Ai là người chế tạo ra nỏ thần dưới thời An Dương Vương?

Ai là người chế tạo ra nỏ thần dưới thời An Dương Vương? theo các bạn là Cao Lỗ có đúng không ta?
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
NGƯỜI CHẾ TẠO RA NỎ THẦN THỜI AN DƯƠNG VƯƠNG

Quốc gia Âu Lạc ra đời vào cuối thế kỷ III trước Công nguyên (TCN), là kết quả của một quá trình dung hợp hòa bình, tuy không tránh khỏi có những xung đột của hai tộc sinh sống cận kề nhau là Lạc Việt và một phần Tây Âu. Sau khi đánh tan giặc ngoại xâm, hai tộc Tây Âu và Lạc Việt thống nhất xây dựng một quốc gia mới với lãnh thổ rộng hơn, dân số đông hơn. Được sự nhất trí cao của cộng đồng dân cư hai tộc và sự nhường ngôi tự nguyện của Hùng Vương, Thục Phán chính thức trở thành người đứng đầu quốc gia Âu Lạc, lên ngôi vua, xưng là An Dương Vương và đóng đô tại Cổ Loa.



79922b.gif


Tượng Cao Lỗ đang giương nỏ liên châu (tại kinh thành Cổ Loa). Ảnh: Tư liệu

Từ khi ra đời (khoảng năm 208 TCN) đến khi bị Triệu Đà thôn tính (năm 179 TCN), trong thời gian gần 30 năm, nước Âu Lạc đã nhanh chóng trở thành một quốc gia có nền kinh tế phát triển, đặc biệt, nghề trồng lúa nước trên một diện tích canh tác rộng lớn ở châu thổ sông Hồng và sông Mã, đem lại bội thu hàng năm. Âu Lạc lại là một nước có số dân đông đảo, lực lượng quân sự hùng mạnh với những vũ khí khá tiên tiến đương thời, cộng thêm có một nền văn hóa bản địa Đông Sơn rực rỡ.

Năm 183 TCN, Triệu Đà xưng là Nam Việt Vũ đế, chính thức khẳng định vị thế ngang bằng vua Hán. Đà nuôi mưu đồ bành trướng xuống Tây Nam, nhưng cũng không dễ dàng chinh phục quốc gia Âu Lạc đang trong thời kỳ phát triển toàn diện.
Triệu Đà từng nhiều lần đem quân sang xâm lược Âu Lạc, nhưng đều bị thất bại. Các cuộc chiến đấu giữa quân nước Nam Việt và Âu Lạc được diễn ra chủ yếu trên vùng núi Tiên Du (Tiên Sơn, Bắc Ninh), đến núi Vũ Ninh (Quế Võ, Bắc Ninh).

Ngay tại chiến trường chính này, quân của Triệu Đà gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ của quân dân Âu Lạc và liên tục thất bại bởi thứ vũ khí mệnh danh là nỏ thần.
Sau nhiều lần tấn công bằng quân sự đều chuốc lấy đại bại, Triệu Đà quyết định chọn phương pháp giả vờ cầu hòa, thông hiếu và đưa con trai lớn sang cầu hôn với con gái An Dương Vương. Mục đích quan trọng của họ Triệu là tạo ra cơ hội cài được người thân tín vào kinh thành Cổ Loa, điều tra tình hình phòng ngự, tổ chức quân đội trong thành, lấy cắp bí mật chế tạo, sử dụng của nỏ thần - vũ khí đặc biệt của Âu Lạc. Các bộ chính sử, tư sử và truyền thuyết dân gian của Việt Nam đều ghi lại âm mưu cùng thủ đoạn mà Triệu Đà đã sử dụng để chinh phục Âu Lạc, được phản ánh sâu sắc trong truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy.

Sau khi Trọng Thủy về nước, thông báo tình hình đã điều tra, Triệu Đà lập tức đưa một đội quân hùng mạnh xâm lược Âu Lạc, bất ngờ tấn công vào kinh thành Cổ Loa. An Dương Vương trở tay không kịp, chỉ một trận chiến đã khiến cho kinh thành thất thủ, vua phải bỏ thành rút chạy. Quốc gia Âu Lạc sụp đổ, quân Triệu vào chiếm đóng nước ta từ đó. An Dương Vương sau khi chạy xuống phía Nam, đã nhảy xuống biển tự vẫn. Nơi nhà vua trẫm mình, hiện còn đền thờ tại xã Cao Xá, huyện Diễn Châu, Nghệ An.
An Dương Vương gây dựng và phát triển quốc gia Âu Lạc dựa trên sự đoàn kết của cộng đồng cư dân, cộng thêm những điều kiện về kinh tế, quân sự, khiến cho kẻ thù trong nhiều năm nhòm ngó, tiến hành xâm lược, song Nhà nước Âu Lạc vẫn đứng vững và tồn tại. Nhưng chỉ vì nhà vua mất cảnh giác, say sưa trên men chiến thắng, xa rời nhân dân, không tăng cường củng cố khối đoàn kết trong triều đình. Vua đam mê hưởng thụ, khi giặc đến nơi vẫn còn ung dung ngồi đánh cờ, có sách còn chép, vua đang say rượu chưa tỉnh.

Nhiều tướng lĩnh tài giỏi như Cao Lỗ, Nồi Hầu, Đinh Toán... người thì bị bạc đãi, người thì bị sát hại, hoặc bất mãn đã giã từ triều đình ra đi.
Các thư tịch cổ Trung Quốc và Việt Nam, khi chép quá trình chiến đấu của vua An Dương Vương chống lại cuộc xâm lược Âu Lạc của Triệu Đà, đều nhắc đến một vị tướng tên là Cao Lỗ hay Cao Thông đã chế tạo ra nỏ thần - một vũ khí vô cùng lợi hại.Sách sử ghi chép về nỏ thần của vua An Dương Vương nhưng không thống nhất về khả năng sát thương của nỏ thần. Nếu tính theo thời điểm xuất hiện của thư tịch thì sách Giao Châu ngoại vực ký là cuốn sách đầu tiên viết về số lượng bị giết do nỏ thần lên đến vài trăm người.

