Năm 1966, Bùi Quang Thận nhập ngũ, thuộc Trung đoàn 48, Quân khu Hữu Ngạn, năm 1967, chuyển sang Đại đội 15 pháo tự hành với nhiệm vụ bảo vệ bờ biển Giao Thủy (Nam Định). Năm 1968, ông được cử đi học lớp cán bộ Tiểu đoàn trưởng. Một năm sau, ông quay trở lại đơn vị và được chuyển về Tiểu đoàn xe tăng 202 rồi 201 và cuối cùng là Tiểu đoàn xe tăng 203 vào cuối năm 1970. Đến đầu năm 1971 thì ông vào chiến trường.
Trò chuyện với chúng tôi, Ðại tá Thận bồi hồi nhớ lại thời khắc lịch sử - hành trình tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. "Đúng 4h sáng 30/4/1975, đại đội của tôi nhận được lệnh hành quân tham gia đánh căn cứ Long Bình - Biên Hòa. Đó là căn cứ mà lực lượng tàn quân của địch co cụm về, nên chúng chống trả khá yếu ớt rồi bị ta đánh bật rất nhanh".
Đến 9h30 ngày 30/4, lực lượng địch co cụm về ngã tư Hàng Xanh, đây là điểm tập trung quân địch tương đối mạnh, vì bị dồn vào thế chân tường nên chúng chống trả khá quyết liệt. Lúc này, chúng tôi quyết định vượt cầu Sài Gòn, quyết chiến với địch. Dù quân địch ra sức chống trả, song do là lực lượng tàn quân nên Đại đội của chúng tôi đã tiêu diệt được cả 4 xe chiến đấu của địch", ông Thận kể.
Sau khi vượt cầu Sài Gòn, đại đội đã gặp phải sự chống trả của 2 xe M41, chiếc xe tăng 843 huyền thoại đã tiêu diệt gọn 2 xe này để tiếp tục tiến vào Dinh Độc Lập.
Chiếc xe tăng 843 huyền thoại
Ông Thận nhớ lại: "Khi nhận nhiệm vụ chiến đấu, đồng chí Chính ủy Bùi Vân Tùng dựa vào bản đồ du lịch của TP Sài Gòn giao nhiệm vụ cho tất cả các xe tăng của lữ đoàn: Không phân biệt, nếu xe nào vào tới Dinh Độc Lập trước thì có nhiệm vụ đánh chiếm và cắm cờ trên nóc". Vì có nhiều đường để tới Dinh Độc Lập, nên xe tăng 843 của ông Thận đã vượt lên trước, đi về hướng ngã tư Hàng Xanh. "Từ cầu Thị Nghè cho đến Dinh Độc Lập, lực lượng của địch không còn chống cự, chúng tôi thẳng tới cổng phía Tây của sở thú Sài Gòn, đến đây thì anh em lúng túng vì không biết Dinh Độc Lập nằm ở chỗ nào. Nhưng rất may, khi xe dừng giữa đường thì có một phụ nữ đi xe Honda chạy qua, chúng tôi hỏi đường thì chị ta nói: "Dinh Độc Lập ở ngay trước mặt các ông". Hóa ra, mình đang đứng trước cửa Dinh Độc Lập mà không biết", Đại tá Thận hóm hỉnh cười.
Câu chuyện về lá cờ cất giữ trong xe tăng
Rít một hơi thuốc thật sâu, khẽ nhíu mày nhả khói rồi ông nói tiếp: "Lúc đó, xe chúng tôi cách cổng Dinh Độc Lập chừng 50m thì đồng chí Trung đội trưởng hạ lệnh cho pháo 2 nạp đạn nhằm thẳng Dinh bắn. Nhưng oái oăm thay, pháo không nổ, thế là chúng tôi lại phải tháo ra nạp lại lần thứ 2. Pháo vẫn không nổ! Trung đội trưởng quyết định không bắn nữa, để dành quả cuối cùng, rồi ra lệnh cho lái xe ngắm chính giữa cổng Dinh mà húc".
"Sau khi húc đổ cổng Dinh, xe 390 đỗ xịch trước Dinh, Chính trị viên Đại đội Vũ Đăng Toàn xách AK nhảy xuống, chờ tôi cầm cờ tiến vào. "Lúc này, không đợi anh em lắp cán, tôi quyết định rút cần ăng-ten làm cán cờ rồi nói: Sau 5 phút không thấy tôi ở trên cột cờ, còn một viên đạn pháo thì nhằm thẳng Dinh bắn nốt", ông Thận kể. Lúc đó, ông Thận cũng hơi lo khi thấy bên trong lố nhố nhiều người mặc quân phục. Và có lẽ do "cảnh giác cao độ" quá nên ông lao thẳng vào cửa kính, ngã bật ra phía sau nhưng tay vẫn cầm chắc lá cờ. Lúc này, từ trong Dinh, một người bận đồ dân sự chạy ra, thân thiện mời hai anh lính tăng giải phóng vào. Một thoáng bối rối, cuối cùng ông Thận đề nghị Chính trị viên Toàn ở lại "canh chừng" các thành viên nội các và chờ cấp chỉ huy đến, còn mình phải thực hiện cho được nhiệm vụ cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập.
