễn Ngọc Tài, Phó phòng Giáo dục Q.5, TP.HCM khẳng định: “Để học trò học tốt, ngoan ngoãn, thầy cô giáo không thể cư xử theo kiểu phạt cho hả dạ, phạt cho học trò phải nhục nhã trước mặt bạn bè. Điều này vô cùng phản tác dụng. Chính sự khoan dung, độ lượng mới để lại trong lòng các em ấn tượng tốt và mới có thể giúp các em thay đổi. Hãy để cho các em tự nhận hình phạt. Điều quan trọng là phải tìm hiểu cá tính của các em trước khi ra một hình phạt. Đôi khi, việc tìm ra và khen ưu điểm của một HS cá biệt lại có tác dụng tốt hơn dùng hình phạt và chê bai. Những hình phạt phản sư phạm như bắt HS làm trâu bò cho bạn, chửi mắng thậm tệ là đáng lên án”.
TS Bùi Thanh Truyền, ĐH Sư phạm Huế cho rằng, hình ảnh người thầy đang dần xấu đi. Không chỉ giáo viên phổ thông, các giảng viên đại học, cao đẳng cũng biểu hiện không hay trong lời ăn tiếng nói và cả cách ứng xử.
Theo PNO.