Nhưng đến bộ sách Thái Bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử thì nỏ thần có tác dụng lớn hơn nhiều: Bắn một phát giết chết quân Việt (chỉ quân của Triệu Đà) hàng vạn người, bắn ra ba phát giết đến ba vạn. Các thư tịch Trung Quốc phóng đại đưa ra số lượng người bị sát thương do nỏ thần, từ hàng trăm lên đến hàng vạn.
Sử sách của Việt Nam đưa ra khiêm tốn hơn. [Đại] Việt sử lược chép rằng: Mỗi lần nỏ thần bắn ra được mười phát tên. Ngô Thì Sĩ và Phan Huy Chú đều có viết nỏ thần, nhưng không cho biết hiệu quả tích cực mang tính khoa trương như các thư tịch cổ Trung Quốc. Thư tịch triều Nguyễn có dẫn chứng sách Tục bác vật chí viết nỏ thần có thể giết chết 300 người, nhưng không đưa ra bình luận. Trong trường hợp này, có thể nhận thấy sử gia thời xưa của Việt Nam khi chép sự kiện lịch sử khá thận trọng và sát thực tế hơn.Qua ghi chép của sử sách kết hợp thêm với các truyền thuyết dân gian tại vùng Cổ Loa, có thể khẳng định chắc chắn về một nhân vật lịch sử với nhiều tên gọi khác nhau: Cao Lỗ, Cao Thông, Cao Nỗ hoặc Đô Lỗ, Thạch Thần đã tham gia vào hàng ngũ tướng lĩnh của vua An Dương Vương.

Với tài năng khéo léo và khả năng sáng tạo của mình, Cao Lỗ đã cùng quân lính tích cực xây dựng thành Cổ Loa trở thành một căn cứ phòng thủ vững chắc để bảo vệ vương triều Hùng Vương, dưới thời vua An Dương Vương. Đặc biệt, Cao Lỗ đã chế tạo ra một vũ khí thô sơ, nhưng khả năng sát thương cao, khiến kẻ thù phải khiếp sợ, tìm mọi thủ đoạn để giành được loại nỏ thần quý này. Tên gọi của nỏ thần do Cao Lỗ làm ra cũng được thư tịch cổ chép với những mỹ từ như Kim Quang linh trảo thần nỗ, hoặc Kim Quang thần nỗ.
Loại nỏ được mô tả trong các thư tịch cổ Trung Quốc và Việt Nam, tưởng chừng như chỉ tồn tại một cách khoa trương trên sử sách, thực tế từng được quân lính triều vua An Dương Vương sử dụng trong quá trình chiến đấu chống lại nhiều cuộc xâm lược của quân đội Triệu Đà.Sách Việt kiệu thư đời Minh từng ca ngợi về khả năng sử dụng thành thạo nỏ của các cư dân nước Âu Lạc như sau: Người man ở Nam Việt thời Tần rất mạnh, về phép dùng nỏ lại càng hay lắm, mỗi phát tên bằng đồng có thể xuyên qua hơn chục người. Triệu Đà rất sợ

.
Năm 1959, tại di chỉ khảo cổ Cầu Vực, phía Nam kinh thành Cổ Loa, trung tâm chính trị, quân sự của quốc gia Âu Lạc thời An Dương Vương, đã tìm thấy một kho mũi tên đồng chưa tra cán, số lượng lên tới hàng vạn chiếc, tổng cộng trọng lượng là 93kg. Số lượng mũi tên trên được chia ra các kiểu dáng khác nhau khá ổn định với trình độ tinh xảo. Năm 1982, 2005, giới khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy xưởng đúc mũi, khuôn ba mang để đúc các mũi tên ba cạnh độc đáo bằng đồng, thường gọi là mũi tên đồng Cổ Loa tại Đền Thượng trong Thành Nội Cổ Loa. Theo các nhà nghiên cứu, mũi tên ba cạnh phù hợp với dạng bắn bằng nỏ, là một vũ khí lạnh tầm xa, mang tính đặc thù của cư dân Việt cổ.Như vậy, bằng những kết quả của khảo cổ học Việt Nam, kết hợp với ghi chép của thư tịch cổ, chúng ta càng có cơ sở để minh chứng cho cốt lõi lịch sử được phản ánh trong truyền thuyết về nỏ thần cùng các mũi tên đồng của vua An Dương Vương và Cao Lỗ hay Cao Thông, người sáng chế ra loại nỏ bắn được nhiều phát là một sự kiện hoàn toàn có thật.

TS. Nguyễn Hữu Tâm (Viện Sử học)

Sưu tầm
 
Cao Lỗ (? - 179 trước Công nguyên) là một tướng tài của Thục Phán An Dương Vương, quê quán tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

Tương truyền, ông là người chế ra nỏ liên châu (bắn được nhiều mũi tên một phát), còn được gọi là nỏ thần. Ông là người khuyên Thục An Dương Vương dời đô xuống đồng bằng, tìm đất đóng đô và là người được An Dương Vương giao nhiệm vụ thiết kế và chỉ huy công trình xây thành Cổ Loa.​

Cao Lỗ là một anh hùng sáng tạo văn hóa, là biểu tượng của trí tuệ, sức mạnh Việt Nam ngay từ buổi đầu dựng nước, dựng đô.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top