Người được lệnh hướng dẫn ông Thận đi thang máy lên nóc Dinh cắm cờ là Đại tá Chiêm, chỉ huy trưởng lực lượng phòng vệ Phủ Tổng thống Ngụy. Ngoài ra, còn có hai người nữa đi theo ông lên cột cờ là sinh viên Nguyễn Hữu Thái (cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn) và Tiến sĩ báo chí Huỳnh Văn Tòng. Đại tá Chiêm dẫn ba người đến trước thang máy. Đến nơi, ông Thận cảnh giác và nhất quyết không chịu vào. "Lúc đó tôi thấy thang máy giống như... cái hòm. Vào đó nó nhốt mình luôn, biết bao giờ mới ra được!", ông nhớ lại. Sau khi được sự giải thích của Đại tá Chiêm, ông Thận mới chịu vào nhưng vẫn cảnh giác và yêu cầu 3 người vào trong trước, ông vào sau.
Lên đến cột cờ, ông kéo lá cờ giải phóng lên sau khi viết và ký tên vào lá cờ: "11h30 ngày 30/4. Thận". Ông chia sẻ: "Thực ra, khi ký tên, mình không nghĩ vấn đề gì cho cá nhân. Vì trong chiến đấu, hy sinh cả mạng sống còn không nề hà chứ chưa nói gì đến tư lợi cá nhân. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản, nếu chẳng may sau này tôi có hy sinh thì mọi người sẽ biết lá cờ đó là của Trung đoàn 203 và chiếc xe tăng 843 chúng tôi đã lái". Mọi giãi bày cũng chỉ muốn nói lên một điều: Trong chiến tranh, người lính hết lòng vì Tổ quốc chứ không hề riêng tư một điều gì.
Ông Thận lúc đầu định ném lá cờ ba sọc xuống sân, nhưng sau đó, nghĩ đi nghĩ lại, ông xếp lá cờ lại rồi đem xuống cất vào chiếc xe tăng 843 của mình. Cũng nhờ vậy mà sau này ông Thận mới đưa ra được "bằng chứng" khi cấp trên cho người đi xác minh: Ai là người cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập. Lá cờ cất trong xe tăng của ông Thận có một vết rách trùng khớp với phần còn sót lại trên cột cờ.
Ông Thận cùng vợ trong một lần thăm lại Dinh Độc Lập
Về với đời thường
Cuộc sống vốn dĩ là những chuyến đi mà người ta không thể biết rõ mình sẽ ra sao. Sài Gòn giải phóng, chiến tranh kết thúc, Bùi Quang Thận trở lại phục vụ quân ngũ. Cuối năm 1978, ông được cử đi học ở Liên Xô (cũ), đến năm 1983 ông về nước, làm Lữ đoàn phó Lữ đoàn xe tăng 203, cuối năm 1981, ông được giao làm Lữ trưởng và đến năm 1991, ông giữ trọng trách Chủ nhiệm Tăng thiết giáp Quân đoàn 2. Sau gần 40 năm phục vụ trong quân ngũ, năm 2000, ông về phục viên với quân hàm Đại tá. Như bao cựu chiến binh khác, ông hòa vào cuộc sống đời thường, phụ giúp vợ bán hàng. Ông bảo mình đi xa lâu quá, chẳng đỡ đần nhiều cho vợ con, nay được nghỉ, chính là cơ hội để bù lại.
Gia đình ông có ba con, nay đều thành đạt. Không chịu an phận, ông Thận lao vào kinh doanh để mưu sinh. Lúc đầu ông mở cửa hàng cung ứng gas, rồi buôn bán xe máy... Đã từng trải qua "mưa bom bão đạn", cho nên đối với ông, áp lực kinh doanh càng khiến cho tinh thần người chiến sĩ cách mạng thêm sắt đá. Không chỉ ở Thụy Xuân (Thái Thụy - Thái Bình), mà khách hàng của ông ở nhiều xã khác đều tín nhiệm ông về phong cách phục vụ.
Như chưa thoả mãn với những gì mình có, gần đây khi phong trào làm đầm nuôi tôm, cua ở quê phát triển, ông đấu thầu 4 sào đầm đầu tư gần 40 triệu đồng xây bờ bãi, nhà coi, mua máy bơm nước... Đầm cách nhà hơn nửa cây số, nhưng không có ngày nào ông vắng mặt tại đầm. "Càng làm càng thấy mình khỏe ra. Nhìn đàn tôm trong đầm lớn lên trông thật sướng mắt. Nhất là đến mùa thu hoạch, chỉ cần 1kg tôm là có bạc trăm rồi", ông Thận tâm sự.
Hút thêm một hơi thuốc lào, ông Thận kể: "Sự kiện cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập của tôi lịch sử đã ghi nhận. Giây phút ấy thật khó quên trong cuộc đời. Đây là hành động tất yếu của người chiến sĩ ở thời khắc lịch sử thiêng liêng. Bất kỳ ai thời điểm ấy cũng không thể làm khác. Việc làm đó trước hết thuộc về lịch sử dân tộc". Sau giải phóng miền Nam, hầu hết những người lính đi chiến đấu nhiều năm xa nhà đều muốn về quê như là một khát khao hạnh phúc. Những chiến sĩ trên chiếc xe tăng huyền thoại như Lư Văn Hỏa, Thái Bá Minh, Nguyễn Văn Kỷ trở lại với đời thường, nhưng chắc hẳn, cũng như ông Thận, họ sẽ không thể quên thời khắc lịch sử thiêng liêng - thời khắc do chính những người lính cụ Hồ tạo nên.
Chia tay ông Thận, trong tôi vẫn nhớ như in những lời tâm sự của ông: "So với biết bao đồng đội nằm lại nơi rừng xanh núi đỏ, tôi thấy mình đã may mắn quá nhiều. Chúng tôi đã cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, giờ đất nước thanh bình phát triển, còn niềm vui nào lớn hơn".